“Không thở nổi” vì chồng là giáo viên quèn
Chị thông minh, tháo vát trong “cơ chế thị trường” bao nhiêu thì ngược lại anh “bôn” bấy nhiêu. Ngày 20 – 11, ngày lễ, tết, hay bất cứ ngày gì có thể, chị đều biến thành những ngày quan trọng để nhận quà…
“Tại sao tôi lại đồng ý lấy anh chứ?”. Không biết bao lần chị Lam tự hỏi rồi lại cố tìm câu trả lời, mà lần nào chị cũng không thấy thỏa mãn với những lý giải của mình. Chồng chị đẹp trai ư? Có một chút! Chồng chị yêu chị ư? Đúng là tình yêu chị dành cho anh ít hơn nhiều những điều anh đã làm cho chị!
Vợ chồng, có lẽ đó là duyên nợ, nên trong số bao nhiêu người anh chị mới chọn được nhau. Vậy mà, nên vợ nên chồng đã gần chục năm, có với nhau 2 đứa con xinh xắn, đủ nếp, đủ tẻ, chị Lam vẫn thảng thốt giật mình mỗi khi tự vấn lý do lấy anh.
Chả gì thì chị Lam cũng nổi tiếng xinh đẹp nhất trường. Ngày mới tốt nghiệp, anh chị đều được điều động lên dạy học ở một huyện miền núi. Chị Lam là một bông hoa đẹp, nhưng chỉ lặng lẽ tỏa hương ở chốn heo hút, buồn tẻ. Sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt của anh giáo nghèo đồng nghiệp khiến chị dễ dàng gật đầu làm vợ anh.
Sau 5 năm dạy học ở miền núi, anh chị đều được chuyển về sở giáo dục dưới miền xuôi, chị mừng vì từ nay anh chị có cơ hội “nở mày nở mặt” hơn. Nhưng dường như chỉ có chị là vui mừng trong toan tính, còn anh cứ dửng dưng như thể cơ hội đến và đi là chuyện đương nhiên.
Chị xinh đẹp, hình như đó là lý do khiến các sếp ưu ái chị hơn trong mọi việc, chị được đề bạt làm trưởng bộ môn, rồi phó khoa, trong khi anh chỉ đì đẹt ở vị trí một giáo viên chủ nhiệm mẫn cán.
Chị thông minh, tháo vát trong “cơ chế thị trường” bao nhiêu thì ngược lại anh “bôn” bấy nhiêu. Ngày 20 – 11, ngày lễ, tết, hay bất cứ ngày gì có thể, chị đều biến thành những ngày quan trọng để nhận quà. Việc dễ như trở bàn tay, hoàn toàn chị có thể quyết, nhưng chị cứ hẹn với phụ huynh hết lần này đến lần khác, làm bộ khó khăn để phụ huynh học sinh tình nguyện móc hầu bao quà cáp, biếu xén chị.
Anh luôn không đồng ý với cách làm của chị, anh không cho chị nhận quà, nhận tiền của phụ huynh học sinh, nhưng chị toàn lén lút nhận bên ngoài rồi đem về, khiến anh phải đồng ý như một sự đã rồi.
Anh chưa bao giờ làm khó học sinh, cũng không nhận phong bì, quà cáp biếu xén của gia đình các em. Chỉ duy nhất trong ngày 20 – 11 mỗi năm, anh đồng ý nhận của học trò bó hoa chung lớp tặng
Chị bực bõ, khó chịu. Chị cảm thấy “không thở nổi” khi nghĩ đến tính cách gàn dở, lạc hậu của anh. Biết bao nhiêu lần chị tìm cách gây sự là bấy nhiêu lần anh chỉ nín nhịn, rồi giải thích duy nhất một câu: “Anh chỉ làm đúng sứ mệnh “trồng người” mà cuộc đời giao phó, những việc khác có chết anh cũng không làm được!”.
Nhiều lần chị nghĩ đến ly hôn, cũng nhiều lần chị dao động bởi sự săn đón của những đồng nghiệp hào hoa, những khách hàng giàu có từ các mối làm ăn của chị. Tuy nhiên, chị cũng chưa dám bước qua ranh giới hôn nhân, cái mác giáo viên níu giữ chị không thể quá đáng một cách công khai, vả lại chị vẫn còn hai đứa con…
Nhưng, chị luôn sống trong sự ấm ức, bực dọc phải che giấu. Mỗi lần nhìn cách sống của anh, rồi nhìn cách kiếm tiền của thiên hạ, chị lại “không thở nổi” với ý nghĩ tại sao anh có thể mãi chấp nhận là một giáo viên quèn? Chị mơ ước một cuộc sống có nhà lầu, xe hơi, chị muốn được chiều chuộng, cung phụng vì chị xinh đẹp. Mơ ước đó thì có gì sai đâu?
Chị không lý giải nổi tại sao trước đây chị lại dễ dàng đồng ý lấy một người chậm tiến như anh? Có lẽ anh mãi mãi sẽ không thay đổi! Vậy, chị có nên thay đổi không?
Nhãn: Gia đình
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ