Những ngày cuối năm đang cận kề báo hiệu chuỗi ngày của những buổi lễ tiệc nối tiếp nhau: lễ đón mừng măm mới, tiệc tất niên của công ty hay những sự kiện đánh dấu một năm thành công đã qua.
Và mỗi chúng ta đều cảm thấy rằng đây chính là một dịp hết sức đặc biệt để tất cả những người làm trong công ty họp mặt với nhau cùng thư giãn sau một năm làm việc.
Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn là như vậy!
Việc tổ chức tiệc ngoài giờ làm việc và không nằm trong khuôn viên văn phòng không có nghĩa là chúng ta có thể thoải mái xem như đang dự tiệc của một người bạn thân. Chính vì lẽ này, điều chúng ta cần lưu ý trước tiên là đừng bao giờ thể hiện những điều mà ta sẽ không bao giờ làm ở nơi công sở. Những hành động ngớ ngẩn vô tình này có thể đặt ta vào tình thế chẳng hay chút nào, thậm chí còn có hại cho công việc của ta sau này.
Hy vọng những phép xã giao sau đây sẽ rất hữu ích trong việc đảm bảo rằng ta vừa có thể tỏ ra mình là người hòa đồng, biết thư giãn, không quá đà mà lại không làm mờ nhạt đẳng cấp “chuyên nghiệp” của mình.
Điều cần lưu ý trước tiên là nên tránh những hành động cư xử hay những cử chỉ hấp tấp vội vàng
Những cử chỉ, thái độ điềm đạm luôn được đánh giá cao. Chuyện ăn uống là không thể thiếu được tại bất kỳ buổi tiệc nào và phong thái nhã nhặn khi thưởng thức là thật sự cần thiết và nên hạn chế dùng quá nhiều rượu hoặc bất kỳ loại thức uống nào khác có thể làm ta say khướt. Bởi vì một người say không thể làm chủ lời nói và hành động của mình! Bên cạnh đó, rượu còn có tác dụng không tốt cho sức khỏe, là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn và đẩy ta vào những khó khăn rắc rối, đồng thời sẽ để lại một ấn tượng về thái độ cư xử không hay trong đầu của những đồng nghiệp cùng dự tiệc. Và “câu chuyện về một kẻ say ngớ ngẩn” sẽ trở thành một đề tài “hấp dẫn” được nhắc đi nhắc lại hàng năm trời mỗi khi gặp nhau trong công ty. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu “kẻ say” đó chính là mình?
Lời khuyên thứ hai muốn nhắc chúng ta về cách ăn mặc khi đi dự tiệc:
Nên ăn mặc chỉnh tề (bởi vì dù sao đi nữa thì đây cũng là một buổi tiệc, nơi tất cả các đồng nghiệp trong cơ quan có dịp trao đổi giao lưu cùng nhau). Tuy nhiên, trang phục cũng đừng quá cổ hủ mà nên được chọn lựa cẩn thận để phù hợp với nội dung chương trình của buổi tiệc. Vì vậy, bạn nên tham khảo để biết sơ lược về chương trình buổi tiệc.
Cụ thể như nếu trong chương trình có phần khiêu vũ và bạn rất thích được tham gia thì bạn phải đảm bảo mang giày vừa phù hợp với trang phục lại vừa thoải mái khi bạn khiêu vũ. Một đôi giày phù hợp cũng tạo cho bạn sự thoải mái khi bạn phải đứng hàng giờ đồng hồ trong suốt buổi tiệc.
Trong một trường hợp khác, khi bạn có khả năng sẽ được mời ngồi trên sân khấu thì váy ngắn sẽ không phù hợp chút nào! Trong mọi trường hợp phải luôn luôn ghi nhớ là bạn đã phải mất rất nhiều công sức để tạo được một ấn tượng đẹp và chuyên nghiệp trong mắt đồng nghiệp. Vậy đừng vì một chút lơ đễnh trong trang phục mà làm cho số đông đồng nghiệp và cấp trên của bạn cảm nhận về bạn một cách khác đi!
Trong suốt buổi tiệc, nên tranh thủ thời gian để mở rộng quan hệ với các đồng nghiệp mà trước đây bạn chưa có cơ hội để tiếp xúc. Đây sẽ là thời điểm thích hợp để bày tỏ lòng cảm kích và sự biết ơn vì họ đã hỗ trợ và ủng hộ bạn trong suốt năm qua. Nếu khéo một chút, bạn có thể tận dụng cơ hội này để thể hiện mình trước các cấp lãnh đạo trong công ty. Tóm lại, khi dự tiệc công ty, đừng thu gọn mình lại và chỉ vui cùng các đồng nghiệp cùng bộ phận mà nên có tinh thần “tiệc tùng” hơn – cởi mở và chung vui với tất cả những đồng nghiệp ở các phòng ban khác trong công ty.
Không khí “tiệc tùng” này sẽ tạo thuận lợi cho bạn để tiếp cận với những cá nhân có thể ảnh hưởng tới nghề nghiệp của bạn. Một ít thời gian tìm hiểu trước về công việc hay sở thích sẽ giúp cho việc tiếp cận và trao đổi với họ dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí đôi khi, nội dung cuộc trao đổi chỉ đơn giản là việc san sẻ về vở kịch bạn vừa xem trong tuần qua.
Những ai có thể đi dự tiệc cùng bạn? Vợ hoặc chồng hay những người thân khác chưa hẳn được hoan nghênh 100% khi đến dự một buổi tiệc của công ty. Vậy nếu không chắc thì tốt hơn hết bạn đừng nên, một cách vô tình, gây khó khăn cho nhà tổ chức. Nên liên hệ trước để biết rõ ý tưởng của nhà tổ chức nhằm tránh tạo ra ấn tượng không tốt về sau.
Nếu như trong năm vừa qua, bạn đã rất xuất sắc trong công việc và là một nhân viên gương mẫu trong công ty, có thể bạn sẽ được mọi người nâng ly tán thưởng. Một cách trân trọng, hãy chấp nhận những lời khen tặng. Tuy nhiên không nên tự khen hay tự vỗ tay hoan hô khi mọi người đang tán dương mình. Để đáp lại, nên nâng ly với những người chúc mừng bạn, kèm theo lời cảm ơn chân thành.
Nếu không có lí do gì hết sức đặc biệt, đừng đến tiệc quá trễ và ra về quá sớm. Thật không đáng nếu chỉ vì chuyện sớm hay muộn mà cấp trên của bạn có thể cho là bạn không được lịch thiệp lắm và thuộc loại người không có ý thức tổ chức cao.
Một chi tiết nhỏ nữa mà bạn cũng cần lưu ý là nên gửi lời cám ơn đến ban tổ chức buổi tiệc, những người đã cố gắng rất nhiều trong việc tổ chức nhằm mang đến cho tất cả các bạn một khoảng thời gian tuyệt vời. Lời cảm ơn tưởng chừng như đơn giản, nhưng có giá trị tinh thần rất lớn đồng thời giúp bạn nổi bật hơn so với những nhân viên khác với thái độ thờ ơ không nhiệt tình. Cuối cùng thì một buổi tiệc tổ chức cho những ngày lễ của công ty mang nặng tính chất “ văn phòng” hơn là “ tiệc tùng”. Tính chất đặc thù trong công việc của bạn sẽ là nhân tố quyết định chừng mực cư xử của bạn trong suốt buổi tiệc, nhằm tạo ấn tượng tốt cho cấp trên cũng như đồng nghiệp của bạn mãi về sau này.
Quỳnh Giao
Nhãn: Sự nghiệp