Quần áo

Quần áo

3 thg 11, 2011

Thiếu i-ốt đe dọa thai nhi

Nếu như trước đây, tình trạng thiếu i-ốt xảy ra nhiều ở khu vực miền núi thì kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM đem lại kết quả giật mình: 72,8% phụ nữ mang thai trên địa bàn thành phố thiếu i-ốt. Phụ nữ mang thai thiếu i-ốt sẽ có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc đứa trẻ sinh ra đần độn.

Trẻ đần độn từ khi mới sinh

Ngoài kết quả 72,8% phụ nữ mang thai ở thành phố bị thiếu i-ốt, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM còn công bố: Có đến 39,6% phụ nữ mang thai thiếu kẽm, 28% phụ nữ đang cho con bú thiếu vitamin A. Đây là thực trạng đáng báo động về tình trạng dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng và i-ốt sẽ làm giảm phát triển trí tuệ ở trẻ, tăng nguy cơ tai biến sản khoa. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do chất lượng bữa ăn không đảm bảo, bên cạnh đó một số loại bệnh làm tăng nhu cầu về vi chất của cơ thể.

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, phụ nữ mang thai nếu thiếu i-ốt sẽ gặp nguy cơ đe dọa thai nhi rất lớn. Ngoài nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, thai kém phát triển, đứa trẻ sinh ra sẽ bị thiểu năng trí tuệ do tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ cũng có nguy cơ bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân...

Không chỉ nguy hại với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, đứa trẻ khi sinh ra mà thiếu i-ốt hay thời kỳ thiếu niên mà thiếu i-ốt cũng có thể gây ra tình trạng chậm phát triển thể lực, đần độn.

Với những người bình thường, thiếu i-ốt gây nên bướu cổ do phì đại tuyến giáp. Nguyên nhân là vì tuyến giáp là nơi sản xuất các hormone giáp trạng, trong đó i-ốt là một nguyên liệu chủ yếu để tổng hợp hormone này. Khi thiếu i-ốt, cơ thể sẽ phản ứng bù trừ bằng cách tăng sinh tuyến giáp, nhằm tăng cường các hoạt động để sản sinh lượng hormone đầy đủ, vì vậy dẫn đến hiện tượng phì đại tuyến giáp (bướu cổ). Tuy nhiên, bướu cổ do thiếu i-ốt chỉ là biểu hiện bên ngoài mà chúng ta dễ nhận thấy. Điều nguy hại là thiếu i-ốt sẽ gây ra một loạt các rối loạn chức năng với các hậu quả nghiêm trọng trong đó có ảnh hưởng đến sự chậm phát triển thể lực, đần độn.
Bổ sung thiếu hụt bằng cách nào?

Không chỉ phụ nữ mang thai mà ngay cả với những người bình thường sống ở thành phố vẫn phải bổ sung thêm muối i-ốt hàng ngày để phòng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt.
(Theo TS. Nguyễn Thị Lâm)
Nếu như vài chục năm trước đây, tình trạng bướu cổ do thiếu i-ốt chỉ thường xuất hiện ở vùng miền núi thì hiện đã xuất hiện ở thành phố. Lý giải về điều này, trong một tài liệu do các chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia soạn thảo cho rằng, trong thiên nhiên i-ốt được dự trữ chủ yếu trong nước biển.
Từ biển, i-ốt theo hơi nước bay lên và đưa vào đất liền. Như vậy, mưa đã bổ sung i-ốt vào cho đất nhưng cũng chính mưa và lũ lại kéo theo i-ốt ra biển. Quá trình bào mòn i-ốt này là liên tục, lượng i-ốt bị kéo trôi ra biển lớn hơn lượng được cung cấp. Chính vì lý do này mà cây cỏ, lương thực, động vật được nuôi trồng ở vùng đất thiếu i-ốt cũng bị thiếu i-ốt. Con người ăn những thức ăn thiếu i-ốt trên nên cũng bị thiếu i-ốt.

Theo TS. Nguyễn Thị Lâm, chính vì những lý do trên nên không chỉ phụ nữ mang thai mà ngay cả với những người bình thường sống ở thành phố vẫn phải bổ sung thêm muối i-ốt hàng ngày để phòng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt.

Về vấn đề phụ nữ đang cho con bú thiếu vitamin A, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn. Bởi vitamin A là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể để bảo vệ toàn vẹn biểu mô giác mạc và các tổ chức biểu mô ở da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn. Khi thiếu vitamin A, cơ thể sản xuất các niêm dịch giảm, da khô, biểu mô giác mạc và các ống dẫn tuyến lệ bị sừng hóa gây khô mắt. Nặng hơn nữa sẽ dẫn tới hiện tượng bị quáng gà.

Để khắc phục tình trạng thiếu vitamin A, bà mẹ đang cho con bú cần bổ sung những thức ăn có nguồn gốc động vật như: Trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm. Các loại rau có màu xanh đậm như: Rau ngót, rau muống, rau dền, rau diếp, xà lách và các loại củ quả có màu vàng, da cam như gấc, bí đỏ, hồng, mơ, đu đủ, xoài...

Để bổ sung kẽm, thai phụ nên sử dụng những thực phẩm giàu kẽm như: Nhộng tằm, sò, hến, thịt bò, thịt gà, thịt cừu, thịt lợn nạc, cua bể, cá, ếch sấy khô, lòng đỏ trứng gà; các loại rau củ như: Củ cải, cà rốt, đậu xanh, đậu hà lan, măng chua, rau ngót, rau húng quế, cải xanh, rau ngổ, hành tây, đậu tương, hạt kê, tỏi, cùi dừa già... để tăng hàm lượng kẽm khi mang thai.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ