Quần áo

Quần áo

31 thg 8, 2011

'Vén màn' các cuộc thi nhan sắc quốc tế

Thời gian gần đây, nhiều người đẹp Việt Nam ồ ạt ra nước ngoài tranh tài các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Tuy nhiên, mức độ lớn nhỏ, tầm vóc của từng sân chơi ấy như thế nào và các danh hiệu được công nhận ra sao, không phải là điều ai cũng biết

Kể từ khi cuộc thi Hoa hậu thế giới ra đời cách đây 60 năm ở London (nước Anh), với mục đích ban đầu là tạo ra sân chơi văn hóa dành cho các người đẹp ở châu Âu, các cuộc thi sắc đẹp đã vươn ra khắp năm châu, dần phát triển thành ngành công nghiệp tuyển chọn nhan sắc, gọi tắt là thi hoa hậu.

Các cuộc thi nhan sắc đa quốc gia thường được xếp hạng theo 3 tiêu chí: Số lượng các quốc gia tham gia thông qua đại diện là hoa hậu mỗi nước, sự sôi nổi và lôi kéo truyền thông, khán giả và địa điểm tổ chức cuộc thi cùng công tác quản lý.

Một điều thú vị và mang nét tương đồng với các môn thể thao bóng đá và quần vợt, các cuộc thi hoa hậu cũng được phân chia thành các giải đấu chính quy và phong trào.

GlobalBeauties - website hàng đầu trong lĩnh vực hoa hậu đã dựa trên kết quả của 6 cuộc thi “Grand Slam” hay có thể gọi là “uy tín nhất” để xếp hạng thành tích của các quốc gia trên bản đồ sắp đẹp thế giới bao gồm: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế và Nữ hoàng Du lịch Quốc tế.


Á hậu Việt Nam Vũ Thị Hoàng My đang góp mặt tại một trong các cuộc thi
nhan sắc hàng đầu của thế giới là Hoa hậu Hoàn Vũ.

Ngoài 6 cuộc thi chính quy kể trên, thế giới có thêm khoảng 10 cuộc thi hạng trung khác như Manhunt International, Mr International, Mr World (dành cho nam) và các cuộc thi như Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương, Hoa hậu Châu Á, Hoa hậu Liên lục địa, Hoa hậu Bikini, Hoa hậu Người mẫu Thế giới....

Trong số các cuộc thi được xem là phong trào, có nhiều cuộc thi do cộng đồng người Việt hải ngoại tổ chức nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp Việt của các cô gái đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài, cũng như không có cơ hội tham gia cuộc thi sắc đẹp ở nước sở tại. Ví dụ như thiếu nữ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ có rất ít cơ hội để tham gia và đoạt giải tại các cuộc thi quy mô lớn ở Mỹ như Miss America, Miss USA… nên các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu (Miss Vietnam Global), Miss Vietnam USA, Miss Vietnam Continents (cuộc thi mà Ngọc Trinh vừa tham gia và đoạt giải)... được tổ chức nhằm phục vụ mục đích này.

Ngoài ra, những cuộc thi Miss National Asia, Miss Asia USA (Jennifer Phạm từng đoạt giải hoa hậu và Phan Thị Mơ mới lọt vào top 10 năm 2011)… cũng ở dạng phong trào, dù có phạm vi rộng hơn là dành cho thí sinh gốc châu Á. Đây cũng là các sân chơi nhan sắc nhằm phục vụ cho các cô gái gốc Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam... không có "cửa" tại các cuộc thi toàn quốc của Mỹ. Có thể lấy con số, ở Mỹ chỉ có khoảng 5% (trên dưới 15 triệu người) gốc Á, để thấy được quy mô và tỷ lệ cạnh tranh giữa các thí sinh các cuộc thi "hoa hậu quốc tế" này còn thua xa các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam.

Cuộc thi Miss Vietnam Continents mà Ngọc Trinh vừa tham gia
và đoạt giải chỉ là một cuộc thi... phong trào.

Có thể bản chất của các cuộc thi sắc đẹp đều giống nhau ở mục đích tìm kiếm những cô gái xinh đẹp nhất. Nhưng tiêu chí chọn lựa, điều kiện tham gia đặc biệt là quy mô tổ chức giữa các cuộc thi chuyên nghiệp và phong trào hoàn toàn khác xa nhau. Để có thể góp mặt tại 1 trong 6 cuộc thi nằm trong hệ thống Grand Slam, các thí sinh phải đoạt được giải thưởng ở cuộc thi nhan sắc quốc gia và phải là Hoa hậu hoặc Á hậu nếu muốn ghi danh tham dự Hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Hoàn Vũ. Ở các cuộc thi này, mỗi quốc gia chỉ được đăng ký một người, vì thế, chất lượng thí sinh cũng đã qua sàng lọc và có kỹ năng tốt thiểu.

Còn ở các cuộc thi có tính chất phong trào, chỉ cần thí sinh có ngoại hình ưa nhìn, nộp hồ sơ và lệ phí dự thi là đủ. Các sân chơi nhan sắc này cũng không có tính cạnh tranh quá cao vì phần lớn thí sinh tham gia theo tinh thần "vui là chính". Bởi, nếu là đại diện cho một quốc gia, các cô gái sẽ ý thức hơn về tinh thần dân tộc.

Dưới góc độ truyền thông, các cuộc thi dạng phong trào cũng không mấy được quan tâm. Thử gõ tên của các cuộc thi Miss Asia USA, Miss Vietnam Continents vào trang tìm kiếm trên mạng sẽ nhận ra kết quả, chỉ có truyền thông từ Việt Nam chú ý đến. Trong khi ở nước Mỹ, ngoại trừ các tờ báo của người Việt hay cộng đồng gốc châu Á, không có một báo, đài lớn nào của Mỹ đả động đến các cuộc thi có tên gọi "quốc tế" này.

Nhiều cuộc thi kể trên còn được xem như chương trình tạp kỹ, ca nhạc bán vé, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hay nỗi nhớ quê hương của khán giả người Việt xa xứ.
Nguyễn Thu Mây cũng góp mặt ở cuộc thi nhan sắc lớn thuộc hệ thống Grand Slam.
Giải Á hậu 3 của Thu Mây giúp Việt Nam có thêm 35 điểm trong bảng tổng thành tích
của các quốc gia trong bản đồ nhan sắc thế giới năm 2011.

Việc các thí sinh Việt Nam gần đây nô nức tham gia nhiều cuộc thi nhan sắc dạng phong trào ở Mỹ và đoạt giải cao, cũng là một việc đáng khích lệ dưới góc độ giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, để gắn mác "hoa hậu" vào các giải thưởng này thì cần phải xem xét lại. Vì thực tế chứng minh, các cuộc thi dành cho cộng đồng người Việt hay người châu Á tại Mỹ có quy mô và tầm vóc nhỏ hơn rất nhiều so với các cuộc thi trong nước như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt.

Giải thích về lý do khiến nhiều người đẹp phải đổ xô đi thi hoa hậu ở nước ngoài như hiện nay, một chuyên gia về các cuộc thi cho biết, mục đích chính của các chân dài là được truyền thông, công chúng để mắt đến, được sở hữu danh hiệu "hoa hậu quốc tế" để dễ tiến thân hơn trong con đường nghệ thuật... Chính bản thân nhiều người đẹp còn chưa hình dung được tầm vóc thực sự của các cuộc thi dạng phong trào mà họ tham gia, nhưng chỉ cần có cơ hội là họ lên đường. Thậm chí, nhiều cô còn sẵn sàng đi thi "chui" mà không cần giấy phép.

Còn các công ty quản lý người mẫu đã sốt sắng đưa "gà" của mình đến các cuộc thi, có thể họ chưa hiểu về bản chất thực sự các sân chơi nhan sắc này, hoặc họ vẫn biết nhưng cố tình "nhắm mắt đưa chân" nhằm mục đích “lăng xê”, “bịt mắt” khán giả bằng các danh hiệu hoa hậu, á hậu quốc tế...

Các cuộc thi nhan sắc uy tín hàng đầu trên thế giới

Hoa hậu Thế giới (Miss World).

Đây là cuộc thi lâu đời và luôn có số thí sinh nhiều nhất (trên dưới 100 nước). Cuộc thi đã trải qua những ngày tháng vinh quang nhất qua các thập kỷ 50-60-70 ở Châu Âu và những năm 2000 ở Châu Á (Trung Quốc). Miss World vẫn là chương trình có lượng khán giả xem trực tiếp nhiều nhất (trên 2 tỷ người). Ngoài ra, Miss World cũng là cuộc thi hoa hậu đứng đầu về quyên góp từ thiện

Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe)

Cuộc thi đươc đưa lên tầm cao mới khi kênh truyền hình số 1 của Mỹ CBS và nhà tài phiệt Donald Trump cùng sỡ hữu. Với phương châm “văn hóa Mỹ là văn hóa thế giới” nên cuộc thi nhan sắc này thường được dàn dựng 100% để phục vụ nhu cầu của khán giả Mỹ và dù cuộc thi có tổ chức ở địa điểm nào, thời gian phát sóng đêm chung kết cũng phải là 9h tối thứ 7 theo giờ Mỹ. Một nguyên tắc khác là 100% nội dung cuộc thi được các nghệ sỹ Mỹ trình diễn, không có yếu tố nghệ thuật địa phương. Miss Universe có tầm ảnh hưởng rất lớn trong giới truyền thông quốc tế và khối châu Mỹ Latin.

Hoa hậu Quốc tế (Miss International)

Cuộc thi được sỡ hữu bởi trung tâm văn hóa Nhật và được tổ chức hàng năm để tôn vinh sự hòa bình của nhân loại. Có khoảng 60 quốc gia cử thí sinh góp mặt tại cuộc thi hàng năm. Địa điểm tổ chức thường diễn ra ở Nhật, gần đây là Trung Quốc.

Hoa hậu trái đất (Miss Earth)

Đây là cuộc thi nhằm tôn vinh môi trường được tổ chức phần lớn ở Manila, Phlippines. Dù là một trong số ít các cuộc thi thu hút nhiều thí sinh tham gia, nhưng sân chơi nhan sắc này lại không có nhiều sức hút về mặt truyền thông.

Nữ hoàng du lịch quốc tế (Miss Tourism Queen International)

Cuộc thi hoa hậu du lịch lớn nhất thế giới hàng năm thu hút gần 90 nước tham gia. Được tổ chức hàng năm ở Trung Quốc, thí sinh có điều kiện khám phá rất nhiều địa danh của đất nước này.

Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational)

Mặc dù chỉ được bắt đầu từ năm 2009 nhưng qua 3 lần tổ chức ở Ba Lan, cuộc thi đã khẳng định được đẳng cấp và sự chuyên nghiệp. Hoa hậu Siêu quốc gia thường thu hút hơn 70 nước tham gia và chất lượng ngày càng tiến bộ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cuộc thi này sẽ vào trong top 3 chỉ sau Miss World và Miss Universe.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ