Học thêm hành hạ học sinh
Năm học mới, giảm tải chưa thấy hiệu quả rõ rệt nhưng học thêm, học nâng cao, tăng tiết thì ồ ạt núp bóng dưới mọi hình thức.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng học sinh (HS) không chỉ học thêm trong trường mà còn phải đăng ký học ngoài nhà trường diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt ở cấp trung học.
Tôi nghe nói năm nay Bộ GD&ĐT giảm tải để HS đỡ vất vả, nhưng chưa kịp mừng thì đã thấy con “bội thực” vì học thêm (Một phụ huynh ở Hà Nội)
Một số phụ huynh trường THCS Đền Lừ (Q.Hoàng Mai) bức xúc cho biết, giáo viên (GV) phát sẵn cho HS 2 mẫu đơn xin “tự nguyện” học thêm, một trong trường, một ở câu lạc bộ do GV tổ chức. Trong mẫu đơn còn thêm một câu: “Đề nghị chính các thầy cô đang dạy lớp trực tiếp dạy các con để việc theo dõi, giáo dục các con được sát sao”.
Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, việc học thêm là để ôn tập, củng cố kiến thức, nâng cao chất lượng đại trà và giáo dục toàn diện cho HS. Việc dạy thêm đã được thỏa thuận thống nhất của phụ huynh với ban đại diện cha mẹ HS. Mới vào lớp 6 nhưng đã có tới 6 môn phải học thêm, bao gồm văn, toán, tiếng Anh, sinh học, lịch sử, vật lý. Nhà trường cũng thừa nhận, HS khối 6-7 phải học thêm ít nhất 24 tiết/tháng, đối với những khối cuối cấp thì còn nhiều hơn.
Một phụ huynh có con học lớp 6 trường này cho hay: “Tôi nghe nói năm nay Bộ GD&ĐT giảm tải để HS đỡ vất vả, nhưng chưa kịp mừng thì đã thấy con “bội thực” vì học thêm”.
Tương tự, một phụ huynh có con học lớp 6 trường THCS Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm) phản ánh: “Học môn toán chính khóa được 2 tiết thì GV cho tới 32 bài tập về nhà”. Với khối lượng bài tập như vậy, phụ huynh không có cách nào khác là phải điền vào đơn xin học thêm, được cô giáo phát đồng loạt theo mẫu. Phụ huynh trường THCS Đống Đa (Q.Đống Đa) phản ánh: “Hầu hết HS phải học thêm chính thầy cô của mình, sáng học trên lớp, trưa đón về, chiều lại đưa đi học thêm... Thấy con học nhiều, đưa đón vất vả, định không cho con đi học thêm ở trường nhưng cô lại hay dặn dò ở lớp học thêm nên cả mẹ, cả con đều phải cố”.
Còn phụ huynh trường THCS Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) thì cho biết, từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, các cháu đều phải học thêm, buổi sáng học chương trình chính khóa, buổi chiều học thêm 3 môn toán, văn, tiếng Anh với mức học phí hơn 300 ngàn đồng/HS/tháng. Ngoài ra, các cô còn dạy thêm tại nhà vào buổi tối, đề nghị phụ huynh HS đứng ra tổ chức, lấy chữ ký là “tự nguyện tham gia”.
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội từ đầu năm học 2011-2012, nhà trường cần chú trọng rèn luyện kỹ năng tự học, tạo điều kiện cho HS tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Với các bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm, phải dành tối thiểu 50% yêu cầu của đề bài cho các nội dung thông hiểu, vận dụng sáng tạo. Các trường THPT, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên không được tổ chức học thêm cho HS khối lớp 10. Sở GD&ĐT sẽ giám sát và kiểm tra việc dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân. Các đơn vị cần nghiêm túc xử lý các GV có hành vi ép buộc HS để dạy thêm; tiến tới chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm.
Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều trường vẫn tổ chức dạy thêm cho HS dưới nhiều hình thức khác nhau: tự nguyện, phụ đạo, câu lạc bộ... Các trường THPT Kim Liên, Nhân Chính, Quang Trung... cũng tổ chức dạy thêm ngay từ khi HS lớp 10 vừa nhập học được vài tuần.
Bà Nguyễn Như Hương - GV trường THPT Phạm Hồng Thái, thẳng thắn: “Tôi không hiểu lớp 10 mà đã phải học thêm thì “vẽ” ra cái gì để học, nếu đúng theo chương trình hiện hành”. Còn ông Nguyễn Quang Phương - GV trường THCS Nguyễn Trường Tộ, bày tỏ: “Thời gian tự học rất quan trọng để chuyển hóa kiến thức từ sách vở, từ GV thành kiến thức của bản thân HS. Nếu học thêm quá nhiều thì HS sẽ bị mất quãng thời gian quý báu đó. GV dù giỏi đến mấy cũng không thể học thay cho người học được”.
Trong buổi họp báo về năm học mới 2011-2012, Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: “Việc giảm tải được thực hiện một cách có hệ thống và toàn diện. Theo đó, những phần giảm tải sẽ không nằm trong nội dung kiểm tra, đánh giá. Còn thực tế việc dạy thêm, học thêm hiện nay xuất phát từ các nhu cầu khác nhau của cha mẹ HS. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương giảm tải, từng bước điều chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan”.
Trong khi đó, quy định của Bộ GD-ĐT về dạy thêm học thêm có nêu rõ: Hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, trừ trường hợp được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quy định miễn giấy phép. Không được ép buộc HS học thêm để thu tiền. Đối với HS tiểu học, các trường dạy học 2 buổi trong một ngày, nhà trường và GV không được tổ chức dạy thêm cho HS.
Một phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học Bạch Đằng (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) kể, rất nhiều HS cùng lớp với con chị sau khi kết thúc một ngày học bán trú ở trường, tiếp tục đi học tại nhà cô. “16 giờ 30 cháu mới học xong ở trường, sau đó vội vã chở đi tìm gì ăn chứ đâu kịp chở về nhà, xong lại chở cháu đến nhà cô giáo cho kịp suất học lúc 17 giờ 30. Đến 19 giờ cháu mới được về nhà”, vị phụ huynh này cho biết thêm. Có GV của trường Phù Đổng còn thuê nguyên xe chở các HS của mình về nhà để tiếp tục dạy thêm.
Ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng Giáo dục Q.Hải Châu cho hay: “Việc GV dạy thêm đối với HS đã học bán trú cả ngày là hoàn toàn sai”. Tuy nhiên, ông Ngưng cũng thừa nhận tình trạng HS tiểu học sau một ngày học tập ở trường, vẫn phải tiếp tục đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm là có thật. Phòng cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra đột xuất những điểm giảng dạy này, nhưng xem ra khó có thể quản hết bởi lực lượng thanh kiểm tra còn quá mỏng. Ông Ngưng khẳng định: “Trong thời gian tới, sẽ tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn nữa việc dạy thêm, học thêm ở các bậc tiểu học, THCS, để việc giảm tải đi sâu vào thực chất”.
Phụ huynh lớp 5 của trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) phản ánh: "Nhà trường tổ chức cho HS tăng tiết 20 phút/ngày từ thứ hai đến thứ sáu và thu phí 100 ngàn đồng/tháng. Việc học như vậy liệu có kết quả không khi cuối buổi các cháu đã mệt mỏi?". Một phụ huynh khác cũng của trường này thắc mắc về việc GV chủ nhiệm bắt buộc HS học Anh văn với mức phí 80 ngàn đồng/tháng. Phụ huynh của trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4) thì cho hay: "Trường đang lấy ý kiến về việc tổ chức tăng tiết cho HS, tùy từng khối lớp, mức phí từ 50 ngàn đến 70 ngàn đồng/tháng".
Bà Nguyễn Thị Kim Trinh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, giải thích về chuyện tăng tiết: "Những năm học trước, trường tổ chức học ngày thứ bảy để giúp HS ôn tập, hệ thống hóa kiến thức... Năm học này, phần lớn phụ huynh đề nghị cho HS được nghỉ nguyên ngày thứ bảy. Do vậy nhà trường mới sắp xếp tăng thời lượng vào các ngày học khác nhưng không đưa ra mức phí cụ thể. Mức phí như vậy là đề xuất của bên Ban đại diện cha mẹ HS". Ông Trần Phước Đức - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: "Tận dụng số buổi còn trống nên nhà trường sắp xếp việc học như trên để HS không phải đi học thêm bên ngoài nhà trường. Đối với khối lớp 10, 11, trường xếp thời khóa biểu tăng thời lượng các môn toán, văn, vật lý, hóa học, tiếng Anh. Còn HS lớp 12 sẽ chú trọng đến ôn thi tốt nghiệp và ĐH-CĐ. Nhà trường đang tập hợp ý kiến và rà soát lại, nếu lớp nào không đồng tình sẽ không thực hiện".
GV dạy chủ yếu tập trung vào HS khá giỏi: Ở một số nước, HS có trình độ tương đương nhau sẽ học chung một lớp. Chẳng hạn ở New Zealand, từ lớp 1-12, cứ đến giờ môn toán, văn, lý, địa... những HS yếu sẽ vào học chung một lớp, tương tự như vậy với HS các trình độ khác. Chính vì vậy không xảy ra trường hợp học thêm. Ở VN khó lòng làm được điều này do sĩ số đông. Ngoài ra, GV vì áp lực chương trình nên dạy nhanh, và chủ yếu tập trung cho HS khá, giỏi. Chính vì điều này mà một lượng HS yếu, trung bình phải đi học thêm, tăng tiết. - Thạc sĩ Lương Ngọc Tài (Nghiên cứu chính, Viện Nghiện cứu giáo dục)
Nhãn: Học hành
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ