Nghệ sĩ Huỳnh Mai - Tuấn Phương: Trọn đời tào khang
Cái tên Huỳnh Mai của chị có lẽ còn xa lạ với công chúng, nhưng chiếc kính cận dày cộp và lối diễn tự nhiên, mộc mạc trong những vai bà mẹ của chị lại rất quen thuộc với khán giả truyền hình qua các bộ phim: Hương phù sa, Ký sự pháp đình, Dưới cờ đại nghĩa, Những cuộc tình trắng đen, Ai… và phim Tình khúc mùa thu đang phát trên kênh VTV6. Còn với đồng nghiệp, chị càng nổi tiếng hơn khi đã giành được chồng - nghệ sĩ (NS) Tuấn Phương từ tay tử thần.
Nhắc lại chuyện này, ông xã Tuấn Phương của chị chỉ cho tôi xem vết mổ dài, kết quả ca phẫu thuật không thành do khối u quá lớn nên bác sĩ đành phải đóng ổ bụng lại, rồi cười, nói: “Bị bệnh viện chê, nhưng lạ lùng là tôi vẫn còn sống đây”. Anh nhìn vợ trìu mến, giọng trầm lại: “Đúng là cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu, nếu không có sự chăm sóc tận tụy của gia đình, sự nhiệt tình của các thầy thuốc và sự quan tâm của các đồng nghiệp, chắc chắn tôi “đi” lâu rồi. May mắn nhất cuộc đời này là tôi đã được gặp Mai”. Còn chị nhẹ nhàng nói: “Tôi rất hạnh phúc khi gặp được anh Hòa (chị vẫn gọi anh bằng cái tên cúng cơm), cuộc đời mình gặp những điều trái khoáy, lạ lùng nhưng đoạn kết lại có hậu”.
Chị đam mê cải lương, mê mùi mê mẫn - nhưng từ nhỏ, chị đã bị bệnh suyễn kinh niên, nhiều lúc “thở không ra hơi, ở đó mà còn hát hò” như ba chị nói. Vì vậy, ba chị - tuy là nhạc sĩ, là người chơi đờn ca tài tử có tiếng ở Vĩnh Long, nhưng dứt khoát không truyền nghề cho con. Ấy thế mà cải lương như có sẵn trong chị: đưa em, chơi đồ hàng, nấu cơm… bất cứ lúc nào chị cũng ngân nga hát, dù thường bị trật nhịp, sai bài. May thay, chính điều này làm ba chị bực mình, “ngứa nghề” nên đã truyền hết “tuyệt kỹ” cho con gái và khuyên chị thi vào lớp đào tạo diễn viên đầu tiên của Nhà hát Trần Hữu Trang (THT) năm 1978. Cũng thời gian này, bên kia con sông Cổ Chiên - ở Bến Tre, chàng trai út của một gia đình thầu khoán, vốn bị cha cấm đoán hát hò, bỗng dưng được cha cho thành nghệ sĩ nên cũng nộp hồ sơ thi. Cả hai cùng vượt vũ môn thành công và như nhiều người bạn thân của họ vẫn nói: ở ngôi trường này, định mệnh đã dành sẵn “nửa kia” cho anh chị.
Tình cảm của họ dần nhen nhóm trong những lần “nấu ăn chung” với nhau, nhưng chị vẫn luôn giấu tình cảm của mình vì muốn tập trung học hành. Hơn nữa, trông anh hào hoa, lại là em ruột của NS Tuấn Thanh - nên có nhiều cô gái vây quanh và cũng vì chị mang mặc cảm bệnh tật. Lúc ấy, do sợ nhà trường phát hiện bệnh sẽ đuổi học (vì không có hơi ca) nên chị luôn sống trong sợ hãi. Tìm hiểu rồi biết được bệnh tình của cô bạn cùng khóa, “anh không nói hay khẳng định gì cả, nhưng nhìn vào mắt anh, tôi cảm nhận được sự chia sẻ, tình yêu thương dâng tràn” - chị hồi tưởng. Còn anh lý giải: “Lâu nay tôi quý Mai vì nết học, nết người, giờ biết Mai bị bệnh, tôi càng khâm phục hơn nghị lực của Mai, nhất là những buổi sáng phải đi bộ từ lầu một lên lầu 12 để tập thể dục, với người bệnh như Mai thì đúng là tra tấn, nhưng Mai không bao giờ đầu hàng. Vì vậy, tôi càng thương Mai hơn”.
Sau đó, anh thưa chuyện với gia đình nhưng bị gia đình, bè bạn kịch liệt phản đối vì sợ đời anh khổ khi cưới một người bệnh như chị. Sự cấm cản càng tăng khi gần cuối khóa học, chị thường xuyên nhập viện. Chị rưng rưng: “Không biết đến bao giờ tôi mới trả hết nợ ân tình cho chồng. Những ngày tôi nằm viện, anh tất tả ngược xuôi. Sáng, trưa, chiều, anh tranh thủ chạy vô lo cơm nước cho tôi rồi về trường học. Anh hỏi bác sĩ cách chăm sóc người bệnh suyễn và khi tôi lên cơn, anh lặng lẽ ngồi vỗ lưng cho tôi đến lúc nào tôi dịu cơn. Khi đoàn hát Thanh niên THT đi biểu diễn phục vụ ở biên giới, chiến trường Campuchia và Đại hội Đảng ở Hà Nội, tôi phát bệnh nên phải nhập viện cấp cứu. Lúc đó, anh là kép chính, diễn một ngày ba suất, nhưng cũng tranh thủ chạy ra vô cơm nước, chứ không an tâm để người khác lo thay. Thầy Dương Ngọc Hùng, Phó hiệu trưởng có lần đã nói trước lớp tôi: “Huỳnh Mai bị bệnh không thấy nó chết, mà thấy thằng Hòa chết”.
Chẳng biết cuộc đời muốn thử thách vợ chồng anh chị hay sao, mà để hai người được trả nợ ân tình cho nhau khi anh ngã bệnh vào năm 2006. Nghe tin anh bị ung thư, chị cùng con trai Phạm Hoàng Sơn (SN 1987) tưởng mình bị tuyên án tử hình. Đối diện với thử thách quá nghiệt ngã, người phụ nữ bệnh tật, yếu đuối ấy bỗng trở nên mạnh mẽ lạ thường. Chị vượt lên bệnh tật của chính mình để tồn tại, để cùng chồng chống chọi với căn bệnh ung thư của anh. Mỗi ngày, chị phân thân thành nhiều vai: sáng chiều đến trường giảng dạy (chị là giảng viên môn kỹ thuật biểu diễn kiêm Trưởng phòng nghệ thuật của Nhà hát THT), trưa, tối làm điều dưỡng chăm sóc chồng, cuối tuần lại đi đóng phim để lo kế sinh nhai. Đi đâu chị cũng tìm thuốc thang cho chồng và học nấu những món ngon, lạ miệng với hy vọng anh ăn được. Dù cơ thể anh không tiếp nhận được thức ăn, sữa, chỉ duy trì sự sống bằng truyền dịch nhưng chị vẫn làm mọi điều cho anh. Chị chỉ căn phòng rộng gần 20m2, bảo: “Lúc đó, tài sản nhà này chỉ toàn những chai nước biển, chất đầy phòng. Dù bác sĩ bảo không có hy vọng, nhưng tôi luôn tin anh sẽ ở lại. Tôi tin một người chồng, người cha yêu thương gia đình như anh không thể ra đi. Những năm mới cưới, cuộc sống quá khó khăn, anh phải lăn lộn đi làm phụ hồ, sửa điện, nước, đốn cây mướn… để có tiền mua sữa cho con, dù lúc đó anh làm Phó trưởng đoàn 2 rồi Đoàn 3 của Nhà hát THT. Có khi anh lên sân khấu hát mà tay còn dính vôi, vữa, mọi người chọc: người ta đi hát đánh phấn tay, còn Tuấn Phương đánh vôi. Anh không buồn mà còn tự hào vừa được theo nghề, vừa lo được cho vợ con. Anh vẫn nghĩ mình chỉ bệnh bao tử, điều đó càng làm tôi đau đớn hơn. Bao đêm mẹ con tôi ôm nhau khóc, khóc hết nước mắt lại động viên nhau, và chúng tôi đã làm tất cả vì hy vọng đó”.
Bất chợt nhìn sang anh, tôi thấy giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh xúc động: “Suốt những năm nằm nhà, Mai chăm sóc tôi không chỉ như một người bạn đời, mà còn là một người mẹ chăm con trong sự bao dung vô bờ: dịu dàng, ân cần, nhẫn nại, vì lúc đó người tôi rất đau, ăn uống lại không được nên hay cáu gắt, khó chịu. Vậy mà Mai không bao giờ lớn tiếng. Ngay cả sau này, khi tôi được bác sĩ Hải, BV Y học cổ truyền trị khỏi bệnh vào năm 2010, Mai vẫn chăm sóc tôi rất kỹ lưỡng”.
Vừa hết bệnh, anh lại lao về phía trước, hết đi diễn lại làm thầy giáo, tận tụy, nhiệt tình truyền nghề cho học trò (anh cũng là giảng viên Nhà hát THT) khiến chị vừa mừng, vừa lo, vì anh làm nặng lại bị sốt.
Đã 29 năm trôi qua, nhọc nhằn đi bên những thử thách, thăng trầm trong cuộc đời, nhưng anh chị vẫn lèo lái vững con thuyền hạnh phúc. Niềm vui càng tăng lên khi cậu con trai duy nhất của anh chị đã tốt nghiệp đại học và có nghề nghiệp ổn định. Với anh chị, giữ được lửa hạnh phúc, đơn giản vì hai người có cùng điểm chung: say mê nghề và biết sống vì nhau. Chính những điều đó đã giúp anh chị viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Dù bác sĩ bảo không có hy vọng, nhưng tôi luôn tin anh sẽ ở lại. Tôi tin một người chồng, người cha yêu thương gia đình như anh không thể ra đi.
Nhãn: Gia đình
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ