Quần áo

Quần áo

8 thg 8, 2011

Phương pháp mới chẩn đoán thai nhiễm rubella: Chưa cần vội bỏ thai

Một phương pháp mới được tiến hành thử nghiệm giúp phát hiện thai nhi nhiễm rubella hay không tại BV Phụ sản Trung ương đã nhen lên hy vọng cho các bà mẹ. Phương pháp này nếu được triển khai đại trà sẽ giúp cho những bà mẹ không phải bỏ thai vội vàng.

Nhiều thai nhi bị bỏ oan

Trong thời gian từ tháng Ba đến tháng 5/2011, mỗi ngày tại BV Phụ sản Trung ương có tới 50 ca phải bỏ thai vì mẹ nhiễm rubella. Với những chẩn đoán lâm sàng như sốt phát ban trong ba tháng đầu của thai kỳ đều được tư vấn bỏ thai. Phần lớn những thai phụ đến viện khám khi đã ở giai đoạn muộn, tức là không thấy thai máy, tim thai yếu… Nhưng với phương pháp mới hiện nay, các bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối xét nghiệm sau khi thai phụ sốt năm-bảy tuần để có thể phát hiện thai nhi có nhiễm độc từ rubella hay không. Lúc này, kết luận giữ hay bỏ thai sẽ có cơ sở vững chắc hơn.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, BV Phụ sản T.Ư cho biết: Phương pháp này sử dụng kit thử và máy Real-time PCR. Các bác sĩ sẽ tiến hành chọc lấy khoảng 1ml nước ối, sau đó đưa qua máy ly tâm, rồi chạy máy Real-time PCR. Trong vòng bốn giờ, máy sẽ cho biết thai nhi có bị nhiễm rubella hay không. Để đánh giá hiệu quả của phương pháp này, các bác sĩ còn nghiên cứu đối chứng cả với những sản phụ nhiễm virus rubella, có quyết định đình chỉ thai nhi; quyết định giữ thai và mong muốn được chọc ối.




Phương pháp chọc ối sẽ giúp quyết định "giữ" hay "bỏ" thai có cơ sở vững


chắc hơn - Ảnh: P.Huy

Theo TS Tuấn, hiện nay việc tư vấn phá thai chủ yếu dựa vào tần suất mắc rubella ở từng độ tuổi của thai được công bố trên thế giới, đôi khi bỏ thai không bị bệnh. Trong số 103 ca phá thai dựa vào tần suất mắc và thai phụ làm đơn xin phá thai, các bác sĩ của Trung tâm đã xét nghiệm chỉ có 17 ca mắc bệnh rubella, chiếm tỷ lệ 16,5%. Như vậy, có tới hơn 80% thai nhi bị hủy bỏ vì nghi mắc rubella nhưng thực tế không hề bị bệnh.

Cũng theo TS Tuấn, thời điểm chọc ối là rất quan trọng, sẽ quyết định chính xác là thai nhi có nhiễm bệnh từ mẹ không. Thời điểm thích hợp nhất để chọc ối là sau khi thai phụ nhiễm năm tuần để virus xâm nhập từ mẹ đi vào thai nhi. Nếu chọc trước năm tuần (tính từ thời điểm nhiễm), ra kết quả âm tính (không bị nhiễm virus) thì đó là âm tính giả. Do đó, nếu sản phụ bị nhiễm virus rubella ở tuần thứ 14, sẽ phải chọc ối sớm nhất là vào 19 tuần.

Chưa xác định được di chứng

Tuy nhiên, PGS-TS Tuấn cho biết, giá trị của phương pháp mới này chỉ khẳng định gần như chính xác em bé có bị nhiễm rubella hay không, chứ không khẳng định được virus này có để lại di chứng gây bất thường cho thai nhi hay không. Bởi điều này còn phụ thuộc nhiều vào mức độ nhiễm, tốc độ truyền virus từ mẹ sang con. Nếu sản phụ nhiễm virus ba tháng đầu, nguy cơ nhiễm cho con rất cao, rất nhanh và có khả năng gây sẩy thai, thai chết trong tử cung, thai nhi bị dị tật, khuyết tật.

TS-BS Trần Danh Cường, Trưởng khoa Sản 1, BV Phụ sản T.Ư cho biết, những sản phụ đã mắc rubella dưới 18 tuần phần lớn được khuyến cáo phải bỏ thai. Còn sản phụ mang thai trên 18 tuần mong muốn giữ thai sẽ phải tiếp tục thăm khám, siêu âm định kỳ để phát hiện thêm dị tật thai nhi. Cũng theo TS-BS Trần Danh Cường, dị tật thai nhi do virus rubella gây ra khó phát hiện khi siêu âm. Virus rubella gây tổn thương ở mắt đứa bé như: nhãn cầu nhỏ (bệnh glocom), viêm giác mạc (gây mù), đục thủy tinh thể bẩm sinh. Ngoài ra, virus này còn tấn công vào tim làm dị dạng tim (như thông liên thất, thông động mạch, hẹp van tim) và tấn công thần kinh ốc tai, làm giảm chức năng nghe (nếu bị một bên) hay điếc vĩnh viễn (nếu cả hai tai).

Trúc Khuê

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Giám Đốc BV Phụ sản T.Ư:

Phương pháp giúp chẩn đoán thai nhi có bị nhiễm rubella hay không đang được BV Phụ sản Trung ương thử nghiệm, từ đó giúp bác sĩ đưa ra chỉ định chuẩn xác nhất nên giữ hay đình chỉ thai. Khi đã kết luận ban đầu dựa trên những bằng chứng lâm sàng một cách khoa học và chính xác tại bệnh viện, phương pháp mới này sẽ được áp dụng đại trà cho thai phụ nhiễm rubella.

Thời điểm này khi phương pháp chọc ối đang ở giai đoạn thử nghiệm thì vẫn cần áp dụng cả khám, tư vấn, kết hợp với chọc ối. Chọc ối là kỹ thuật khá phức tạp. Thai phụ được chẩn đoán nhiễm rubella nhưng khi chọc ối thì ối chưa nhiễm nên cho kết quả âm tính (không mắc rubella) nhưng thời gian sau, ối lại dương tính (mắc) thì thai đã quá to. Do đó, việc chẩn đoán, tư vấn thai phụ bỏ thai là rất cần thiết và thực hiện cẩn thận.



Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ