Quần áo

Quần áo

28 thg 9, 2011

Bi kịch chuyện tình hai anh em cùng yêu một người con gái

Em trai chết sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông Váng đau khổ nhưng mỗi khi nhìn thấy người em dâu, trong lòng ông ta lại nổi lên nỗi khao khát. Nỗi khao khát càng lớn dần lên khi người quả phụ mỗi ngày một nhuận sắc.
Người anh trai ân hận

Uẩn khúc dẫn đến việc đánh chết người của ông Hạng A Váng, 60 tuổi, ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai dù cố giấu trong lòng rồi cuối cùng cũng lộ ra. Ngày Váng đánh chết người, ai cũng nghĩ giữa anh chồng em dâu xảy ra mâu thuẫn, trong lúc đôi co, người anh chồng đã không kìm được cơn giận dữ nên mới đập đầu em dâu xuống đất, gây nên cái chết cho cô em dâu chứ không ai biết để đi đến cái kết cục ấy là một sự ganh tỵ âm thầm cách đây đã gần chục năm.

Cũng như những thanh niên khác, trai lớn lấy vợ thường ở chung nhà thế nhưng có mấy ai lấy được đúng người mình yêu. Tục bắt vợ vẫn còn đó, nhiều cô gái nghẹn ngào vì chỉ một đêm bị bắt về cúng ma nhà người, thế là trở thành con dâu, làm vợ một người xa lạ mà không bao giờ đến được với người mình yêu.

Nhiều đôi khi yêu nhau đã bàn nhau làm theo tục bắt vợ để được thỏa lời hẹn ước song hiếm có đôi đạt được nguyện vọng bởi trên đường bắt dâu, rất có thể cô gái lại bị người khác nẫng mất. Với bà Giàng Thị Dở cũng vậy. Thời son trẻ, Dở thầm yêu một người con trai khác bản nhưng lại bị em trai ông Hạng A Váng bắt vợ trong lần hát tự tình với người yêu trên nương. Oái oăm thay, không chỉ em trai ông Váng mà ngay cả người đàn ông này cũng bị ánh mắt của Dở làm cho mê mẩn; nhưng người em nhanh tay hơn, đưa Dở về cúng ma trước nên Váng chỉ còn biết ngậm ngùi nuối tiếc.



Không lấy được người mình muốn nhưng lại phải sống cùng một nhà, hàng ngày chứng kiến cảnh cô gái trong mộng của mình thương yêu, chiều chuộng người khác, dù biết đó là em trai mình song Váng vẫn thấy tức trong lòng. Không chịu được, Váng đi lấy vợ rồi xin ở rể để không phải hàng ngày nhìn thấy Dở cười nói với chồng nữa.

Năm tháng với những lo toan cơm áo đã dần khiến Váng nguôi ngoai khao khát thuở nào, thi thoảng anh em gặp nhau, Váng đã có thể trò chuyện cởi mở hơn với em dâu, không còn e dè, ngần ngại như trước. Không hề biết nỗi niềm sâu kín của anh chồng nên bà Dở vẫn vô tư trò chuyện. Nhất là thời điểm chồng bị bệnh, một mình không đủ sức chăm sóc, bà đã lặn lội sang tìm anh chồng, nhờ Váng giúp mình chăm sóc chồng. Thương em dâu, Váng nhận lời và khăn gói cùng Dở quay về ngôi nhà cũ.

Mặc dù đã lên chức ông, chức bà, có cháu nội, cháu ngoại đàng hoàng nhưng những ngày sống ở ngôi nhà cũ đã khiến Váng không quên được những kỷ niệm năm nào. Trước mặt Váng không phải là bà Dở tóc đã hoa râm, búi cao như củ hành trên đầu mà vẫn là cô Dở, nước da nõn nà, đôi mắt lúng liếng. Nghĩ đến thế, Váng lại thấy rạo rực trong người, tuy nhiên không vì thế mà ông ta dám giở trò trăng gió với em dâu vì dẫu sao người em bệnh tật của ông ta còn đó.

Được một thời gian thì chồng bà Dở mất, Váng như trút được gánh nặng vì giờ đây, với tình máu mủ ruột rà, Váng có thể tự do ra vào nhà Dở mà không bị ai dò xét. Đã thế thời gian Váng ở lại chăm em cũng khiến cô em dâu cảm động nên chỉ một thời gian sau thì hai người cảm thấy sống không thể thiếu nhau được. Họ lén lút quan hệ với nhau song do khéo che đậy nên con cháu của cả hai gia đình đều không hay biết.

Niềm khao khát ngày nào cuối cùng cũng đạt được, Váng và Dở như trẻ hẳn ra song điều khiến Váng cảm thấy như nuốt miếng cơm có sạn ấy là mỗi khi gần nhau, bà Dở hay kể về thời còn xuân sắc với người chồng quá cố. Cho rằng em dâu không yêu mình thực lòng, quan hệ với mình chẳng qua vì nhu cầu nên Váng cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, đã tìm cớ tránh mặt.

Để không phải hàng ngày gần gũi người đàn bà đang khao khát yêu tuổi hồi xuân, sau một thời gian lúc nào cũng cặp kè bên nhau, ông Váng sang huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu làm ăn, thi thoảng về thăm nhà, thăm bà Dở.

Sáng 18-4-2010, từ chỗ làm ở huyện Tân Uyên, ông Váng về thăm gia đình, dọc đường có ghé vào chợ Sa Pa, uống rượu. “Chén chú chén anh” với mấy người bạn quen cũ khiến ông Váng say, đi loạng choạng, không thể ra khỏi chợ. Thấy ông Váng không thể đi về nhà, một người phụ nữ sống cùng thôn, đi chợ về liền cho ông Váng đi nhờ xe.

Trên đường về thôn, vì là chỗ quen biết nên người phụ nữ kia cứ thong thả đạp xe, vừa đi vừa trò chuyện với ông Váng. Trong câu chuyện của hai người, cũng có vài câu họ nhắc tới bà Dở. Nghe người phụ nữ này khen bà Dở từ ngày chồng mất có vẻ nhuận sắc hơn, ông Váng thấy trong lòng rạo rực, hối thúc người phụ nữ đạp xe nhanh để về sớm. Họ vô tình không biết thời điểm đó bà Dở đang làm cỏ lúa ở một thửa ruộng gần đấy, nghe tiếng ông Váng trò chuyện đã ngẩng lên nhìn.

Ghen với người đã chết

Thấy anh chồng vui vẻ trò chuyện với người phụ nữ khác, bao ấm ức trong lòng bà Dở bỗng dâng đầy trong bụng. Vốn là một phụ nữ nhan sắc, sau một thời gian không được an ủi động viên vì chồng bạo bệnh, đến khi có ông Váng, bà Dở như ruộng bậc thang đủ nước, mỡ màng, hớn hở. Tối nào bà cũng ăn mặc chỉnh tề, đợi ông anh chồng tới để kiếm cớ ra khỏi nhà tâm sự, vậy mà khi đã quen hơi bén tiếng thì ông Váng đột ngột bỏ đi, khiến bà quay quắt vì nhớ.

Trong khi nỗi thèm khát trong người đàn bà tuổi hồi xuân này đã dần lắng xuống thì ông Váng lại đột ngột trở về, đã thế lại còn cười đùa với người khác nữa. Không chịu được khi nhìn thấy anh chồng ngồi ôm eo người đàn bà khác, bà Dở chạy theo xe đạp của người phụ nữ nọ, kéo ông Váng đứng lại nhằm mục đích hỏi cho ra nhẽ. Ông Váng xuống xe, vùng vằng đi theo bà Dở lên sườn đồi gần nhà. Tại đây, mặc cho ông Váng giải thích đủ điều song bà Dở vẫn cho rằng nếu không yêu thì không thể lên xe để người lạ đèo về khiến cho câu chuyện của hai người từ chỗ rì rầm căn vặn mỗi lúc một thêm to dần.

Mặc dầu vậy song đôi mắt của những kẻ lâu ngày vẫn khao khát nhau đã khiến họ chỉ cãi cọ nhau một lúc thì đã để tay chân làm thay lời nói. Vẫn giống như những lần trước, sau khi ân ái xong, bà Dở lại để những dòng hồi ức với người chồng cũ chế ngự. Nằm bên cạnh, nghe “người yêu” kể lại những điều mà ông Váng cho là cấm kỵ, một nỗi tức giận trào dâng trong lòng người anh chồng.

Không kìm nén được như những lần trước, ông Váng quát không được nói nữa, có nói chuyện thì chỉ nên nói về cảm giác của mình khi gần gũi với ông ta thôi nhưng bà Dở không chịu với lý lẽ ngày trẻ sung sức thì mọi cái đều đẹp hơn. Tức giận, ông Váng giơ tay tát nhân tình một cái còn bà Dở cũng không chịu kém, túm lấy ông Váng cấu véo rồi “thụi” ngay một quả đấm vào… “chỗ hiểm”, miệng không ngớt lời chửi rủa ông Váng trăng hoa.

Bị “người yêu” nhục mạ, ông Váng túm đầu bà Dở đập liên tiếp xuống đất, tới khi thấy người phụ nữ này loạng choạng mới thôi. Đỡ bà Dở nằm xuống, ông Váng bỏ về nhà với ý định để “người yêu “hạ hỏa rồi tối sẽ sang nói chuyện sau, không ngờ sau những cái đập đầu của ông Váng, bà Dở không thể ngồi dậy được nữa. Không hề biết mình đã gây tội tày trời, sau buổi tối sang nhà bà Dở không gặp, sáng hôm sau ông Váng đón xe sang Lai Châu, đi làm.

Sáng hôm sau, thi thể bà Dở được người dân đi làm qua, phát hiện, báo cho CA xã Sa Pa. Nhận được tin báo, lực lượng CA huyện Sa Pa tiến hành điều tra, qua khám nghiệm tử thi xác định, bà Dở chết từ hôm trước, có nhiều vết thương ở đầu, hộp sọ bị vỡ. Từ những thông tin thu lượm được, lực lượng chức năng đã tìm ra hung thủ là ông Váng. Tại cơ quan CA, khi được thông báo bà Dở đã chết, ông Váng rất đau khổ, khai nhận hành vi giết chết bà Dở của mình nhưng không nói nguyên nhân vì sao.

Mãi tới gần một năm sau, khi đã yên vị trong trại giam, ông Váng mới thổ lộ về mối tình “trái khoáy” của mình. Váng cho rằng không thể chịu nổi khi nhân tình cứ nhắc mãi về những ngày ân ái với chồng khiến ông ta cảm thấy mình chỉ là cái bóng, thế chỗ cho người đã khuất. Trong tâm tưởng, ông Váng luôn cho rằng bà Dở đến với ông tại vì nhớ tới người chồng là em trai ông Váng và chuyện lén lút quan hệ của hai người cũng không nằm ngoài suy nghĩ ấy. Chính ý nghĩ không tưởng ấy đã khiến ông Váng tức giận để rồi trong lúc không giữ được bình tĩnh đã trở thành kẻ giết người.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ