Ông Tây bán lẩu dê độc nhất vô nhị ở miền Tây Nam Bộ
Thời mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, những ông Tây bà đầm sang Việt Nam mở công ty, nhà hàng, khách sạn không phải là chuyện hiếm. Nhưng một anh chàng dân Pháp chính hiệu Paris dám từ bỏ kinh đô ánh sáng hoa lệ sang miền Tây Nam bộ quanh năm sóng nước, lụt lội để làm chủ quán lẩu dê - món ăn đặc sắc của người Việt - thì ai cũng nói đúng là “chuyện lạ 100%”.
Từ chuyện tình giữa chàng trai Paris và cô thôn nữ miệt vườn Ô Môn...
Quán lẩu dê Christian Thanh Thúy nằm khiêm tốn trên đường 30-4 - con đường lớn và đẹp nhất Tây Đô (TP. Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam bộ). Quán cũng bình thường như bao quán lẩu dê khác, nhưng nổi tiếng nhờ giá bình dân và đầu bếp kiêm phục vụ bàn là một ông Tây dân Paris chính gốc.
Chúng tôi vừa bước vào quán đã thấy Christian đon đả chạy ra chào đón khách. Ông Tây nói tiếng Việt rất điệu nghệ, tuy cách phát âm vẫn còn lơ lớ: “Xin mời quý khách, chúng tôi hân hạnh được phục vụ quý khách”. Gọi một nồi lẩu dê, ông Tây niềm nở trả lời: “Xin quý khách chờ vài phút, chúng tôi sẽ phục vụ ngay”, sau đó nhanh tay bày biện chén đũa, ly tách lên bàn rồi chạy vội vào bếp. Cô Thanh Thúy - vợ của Christian - cũng lăng xăng phụ chồng bày biện các món nước chấm lên bàn ăn.
Chỉ một loáng sau, Christian khệ nệ bê đến một chiếc lò than đỏ rực, rồi tiếp tục bưng nồi lẩu dê nghi ngút khói thơm phức đặt lên bếp lò, xong đứng sang một bên cười tươi rói, xoa tay mời khách: “Xin mời quý khách thưởng thức lẩu dê Thanh Thúy - Christian”. Chờ cho chúng tôi dùng vài lượt, Christian nhẹ nhàng hỏi: “Món ăn của nhà hàng chúng tôi có ngon không ạ?”. Khi nghe chúng tôi tấm tắc khen ngon, Christian nở nụ cười mãn nguyện, luôn miệng nói “Cảm ơn, cảm ơn quý khách”.
Mời Christian một ly rượu, anh vui vẻ nâng cốc, mời lại khách đúng điệu dân miền Tây Nam bộ: “Xin mời, vô trăm phần trăm nhé” rồi uống cạn ly, sau đó xin phép đi phục vụ bàn khác, không quên chúc chúng tôi ăn ngon miệng.
Vừa ăn, vừa nhìn ông Tây chính gốc Paris và cô vợ Việt Nam lăng xăng chạy ra, chạy vào phục vụ khách, miệng lúc nào cũng nở nụ cười tươi dù mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi không khỏi tò mò vì sao một người đàn ông Paris - vốn nổi tiếng thế giới về tính cách bặt thiệp, hào hoa - lại chịu khó đến Tây Đô cách xa quê hương hàng ngàn cây số chỉ để… mở quán lẩu dê. Nhìn động tác của Christian bưng nồi lẩu đặt lên bếp than đang rực lửa đủ thấy anh rất chuyên nghiệp, cả cung cách phục vụ khách tận tình cũng cho thấy anh không phải mở quán để… giết thời gian.
Chờ cho quán bớt khách và vợ chồng Christian có thời gian rảnh rỗi, chúng tôi mời anh ngồi chơi để tìm lời giải đáp cho thắc mắc của mình. Nghe chúng tôi hỏi, vợ chồng Thanh Thúy - Christian cười rất vui. Anh nói: “Nhiều người cũng thắc mắc như các bạn rồi đó”. Và anh kể cho chúng tôi nghe duyên cớ để anh từ bỏ Paris thơ mộng, xa hoa của nước Pháp để đến Việt Nam, làm chủ quán lẩu dê bình dân. Tất cả bắt đầu từ mối tình sét đánh với cô thôn nữ miệt vườn Thanh Thúy ở đất Ô Môn, Cần Thơ.
Christian nói, ở Paris, gia đình anh thuộc hàng trung lưu, cuộc sống không thiếu thốn. Christian có nhiều anh em, tất cả đều là thầy giáo đi dạy học, nhưng chỉ có một mình anh không theo nghề giáo mà đam mê… nấu các món ăn và đi du lịch. Chính vì vậy mà sau khi học xong trung học, Christian xin vào làm đầu bếp cho một nhà hàng nhỏ ở Paris để kiếm tiền tự sinh sống và dành dụm để mỗi năm vào mùa nghỉ hè, anh có thể một mình đi đến một nước nào đó trên thế giới khám phá cuộc sống, phong tục tập quán của cư dân bản địa.
Ông Tây Christian đang phục vụ món lẩu dê cho thực khách
Trước đây, anh đã đọc nhiều sách báo nói về Việt Nam và rất muốn đi du lịch một chuyến đến đất nước ngày xưa từng là thuộc địa của Pháp, chủ yếu để tìm hiểu vì sao con người Việt Nam có thể tự đứng lên, thoát khỏi ách nô lệ của thực dân. Nhưng mãi cho đến năm 2000, Christian mới có dịp đi du lịch đến Việt Nam.“Lần đó, tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đi tham quan nhiều nơi ở Việt Nam, khám phá được rất nhiều điều thú vị. Nhưng khi đến bãi biển Nha Trang gặp được Thanh Thúy, tôi mới quyết định sẽ xin định cư luôn tại Việt Nam”.
Hóa ra, lần đó, đoàn du khách Pháp (trong đó có Christian) đến Nha Trang ở lại hơn một tuần lễ để vui đùa với sóng biển, cát trắng vì bãi biển quá đẹp. Nhưng đến ngày về, chàng trai Christian nhất định ở lại, không chịu theo đoàn. Mọi người ngạc nhiên tìm hiểu thì biết Christian đang bị vẻ đẹp mộc mạc của một cô thôn nữ quê ở huyện Ô Môn, Cần Thơ, cách xa Nha Trang mấy trăm cây số, làm cho xao lòng khiến anh không muốn trở về Pháp quốc. Thanh Thúy cười cười, kể tiếp: “Lần đó, trời xui đất khiến hay sao mà tôi đột ngột đi thăm người thân đang làm quản gia cho một người Pháp ở Nha Trang. Những ngày ở Nha Trang, ngày nào tôi cũng ra biển tắm và một hôm thì Christian đến làm quen với tôi trên bãi biển lộng gió”.
Lúc đầu, cô Thúy ngần ngại, e dè phần vì Christian là người nước ngoài xa lạ, phần vì bất đồng ngôn ngữ, chẳng ai hiểu ai nói gì. Nhưng ông Tây Paris quyết không bỏ cuộc, chạy vạy đến Đại sứ quán Pháp xin gia hạn thêm thời gian ở Việt Nam để tìm mọi cách chinh phục cô thôn nữ xứ Ô Môn. Sau khi có phép, Christian quay trở lại Nha Trang, hằng ngày đều kiên trì đến tìm Thanh Thúy để bày tỏ tình yêu của anh đối với cô và cuối cùng mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn Thúy. Thanh Thúy kể, ban đầu, cô tìm mọi cách né tránh ông Tây, thậm chí còn sợ Christian vì chẳng hiểu anh chàng muốn gì.
Nhưng sau đó, qua sự phiên dịch của người thân và những người quen, cô biết Christian đang yêu cô mê mệt. Biết vậy, Thanh Thúy cảm thấy vui vui trong lòng nhưng cũng chưa dám nói gì với Christian. Thế nhưng, ông Tây Christian si tình nhất định không chịu bỏ cuộc, ngày nào cũng đến tìm cô, rồi sau đó lại tặng hoa, tặng quà tới tấp để bày tỏ tình yêu theo đúng kiểu dân Paris.
Cuối cùng cô thôn nữ miệt vườn Ô Môn đã cảm động trước tình yêu chân thành của chàng trai Pháp Christian. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, Thanh Thúy chấp nhận lời cầu hôn của chàng trai xứ Paris, lúc đó cũng có phần thuận lợi là gia đình của cô không ai phản đối cuộc hôn nhân xuyên biên giới này.
Đám cưới của Christian và Thanh Thúy diễn ra đơn sơ, phía họ hàng bên chồng không có mặt ai vì đường sá xa xôi cách trở, nhưng người vợ Việt Nam và họ hàng bên vợ đều quý mến chàng rể người Pháp. Sau ngày cưới, hai vợ chồng Christian quyết định đưa nhau về Cần Thơ quê vợ lập nghiệp.
...đến quán lẩu dê độc nhất vô nhị đất Tây Đô
Về đất Cần Thơ, ông Tây Paris cứ lóng nga lóng ngóng vì không biết làm ruộng, cũng chẳng biết làm vườn, trong khi hai nghề đó là nghề chính của gia đình bên vợ. Không muốn làm kẻ ăn không ngồi rồi, sẵn có cái nghề đầu bếp từ bên Pháp nên Christian bàn với vợ gom góp vốn liếng dành dụm được bấy lâu để mở quán ăn. Nhưng mở quán ăn bán món gì để có thể kiếm sống được thì lúc đó cả hai vợ chồng Christian cũng không biết.
Thanh Thúy nói, suốt nhiều tháng liền, Christian đạp xe hơn 20 cây số từ Ô Môn lên Cần Thơ, chạy lòng vòng khắp thành phố tìm hiểu xem người miền Tây đang thích ăn món gì nhất, cuối cùng phát hiện ra những quán lẩu dê luôn đông khách, bất kể trời nắng hay mưa. Nhưng lúc đó, ở đất Cần Thơ chỉ có vài quán lẩu dê sang trọng, lẩu dê bình dân lại càng ít. Phát hiện được chi tiết độc đáo này, anh đã chịu khó ngày ngày tiếp cận các quán lẩu dê để làm quen, xin học cách nấu lẩu, tìm đọc thêm sách vở để bổ sung kiến thức, tay nghề.
“Trời đất ơi, sau khi học xong nghề nấu lẩu dê, Christian về nhà mua thịt dê, gia vị các loại để… nấu thử, làm cả nhà tôi ăn lẩu dê mệt xỉu để vừa ăn vừa góp ý cho tay nghề của ông đầu bếp. Mãi đến khi tôi và gia đình xác nhận tay nghề nấu lẩu dê của Christian không thua kém quán nào ở đất Tây Đô, lúc đó anh chàng mới cười khà khà mãn nguyện, lên Cần Thơ tìm chỗ thuê nhà, tuyên bố khai trương mở quán bán lẩu dê bình dân với tôn chỉ: ngon, bổ, rẻ” - Thanh Thúy nhớ lại.
Ngày khai trương quán lẩu dê, Christian và Thanh Thúy rất vui, nhưng chỉ vài ngày sau, quán lâm vào cảnh ế ẩm, mỗi ngày chỉ có một, hai bàn. Suốt mấy tháng liền, thực khách quá ít, buôn bán ế ẩm trong khi tiền thuê nhà, tiền thuế má, điện nước vẫn phải trả khiến cô vợ Thanh Thúy đâm nản chí, khuyên Christian dẹp quán để chuyển nghề khác dễ sống hơn. Nghe vợ bàn như vậy, vốn bản tính luôn lạc quan, Christian không chịu mà cương quyết duy trì quán lẩu dê.
Christian nói, quán mới mở nên khách ít là chuyện thường tình, dẹp quán là đầu hàng, phải tìm cách làm cho thực khách biết đến quán lẩu dê của Tây bán ngon, bổ, rẻ thì người ta thấy lạ, độc đáo và sẽ có khách đến ăn thường xuyên.
Suy đi tính lại, Christian quyết định “đột phá” tìm thực khách ở các trường đại học trong thành phố. Thanh Thúy nhớ lại, hồi đó chiều nào cũng vậy, khoảng 5 giờ là Christian lấy xe đạp dạo quanh các trường đại học ở gần quán, khéo léo làm quen và mời chào các thầy cô, sinh viên để giới thiệu về quán lẩu dê của mình. Đi xong một vòng giới thiệu sản phẩm, Christian trở về quán, lao vào bếp chuẩn bị mọi thứ để đón khách.
Ban đầu, các thầy cô giáo và sinh viên thấy một ông Tây đến tận cổng trường mời chào quán lẩu dê của ông, ai cũng ngạc nhiên nên nhiều người tìm đến, chủ yếu để xem rõ thực hư. Đến khi họ xác định lẩu dê ở đây vừa ngon mà giá lại rẻ hơn nhiều quán khác thì chính những thực khách ban đầu này truyền tai cho nhau đến thưởng thức, khiến quán ngày một đông khách.
Quán lẩu dê Thanh Thúy - Christian trên đường 30-4 phường Hưng Lợi, thành phố Cần Thơ
Lúc đó, quán lẩu dê của hai vợ chồng Christian tuy không tấp nập lắm, nhưng lượng khách gây dựng được khá ổn định vì ngoài món chủ đạo là lẩu dê, vợ chồng anh còn làm thêm nhiều món ăn độc đáo theo kiểu Pháp nhưng bán với giá bình dân. Thanh Thúy nói, những ngày đầu, phần lớn khách là giáo viên, sinh viên khoa tiếng Pháp của các trường đại học, họ đến quán vì giá cả bình dân và có cơ hội rất tốt để tranh thủ thực tập ngoại ngữ miễn phí với ông chủ quán có chất giọng Paris chính hiệu.
Tiếng lành đồn xa, quán lẩu dê của vợ chồng Christian ngày càng đông khách và năm 2001, địa chỉ của quán này đã được các bạn anh đưa vào cuốn sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet, nhờ vậy mà từ đó nhiều du khách nước ngoài khi đến Cần Thơ cũng nằng nặc đòi hướng dẫn viên du lịch dẫn đến quán lẩu dê của ông Tây Paris để thưởng thức món ăn mà theo nhiều người thì… không có ở nước họ. Christian còn nói rằng, chính nhờ quyển sách này mà quán của anh ngày càng được nhiều người Pháp đi du lịch Việt Nam tìm đến để vừa thưởng thức lẩu dê vừa "ủng hộ" đồng hương, khiến anh cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ quê của người con xa xứ.
Thuyết phục suôn sẻ bà mẹ Pháp thương con
Hỏi chuyện gia đình anh bên Pháp, Christian vui vẻ cho biết lâu lâu anh mới về thăm quê, nhưng mẹ và các em có dịp là bay sang Việt Nam để thăm anh và… thưởng thức món lẩu dê do anh nấu. “Bây giờ thì mọi việc đã ổn định rồi, chứ lúc tôi cưới Thúy và quyết định ở lại Cần Thơ mở quán lẩu dê, mẹ tôi phản đối dữ lắm. Hồi đó, khi quán vừa buôn bán ổn định thì sóng gió lại nổi lên từ trời Tây, tôi và vợ tôi phải làm đủ mọi cách, gia đình tôi bên Pháp mới yên tâm cho tôi ở lại Việt Nam làm chủ quán lẩu dê” - anh chàng chủ quán người Pháp cười hà hà nhớ lại.
Hồi đó, sau hai năm không thấy Christian về Pháp thăm nhà, bà mẹ của Christian nhớ con quá nên thu xếp công việc từ Pháp bay sang thăm con trai, con dâu và cháu nội. Hay tin mẹ sang thăm, Christian vội giao quán lại cho cô vợ Thanh Thúy, đích thân lên tận sân bay Tân Sơn Nhất đón mẹ.
Khi xe về đến chỗ ở cũng là nơi mở quán mưu sinh của vợ chồng Christian, bà mẹ đã không cầm được nước mắt khi thấy nơi ở của con trai và vợ chật chội, nóng bức, ẩm thấp vì lúc ấy hai vợ chồng Christian đang ở trong căn nhà vách tôn, mái tôn, nền gạch trên đường 30-4, phường Hưng Lợi.
Cô vợ Thanh Thúy góp lời: "Cũng may là lúc đó vợ chồng tôi vừa sửa sang lại căn quán, chứ lúc mới thuê, căn nhà này xập xệ lắm. Vậy mà mẹ chồng tôi vẫn không vừa ý. Đưa mẹ chồng ra ở khách sạn nhưng ngày nào bà cũng đến quán ngồi xem vợ chồng tôi buôn bán, chơi đùa với cháu nội. Nhưng những khi vãng khách, ngồi nói chuyện với tôi và Christian, bà không giấu ý định khuyên anh ấy trở về Pháp, vì trong lòng bà rất xót xa và lo âu cho cuộc sống của hai vợ chồng còn quá khó khăn".
Trước quyết định căng thẳng của bà mẹ, Christian không dám cãi lại, nhưng anh chàng cũng không muốn trở về Paris vì đã trót yêu mến thành phố miền sông nước này. Hơn nữa, theo Christian thì trở về Paris, anh lại tiếp tục đi làm thuê, trong khi ở xứ sở này, vợ chồng anh là chủ quán, tự quyết định chuyện kinh doanh của mình. Lúc đó, cô vợ Thanh Thúy cũng không muốn theo chồng về Pháp định cư vì xa quê hương, bản quán.
Vợ chồng Christian nói, tình thế lúc đó thật khó khăn, một bên là thái độ căng thẳng, cương quyết của người mẹ buộc con trai phải hồi hương; một bên là vợ con, cơ sở làm ăn, buôn bán mất rất nhiều thời gian, công sức mới gây dựng được. Bà mẹ của Christian tuyên bố, bà chỉ ở Việt Nam vài ngày, sau đó vợ chồng con cái Christian phải thu xếp đóng cửa quán, mua vé máy bay theo bà về Pháp. Hai vợ chồng ông Tây bàn đi tính lại, cuối cùng quyết định không về Pháp mà tiếp tục bán lẩu dê ở đất Cần Thơ.
Cô vợ Thanh Thúy được giao nhiệm vụ thuyết phục bà mẹ chồng người Pháp khó tính, dù vốn tiếng Tây của cô chưa nhiều lắm. Suy tính mãi, Thanh Thúy quyết định tìm kế hoãn binh. Hằng ngày, cô tới khách sạn đón mẹ chồng, thuê thuyền du lịch đưa bà đi thăm thú các vườn cây ăn trái, đến các điểm du lịch sông nước, đưa bà về thăm gia đình sui gia ở Ô Môn, gặp gỡ và tìm hiểu cuộc sống của người dân miền Tây…
Sự nhiệt tình, hồn nhiên của Thanh Thúy và những cuộc đón tiếp trọng thị của những người nông dân miền Tây chất phác, chân tình đã khiến bà mẹ Christian thay đổi thái độ, quên mất dự định ban đầu là buộc con trai phải dẹp quán, hồi hương. Chỉ sau một tuần lễ, bà mẹ Christian không chịu ở khách sạn sang trọng nữa mà nằng nặc đòi chuyển hành lý từ khách sạn về ở chung trong căn nhà lợp tôn nóng bức của hai vợ chồng Christian.
Bà cũng không nhắc gì đến chuyện chỉ ở Việt Nam một vài ngày mà hôm nào cũng vui vẻ cùng con dâu dạo chơi khắp các miền sông nước hữu tình của miền Tây Nam bộ để khám phá những điều thú vị. Những hôm rảnh rỗi, bà còn hào hứng lao vào bếp phụ con trai và con dâu một tay để… bán lẩu dê, khiến lúc đó quán đông khách hẳn lên vì nhiều thực khách hiếu kỳ đến ăn để được chứng kiến cảnh hai mẹ con ông Tây cùng bán lẩu dê bình dân. Kế hoãn binh của Thanh Thúy công hiệu đến mức thời gian một tháng trôi qua lúc nào, bà mẹ Pháp cũng không hay.
Ngày bịn rịn chia tay vợ chồng Christian để về nước, bà không còn nhắc gì đến ý định bắt buộc con trai dẹp quán lẩu dê, đem vợ con hồi hương, chỉ căn dặn các con ráng giữ gìn sức khỏe, lo làm ăn và… lâu lâu thì nhớ bay về Pháp thăm bà và gia đình, anh chị em. Nếu công việc bận bịu quá thì bà và các anh chị em của Christian sẽ thu xếp bay qua Việt Nam thăm quán lẩu dê và thưởng thức món ăn đặc sắc do chính tay Christian nấu.
Sau nhiều năm bán lẩu dê ở đất Tây Đô, quán của vợ chồng Christian trở thành một “thương hiệu đặc biệt” trong làng lẩu dê, mà dân sành ăn đất Cần Thơ chỉ gọi ngắn gọn là “lẩu dê ông Tây”. Suốt nhiều năm qua, lượng thực khách của quán không tấp nập lắm, nhưng khách thân quen luôn ổn định. Christian nói, lâu nay số khách thân tình nhất của quán vẫn là những sinh viên khoa tiếng Pháp của các trường đại học ở Cần Thơ, các giáo viên và cả cán bộ, công chức Nhà nước. Họ đến quán vì giá cả bình dân là một lẽ, nhưng chủ yếu là ai cũng thích cơ hội thực tập ngoại ngữ với Christian.
Quán Thanh Thúy- Christian bây giờ đã được sửa sang đẹp đẽ, bảng hiệu hoành tráng, có thêm nhiều người giúp việc chứ không còn ọp ẹp như ngày đầu mới khai trương, nhưng giá cả vẫn rẻ hơn các quán lẩu dê trong thành phố, và vợ chồng ông Tây vẫn vui vẻ, nhiệt tình đón chào tất cả thực khách đến quán thưởng thức lẩu dê và các món ăn Pháp.
Mấy năm gần đây, nghe nói ngoài thời gian lo cho quán lẩu dê, Christian còn đi làm thêm cho một công ty du lịch lữ hành. Hỏi chuyện này, Christian cười cười, nói đó là nghề tay trái, còn quán lẩu dê bình dân từ những ngày đầu lập nghiệp ở miền Tây thì nhất quyết không bỏ được.
Hỏi rằng một ông Tây đặc sệt chất Paris thì làm sao có thể nấu lẩu dê ngon, thu hút được thực khách, cạnh tranh ngang ngửa với những quán lẩu dê lâu đời, Christian hào hứng nói: “Quan trọng là phải chú ý đến từng chi tiết của món ăn, không được bỏ qua một loại gia vị cần thiết nào, đặc biệt là phải làm sao để chế biến cùng một món lẩu dê như các quán khác nhưng thực khách ăn xong là phải nhớ đến hương vị đặc biệt của lẩu dê Thanh Thúy – Christian, để lần sau họ còn tìm đến. Đó là bí quyết của một đầu bếp, mà anh quên rằng tôi đã là đầu bếp nhà hàng chính hiệu từ hồi còn ở Paris à?”.
Thường Dân
Nhãn: Đời sống
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ