Quần áo

Quần áo

18 thg 10, 2011

Chuyện tình “rung động” cao nguyên đá (kỳ 1)

Phải đến lần thứ 3 chinh phục cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), chúng tôi mới gặp được cặp vợ chồng mà theo nhiều người ở thị trấn Đồng Văn, tình yêu của họ khiến đá cũng khâm phục. Đó là câu chuyện của thầy giáo người Kinh- Lương Văn Sơn và cô tạp vụ người Mông - Lý Mẩy Chà (ở xã Lũng Phìn, Đồng Văn, Hà Giang).

Anh Sơn - chị Chà hạnh phúc bên nhau trong phiên chợ Lũng Phìn.

Còn nhớ cách nay hơn một năm, lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên cao nguyên đá đã được nghe người ta kể về câu chuyện tình “xưa nay hiếm” ở miền khô khát này.
“Đôi uyên ương” giữa “biển đá” cao nguyên
Trời chập choạng tối, trong cái se lạnh của mùa đông mù sương, cộng thêm màu đá xam xám của cao nguyên đá khiến bầu trời thêm lạnh lẽo. Người chúng tôi như ấm hẳn lên khi thấy thấp thoáng giữa những mỏm đá lô nhô hình dáng hai người đang tay trong tay đi tới. Vừa đi, họ vừa nói cười râm ran vào vách núi. Chúng tôi mừng thầm vì người cần gặp sau nửa ngày chờ đợi đã xuất hiện. Họ chính là đôi “uyên ương” đang “bơi” giữa chập trùng biển đá cao nguyên.
Chúng tôi được mời vào một ngôi nhà xây bằng đất và đá, lợp mái tôn, xung quanh được xếp rào bằng tường đá, nằm lẻ loi giữa bạt ngàn ngô và đá cheo leo dưới các ngọn núi cao vút. Ấy vậy mà đây chính là tổ ấm, nơi se mối lương duyên giữa thầy giáo người Kinh và cô tạp vụ người Mông hiền lành chất phác ngày nào.
Dưới ngọn đèn dầu le lói, chẳng mấy chốc một mâm cơm đầm ấm đã được bày ra. Trong lúc ăn cơm, chúng tôi có dịp tìm hiểu về câu chuyện tình của hai người. Anh Sơn gắp miếng trứng gà rán, nhẹ tay đặt vào bát cơm của vợ, rồi nhìn chúng tôi và nói: “Mình quê ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), năm 2000, mình tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, tình nguyện lên đây dạy học. Rồi lấy vợ ở trên này luôn. Vợ chồng mình có một nhà ở thị trấn Đồng Văn nữa, đây là nhà cũ, chúng mình thường hay về vào ngày cuối tuần”.
Chị Chà, vợ anh Sơn như đoán được ý của chúng tôi vội rót nước từ ấm trà hạt bí đặc sản của người Mông mời chúng tôi rồi tiếp tục câu chuyện với cái giọng tiếng Kinh còn hơi ngượng: “Nhà mình thì ở đây thôi, gần trường học mà. Ngày xưa thầy giáo người Kinh lên đây dạy học, thầy giáo yếu lắm, gùi bao gạo, xách xô nước không nổi, đi bộ mấy bước kêu mỏi chân, không gùi được gì theo cả. Mình thấy, mình thương thì mình đồng ý làm vợ thôi” - nói rồi, chị nhìn chồng tủm tỉm cười, thấy vậy chúng tôi cũng cười vang, không khí trở nên vui tươi đầm ấm hơn, bữa cơm cũng trở nên ngon hơn. Chẳng mấy chốc bữa cơm đầm ấm vùng cao núi đá kết thúc bên bếp lửa đỏ hồng
Bên bếp lửa ấm áp đốt bằng thân cây ngô khô, chúng tôi có thời gian tìm hiểu câu chuyện tình đặc biệt hiếm có ở nơi địa đầu tổ quốc này. Tôi hỏi: “Anh chị đến với nhau như thế nào?”. Anh Sơn đưa mắt nhìn vợ rồi ngẩng mặt lên trần nhà, mỉm cười để lộ hàm răng vàng óng kể rằng: “Mình là giáo viên ở Trường Lũng Phìn, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 50km. Khi mới ra trường, lên đây, người mình gầy còm, ốm yếu lắm. Mỗi khi hết gạo, hết thức ăn, mình phải xuống chợ huyện mới mua được. Mà phải đi bộ đấy nhé. Có lần mua 20kg gạo, cộng thêm một ít mắm khô và thùng mì tôm nữa. Mình vác ngược dốc được khoảng chục cây số đường núi đá thì ngã khuỵu, không thể bước đi được nữa. Đúng lúc đó, mấy cô gái Mông cũng đi chợ về, sau lưng gùi rất nhiều đồ thấy thầy giáo mệt họ liền xúm lại trêu đùa bằng mấy câu tiếng Kinh”.

Chị Chà tiếp tục câu chuyện: “Khi ấy mình thấy mồ hôi chảy nhiều trên má thầy giáo, tưởng thầy giáo khóc nên thương thầy lắm, mình là người can đảm nhất trong đám bạn đã bước tới động viên thầy, rồi nhẹ tay nhấc bao gạo bỏ vào gùi giúp thầy mang về. Khi ấy, nhìn thầy giáo buồn cười lắm, quần thì rách từ đầu gối xuống vì quệt vào đá sắc nhọn, thầy bước mệt mỏi theo sau”.

Được biết, với 50km đường núi đá phải mất gần 2 ngày đường đi bộ mới tới nhà. Vậy là đêm ấy, thầy Sơn được các “sơn nữ” người Mông đốt lửa sưởi ấm ngủ ngon lành với “màn” mây mù “chiếu” đá. Sáng hôm sau, đám bạn của Chà gùi nhẹ hơn đã nhanh chân về trước để đi nương. Lúc này, chỉ còn hai người, thầy Sơn chỉ biết lẳng lặng theo sau cô gái Mông với bắp chân hình búp măng cuốn khăn kín mít mà chẳng nói được một lời cảm ơn. Trong lúc mệt nhọc, được người khác giúp đỡ, anh đã nghĩ về gia đình, về người thân, bạn bè ở quê hương. Rồi Sơn thấy lòng mình khâm phục, cảm mến cô gái Mông đang thoăn thoắt gùi gạo cho mình đi trước.

Khi về đến trường, thầy Sơn mới biết nhà cô gái Mông đó chỉ cách trường mình đang dạy có một quả núi, vậy là thi thoảng khi Chà thường chơi, thầy Sơn lại nhờ Chà đưa đến nhà bà con dân tộc để động viên con em đến trường. Chẳng là hồi đó, bà con miền núi rất ít người biết tiếng Kinh, họ không cho con mình đi học, họ cho rằng việc học không làm ra cái ăn. Thầy giáo Sơn mới lên không biết tiếng Mông nên phải nhờ Chà đã từng học đến cấp hai ở trường nội trú huyện làm phiên dịch.
Do biết tiếng Kinh, lại là người địa phương nên Chà được nhà trường nhận vào làm tạp vụ tại trường thầy Sơn dạy, công việc chính của của Chà là đánh trống, quét dọn và pha trà mỗi khi trường có khách. Vậy là họ gần nhau hơn, hôm nào cũng được trò chuyện, khi xa nhau lại thấy nhớ. Rồi tình yêu của hai người dành cho nhau lúc nào không hay biết. Các thầy cô trong trường biết ý còn sắp xếp cho hai người cùng làm việc, nấu cơm, rửa bát trùng lịch nhau. Thế là câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” đã trở thành hiện thực.

“Cô ấy không biết anh yêu em là gì?”

Cậu chuyện mà anh Sơn, chị Chà thủ thỉ kể với chúng tôi chân thật đến nỗi chúng tôi cứ ngỡ câu chuyện tình đặc biệt này vừa mới diễn ra ngày hôm qua. Chúng tôi hỏi: Khi ấy, anh Sơn bày tỏ tình yêu của mình với chị Chà như thế nào? Anh Sơn bật cười, hơi thở mạnh khiến ngọn đèn dầu bỗng tắt phụp, chúng tôi giật mình co dúm người.
Nhưng bên bếp lửa hồng, khuôn mặt ai cũng đỏ ửng hẳn lên, chị Chà nghiêng người tựa đầu vào vai chồng rồi từ từ cất giọng: “Ngày ấy, mình thật là ngốc, cứ đứng gần anh ấy là nắm tay anh ấy ngay. Có lần mình giật mình vì anh ấy tự nhiên cầm tay mình. Đêm ấy trăng sáng lắm, nhìn được cả mấy quả núi phía xa. Anh ấy nói với mình rằng: “Anh yêu em!”, người Mông mình ở trên núi quanh năm suốt tháng chưa từng nghe đến câu nói này bao giờ, mình cũng chẳng biết anh ấy nói gì, lúc đó, mình cảm nhận như bàn tay yếu ớt thư sinh của anh ấy nắm chặt tay mình hơn, anh cứ nhìn thẳng vào mắt mình, sợ quá mình bỏ chạy về với bố mẹ”.
Anh Sơn thấy vợ nói vậy liền đưa tay đan vào tay vợ, nắm chặt rồi lắc nhẹ. Chị Chà như lấy được cảm xúc kể tiếp: “Mãi sau này được vài lần có đoàn văn công đến xã diễn, họ diễn những vở liên quan đến tình yêu mình mới biết hôm ấy, dưới ánh trăng sáng, anh Sơn đã bày tỏ tình cảm với mình”.
Trời đã về khuya, từng đợt sương muối lọt qua khe cửa sổ vào nhà, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh của miền cao địa đầu tổ quốc thân yêu này. Anh Sơn nhanh tay gẩy đống than trong bếp tan ra cho ấm, ngọn lửa một lần nữa được tiếp thêm sức mạnh như câu chuyện tình yêu.
Anh Sơn kể: “Mình nhớ nhất là lần đi vận động các em học sinh đến trường về, trên đường gặp mưa bất chợt, quần áo ướt sũng. Về đến nhà, mình bị cảm, phải nằm cả tuần. Và cũng cả tuần đó mình được Chà nấu cháo ngô cho ăn. Chẳng là lần ấy trời mưa triền miên, không thể nào xuống chợ mua gạo được, nhà Chà nghèo, với lại người Mông chủ yếu ăn ngô thay cơm. Khi ấy, mình chỉ ước ao chạy một mạch về nhà với gia đình, người thân để được ăn một bát cơm do mẹ nấu”. Nhưng được sự chăm sóc của Chà, Sơn đã vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Thế rồi khi cái ốm qua đi cũng là lúc tình yêu thêm nông đượm.

Nhắc lại lần đầu tiên cầm tay Chà rồi nói: “Anh yêu em!”, thầy Sơn nhìn vợ: “Hồi ấy em ngốc thật, người ta nói có thế đã bỏ chạy, khiến người ta đuổi theo được nửa quả núi thì mệt quá không bước được nữa”. Đã quá nửa đêm, anh Sơn, chị Chà có lẽ cũng đã mệt mỏi với cả tuần làm việc. Còn chúng tôi, đôi chân trở nên đau nhức hơn mỗi khi cựa quậy.
Những tưởng câu chuyện của chúng tôi sẽ kết thúc rồi chìm sâu vào giấc ngủ tĩnh lặng thâm u của nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Thế nhưng, đúng lúc đó anh Sơn đứng dậy, rút từ trong ống nứa gần cửa ra một cây sáo. Chẳng nói năng gì, anh thổi một khúc nhạc dìu dặt của người Mông. Tiếng nhạc du dương khiến người bạn của tôi ngồi trên giường gần bếp ngủ say lúc nào không hay biết. Anh Sơn khoe rằng: “Mình học được thổi sáo qua những lần cùng bố vợ đi nương đó”.

Tiếng sáo Mông vẫn vang vọng bên tai tôi, giật mình tôi hỏi: “Vậy là anh cũng biết đi nương?”. Anh Sơn rót chén trà hạt bí đặc sản của người Mông lần nữa rồi anh kể về quá trình gian nan chinh phục hai gia đình của hai người mà theo anh, hồi mới lên gùi gạo đi bộ vượt dốc khó khăn bao nhiêu thì việc hai người đến với nhau thành vợ, thành chồng càng khó khăn gấp trăm ngàn lần.

Nguyễn Hồng

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ