Quần áo

Quần áo

3 thg 11, 2011

Tự sự đẫm nước mắt của một gái nhảy

Nhiều lần, tôi bốc máy gọi cho M., cô đều từ chối gặp với lý do: Những người làm nghề như cô, còn gì mà nói; có nói, cũng chẳng ai nghe.

Thôi thì, má hồng phận bạc; càng cố chôn chặt quá khứ bão bùng ấy càng sâu càng tốt. Thế nhưng, quá khứ bão giông ấy nó cứ như một bóng ma ám ảnh cuộc đời cô. Đêm đêm, cô chợt bừng tỉnh giấc rồi la hét, mồ hôi nhễ nhại. Có lẽ, chẳng bao giờ M quên được kí ức đó.

Gặp M. sau gần hai năm chị “giải nghệ”, những dấu vết tàn phá vẫn đeo bám, khắc sâu trên dung nhan người phụ nữ một thời khuấy đảo các sàn nhảy. Dường như những ám ảnh về “quá khứ” vẫn khiến chị giật thót mỗi lần nhắc đến.


Nhưng, chị vẫn kể lại cho chúng tôi nghe, bằng chất giọng trầm buồn, khàn đặc khói thuốc. Vì “nói được nó ra đến đâu thì nó làm cho tâm trí mình nguôi ngoai đi chừng ấy”.


Tuổi thơ bầm dập


Sinh ra và lớn lên trên một vùng biển nghèo. Ký ức về những bãi cát dài nóng bỏng chân, những cơn gió xơ xác quện mùi biển mặn mặn mòi và những ngôi nhà xiêu vẹo như chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí chị.


M. nói, chị có thể ngồi cả ngày để kể về quê hương, về những buổi chiều ngồi trước biển nghe sóng vỗ, ngắm những con cá nhỏ bằng ba bốn ngón tay được gỡ khỏi lưới vào buổi sớm mai và những đêm trăng tròn vành vạnh long lanh trên mặt biển.


Tôi bảo, chị có tâm hồn lãng mạn, M cười: mỗi người dân vùng biển đều mang trong mình một nhà thơ. Nghe M kể chuyện, tôi bỗng quên mất người ngồi trước mặt mình đã từng là cô vũ nữ với những điệu nhảy bốc lửa từng làm điên đảo các đại gia trẻ một thời.


Quá khứ bão giông nó cứ như một bóng ma ám ảnh cuộc đời cô (Ảnh minh họa)


Hồi nhỏ, M là một đứa trẻ lầm lì, ít nói. M không bất hạnh như một số đứa trẻ khác ở vùng biển quê mình. M có đủ cả cha lẫn mẹ. Sự mất mát, thiếu hụt ở nơi đó là chuyện thường tình lắm. Sóng to, biển dữ, thuyền tàu lênh đênh trên biển khó hẹn ngày trở về.


Những đứa trẻ lấm lem cát bằng tuổi M thường mất bố từ nhỏ. Nhưng M lại bị rơi vào một bi kịch khác. Bi kịch của niềm tin bị đánh mất.


Tuổi thơ M lớn lên trong những trận đòn bạo liệt của bố mỗi lần ông uống rượu say. Mẹ không thể can ngăn vì cũng đang oằn mình hứng chịu những cú đấm đá của chồng. Sau những chuyến đi dài ngày trên biển, bố không tin M là con của ông.


Bố M đen đúa, còn M da trắng bóc. Mắt bố chị dài, lầm lì còn mắt chị tròn xoe. Mẹ M lại xinh đẹp, diễm tình. Ông chửi rủa mẹ M là đồ lăng loàn, là giống đĩ thõa. M cười buồn nói với tôi: “Ngày xưa, nghe hai từ đĩ thõa từ bố, cứ nghĩ nghĩa của nó là đẹp như mẹ vậy. Đến khi lớn lên thì mới biết hóa ra nó là đòn roi, là nhục nhã”.


Năm 17 tuổi, M có mối tình đầu tiên. Đó là một người đàn ông lái tàu chở than, đến từ một nơi khác. Người đàn ông đã chững tuổi, rắn rỏi và biết cách quan tâm. Người đàn ông này đã cho M một bờ vai vững chắc để dựa vào.


Trong men say của tình yêu, M đã đem cả tấm thân trong trắng, đáng thương trao cho người đàn ông ấy.

Ngày M phát hiện ra mình trót mang trong mình đứa con của anh ta sau những lần ái ân vụng trộm, cũng là lúc có đám phụ nữ kéo đến đánh ghen...


Kể đến đây, giọng chị nghẹn lại, chị bắt đầu phải đưa tay quệt ngang những giọt nước mắt. Những cú đạp mạnh vào bụng đã khiến chị trụy thai. Nhìn dòng máu đỏ chảy ướt lênh láng đũng quần, chị thấy mình đau như bị ai cầm dao cắt đi từng khúc ruột.


Nhục nhã ê chề trong mắt xóm làng, bố M uống nhiều rượu hơn, đánh đập mẹ con chị dữ tợn hơn. Trong một lần không kiểm soát được cơn say, ông trói mẹ M lại dưới chân giường, để bà chứng kiến cảnh ông hỉ hả cưỡng đoạt thân xác cô con gái mang dòng máu đĩ thõa của mình.


Mẹ M vì quá đau đớn và uất ức đã tìm đến cái chết dưới lòng biển. Không còn gì vương vấn, lại không thể đối mặt với chính người cha của mình, M ra đi.

Giọng chị kể nghe xót xa, cái xót xa của một người phụ nữ có tuổi thơ đầy rẫy ám ảnh tủi nhục. “Giá như hồi ấy có xét nghiệm ADN em nhỉ, thì mẹ con chị đâu đã phải chịu khổ, biết đâu đã có một cuộc đời khác rồi. Mà em biết không, chị vẫn ước chị không phải là con gái của ông ấy, như vậy những điều đã trải qua đỡ nhục nhã hơn” – M gạt ngang giọt nước mắt chực trào ra.


Lối rẽ


Một mình giữa nơi đất khách quê người, không ai quen biết. Nhưng với khuôn mặt dễ nhìn, lại có vóc dáng săn chắc, nhanh nhẹn của những người con gái vùng biển. M được nhận vào làm công việc chạy bàn tại một vũ trường.

“Công việc tử tế duy nhất của chị đấy!”- M nói.


M mất một thời gian dài để làm quen với việc bưng khay đồ. Càng khó khăn hơn khi thích ứng với âm thanh chát chúa và tiếng hò hét đến lạc giọng của những vị khách tìm đến sàn nhảy.


Họ nhiều tiền và chi rất mạnh tay cho những đêm vui vẻ. Nhưng số tiền kiếm được đôi khi chẳng đủ để chị trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn hàng ngày. M ở chung nhà với mấy cô vũ nữ làm việc tại sàn nhảy.


Ngày nào họ cũng phấn son lòe loẹt, váy áo xúng xính. Họ kiếm được rất nhiều tiền từ những đêm nhảy mồi và biểu diễn.

M thật thà kể, thời điểm ấy, không hiểu sao trong đầu chị dày đặc những suy nghĩ về tiền bạc. “Hình như lòng tham tồn tại ở phía bên trong. Mà bản chất mình yếu đuối, nhu nhược. Khi thấy những đồng tiền tuôn ra là mình cứ mụ mị lao theo nó”.


Chị bắt đầu tập tành nhảy nhót. Vốn thân hình cân đối, dẻo dai, nở nang, chẳng mấy chốc M đã thành thục với đủ các ngón nghề uốn éo, múa lượn từ những cái lắc hông, uốn thân, đẩy ngực.

Trong ánh đèn nhập nhoạng, bôi phấn thật dày, tô môi thật đậm, M quên đi chính mình với những bộ trang phục cũn cỡn, màu mè, khiêu gợi.

Từ lúc nào, M trở thành một cô “gái nhảy” với những màn múa bốc lửa làm điêu đứng các đại gia tìm đến sàn nhảy mua vui.


Câu chuyện bị chững lại ở đó, M thoáng nhiên dừng lại, đôi mắt nhìn xa xăm như đang ngẫm nghĩ điều gì đó. Có thể là chị đang nuối tiếc, hoặc chị đang tự trách bản thân, đang dằn vặt vì những cú sẩy chân trượt ngã.


Chúng tôi cố giữ im lặng, không cố gặng hỏi thêm. Bởi chúng tôi biết, đó mới chỉ là quãng đầu tiên “biển lặng” trong phần tư cuộc đời vẫy vùng trong tiếng nhạc của cô gái vùng biển có đôi mắt u buồn.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ