Quần áo

Quần áo

10 thg 12, 2011

Cha mẹ thờ ơ, con lơ ngơ

Phần lớn nguyên nhân khiến trẻ trầm cảm xuất phát từ sự thiếu hụt tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ của cha mẹ.



Phần lớn nguyên nhân khiến trẻ trầm cảm xuất phát từ sự thiếu hụt tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ của cha mẹ.

Với suy nghĩ bù đắp để con có cuộc sống sung sướng, an nhàn nên mẹ không bắt Phương phải động tay động chân vào việc gì, muốn gì cũng được đáp ứng ngay lập tức.

Bích Phương (học sinh lớp 10, quận Đống Đa, Hà Nội) trông không khác gì công chúa với khuôn mặt xinh xắn, trắng trẻo, đôi mắt to tròn và chiếc cằm nhọn rất cá tính. Chỉ có điều, lẽ ra ở lứa tuổi này Phương phải rất hoạt bát, năng động thì cô lại luôn trong trạng thái vô cảm, mệt mỏi, chán ăn. Không thể tập trung học nên hầu như tuần nào Phương cũng trốn học 1 đến 2 buổi.

Phương không hào hứng tham gia các hoạt động ở trường, lớp với bạn bè, càng không có nhu cầu chia sẻ, tâm sự với ai, lúc nào trông Phương cũng lờ đờ, uể oải. Cuộc sống lặng lẽ, ngày nối ngày trôi qua một cách buồn tẻ, cô đơn đó đã bắt đầu suốt từ năm cô bước vào lớp 6.

Bố mẹ ly hôn, Phương sống cùng với mẹ. Tưởng trong hoàn cảnh như vậy, mẹ sẽ bù đắp tất cả tình yêu thương cho con nhưng do bận bịu, mải mê kiếm tiền nên mẹ Phương hầu như không thể quan tâm, gần gũi con gái. Bà chỉ chăm chăm chu cấp về vật chất mà không cần biết con mong gì, nghĩ gì. Chính vì vậy, bố mẹ gần như không có ảnh hưởng tới Phương. Với suy nghĩ bù đắp để con có cuộc sống sung sướng, an nhàn nên mẹ không bắt Phương phải động tay động chân vào việc gì, muốn ăn gì thì gọi nhà hàng mang đến, muốn mua gì cũng được đáp ứng ngay lập tức. Thế nên dù đã bước sang tuổi 16 nhưng Phương không thể tự lập, không có thói quen tự phục vụ bản thân, khiến cô bé lười nhác và trì trệ. Cộng với việc bước vào giai đoạn dậy thì, việc học tập nặng nề hơn, cuộc sống buồn tẻ và bí bách đã khiến Phương rơi vào trạng thái trầm cảm.

Mặc dù được sống trong một gia đình trọn vẹn nhưng Thảo Duyên (TP Đà Nẵng) vẫn gặp bất hạnh khi trong suốt nhiều năm chứng kiến cha bạo hành mẹ. Cuộc sống bao quanh bởi tiếng quát tháo, vẻ mặt cáu gắt làm cho Duyên luôn cảm thấy chán chường, mất niềm tin và đặc biệt luôn lo âu, căng thẳng khi sống trong chính gia đình mình. Đến tuổi dậy thì, cô thực sự rơi vào trạng thái trầm cảm và chán ăn. Duyên không muốn đi học vì thấy mình lạc lõng giữa bạn bè, suốt ngày lủi thủi một mình, không chuyện trò giao tiếp với ai. Đã không dưới một lần, Duyên có ý định tự sát bởi cô thấy sống chẳng còn ý nghĩa.

Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nếu để trầm cảm kéo dài ở tuổi vị thành niên thì hậu quả sẽ rất trầm trọng. Bởi những đứa trẻ sẽ mất đi khát vọng, cái đích của cuộc sống. Trẻ không thấy được mặt tích cực của cuộc sống mà chỉ thấy cuộc sống thật vô vị, không có giá trị. Nhiều trường hợp nhẹ thì rạch tay, nặng thì tự sát.

Tiến sĩ Bưởi cho biết, phần lớn nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ thường xuất phát từ sự thiếu hụt tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ của cha mẹ. Phụ huynh cần hiểu rõ những lo âu và cảm xúc của trẻ, dành thời gian nói chuyện với con về những gì đang diễn ra, những khó khăn mà con phải đối mặt. Cha mẹ không nên phán xét và đưa ra nhiều lời khuyên cứng nhắc với trẻ, không xem thường lo lắng của trẻ, giúp trẻ có cảm giác hy vọng và từ bỏ ý nghĩ mình là người bất hạnh, cô đơn.

Với những trẻ có ý nghĩ tự tử hay làm đau cơ thể, cha mẹ cần trò chuyện với con một cách nghiêm túc, chỉ cho con thấy mình không bị cô độc mà sẽ nhận được sự giúp đỡ của gia đình bất cứ lúc nào. Khi phát hiện con có dấu hiệu rối nhiễu cảm xúc, cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị sớm.


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ