Quần áo

Quần áo

18 thg 11, 2011

Nghề giáo khó, ló… dạy thêm!

Chẳng có ai là sống được với đồng lương “3 cọc 3 đồng” cả đâu, em ơi. Người ta không thu từ nguồn này cũng tìm cách thu từ nguồn khác mà thôi!

Chị dạy thêm 2 lớp thì có ăn thua gì? Có giáo viên trong trường chị, mỗi ngày “chạy 2 tua”, tháng kiếm cả chục triệu từ “chân ngoài” này ấy chứ!?

Đó là lời “trần tình” của chị Lan, một giáo viên tiểu học, cũng là hàng xóm thân thiết của tôi. Theo chị, gần như 100% giáo viên đều mở lớp dạy thêm, nghề giáo không tất bật như những nghề kiếm cơm khác, họ có thời gian rảnh, lại có chuyên môn, chỉ ai dại mới không nghĩ đến chuyện dạy thêm để tăng thu nhập!?

Chuyện chị Lan nói là chuyện “miếng cơm manh áo” của giáo viên, trên thực tế, vấn đề “đổi mới toàn diện giáo dục” trong đó có bàn đến “cải thiện đời sống giáo viên”, đã được đem ra mổ xẻ ở rất nhiều cuộc họp lớn cỡ trung ương, nhưng gần chục năm nay vấn đề chỉ mới giải quyết được ở “phần ngọn” theo kiểu chữa cháy, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng gấp đôi, gấp ba, nhà giáo nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tất nhiên, bão giá ảnh hưởng đến tất cả những người làm công ăn lương, những công nhân nghèo lĩnh lương tháng với thù lao bèo bọt, chứ không ảnh hưởng riêng đến nghề giáo viên. Nhưng nhà giáo, hơn ai hết, hơn lúc nào hết ở cái thời đại kim tiền này, người ta không thể đứng trên bục giảng nói bao điều hoa mĩ khi cái bụng cứ sôi ùng ục vì đói khổ. Nhiều giáo viên đã bán rẻ cái “trọng trách trồng người thiêng liêng” cho những âm mưu kiếm tiền, cho những kế hoạch dài hơi để tăng thu nhập. Âu đó cũng là do cuộc sống đưa đẩy, trách làm sao được họ?

Vấn đề “dạy thêm” để tăng thu nhập, được các giáo viên chấp nhận là “giải pháp hoàn mĩ” trong khi những giải pháp mang tính chiến lược của các cấp lãnh đạo đang nằm trên giấy hoặc chu du hết các bộ này qua ban ngành khác.

Theo thống kê trong báo cáo, số giờ dạy ngoài quy định của giáo viên lên tới 72 giờ/tuần, nhưng trên thực tế, giáo viên dạy bao nhiêu giờ bên ngoài làm sao mà thống kê được? Chẳng ai cấm được họ, mà cũng không nỡ cấm khi lương giáo viên thâm niên 10 năm được khoảng 3 triệu đồng, lương giáo viên trẻ chỉ trên dưới 2 triệu. Vậy là việc dạy thêm ngoài luồng của giáo viên đương nhiên được xã hội chấp nhận.

Vấn đề cần bàn ở đây là dạy thêm thì dạy cái gì? Dạy như thế nào để xứng đáng nhận đồng tiền từ phụ huynh học sinh, vì không phải bố mẹ nào cũng đủ tiền để thỏa mãn tất cả nhu cầu học thêm cho con cái.

Giáo viên thường “ủ chiêu” để truyền đạt cho học sinh trong những buổi học thêm, những mưu mẹo mà trong giờ học chính chẳng bao giờ học sinh được lĩnh hội, có sự thật đã tồn tại rằng, học sinh đi học thêm nhà cô thì đạt danh hiệu khá, giỏi, học sinh không đi học thêm thì bị học lực trung bình, yếu, kém.

Dạy thêm để lấy thành tích, kéo theo chạy thành tích, thậm chí chạy cả danh vị, chức tước, qua điều tra người ta còn phát hiện ra học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ cũng giả.

Xã hội đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức học đường, về sự tha hóa nhân cách của giáo viên, mà suy cho cùng cũng bắt đầu từ thu nhập bất ổn mà cuộc sống vật chất đòi hỏi họ phải thay đổi…

Nghề giáo khó… ló dạy thêm, là sự bắt đầu của nhiều hệ lụy trong ngành giáo dục!

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ