Qua cái tuổi 35, sếp Liên vẫn một mình lủi thủi đi về. Tự nấu ăn, tự chăm sóc và đôi khi chán nản, chị ghé qua rạp chiếu phim một mình.
Ai đó nhắc đến chuyện chồng con, chị chỉ thở dài ngao ngán: “Đã qua một lần đò, giờ sang ngang, biết đâu gặp một gã lái đò khác còn tệ hơn”. Kể từ khi chồng chị dứt áo chạy theo bóng hồng khác, trái tim chị gần nguội lạnh. Chị chọn công việc làm thú vui và tự nhủ rằng sẽ không rung động trước bất cứ người đàn ông nào.
“Người trẻ đến với mình thường là vì lý do nào đó tế nhị, thường liên quan đến tiền bạc và không hợp về tuổi tác. Người nhiều tuổi hơn thì có vợ. Họ đến với tôi, đơn giản là chút đồng cảm chứ không phải là chỗ dựa cho mình sau này”, chị Liên nói. Theo chị với những người đã chọn công việc là cuộc sống, đôi khi phải hy sinh tình cảm riêng tư. Và trái tim cũng không có chỗ cho những điều lãng mạn.
Chị Vân - giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội cho rằng nhiều phụ nữ thành đạt lại gặp trắc trở trong cuộc sống và lận đận đường tình duyên. Dù rằng, họ đi nhiều, tiếp xúc nhiều có mối quan hệ xã hội rộng. “Trong môi trường làm việc rất khó phát sinh tình cảm vì nhìn thấy nhau là thấy việc, thấy cả đống vấn đề cần giải quyết. Vì vậy mà cảm xúc ngày càng chai sạn đi”, chị Vân nói.
Hồi 18 đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất, chị Vân gần như dành toàn bộ thời gian cho việc học hành và nghĩ cách làm giàu. Chị tham gia hết khóa học này đến khóa học khác ở trong nước cũng như nước ngoài. Rồi, chị phấn đấu mở công ty, gây dựng sự nghiệp. Khi công việc đạt được một mốc nhất định, chị giật mình khi thấy mình đã bước sang tuổi “ngoài băm”.
Giờ tuổi đã 34, chị Vân cũng không còn trẻ để phiêu lưu trong các cuộc tình. Do vậy, mỗi lần nhận được tin nhắn, email từ những cậu thanh niên trẻ, kém mình vài tuổi, chị lại thấy gợn gợn trong lòng. Chị từng thất vọng nhiều lần khi biết những người này đến với mình vì tiền bạc nhiều hơn là tình cảm thật. Còn những người muốn cùng chị một mái ấm hạnh phúc thường đã qua một lần đò, chị lại ngại cảnh “con anh, con tôi con chúng ta”. Do vậy, chị Vân cho rằng để tìm một chỗ dựa có thể chia sẻ công việc, gánh vác gia đình theo chị là rất khó khăn.
“Sau mỗi giờ làm việc, một mình trở về nhà lụi hụi nấu ăn hoặc lang thang quán xá, đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng. Thế nhưng, ở cái tuổi được mọi người gọi là hâm rồi, tôi bắt đầu thấy ngại đề cập đến chuyện tình ái”, chị Vân nói.
Chị Thu Hương - Giám đốc một công ty quảng cáo ở Hà Nội nhận xét: Rất nhiều sếp đang sống một cuộc sống cô đơn và tẻ nhạt. Họ bị cuốn vào guồng máy công việc và cuộc sống nhàm chán, bất hạnh của chính mình. Đây được gọi là góc khuất của cuộc đời các sếp mà rất ít người đề cập và bản thân họ cũng ngại nói ra.
Với những sếp nam chưa vợ, họ cũng bị cuốn vào guồng quay của công việc nên cũng có rất ít thời gian để yêu. Đôi khi hôn nhân đối với họ như là việc xong nhiệm vụ để làm cha mẹ yên lòng. Vì thế, hậu hôn nhân, đời sống vợ chồng thường chệch choạc. Cuộc sống trở thành vô vị khi họ không tìm được niềm vui trong gia đình. Còn thú vui bên ngoài, sau những trận cười, tiếng dzô, cụng ly kêu lách cách cũng trở thành vô vị, chẳng đọng lại cái gì. Và rồi, họ rơi vào trạng thái buồn nản, cô đơn và stress.
“Rất nhiều bạn tôi sau một thời gian lao vào kiếm tiền, quay cuồng với công việc đã đành bài “lờ” chuyện vợ, chuyện chồng, thây kệ cái tuổi xuân qua đi. Thời gian rảnh họ dính vào một vài thú vui tiêu khiển như rượu, bia cho đỡ stress hoặc đánh golf, chơi tennis cho qua ngày”, chị Hương nói.
Theo chị, buồn chán, cô đơn, nhiều sếp lại dính vào chuyện bồ bịch, nhân tình. Có người coi tình ái như một thứ xả stress và để cân bằng trong guồng máy của công việc khi đang gánh vác trách nhiệm với cả hàng trăm nhân viên.
Anh Hải - chủ một doanh nghiệp vận tải cũng đồng quan điểm này khi trong cuộc sống gia đình, đôi khi có những việc sếp không thể chia sẻ được với vợ. Và rồi, họ dễ bị xúc động trước một bóng hồng khác, nhẹ nhàng, tình cảm biết lắng nghe và sẵn sàng chiều chuộng.
Theo anh, làm sếp tại VN thường chịu rất nhiều áp lực. Ra đường, ai cũng nghĩ doanh nhân là giàu có về tiền bạc, trong khi bản thân họ chưa chắc đã nghĩ vậy. Chưa kể, sếp đi đâu cũng được chiêu đãi bằng rượu tây, thuốc lá ngoại để rồi họ lại đối mặt với nỗi lo sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Nhiều bạn tôi ngoài 40 tuổi đang đối mặt với bệnh gút do thừa chất. Gan thận có vấn đề khi dùng nhiều bia rượu. Tóm lại, sếp như một cỗ máy khấu hao quá nhanh. Nói chung khi mắc vào những bệnh ấy thì giàu rồi cũng thành nghèo”, anh Hải nói.
Anh David Lâm, một Việt kiều đang đầu quân cho một công ty nước ngoài tại VN nhận xét: Ở nhiều nước châu Á đang phát triển như Việt Nam, ai cũng làm việc điên cuồng và quá stress. Mọi thứ có thể chuyển biến hằng ngày nhưng quá mệt mỏi. Trong khi đó, ở các nước châu Âu, châu Mỹ, họ đã qua giai đoạn quá độ và đang thiết lập một cuộc sống cân bằng để để đảm bảo cho các cỗ máy công việc hoạt động lâu. Bản thân các sếp cũng thấy công việc và cuộc sống có ý nghĩa, giá trị và có chiều sâu.
Quỳnh Giao
Nhãn: Sự nghiệp