Quần áo

Quần áo

29 thg 9, 2011

Những điều nên biết về tự kỷ

Không có lứa tuổi cố định nào cho những triệu chứng đầu tiên của bệnh tự kỷ, và triệu chứng đó cũng thay đổi theo từng độ tuổi. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm đến những đứa trẻ của mình nhiều hơn!

Thời gian gần đây, thuật ngữ “Tự kỷ” dường như trở nên quen thuộc hơn với dư luận xã hội. Tự kỷ vốn là thuật ngữ chỉ một dạng rối loạn bệnh lý tâm thần, nhưng do sự thiếu hiểu biết mà các bậc phụ huynh có sự nhầm lẫn đáng tiếc khi kết luận con mình bị tự kỉ rồi đưa con vào những trung tâm trị liệu dành cho trẻ tự kỷ... Sự nhầm lẫn này sẽ đem lại những hậu quả cực kỳ to lớn đối với sự phát triển của trẻ cả về tâm lý và thể chất.
Trẻ bị tự kỷ không phải do cha mẹ?
Các chuyên gia cho biết, cha mẹ không làm gì khiến con bị tự kỷ. Bệnh có nguồn gốc sinh học do não bộ cấu tạo không hoàn chỉnh mà không phải do cha mẹ làm gì trước lúc sinh, trong khi sinh hay nuôi con không tốt. Chứng tự kỷ không thể được nhận biết khi đang có thai hay khi trẻ được sinh ra. Cho tới nay vẫn chưa có thử nghiệm y khoa nào để tìm ra bệnh trước khi sinh.

- Không có lứa tuổi cố định nào cho những triệu chứng đầu tiên của tự kỷ xuất hiện. Bệnh thường biểu lộ qua các triệu chứng từ khoảng 2-4 tuổi nhưng cũng có trường hợp sớm hơn hay trễ hơn.

- Các triệu chứng biểu lộ từ từ và thay đổi rất nhiều ở các trẻ tự kỷ. Đa số các trẻ không có tất cả các triệu chứng thường gặp mà chỉ xuất hiện 1 hay nhiều triệu chứng trong số đó.

- Các triệu chứng ở trẻ tự kỷ thay đổi theo tuổi và các bậc cha mẹ nên quan sát con mình để sớm phát hiện ra các triệu chứng này.

Triệu chứng của trẻ tự kỷ
6 tháng đầu

Không có triệu chứng nào rõ rệt. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng: trẻ tự kỷ muốn được bế nhưng không thực sự muốn được ôm ấp.

6 - 12 tháng

Nói chung các biểu hiện không rõ ràng, trẻ phát triển bình thường. Các triệu chứng thể hiện rõ rệt hơn ở các giai đoạn sau.

18 tháng

Cha mẹ cần lo ngại khi trẻ:

- Không nhìn vào mắt bạn

- Khôn có sự phản ứng khi nghe gọi tên

- Tỏ ra rất thờ ơ với người khác

- Chậm nói. Các trẻ bình thường ở tuổi này có thể dùng được 10 chữ trở lên

3 - 5 tuổi

Cha mẹ có thể thấy rất rõ các biểu hiện bất bình thường của con nếu mắc chứng tự kỷ:

- Trẻ không nhìn vào mắt bạn hay ai khác

- Trẻ không chú ý mấy đến người khác

- Trẻ chơi một mình và tỏ vẻ không muốn chơi với các bạn khác

- Có phản ứng khác thường với cảm xúc của người khác. Ví dụ: ai đó khóc hay bị đau thì trẻ làm ngơ hoặc cười lớn..

- Dùng ngôn ngữ khác với các trẻ xung quanh: biết nói rất ít, nhái lại lời được nghe, nói dài dòng mà ít nghĩa hay chỉ lặp đi lặp lại, khó hiểu lời người khác...

- Không thích chơi trong nhóm, nếu có thì đòi chơi theo luật của mình.

- Chơi một trò chơi hay một đồ chơi trong nhiều giờ hay ngày nào cũng chơi và rất bực bội khi bị cấm chơi.

- Khăng khăng đòi mọi vật lúc nào cũng phải ở nguyên chỗ cũ.

- Có cử chỉ khác thường như: thích quay vòng tròn hay lắc lư

- Thích xếp vật thành hàng: sách, đồ chơi...

- Trẻ quá nhạy cảm về thính giác, xúc giác hay với các mùi.

6 - 11 tuổi

Các triệu chứng đáng lo ngại trong lứa tuổi này là:

- Trẻ không thích nhìn vào mắt người khác

- Không có bạn thân cùng tuổi, khó chia sẻ.

- Khó chờ tới lượt mình, lúc nào cũng muốn mình ở đầu tiên.

- Nói mãi một chuyện không ngừng.

- Trẻ nói mà không quan tâm rằng người nghe có đang lắng nghe, thích thú hay chán nản không.

- Muốn chơi những vật giống nhau trong một thời gian dài và không chơi gì khác.

12 - 17 tuổi

Đa số các trường hợp tự kỷ được phát hiện trước tuổi thiếu niên, tuy nhiên cũng có thể nhận ra các dấu hiệu bất ổn ở giai đoạn này nếu trẻ mắc chứng tự kỷ.

- Ít chịu nhìn vào mắt

- Mặt thản nhiên hay trơ trơ khác thường

- Khó đoán người khác cảm thấy và suy nghĩ gì, do đó thường làm sai trong giao tiếp.

- Tỏ ra thiếu ý thức về nhu cầu của người khác trong lúc trò chuyện.

- Có hành vi không thích hợp với người khác

- Chỉ hiểu nghĩa đen

- Khăng khăng đòi theo sát các thói quen thông lệ

Trên đây là một số dấu hiệu triệu chứng xuất hiện theo lứa tuổi nếu như 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên việc xác định một trẻ có bị tự kỷ hay không là không đơn giản dựa trên các dấu hiệu này. Hãy đưa trẻ tới các nhà chuyên môn khi phát hiện con bạn có các dấu hiệu trên để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Nguyễn Thị Phượng
Học viên sau đại học Khoa Tâm lý học-Trường ĐHKHXHNV

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ