Quần áo

Quần áo

10 thg 12, 2011

Gạo thơm mùi... hoá chất

Bốc nắm gạo hương lài ngửi, bà Hoàng, nhà ở đường Bùi Văn Ba, quận 7 thắc mắc tại sao không có mùi thơm, thì liền được chủ cửa hàng vác ra một bao gạo khác, giải thích: “Chậu đó gạo cũ. Đây là gạo mới có mùi thơm nè”. Bà Hoàng kiểm tra thấy có mùi hương lài thoang thoảng, bèn mua 10kg với giá 22.000 đồng một ký, mà không hề biết đó là gạo thơm... hoá chất.



Nên mua gạo đặc sản tại các điểm phân phối có uy tín.




Chủ một doanh nghiệp chuyên bán lẻ gạo cho biết: “Đã là gạo hương lài thì dù mới hay cũ vẫn còn mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được”.

Thơm nhờ... hoá chất

Trường hợp bao gạo mà bà Hoàng mua, ông này khẳng định chủ cửa hàng đã độn vào gạo mùi thơm từ hoá chất công nghiệp mua ở chợ Kim Biên, quận 5.

Dạo quanh một vòng chợ Kim Biên, nơi đây có hằng hà các loại hoá chất, với đủ hương vị, từ dạng dung dịch nước cho đến dạng bột đóng trong can nhựa hoặc gói. Tại cửa hàng Hải Hà, bà chủ giới thiệu tên L., xách ra 1/2 can nhựa 10 lít chất dung dịch màu trắng đục. Bên ngoài can có dòng chữ “hương lài” ghi bằng bút lông nguệch ngoạc. “Hàng này nguyên chất, mùi hương lài, giá 350.000 đồng/lít”, bà L. báo giá và nói: “Mấy chú pha loãng ra, cho vào bình xịt chút xíu là dậy mùi như gạo hương lài liền”.

Đi bộ sang cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (đoạn hướng về cầu Chà Và), một người đàn ông trung niên xách ra hai chai dạng nước 200ml và một gói dạng bột màu trắng 1kg giới thiệu: “Nếu mấy anh mua hương lài loại nước thì giá là 220.000 đồng/lít, còn bột giá 440.000 đồng”. Theo ông chủ cửa hàng này, ngoài hương lài, cửa hàng có bán cả hương nếp.

Chúng tôi thử hỏi mười cửa hàng kinh doanh gạo thì cả mười ông chủ đều trả lời có biết đến hai loại dung dịch này khi trộn vào sẽ tạo mùi hương giống hệt như mùi hương gạo nguyên chất.

Các cửa hàng kinh doanh gạo còn sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng để bảo quản gạo. Chẳng hạn như loại thuốc có tên deltamethrin đang được dùng khá phổ biến để khử trùng kho. Đây là loại thuốc có độ lưu dẫn rất cao, hoà vào nước xịt trực tiếp lên bao gạo phòng ngừa mọt, dán, chuột. Ngoài ra, một số cửa hàng còn chọn cách dùng thuốc hút ẩm công nghiệp (không được dùng cho thực phẩm) để trực tiếp cho vào trong bao gạo hay dùng chất chống mốc trộn trực tiếp vào gạo để bảo quản…


Gạo thường bán giá gạo thơm

Không chỉ trộn hương liệu, hầu hết các loại gạo thơm đang bán trên thị trường hiện nay còn được các cửa hàng “lên đời” bằng cách trộn thêm vào một tỷ lệ nhất định loại gạo thấp cấp, có giá rẻ. Ông Vũ Ngọc Duy, giám đốc kinh doanh công ty gạo Vinh Phú, TP.HCM, cho biết tỷ lệ trộn phổ biến hiện nay là từ 10% trở lên tuỳ theo cửa hàng và tuỳ mức lợi nhuận mà chủ cửa hàng muốn có.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi ghé cửa hàng kinh doanh gạo trước cổng chợ Bắc Ninh, Thủ Đức. Từng chậu gạo thơm xếp ngay ngắn, gắn bảng hiệu gạo thơm đủ loại. Nhìn sâu vào bên trong, bốn thanh niên cầm xẻng, người nhễ nhãi mồ hôi đang cúi lom khom xúc từng xẻng gạo vun tròn lên đống gạo to tướng.

Một chủ cửa hàng am tường về cách trộn gạo nói rằng, những công nhân trên đang thực hiện công việc trộn gạo thường vào gạo thơm. Theo ông này, các loại gạo trộn với nhau thường có cùng đặc tính và hình dạng gần giống nhau, ví dụ thơm hương lài đặc tính hạt dài, cơm dẻo, mềm và thơm thường được trộn với những giống lúa như 4218, OM 4900… Các giống lúa này cơm cũng dẻo nhưng không mềm, không thơm, không ngọt bằng thơm lài chính hiệu và có giá thấp hơn năm bảy ngàn đồng mỗi ký. “Gạo 4218, OM 4900… có giá từ 13.000 – 16.000 đồng/kg, trong khi thơm hương lài chính hiệu là 22.000 – 23.000 đồng. Chỉ cần trộn tỷ lệ 50 – 50 để bán giá gạo thơm hương lài thì cửa hàng đã móc túi người tiêu dùng khoản tiền kha khá”, ông này tính toán.

Một số cửa hàng còn lấy gạo này để đặt tên cho gạo khác để thu lời cao dựa vào việc không am hiểu của khách hàng. Ví dụ như thơm Đài Loan sữa có giá khoảng 16.000 đồng/kg thường được lấy làm gạo Tám Xoan, một giống lúa gần như tuyệt chủng ở Nam Định cho cơm ngon, rất thơm nhưng năng suất rất thấp và chỉ được nông dân trồng một ít để ăn và làm quà biếu dịp tết, giá bán là 22.000 đồng. Thơm lài sữa được mạo danh là Nàng Hương, Nàng Nhen, lúa Nương… Rồi gạo cùng loại được trồng ở vùng khác cơm không ngon lại gán cho vùng miền nổi tiếng cho gạo ngon, ví dụ gạo Nàng Thơm được trồng ở Trà Vinh, Bạc Liêu nhưng lại gán cho cái mác Chợ Đào, một vùng nhỏ ở Long An với 500ha và một năm chỉ trồng được một vụ duy nhất.

Ông Vũ Ngọc Duy, giám đốc kinh doanh gạo Vinh Phú, còn cho rằng, để giảm giá thành, các cửa hàng còn trộn thêm tấm vào gạo. Hiện nay, giá gạo tỷ lệ 5% tấm so với tỷ lệ 15% tấm thường chênh nhau khoảng 500 – 700 đồng. “Người tiêu dùng gần như không có khái niệm về chỉ tiêu này”, ông Duy nói.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ