Quần áo

Quần áo

8 thg 7, 2011

Nỗi đau của người mẹ 1 ngày mất 2 con

Đám tang của 3 cháu nhỏ đã trôi qua được gần 2 tuần, nhưng sự tang thương vẫn hằn in nơi vùng quê còn gian khó này.

Tai nạn thương tâmxảy ra ở xóm Đông, xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An.
Nhà mới con không ở
Vào hồi 10 giờ 30 ngày 23/6, sau khi đưa em đến nhà trẻ, em Nguyễn Thị Thương (9 tuổi), học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nghi Thiết đã vào nhà Nguyễn Thị Huế (6 tuổi) ở xóm Đông chơi.
Lúc đó, bố, mẹ của Huế đều đã đi làm, trong nhà chỉ có Huế và cậu em Nguyễn Bá Hiệp (4 tuổi). Trời nắng như đổ lửa nên sau đó Thương, Huế, Hiệp rủ nhau ra sông Cấm tắm cho mát. Khi ra đến sông, do không biết bơi nên cả ba em đã bị nước cuốn đi.
Quá trưa anh Nguyễn Bá Cần - Bố của Huế trên đường đi làm về thì phát hiện xác của Hiệp nổi ngoài sông nên vội kêu cứu. Hàng trăm người dân đã đổ xô đến và vớt được xác Hiệp. Do không thấy Huế, Thương đâu nên mọi người tiếp tục tìm kiếm. Họ lấy lưới, dây thép gai chà đi, chà lại đoạn sông, đến 15 giờ cùng ngày thì tìm thấy thi thể hai em.

Khúc sông oan nghiệt, chỉ trong vòng 6 năm đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Ảnh: Hồ Hà
Khi chúng tôi về xóm Đông, trong ngôi nhà nhỏ mới xây nghi ngút khó hương của vợ chồng anh Cần, rất nhiều người dân địa phương tiếp tục đến chia buồn cùng gia đình anh. Chị Lê Thị Thịnh, vợ anh Cần ngồi đổ gục bên chiếc bàn thờ dựng tạm. Thấy ai đó hỏi chuyện, chị lại khóc. “Các con ơi, về với mẹ đi, sao cả hai đứa lại bỏ mẹ mà đi như thế này”, tiếng chị Thịnh gọi con khiến không ai có thể cầm lòng.
Bên cạnh chị, bà Nguyễn Thị Thiên, một người bác họ cũng òa khóc theo. Trong tiếng nấc nghẹn, bà Thiên kể, Huế lớn hơn Hiệp 2 tuổi, cả hai rất ngoan ngoãn, lễ phép. Bình thường hai cháu thường tắm trước nhà, không hiểu sao hôm đó lại rủ nhau ra sông tắm. Theo bà Thiên, đoạn sông ấy rất sâu, nguy hiểm, đã có rất nhiều người thiệt mạng ở đó
Chị Thịnh: “Các con ơi, về với mẹ đi, sao cả hai đứa lại bỏ mẹ mà đi”. Ảnh: Hồ Hà

Nhìn sang chị Thịnh, bà Thiên cho biết, mấy năm ròng vợ chồng chị Thịnh phải sống trong căn nhà cũ kĩ, đột nát. Dù rằng ngoài làm ruộng gia đình chị Thịnh có nuôi thêm tôm, nhưng mấy vụ vừa qua thất bát liên miên nên cũng không dư giả gì. Con cái đến tuổi ăn học, vợ chồng bấm bụng vay ngân hàng 40 triệu đồng, làm lại căn nhà cho con cái có chỗ ngồi học hành đàng hoàng. Nào ngờ, nhà vừa làm xong thì xảy ra chuyện thương tâm. “Không biết, vợ chồng Thịnh sẽ vượt qua nỗi đau này thế nào đây?”, bà Thiên cám cảnh nói.
Người dân vẫn thờ ơ
Năm này qua năm khác, những cái chết thương tâm vẫn cứ xảy ra trên dòng sông Cấm. Anh Nguyễn Văn Cận, một người anh em trong họ nhà anh Cần cho biết: “Anh Cần có người em ruột tên là Nguyễn Bá Đô, làm nghề chài lưới. Hai năm trước, vợ chồng Đô trong một lần đánh cá trên sông đã thiệt mạng do thuyền bị lật. Lúc đó Đô mới 24 tuổi, vợ là Nguyễn Thị Hoa mới 20 tuổi. Chiều tối không thấy vợ chồng chú ấy về, cả nhà chạy ra sông thì vớt được xác vợ chồng chú ấy. Giờ đây lại đến hai cháu nhỏ, thật là nỗi đau nối tiếp nỗi đau”.

Thực trạng trẻ em chết đuối đã đến mức báo động. Từ năm 2006 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 500 trường hợp trẻ em chết đuối (số liệu thống kê từ Sở LĐ,TB&XH tỉnh), chiếm 46% trong tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, xóm trưởng xóm Đông cho biết, cả xóm với hàng trăm hộ dân từ bao đời này vẫn tắm sông. Khoảng 5 năm trở lại đây, trên khúc sông này có đến 20 người bị chết đuối. Nguyên nhân là nước đã thay đổi dòng chảy, xuất hiện nhiều hố sâu, với trẻ không biết bơi rất dễ thiệt mạng. Dù vậy tại khu vực này cũng chưa hề có biển cảnh báo nguy hiểm nào được cắm ở đây. “Có bao giờ nghe ai nhắc nhở chi mô nên người dân vẫn tắm bình thường”, ông Tịnh nói.
Hỏi một số người dân khác sau vụ thiệt mạng của ba cháu nhỏ trên, họ tỏ ra khá thản nhiên: “Thì biết làm sao, mấy chục năm ni, dân chúng tôi cũng đều tắm sông như rứa cả mà”, một người dân nói.
Theo ông Bùi Dũng, Trưởng phòng Trẻ em Sở LĐ,TB&XH thì một trong những nguyên nhân dẫn đến đuối nước là do các em chủ quan, bất cẩn nên đã không lường được tai nạn đang rình rập. Điều đáng lo ngại là các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đuối nước ở trẻ hiện còn khá khiêm tốn. Số trẻ bị chết đuối phần lớn là con nhà nghèo, bố mẹ bận rộn mưu sinh nên không có điều kiện giám sát các em.
“Thời gian qua Sở LĐ,TB&XH đã triển khai nhiều hoạt động như phát tờ rơi, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng mô hình “ngôi nhà an toàn”, mở các lớp tập bơi cho trẻ... Tuy nhiên, những hoạt động này chưa rộng khắp nên số trẻ chết đuối vẫn còn nhiều. Bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện an toàn nhất cho trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng” - Ông Dũng nói.
Hồ Hà

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ