Con tranh nhà cửa, mẹ già 88 tuổi ăn Tết ngoài đường
Mặc cho con cái nài nỉ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và địa phương liên tục tìm đến khuyên can, năn nỉ cụ Ngừng vào nhà ở và đón Tết nhưng do cụ vẫn quyết định ăn Tết ở ngoài chòi cho đến khi chính quyền hủy sổ đỏ, vợ chồng người con ít trả lại nhà cho cụ…
Nhất quyết không chịu vào nhà khác ở
Lòng tôi vẫn chứa đầy tâm tư khi một lần nữa trở lại nhà cụ Nguyễn Thị Ngừng ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên).
Tuy đã vào xuân nhưng những cơn mưa trái mùa kèm theo gió lạnh vẫn thổi ào ạt khiến người tôi cứ run lên bần bật.
Ghé UBND xã Hòa Mỹ Tây, tôi được các anh cán bộ cho biết: “Mấy hôm nay cụ Ngừng thường xuyên ra chòi, ít chịu về nhà người cháu Trương Ngọc Thủy để ở như trước. Mọi người đều nói hết nước hết cái nhưng cụ chẳng chịu nghe lời”.
Nghe đến đây, tôi vội lên lên đường để đến gặp cụ. Trên đường đi, trời lại đổ mưa tầm tã, gió lại thổi ào ạt làm cho con đường đầt lầy lội dài hơn 300 mét dẫn thẳng vào “nhà” cụ Ngừng càng thêm sâu hun hút.
Đến chòi, trước mắt tôi là cụ Nguyễn Thị Ngừng ngồi co ro bất động trên tấm vạt giường cũ nát, bên cạnh là chiếc lò đất nguội lạnh. Thấy khách đến, cụ liền nhổm dậy nhưng đôi chân đơn độc, già nua đã vội khụy xuống làm cụ trượt chân, ngã sõng soài ra đất. Thấy vậy, tôi vộn chạy đến đỡ cụ dậy và hỏi: “Chào cụ, cụ có nhớ con không ?”. Cụ nhìn tôi hồi lâu, lắc đầu: “Già không nhớ được, già chỉ nhớ đến căn nhà trước mặt mình đây. Nhưng giờ nó không thuộc về cụ mà thuộc về vợ chồng con Đỉnh – thứ con mà cụ rứt ruột đẻ ra”.
Nhìn kỹ cụ, tôi thấy so với hai tháng trước đây, cụ như già thêm mấy tuổi. Mà không già sao được khi cả đời một lòng nặng gánh vì non sông đất nước, một thân còm cõi gánh hai bằng liệt sĩ ghi công của chồng và cha, bản thân cụ cũng trải qua nhiều đau thương, tang tóc, nay dù đến “tuổi bóng xế”, đáng lẽ cụ phải được an hưởng tuổi già, con cháu tíu tít báo hiếu vậy mà lại phải vác đơn đi kêu cứu khắp nơi.
Cách đấy không lâu, căn nhà trước kia của cụ vẫn to đẹp, đàng hoàng nhưng cũng chỉ để vậy thôi chứ cửa ngoài vẫn khóa im ỉm, còn cụ chưa được phép bước vào. “Tụi nó (vợ chồng Hiếu, Đỉnh) nói già có thể vào ở nhưng dứt khoát chỉ một mình già được phép vào thôi.
Già đâu có dại, sau những việc xảy ra, giờ vợ chồng nó bị thiên hạ mắng chửi thậm tệ, già mà vào ở đấy, không người tin tưởng ở bên, vợ chồng nó âm mưu hãm hại thì già liệu có thoát nổi ?…”.
- “Vậy Tết này cụ ở đâu ?”. Cụ Ngừng im lặng trả lời: “Già quyết định rồi, nếu tụi nó suy nghĩ lại mà trả lại nhà thì già sẽ vào ở, bằng không già cứ sống ngoài chòi này, có chết già cũng cam lòng”.
- “Những người con khác của cụ thì sao, chẳng lẽ họ lại để cụ trong tình trạng vậy sao ?”.
“Tụi thằng Hoàng, con Đính, thằng Thủy liên tục đến khẩn khoản, thậm chí cho xe ô tô đến chòi năn nỉ già Tết này về nhà chúng nó ở. Già hiểu bởi tụi nó muốn lo cho cụ thật lòng nhưng nếu già làm vậy thì ai sẽ thay già trông coi, nhang khói hương hồn chồng và các con…”.
Không ít lần cụ Ngừng ngủ ngoài chòi. Trời khuya lạnh rét, nằm đắp chăn mà người cụ cứ run bần bật, vậy là phải trở dậy nhóm lửa, ngồi co ro sưởi ấm cho đến sáng.
Chỗ ở đã vậy, còn việc ăn uống của cụ tất nhiên cũng chẳng khá hơn. Dù mỗi ngày 3 lần, con cháu lại thay phiên đem cơm ra cho bà nhưng cụ chẳng buồn ăn, cứ nằm im một chỗ.
Đã thế lâu lâu, cụ lại còn được nghe bà Đỉnh và các con của bà hùa nhau kéo đến “tổng sỉ vả”.
“Già bị cao huyết áp nên khi tụi nó chửi, già chỉ biết im lặng nằm nghe … Già quyết định cứ ở như vậy cho đến khi nào Nhà nước hủy sổ đỏ đã cấp cho vợ chồng nó trước đây và trả lại đai cho già nhà cửa, đất”.
Bà Trương Thị Đính, con gái kề út của cụ Ngừng lo lắng: “Để lòng mẹ bớt ưu phiền, các anh, chị em đã ngồi lại, quyết định về trang hoàng lại nhà cửa, dọn dẹp phòng ốc để đón mẹ về vui Xuân nhưng mẹ vẫn lắc đầu không chịu về ở bất kỳ nhà người nào, … chỉ khi nào hết thuốc men, mẹ mới ghé nhà anh Hoàng ở Tuy Hòa nhưng chỉ ở một lát rồi lại về trên này. Giờ tụi tôi thực sự lo lắng, không biết phải làm thế nào bởi đã tìm đủ mọi cách vẫn không thể giữ cụ ở lại được một hôm”.
Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể: tìm mọi cách để cụ vào nhà
Cụ Ngừng đã quyết làm gì thì rất khó lay chuyển được suy nghĩ của cụ. Trước đây, trong thời kỳ tham gia cách mạng, cụ nổi tiếng là người gan lỳ, dũng cảm. Nhiều lần bị địch chỉ mặt cảnh cáo vì “không ngăn chồng, con về phe Cộng Sản chống chế độ”, bị địch bắt giam, tra tấn nhiều năm trời, trải qua nhiều nhà tù nổi tiếng tàn bạo của chế độ cũ, thậm chí có lần sém bị đày ra ngoài Côn Đảo nhưng cụ vẫn một lòng kiên trung với lý tưởng của mình.
Trong gia đình, cụ cũng rất nghiêm khắc lại tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương nên được nhiều người yêu mến.
Biết rõ cái tính “bướng đôi khi cố chấp” của cụ, người con trai thứ Trương Ngọc Hoàng nhắm khuyên, năn nỉ không nổi đã phải đến gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhờ họ ra tay giúp đỡ, khuyên giải cụ về nhà ở với con, với cháu.
“Mới đây tôi có lên Sở Lao động – thương binh – xã hội và một số cơ quan khác như: hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân, … kể rõ trường hợp, hoàn cảnh của mẹ và khẩn khoản nhờ các đồng chí ấy giúp đỡ. Bản thân các đồng chí ấy cũng đã hứa sẽ phối hợp với gia đình bằng mọi cách để đưa cụ vào nhà”. Tuy nhiên cho đến nay, ý định trên vẫn chưa thể thực hiện.
Điều đáng nói là trong khi mọi người nhốn nháo, lo lắng trước việc cụ Ngừng không chịu dời chòi vào nhà thì vợ chồng người con út vẫn bình chân như vại, xem như không có chuyện gì xảy ra bởi “trước sau như một”, họ vẫn bảo lưu quan điểm: “Chỉ cho một mình bà Ngừng bước vô nhà”.Ông Trương Ngọc Hoàng cho biết: “Đây là một yêu cầu hết sức vô lý bởi dù hiện là nhà tranh chấp nhưng nguyên thủy trước đây vẫn là nhà của mẹ nên về đạo lý, mẹ có quyền vào ở bất cứ lúc nào mẹ muốn.
Ngoài ra, năm nay mẹ cũng đã gần 90 tuổi, liệu một mình mẹ có sống nổi nếu không có bất cứ người con, cháu ở bên cạnh chăm sóc ? trong khi đó tụi nó biết quá rõ là nếu chỉ có vợ chồng, con cái nó “chăm sóc” mẹ thì mẹ lại càng không chịu”.
Cách đây hai ngày, một đoàn cán bộ ở tỉnh và huyện lại đến chòi tiếp cận cụ. Khuyên bảo hồi lâu không được, mọi người tỏ rõ thái độ quyết liệt, ra “tối hậu thư” hoặc là cụ vào nhà ở với con cháu hoặc là sẽ cho người đưa cụ vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhà an dưỡng để cụ đón Tết trong đó nhưng cụ Ngừng vẫn kiên quyết từ chối và “đuổi” mọi người đi về.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây, cho biết: “Hiện nay, việc đưa cụ Nguyễn Thị Ngừng vào nhà là một vấn đề khá nan giải với các ngành chức năng. Trong khi chờ đợi các cấp ngành giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất, nhà ở của cụ, chúng tôi tiếp tục phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể đến khuyên nhủ và vận động cụ Ngừng vào nhà để đón năm mới”.
Nhãn: Đời sống
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ