Quần áo

Quần áo

28 thg 7, 2011

Ca sĩ Đức Tuấn: Tôi có nhiều bạn thuộc thế giới thứ ba

"Không chỉ thế giới thứ ba thôi đâu, thế giới thứ tư cũng có nữa" - Đức Tuấn chia sẻ.

Gặp lại Đức Tuấn sau những “ồn ào về chuyện phát ngôn” vừa xảy ra, Đức Tuấn vẫn bình thản đến lạ. Vẻ mặt vui tươi pha chút hóm hỉnh cộng với tư thế thung dung khiến người đối diện có cảm giác như chàng ca sỹ này chưa bao giờ nao núng trước những thị phi!? Vậy mà trong cuộc nói chuyện Đức Tuấn lại bất ngờ thú nhận mình hay khóc, khóc cho người dưng. Thậm chí anh không phủ nhận cả chuyện mình có rất nhiều bạn thuộc thế giới thứ ba. Vậy ẩn đằng sau “bóng ma Nhà hát” là một Đức Tuấn như thế nào?

“Tôi chưa bao giờ phân biệt những người thuộc thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai hay thế giới thứ ba. Vì thế tôi không có những cảm nhận gì khác biệt cả”. ảnh: T.L

Dễ rơi nước mắt cho người dưng

Người ta vẫn quen với một Đức Tuấn lạnh lùng đến độ kiêu mạn trên sân khấu chứ chưa bao giờ thấy anh khóc. Ấy vậy mà anh đã khóc khi hát “Bà mẹ Gio Linh” trong đêm nhạc của Phạm Duy. Anh đang muốn thay đổi hình ảnh của mình trên sân khấu?

- Lạnh lùng ư, tôi lạnh lùng bao giờ nhỉ? Có sự nhầm lẫn nào chăng? Tôi thấy dạo này mình vui tươi, nhí nhảnh hơn xưa nhiều mà (cười). Người ta hay nói tôi chỉn chu đến độ nghiêm khắc là vì âm nhạc tôi theo đuổi khiến tôi phải như vậy. Bài nào vui thì tôi thể hiện trạng thái vui tươi, hớn hở. Bài nào buồn thì tôi phải buồn theo thôi. Không thể ngược lại được, lúc đó hát ai nghe nữa. Tôi hát theo cảm xúc của ca khúc chứ không phải hát theo cảm xúc của cá nhân mình ở thời điểm đó.

Bài “Bà mẹ Gio Linh” tôi đã thể hiện 6 - 7 lần. Dường như lần nào khi hát bài này tôi cũng khóc. Ngoài ca khúc này còn có ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau”, “Áo anh sứt chỉ đường tà”... những bài hát này nếu không cố kìm nén cảm xúc trước khi lên sân khấu thì kiểu gì cũng vừa hát vừa rơi nước mắt.

Nhưng ngoài đời, có vẻ như anh không thuộc tuýp người nhanh rơi nước mắt như vậy?

- Không! Chính ở ngoài đời tôi mới là người dễ khóc. Tôi cực kỳ dễ rơi nước mắt, nhưng toàn rơi nước mắt cho người khác chứ chưa bao giờ rơi nước mắt cho mình. Tôi không thuộc tuýp người sống theo quan điểm “cảm xúc thì phải biết kiềm chế”. Tôi sống thoải mái lắm, vui thì sẽ thể hiện ra mặt là vui, buồn thì thể hiện là buồn. Xem một bộ phim xúc động tôi vẫn khóc như thường dù lúc đó xung quanh mình có rất nhiều người. Tôi thấy việc kiềm chế những cảm xúc thật của mình là hết sức vô lý.

Nhạy cảm thế nên anh mới cố tình tạo cho mình vẻ bọc khó gần?

- Tôi chưa nghe ai nói tôi khó gần cả. Những người tôi đã từng gặp toàn nói tôi là người dễ nói chuyện đấy chứ. Tuy nhiên, những người tôi không quen thì tôi không thích tiếp xúc. Một khi đã không quen hoặc không có lý do gì để bắt chuyện thì tôi chẳng bao giờ chủ động cả. Có lẽ thói quen đó khiến tôi bị mọi người nhìn nhận khác đi chăng?

“Nếu thật sự đang yêu một ai đó, thì tôi chẳng dại công bố ra làm gì!”. ảnh: T.L
Tôi chảnh - thì sao?!

Bản thân anh không xếp mình vào đám đông âm nhạc, mà chọn một thị phần ít có chỗ cho người văn hóa không cao. Anh không sợ mình chới với trong ốc đảo cô đơn?

- Cái đó là người viết nhận định và nói, tôi không nói. Còn tôi, tôi xác định rất rõ thị phần âm nhạc của tôi là đối tượng nào, đám đông đó ít hay nhiều, tập trung ở đâu, đang tăng lên hay giảm đi từng ngày... Nhưng không dại gì tôi hét toáng lên những điều đó cả. Có như vậy thì mới tạo ra được sự cạnh tranh chứ. Những người không nằm trong số đông đó, khi nhìn vào có thể sẽ nói này nói kia nhưng cuối cùng cũng có mang lại lợi ích gì cho tôi đâu?

Cũng vì thế mà người ta luôn nghĩ về anh như một chàng ca sĩ khôn ngoan đến mức… nhạt nhẽo?

- Tôi thấy bình thường. Nhìn nhận khách quan thì thấy mình là người thẳng thắn, dám nói lên sự thật khi cần thiết. Những sự thật mà một số người chẳng bao giờ chịu thừa nhận. Không chịu thừa nhận nên người ta mới gán cho tôi là ngông nghênh, ngạo mạn, kiêu căng... Tôi chấp nhận mình bị thiệt thòi khi nói ra sự thật, bởi ông bà xưa đã dạy “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Thà tôi bị mất lòng còn hơn phải đóng kịch.

Showbiz Việt đâu thiếu những lời nói thật. Họ nói thật mà vẫn khiến mọi người xích lại gần còn anh nói thật thì lại bị mọi người lên án?

- Ai dám chắc những con người phát ngôn và phân tích vấn đề một cách ấu trĩ, trẻ con đó là đại diện cho đa số khán giả của âm nhạc. Nếu nhìn nhận họ là khán giả thì nên xem xét lại khái niệm này. Tôi dám chắc, những khán giả chân chính không bao giờ muốn những con người như thế làm đại diện cho mình. Và tôi nghĩ, những người đang cố tình đẩy cho sự việc vừa rồi trở nên nghiêm trọng không phải khán giả của tôi.

Tôi cũng nói thẳng luôn, bài báo viết về tôi gần đây trên một trang mạng là một sự ấu trĩ. Tôi thấy trang mạng đó không đáng để tôi phải nhờ luật sư khởi kiện. Rất nhiều thông tin trong bài báo nói không chính xác, không hề được kiểm chứng lại trước khi xuất bản. Bài báo đó giật tít “Đức Tuấn mắng Phạm Hoài Nam thiếu văn hóa” và ghi theo nguồn của một tờ báo khác nhưng sự thật thì cái tít đó và một số chi tiết không đúng trong bài không hề xuất hiện trong tờ báo đã đăng.

Cực đoan trong nghệ thuật!

Riêng về danh xưng “Divo”, chính anh là người đưa ra thuật ngữ đó khiến mọi người thấy mập mờ, khó hiểu đấy chứ?

- Nó là một thuật ngữ chuyên môn và ai muốn hiểu như thế nào thì hiểu. Ai có nhu cầu hiểu thì tự động mà đi tìm ý nghĩa thực của nó. Tôi không thấy mình có đủ lý do và mục đích để phải giải thích về chuyện đấy. Với tôi, nó đơn giản chỉ là một danh xưng và người ta sử dụng ở những chỗ nào cần sử dụng nó. Ai không chấp nhận danh xưng ấy thì đừng có sử dụng, đơn giản vậy thôi.

Đôi khi tôi cũng thấy tội nghiệp cho một số người, phát ngôn thì rất mạnh miệng nhưng họ càng phát ngôn thì càng chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của mình. Cho nên khi phát ngôn thì phải cẩn thận, tôi phát ngôn điều gì cũng là đã suy nghĩ kỹ rồi mới nói.

Yêu bản thân đến mức cuồng dại, đôi khi phạm vào ranh giới của sự ích kỷ… và đó là cách anh “ngông” trong âm nhạc?

- Chuyện này có gì đâu là ghê gớm. Trong nghệ thuật, tôi là một người rất ích kỷ. Mà không, phải nói tôi là người cực đoan trong nghệ thuật mới đúng. Bất cứ một sự xuề xòa, dễ dãi, dễ thỏa hiệp... tôi đều không chấp nhận. Tôi không bao giờ cho phép mình phạm vào một trong những điều đó. Và tôi cũng không cho phép người ta đối xử với âm nhạc theo kiểu đó. Chính vì sự cực đoan đó nên người ta luôn nghĩ tôi yêu mến bản thân quá và ích kỷ quá.

Còn tôi có chơi ngông hay không thì mọi người tự nhìn nhận đi. Vì âm nhạc tiến hay lùi là cũng do những sự đó mà ra. Nếu người ta cứ dễ dãi, xuề xòa, dễ thỏa hiệp... thì liệu âm nhạc và con người âm nhạc của người ta có tiến lên được hay không? Còn tôi, tôi cố gắng làm những gì tốt nhất khi đến với âm nhạc bởi âm nhạc là tình yêu lớn nhất của tôi. Bất cứ ai xâm phạm đến “lãnh địa” tình yêu này tôi đều không cho phép. Họ có thể đối đãi với âm nhạc của người ta như thế nào cũng được, nhưng đối đãi với âm nhạc của tôi như thế thì tôi sẽ phản ứng lại ngay.

Và anh sẽ không màng đến sự ghét bỏ của những người xung quanh?

- Bao nhiêu người sẽ ghét bỏ tôi vì những chuyện đấy? Tôi nghĩ, khán giả thời nay tinh tế lắm. Nếu mình vì sự yêu thương mà nhắm mắt làm những điều như đã nói thì đó mới là sự coi thường khán giả. Tôi nói thật, dùng lời lẽ ngon ngọt để lấy lòng khán giả không khó, cơ bản là mình có thích thực hiện điều đó hay không thôi.

Tôi vẫn là con người cũ hoàn toàn

So với năm 2000 – thời điểm anh được biết đến nhiều nhất với giải Nhất tiếng hát truyền hình TP.HCM thì bao nhiêu phần trăm con người anh không còn như cũ?

- Dường như vẫn còn hoàn toàn đấy. Tôi vẫn thế. Bao nhiêu năm không có gì thay đổi. Có chăng là thêm chứ không bị mất đi. Tình yêu dành cho âm nhạc, sự say mê công việc... vẫn không giảm bớt đi nhưng kinh nghiệm thì dày dạn lên, nó làm cho tôi tự tin hơn khi bước những bước dài trong nghiệp hát.

Còn con người ngoài đời thì chưa mảy may thay đổi. Từ bé đến giờ tôi vẫn giữ cá tính sống ấy, vẫn là người thung dung, tự do tự tại, thích điều gì sẽ làm cho bằng được, không bị tác động nhiều bởi ngoại cảnh và luôn giữ mọi thứ trong trạng thái đơn giản...

Có thể gọi đó là một sự cứng đầy hay bảo thủ?

- Không, đó là tính cách cố hữu trong tôi từ lúc còn bé. Ngay khi mới bước chân vào nghiệp hát, tôi đã xác định cho mình một lập trường rất vững chắc. Thế nên, dù thời gian hay ngoại cảnh hay bất cứ một thế lực vô hình nào đó có tìm mọi cách thay đổi thì tôi vẫn không lung lay, nao núng gì đâu.

Trong gia đình anh, ai giống tính anh nhiều nhất?

- Cả gia đình tôi ai cũng vậy hà. Không thích sự xum xoe, không thích sự ngọt ngào giả tạo... Bố mẹ tôi giờ ở nhà vẫn vậy, có gì nói đấy mặc dù nói thật đôi khi không làm người khác vui lòng.

Lúc anh đi hát, người thân trong nhà có tỏ ra lo ngại cho anh khi anh “đậm đặc tính cách gia đình” ấy?

- Tôi cũng không nhớ nữa. Hồi đó tôi sống vô tư, hồn nhiên và đơn giản lắm! Tôi thấy quan trọng là được làm những gì mình thích. Và chắc mọi người thấy tôi hết lòng với niềm đam mê của mình nên cũng chẳng tỏ ra lo lắng gì. Cũng không ngăn cản điều gì vì mọi người trong nhà rất hiểu tính tôi, ngăn cản cũng không có được.

Yêu tôi thì phải chấp nhận làm “vợ bé” của âm nhạc

Được biết bạn bè anh tương đối nhiều. Vậy giữa hai phái, nam - nữ, phái nào anh nhiều bạn hơn?

- Tôi chưa ngồi thống kê giới tính bạn bè bao giờ nên đến giờ vẫn chưa định lượng được điều này. Để một ngày đẹp trời nào đó tôi thử ngồi nhẩm tính xem, biết đâu lại tìm được nhiều điều thú vị.

Anh thích điều gì nhất ở phái nam và điều gì nhất ở phái nữ?

- Tôi rất nhất quán, thích sự chân thật, chủ động, hiện đại... điều này tôi thích ở cả hai phái...

Anh có nhiều bạn thuộc “thế giới thứ ba” không? Anh cảm nhận gì về cuộc sống của họ?

- Không chỉ thế giới thứ ba thôi đâu, thế giới thứ tư cũng có nữa. Cuộc sống này rộng lớn như thế và một người yêu cuộc sống đến cuồng dại như tôi sao lại không tiếp cận với những mảng màu sáng - tối ấy. Không chạm đến mọi ngóc ngách của cuộc đời thì sao biết cuộc đời này đẹp đến cỡ nào.

Tôi chưa bao giờ phân biệt những người thuộc thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai hay thế giới thứ ba vì thế tôi không có những cảm nhận gì khác biệt cả. Tất cả tôi đều xem là bạn và chơi với nhau đúng nghĩa là bạn bè, đồng nghiệp...

Nhưng cũng bởi sự gần gũi, hòa đồng đó mà anh luôn là tâm điểm của sự nghi ngờ về giới tính?

- Những sự nghi ngờ đó mang đến cho mình lợi ích gì mà mình phải quan tâm? Suy cho cùng, nghi ngờ vẫn chỉ đơn giản là những dấu chấm hỏi luẩn quẩn trong vòng quay của cuộc đời mà thôi. Nó không làm tôi khác đi và cũng không lấy đi, không mang lại cho tôi hơn những gì tôi đang có. Tôi cần nhiều thời gian để dành cho âm nhạc, cho gia đình, bè bạn và bản thân hơn là quan tâm đến những thị phi ngớ ngẩn đó.

Đặt giả sử, một ngày nào đó, người ta vô tình bắt gặp anh tay trong tay với một chàng trai đi trên những góc phố vắng. Lúc đó anh có dám công khai nói to lên với mọi người rằng: Ừ, tôi là như thế đấy...

- Tôi cứ nghĩ tôi yêu ai là chuyện của tôi chứ? Có thể cô bé này, có thể cô bé kia... đó là chuyện của tôi. Và nếu thật sự yêu một ai đó đi nữa thì tôi chẳng dại công bố ra làm gì. Mà ngộ một điều là xưa nay tôi yêu ai tôi đều rất rõ ràng, chẳng cố tình dấu diếm gì hết, đúng nghĩa là “yêu trong ánh sáng” luôn đó. Tôi chẳng che dấu bao giờ để đến mức phải công khai.

Nhưng dù yêu ai đi nữa, nếu người đó làm ảnh hưởng đến tình yêu âm nhạc của tôi thì sẽ hẹn tình ấy đến kiếp sau. Yêu tôi thì phải chấp nhận làm “vợ bé”; “Vợ cả” của tôi chính là âm nhạc (cười).

- Cảm ơn Đức Tuấn về cuộc trò chuyện!

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ