Quần áo

Quần áo

15 thg 11, 2011

Thu nhập “khủng” từ nghề bán trà đá, sửa giày ở Hà Nội

Bám vỉa hè bằng những nghề rất đơn giản như bán trà đá, sửa giày ... với mức đầu tư ban đầu có khi chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng mỗi ngày họ thu về vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng. Chả thế mà hiện nay, tại Hà Nội những nghề này đang khá phổ biến, có thể bắt gặp ở bất kể đâu. Từ phố lớn, đến ngõ nhỏ, từ ngoài thành đến trung tâm, chỗ nào có vỉa hè là người ta chiếm dụng. Nhiều vậy, nhưng sức cạnh tranh chẳng những không tăng, mà "càng đông càng vui".

Bán trà đá: “Một vốn, bốn lời”

Theo chị Tý, vốn chị bỏ ra hàng ngày khoảng 100.000 đồng, nhưng với mỗi cốc trà giá 3.000 đồng, mỗi buổi chỉ cần có khoảng 100 - 200 khách, cộng thêm cả trà chanh, sấu dầm, kẹo lạc, thuốc lá…, trừ chi phí ra, mỗi đêm chị thu được không dưới 200.000 đồng


Quán trà đá ở Hà Nội trải dài từ bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình, sân vận động Quốc Gia, cho đến các con hẻm nhỏ ở Hà Thành, trước cổng các công sở và đặc biệt tập trung với mật độ dày đặc ở cồng trường Đại học. Chỉ vài trăm ngàn đầu tư mua ít ghế nhựa, vài cái cốc và ít đồ uống nhẹ cùng một vài dịch vụ đi kèm, là đã có thể ra kinh doanh trà đá với lợi nhuận hàng tháng có thể lên đến cả chục triệu đồng. Từ sáng sớm đến tận đêm khuya, quán trà đá hoạt động hết công suất, phục vụ từ sinh viên, dân văn phòng, người lao động, và nó cũng đang góp phần tạo ra một thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người dân Hà Thành.

Tại cổng phụ trường Đại học KHXH&NV, đoạn vỉa hè cổng chính trường ĐH Kiến Trúc... chỉ một đoạn dài chưa đến 30 mét, có tới cả chục quán nước, phục vụ sinh viên từ 7 - 21h tất cả các ngày trong tuần. "Bình quân một ngày, mình phục vụ không dưới 200 lượt khách, đa phần là sinh viên. Trừ chi phí, mỗi ngày cũng thu về vài trăm ngàn đồng. Đa phần là sinh viên nên mình chỉ lấy 2000 đồng/cốc nước, còn ở nhiều nơi giá đã gấp đôi lâu rồi", chị Nguyễn Thị Hoa, bán nước tại cổng trường Đại học Kiến trúc vui vẻ tiết lộ.

Dạo qua đường Nguyễn Chí Thanh, cổng Đại học Luật, khu Cầu Giấy cổng Đại học Giao thông vận tải từ 18 -23h đông nghịt khách mặc dù giá ở đây đã lên 3000 đồng/ cốc. Không thua kém gì ở các cổng trường Đại học, hoạt động kinh doanh trà đá tại khu sân vận động Mỹ Đình, và trước cổng chính Trung tâm Hội nghị Quốc Gia cũng rất sầm uất, nhộn nhịp và chỉ diễn ra về đêm (từ 7 -23h đêm). Đây được xem là "mảnh đất hái ra tiền" của cánh kinh doanh trà đá. Họ chuyên phục vụ giới thanh niên, các bạn trẻ ra đây "hóng mát" vào ban đêm.
Dựa vào "tâm lý thanh niên" những người bán ở đây thường đưa ra giá "cắt cổ". Như thuê một chiếc chiếu có giá 10 ngàn đồng, quả xoài, củ đậu, quả ổi đều có giá 10 ngàn đồng/quả nên nơi đây đã biến thành "đất vàng" để kinh doanh.

Để có thêm thu nhập, giờ đây, đa phần các quán trà đá còn kiêm thêm công việc ghi lô đề. Với "việc làm thêm" này, họ được nhà cái chia cho 2% số tiền ghi được. Đấy là chưa kể, nếu có người trúng, khách cũng thưởng cho các chủ quán nước một ít...

Vừa thoăn thoắt rót trà cho khách, chị Lý (làng Phú Đô, Từ Liêm) vui vẻ cho biết: “Cuộc sống nông dân khó khăn, vợ chồng em cũng lăn lộn nhiều nghề, nhưng rồi quyết “trụ” lại với quán trà đá này. Với vốn bỏ ra chưa đến hai triệu đồng từ tiền mua bàn ghế, trà, ít bánh kẹo, vài loại nước giải khát…. Cũng may, chỗ này gần sân bến xe Mỹ đình nên em bán cũng tạm được, vợ chồng em có “đồng ra, đồng vào”. Tuy nhiên, cái gọi là “đồng ra, đồng vào” từ quán trà đá của chị Lý là ước mơ của không ít người, nhất là khi nói đến hiệu quả sinh lời từ đồng vốn.

17h chiều ở sân vận động Mỹ Đình dày đặc những cặp tình nhân ra đây ngồi hóng gió và tâm sự. Bên cạnh đó là đội ngũ bán trà đá để phục vụ cho đối tượng này cũng đông không kém. Chị Nguyễn Thị Tý, hiện là giáo viên đang ở làng Nhân Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm, HN) cho biết: “Trong thời buổi giá cả leo thang thế này, thì nghề bán trà đá là nghề dễ kiếm tiền nhất mà không ảnh hưởng đến thời gian đi làm”. Chi phí đầu tư cho quán trà đá vỉa hè này không nhiều, chỉ vài bộ bàn ghế, một thùng nước sôi để nguội, một bình đựng đá và một chai trà cô đặc là đã có thể hành nghề.

Theo chị Tý, vốn chị bỏ ra hàng ngày khoảng 100.000 đồng, nhưng với mỗi cốc trà giá 3.000 đồng, mỗi buổi chỉ cần có khoảng 100 - 200 khách, cộng thêm cả trà chanh, sấu dầm, kẹo lạc, thuốc lá…, trừ chi phí ra, mỗi đêm chị thu được không dưới 200.000 đồng, mỗi tháng không dưới 6 triệu. Do thu nhập tốt nên ngoài chị ra, cả chồng và con cũng chia làm ba góc ở sân vận động Mỹ Đình để bán trà đá, tính sơ qua mỗi tháng gia đình chị có thêm 18 triệu, tính ra thu nhập cao hơn cả công chức và người lao động làm việc ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Những thợ sửa giày siêu hạng: Kiếm cả triệu bạc/ngày nhờ sửa giày hàng hiệu
Không kể dịp Tết, hàng ngày ông Ngọc kiếm không dưới 200.000 đồng. Vào những ngày đông khách, nhất là cận Tết có ngày ông thu về gần triệu bạc chỉ nhờ vào việc sửa giày. (Ảnh minh họa)


Ở Hà Nội, hành nghề sửa giày ở vỉa hè thì rất nhiều, nhưng cần đến sự uy tín, cẩn thận và chuyện nghiệp thì người ta nghĩ ngay những phố Hàn Thuyên, Quang Trung, Hàng Dầu.... Thợ sửa giày ở đây là những “chuyên gia” khá đặc biệt, khách hàng đến đây có đủ loại từ bình dân đến thượng lưu.

Nằm trên phố Hàng Dầu, quán sửa chữa và đóng mới giày của anh Dũng hoạt động nhộn nhịp không kém một phân xưởng nho nhỏ. Suốt ngày, khách qua đường cứ thấy ông chủ loay hoay hết cắt dán, chà nhám, khoan lỗ, đóng đinh, đánh bóng dép giày… Khách lạ mà chờ sửa giày thì dễ ngạc nhiên sao tiệm sửa giày của Dũng có lắm khách hàng “sang trọng” thế. Cứ nườm nượp những xe hơi và xe tay ga đời mới ghé vào để chủ nhân các phương tiện ấy chìa ra những đôi giày đôi dép nhờ sửa. Lâu lâu lại thấy một ông Tây, bà đầm đi ngang “hello” hay “xin chào” với anh chủ tiệm quần áo nhem nhuốc những keo dán. Tất cả những con người đó đều là khách quen của tiệm sửa giày này.

Ở Hà Nội, hành nghề sửa giày thì rất nhiều, nhưng để có được tiếng như quán sửa giày của anh Dũng thì rất hiếm. Ở cái tuổi 39, anh Dũng nhìn rất trẻ so với tuổi đời nhưng anh lại có cái vẻ tự tin của một người đã đạt được kỹ xảo trong nghề. Hỏi về duyên sửa giày, anh cho biết: Anh được thừa kế vốn nghề của cha để lại. Gia đình anh có 3 đời theo nghề. Lúc ấy, Dũng chỉ mới 14 tuổi đã phải lao động kiếm sống cùng cha. Đến năm 1991, cha anh qua đời và anh tiếp nhận lại quán sửa giày và sớm trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. “Thật sự thì lúc cha mất, tôi chỉ mới tập tành làm quen với nghề đóng mới giày, chỉ bập bõm biết được nghề sửa giày. Nhưng sau 20 năm lăn lộn với nghề, bây giờ tôi có thể đảm đương công việc của một ông thợ sửa giày kiêm đóng giày”- anh Dũng tâm sự.

Để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, ở quán sửa giày của anh Dũng vẫn có cả hai cuốn catalogue hình các kiểu giày để khách có thể chọn kiểu đóng mới giày. Đây là những kiểu giày do anh chụp lại từ những đôi giày sang trọng, đắt tiền mà khách thường đem đến cho anh sửa. Có những đôi giày mới có giá cả chục triệu đồng, nhưng những người chủ vẫn thường đem ra cho anh dán thêm lớp đế để đỡ mòn, đỡ trơn hơn khi mang nguyên trạng.
Một người khách tên Tùng đem đôi giày bị mòn gót đưa cho anh Dũng. Tùng cho biết: “Tôi sửa giày ở đây lâu rồi nên chỉ cần trao đổi ngắn gọn vài câu, hôm sau sẽ có đôi giày như mới”. Những người đem giày ra đây để sửa đều như vậy, không câu nệ giá cả, hoàn toàn yên tâm vào người thợ mà mình gửi giày. Quán sửa giày của anh Dũng rất nổi tiếng, quán đông khách cũng bởi nhờ những khách quen hay sửa giày ở chỗ anh thường không ngần ngại quảng cáo không công cho ông thợ mà họ rất ưng ý này.

Không kém phần nổi tiếng là quán sửa giày của anh Khánh nằm trên phố Quang Trung. Theo anh Khánh, làm nghề này cốt phải biết ý khách hàng, cần phải cẩn thận cái gì làm được thì nhận còn làm không được thì cũng phải nói rõ cho khách biết và nhất là phải biết giữ chữ tín. Khi anh Khánh nói điều này cũng là lúc anh từ chối sửa quai giày cao gót cho một cô gái: “Anh có thể sửa lại nhưng nó sẽ không đẹp và nhanh hỏng”. Sáng cuối tuần, hai cô gái khá trẻ ngồi ở chỗ sửa giày của anh chờ lấy đôi giày cao gót trông xinh xắn.
Qua câu chuyện của họ, được biết, đôi giày này mới mua vài hôm nhưng vì hơi rộng nên họ mang đến nhờ anh sửa cho vừa chân. Chỉ chừng hai mươi phút sau, đôi giày đã được anh Khánh gắn thêm miếng đệm nén chặt. Hình dáng của đôi giày không có gì thay đổi, phải thật tinh mắt mới nhận ra đôi giày vừa được siết chặt. Trao anh 30.000 đồng tiền công, hai cô gái vui vẻ hòa vào dòng người.

Nhờ vào khoản thu nhập hàng ngày này, anh Khánh đã nuôi sống cả gia đình, sắm sửa đồ đạc đầy đủ không thua kém ai. Anh Khánh nói: “Năm nay anh 30 tuổi, nghề này đã theo anh 18 năm, những gì anh có được hôm nay là nhờ vào nghề sửa giày này”. Với anh Khánh, sửa giày còn là một công việc mang lại nhiều niềm vui. Anh kể, có những hôm không đi làm, lại nhớ mùi keo dán, nhớ những người khách thân quen với anh bao năm…Anh tâm sự, sắp tới anh sẽ khai trương một shop quần áo trên phố Trần Nhân Tông, nhưng anh sẽ không trực tiếp bán mà chỉ quản lý thôi, và anh vẫn tiếp tục công việc sửa giày của mình.

Trước cổng công ty bảo hiểm Bảo Việt đường Phan Huy Chú là quán sửa giày của ông Ngọc. Đã ngoài 60 tuổi nhưng ngày nào cũng vậy, từ 7h sáng -17h chiều, ông có mặt ở đây với một bộ bàn ghế con, một ống đựng dùi móc, cây xủi, xẻ rãnh, kim chỉ… Một nữ khách hàng mang hai đôi giày hiệu Gucci đến nhờ: “Chú sửa giùm cháu hai đôi này, cháu đợi đem về, vì nhà ở xa”. Chú Ngọc cười: “Ở xa hay để lại vì sợ mất giày?”. Đây là chuyện thường ngày, ông Ngọc đã quá quen, vì những khách mới khi đưa đôi giày trị giá bạc triệu đến sửa thì họ sợ hỏng, sợ mất là đương nhiên nhưng chỉ sau vài lần sửa giày là khách tin tưởng ngay.

11h trưa, một chiếc xe hơi ghé lại. Buông chiếc giày đang sửa, ông Ngọc nhanh nhẹn mang đôi giày để sẵn trong túi ra xe cho khách. Người khách đưa cho ông 200.000đ, bảo không phải trả lại. Vừa chấm keo phết lên đế, da giày rồi nhẹ nhàng dán lại, ông Ngọc kể: “Khách lúc nãy là chủ một doanh nghiệp lớn, mối quen của tôi hơn 10 năm nay. Nghề này thu nhập cũng khá, giá khâu giày từ 40.000đ - 50.000đ, dán đế 20.000đ”.

Theo ông Ngọc, khách sửa giày lạ có, quen có, khách bình dân cũng có mà diễn viên, ca sĩ, quan chức… cũng có. Ông Ngọc tâm sự: “Nghề sửa giày nếu không có uy tín thì rất dễ bị đào thải”. Do chữ tín làm đầu, sửa khá đẹp, tiền công vừa phải và tư vấn kiểu, cách giữ giày... nên ông Ngọc làm không hết việc. Không kể dịp Tết, hàng ngày ông Ngọc kiếm không dưới 200.000 đồng. Vào những ngày đông khách, nhất là cận Tết có ngày ông thu về gần triệu bạc chỉ nhờ vào việc sửa giày.

Ông Ngọc sống khỏe bằng nghề sửa giày và đúc kết: “Làm nghề gì thì cũng phải có tâm huyết, người ta đã nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” rồi chú ạ”.

Hoàng Phương

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ