Quần áo

Quần áo

29 thg 9, 2011

Mối tình tuyệt diệu của cô gái khiếm thị và chàng trai ngồi xe lăn

Cả anh và chị đều là hai con người với hai số phận mang nỗi đau đặc biệt. Chị bị mù đôi mắt, còn anh không chỉ bị lãng tai mà đôi chân còn mất khả năng đi lại, suốt đời phải ngồi trên xe lăn. Số phận đưa đẩy đã mang họ đến với nhau, tình yêu nảy sinh và cái kết không thể viên mãn hơn ấy là một gia đình nhỏ được hình thành.

Vợ chồng anh Nhuận chị Bé hạnh phúc trong ngày cưới
Hôm tôi tìm đến, hạnh phúc nhân đôi khi mà chị đang mang trong mình một mầm sống mới, đang lớn dần lên từng ngày. Mối tình đẹp tựa vầng trăng cổ tích ấy đã được viết lên giữa đời thực bởi anh Ngô Văn Nhuận và chị Hồ Thị Bé ở thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tìm đến thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái của huyện Quảng Điền, gõ cửa căn nhà cấp bốn vừa xây cất khá ngăn nắp mà người dân nơi đây cho hay là nhà của anh Nhuận, chị Bé, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là hình ảnh hai anh chị đang phụ nhau sửa lại cái chuồng gà. Người chồng nhễ nhại mồ hôi ngồi trên chiếc xe lăn đang ra sức gia cố lại những chỗ thưa, chỗ thủng, còn chị vợ mò mẫn đưa cho anh lúc thì chiếc búa, lúc con dao trông thực sự hạnh phúc.
Thấy có vị khách không mời đường đột xuất hiện, anh chị vội bỏ dở công việc. Sau khi biết được mục đích chuyến viếng thăm của tôi, hai vợ chồng đã thực sự cởi mở lòng mình, như thể một thông điệp gửi đến tất cả mọi người, rằng tình yêu luôn có sức mạnh riêng của nó, những ai biết trân trọng tình yêu ắt sẽ có quả ngọt để dâng đời.

Hai số phận đặc biệt và cuộc gặp gỡ tình cờ kỳ lạ
Chị Hồ Thị Bé (1979), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 4 chị em ở xã Quảng Thái. Khác với các chị, Bé sinh ra đã bị khuyết tật bẩm sinh với đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tuổi thơ của chị cứ thế lớn lên trong bóng tối, trong sự lầm lũi của bản thân và những tiếng thở dài thương cảm của cha mẹ trong những đêm khuya vắng. Mãi đến lúc chị sắp trở thành một thiếu nữ, ước mơ nhỏ bé là được đến trường mới trở thành hiện thực.
Ấy là lúc chị được nhận vào học lớp chữ nổi Brai do Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, quãng đường từ xã Quảng Thái đến thành phố Huế dài trên ba chục cây số nên Bé được anh chị em trong Hội tạo điều kiện ở lại tập thể, chính quãng thời gian này chị đã ít nhiều học được tính tự lập cho bản thân. Sau khi hoàn thành khóa học văn hóa, chị Hồ Thị Bé được nhận về công tác tại Hội người mù huyện Quảng Điền.
Đó là thời điểm của năm 2002. Dần dần, chị được tin tưởng giao đảm nhận chức vụ Trưởng ban công tác hội Phụ nữ mù và phụ trách việc làm tăm tre, hương trầm. Chị Hồ Thị Bé rưng rưng nhớ lại, công tác tại đây được gần 10 năm thì chị đã gặp anh Nhuận, người chồng hiện tại của chị bây giờ. Đó là điều khiến chị thấy hạnh phúc và mãn nguyện nhất.
Công việc của chị cứ thế êm đềm trôi đi nếu như không có một ngày, cái ngày mà đến bây giờ chị vẫn chưa định hình được là ngày nào, tháng nào nhưng những đổi thay trong trái tim mình thì chị nhớ rõ lắm. Đó là vào đầu năm 2010, sau đợt nghỉ Tết nguyên đán, cơ quan chị Bé có tiếp nhận một số người khuyết tật vận động trên địa bàn vào tạo công ăn việc làm. Đây cũng là hoạt động thường xuyên của Hội người mù huyện Quảng Điền nơi chị Bé đang công tác.
Một buổi sáng, chị Hồ Thị Bé đang dò dẫm từng bước đi xuống cơ sở thì chẳng may vấp phải vật cản, ngã dúi dụi, chồng sách vở trên tay văng xuống vương vãi khắp nơi. Đang chưa biết làm thế nào thì bất chợt, chị nghe có tiếng xe lộc cộc tiến lại gần. Mãi sau này, khi nhận lại tập tài liệu bị rơi vãi khắp nơi đầy đủ không thiếu bất cứ một cái gì, chị mới được đồng nghiệp kể lại rằng, người giúp chị hôm đó là một thanh niên khuyết tật ngồi xe lăn đến học nghề. Không hiểu sao, chỉ chừng ấy cũng làm cho chị thấy xao xuyến lạ. Hơn ba chục năm qua kể từ khi ra đời, có lẽ đấy là lần đầu tiên chị được một người đàn ông giúp đỡ. Cảm giác thật mới mẻ, lạ lẫm xen lẫn hạnh phúc.
Còn anh Ngô Văn Nhuận, khi nhắc lại sự việc lần đầu tiên chạm mặt người vợ hiện tại của mình, anh vẫn không tránh được cảm giác thẹn thùng. Thật không hợp với cái tuổi trên 40 của mình, nhưng dầu sao đó cũng là cảm xúc thực lần đầu của một người đàn ông biết rung động trước một người khác phái. Anh Nhuận kể, hôm đó là ngày thứ hai anh đến học nghề tại Hội người mù. Vừa lắc chiếc xe ba bánh qua cánh cửa Hội một cách đầy khó khăn, anh đã bắt gặp cảnh một cô gái thanh mảnh đang hì hục khuơ khuơ trong vô vọng tìm lại những mảnh giấy đang thi nhau nhảy múa khắp nơi với gió trời.
Chẳng kịp suy nghĩ nhiều, anh vội vã lăn xe đến, cần mẫn đuổi theo từng trang tài liệu, gắng nhặt lại thật đầy đủ rồi trao cho cô gái tội nghiệp ấy. Lần gặp tình cờ ấy không hề thoáng qua, ngồi trên chiếc xe lăn thẫn thờ nhìn theo bóng người con gái khuờ khoạng chiếc gậy dần khuất vào dãy nhà tập thể, trong lòng anh trào dâng một cảm xúc lạ.

Đám cưới vàng
Trước lúc tiếp tục câu chuyện gặp gỡ tựa duyên thiên lý của hai con người mang hai số phận buồn, anh Ngô Văn Nhuận chia sẻ thêm, anh sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo ven rìa của thôn Lễ, thị trấn Sịa huyện Quảng Điền. Gia cảnh anh cũng rất nghèo, bố mẹ làm nông nuôi tới 8 anh chị em nên cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu đủ thứ. Là con thứ 6 trong gia đình, Ngô Văn Nhuận lại phải gánh thêm nỗi thiệt thòi ấy là bị khuyết tật vận động đôi chân bẩm sinh ngay từ mới lọt lòng.
Hai chân anh cứ nhũn như con chi chi, không đi lại được, cũng không hề có cảm giác. Thương con, bố mẹ anh đã bán rất nhiều tài sản để đưa đi chữa trị khắp nơi, từ Bệnh viện Trung ương Huế đến Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả là, không những không chữa lành được đôi chân mà hậu quả của những lần uống kháng sinh liều cao đã làm cho đôi tai anh bị ảnh hưởng, cứ nghễnh ngãng, nghe câu được câu mất.
Mọi cố gắng của hai ông bà lúc này là thay phiên nhau đưa Nhuận đến trường, để anh không tủi phận mỗi khi thấy đám bạn cùng trang lứa dung dăng dung dẻ đến lớp. 7 năm ròng, lần lượt là bố, rồi mẹ và có khi anh chị luôn phiên nhau làm đôi chân cho Nhuận đến trường. Tuy vậy, mọi cố gắng của người thân cũng chỉ dừng lại ở đó. Học xong lớp 7, có lớp mây tre đan xuất khẩu dành cho người khuyết tật mở ở thị trấn Sịa, Nhuận thương bố mẹ nên nằng nặc đòi bỏ học để xin gia nhập lớp, học nghề để phụ giúp kinh tế gia đình.
Sự cố ngoài mong đợi xảy ra là lớp học được vẽ ra hoành tráng ấy chỉ tồn tại chưa đầy nửa tháng thì phải giải thể vì nhiều lý do khác nhau. Thế là lỡ cả đôi đường, Ngô Văn Nhuận cũng chẳng thể quay lại lớp nữa mà ở nhà tìm việc làm. Tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng tạm đủ cho cuộc sống tự thân. Anh bảo, như vậy cũng đỡ được phần nào gánh nặng cho gia đình.
Trở lại với câu chuyện anh chị quen nhau từ sự tình cờ gặp nhau ở Hội người mù huyện Quảng Điền, anh Ngô Văn Nhuận sau cái khoảnh khắc ấy đã luôn tìm kiếm bóng dáng người con gái mà anh đã cảm thương sau lần đầu gặp gỡ. Về phía chị Hồ Thị Bé, mặc dù không nhìn thấy ánh sáng nhưng linh cảm của một người con gái đã giúp chị nhận biết có điều gì đang trỗi dậy, thay đổi trong chính bản thân mình. Cứ như thế, hai anh chị cứ âm thầm tìm kiếm, âm thầm chờ đợi.
Một người là bằng ánh mắt còn người kia là sự cảm nhận của trái tim. Và rồi, điều kỳ diệu nhất cũng đã đến, khi mà sau một thời gian đào tạo nghề, anh Nhuận được xếp vào làm tại đội mây tre đan do chính chị Bé phụ trách. Được gần gũi nhau, tình yêu của hai người cũng nảy nở theo thời gian, năm tháng. Quen và yêu thương nhau được 7 tháng thì Nhuận chính thức đặt vấn đề cưới hỏi với Bé. Anh chị cho hay, ban đầu, khi thưa chuyện với ba mẹ hai bên gia đình, mọi người cũng ái ngại và lo lắng cho tương lai của hai người, về ở với nhau rồi không biết làm thế nào để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng rồi, trước quyết tâm sắt đá của đôi trẻ, đám cưới vẫn được tiến hành.

Gia đình lớn, mơ ước nhỏ…
Ngày 18/11/2010 có lẽ là ngày đặc biệt nhất đối với Hội người mù huyện Quảng Điền, bởi đây là ngày mà cơ quan tổ chức lễ cưới cho cô dâu Hồ Thị Bé và chàng rể Ngô Văn Nhuận. Đám cưới không xa hoa, lộng lẫy nhưng có đến hàng trăm người, trong đó không ít người đồng cảnh ngộ đã đến chúc phúc cho hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ.
Hình ảnh chú rể rạng ngời vừa vận hành chiếc xe lăn vừa dẫn đường cho cô dâu trong tiếng chúc phúc vang trời đã làm cho không ít người cảm phục. Sau đám cưới, anh chị vẫn lại khu tập thể Hội người mù một thời gian rồi dắt nhau về quê chị Bé ở xã Quảng Thái, được bà con lối xóm chung tay dựng cho một căn nhà nhỏ để sinh sống.
Do việc đi lại khó khăn nên chị Hồ Thị Bé được cơ quan tạo điều kiện mỗi tháng đến họp ban chấp hành một lần, còn anh Nhuận xin được công việc làm lồng chim cho một cơ sở tư nhân ở thị trấn Sịa, thu nhập mỗi ngày 50.000 đồng. Nhà cách chỗ làm 20 km nên mỗi ngày, anh phải lắc xe đi, chiều lắc về (khoảng 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày) nên cũng khá vất vả. Hôm tôi tìm đến nhà, anh chị mừng rỡ thông báo tin vui, chị Bé đã mang bầu được 6 tháng.
Vì không thấy đường nên mang thai mà chị cứ ngã suốt, lại đau ốm thường xuyên. Ngoài công việc thường ngày, hai vợ chồng còn cố nuôi thêm đàn gà, con lợn để tăng thu nhập. Trước lúc chia tay với vợ chồng anh Ngô Văn Nhuận và chị Hồ Thị Bé, tôi cứ băn khoăn và day dứt trước ước mơ quá đỗi nhỏ bé của hai con người đang làm nên một câu chuyện cổ tích tình yêu giữa đời thực này.
Ấy là chị Bé mơ ước có một chiếc máy làm hương (trị giá khoảng 3 triệu đồng), và anh Nhuận ao ước giá như có một chiếc xe có thể giúp anh đi nhanh hơn chiếc xe anh vẫn lắc hằng ngày thì tốt biết mấy. Ước mơ ấy, đã bao năm rồi anh chị chỉ biết ao ước mà chẳng dám mơ có ngày sẽ trở thành hiện thực./.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ