Quần áo

Quần áo

9 thg 11, 2011

Em ước bữa cơm không chỉ có rau và nước canh...

Một bữa cơm của mỗi học sinh trường THCS Nậm Mười, huyện Văn Chấn (Yên Bái) chỉ có 500 đồng. Tưởng như chuyện không có thật nhưng điều đó đã quá quen thuộc với học sinh ở đây.


Bát cơm trắng với rau rừng lõng bõng nước

Đến Nậm Mười vào chiều thu se lạnh, chúng tôi co ro trong những chiếc áo khoác, ấy vậy nhưng học sinh ở đây vẫn mặc áo cộc, đi chân đất đến trường. Trời đã xâm xẩm tối, tiếng kẻng leng keng bắt đầu vang lên, bữa cơm tối bắt đầu. Gian bếp nhỏ với một chiếc chạn gỗ cũ kỹ, đựng vài ba vật dụng muối mắm để nấu ăn, chính giữa là một bếp củi đã bắt đầu tàn lửa. Hai chiếc nồi to đựng cơm và canh được hai người khệ nệ khiêng ra nhà ăn.
Bữa trưa của các em học sinh Trường THCS Nậm Mười có thêm thịt khi có đoàn tình nguyện tới thăm

Tận mắt chứng kiến bữa ăn tối của học sinh Nậm Mười mới thấy xót xa đến nhường nào. Một âu đựng cơm, một đĩa rau rừng, một bát canh nhuốm màu xanh lõng bõng nước, đó là một bữa ăn của học sinh nơi đây. Cô giáo Nguyễn Thị Hường – giáo viên dạy môn Văn ở đây cho biết: “Mỗi tuần các em sẽ đóng cho nhà trường 10.000 đồng/em và 3kg gạo, 5 kg củi, 2 kg rau. Tính ra một bữa cơm của các em chỉ có 500 đồng/em. Nhà trường cũng vận động giáo viên đóng góp tùy tâm để giúp đỡ các em. Nhưng vẫn vô cùng thiếu thốn”.

Bữa cơm chính là như vậy, còn bữa sáng chỉ là một bát cháo trắng với vài ba cọng hành. 6h sáng, tiếng kẻng vang lên đều đều, từng tốp các em xếp hàng ngay ngắn. Mỗi bạn tự mang theo vật dụng là một cái bát con và một đôi đũa. Nồi cháo trắng trong chốc lát đã hết veo. Như vậy, một ngày có 3 bữa thì hầu như đều “vắng bóng” mùi thịt, mùi trứng.

Cầm bát cháo lên húp ngon lành, em Triệu Thị Chiêu cười nói “Chúng em quen rồi, giờ thấy cháo trắng cũng rất ngon. Một tuần may lắm thì được một bữa có thịt hoặc có trứng”. Khi chúng tôi mang chút giò làm quà cho các em. Có em tò mò hỏi thầy giáo “Thầy ơi, đây là cái gì?”, một câu hỏi khiến người nghe không khỏi xót xa.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Điệp, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nậm Mười cho biết, trường có 246 học sinh, trong đó 98% là dân tộc Dao, số ít là người Mông và Kinh. Nhiều học sinh ở bản cách trường hơn 20km, việc đi lại rất khó khăn nên trường bố trí cho các em ở nội trú. Tuy nhiên kinh phí hạn hẹp nên các em phải tự túc tiền sinh hoạt, nhà trường chỉ hỗ trợ một phần. Hiện nay trường có 173 học sinh nội trú với 15 phòng ở.

“Em ước bữa cơm sẽ không chỉ có rau và nước canh nữa”

Theo chân thầy giáo xuống khu nhà nội trú của các em mới thấm thía nỗi khổ của học sinh nơi đây. Một dãy nhà cấp 4 cũ kỹ kê 4 chiếc giường tầng nhỏ là khu nhà của các học sinh nữ. Trời đã tối, ánh điện trong phòng chỉ sáng đủ để nhìn thấy vật dụng bên trong, để đọc được sách quả là điều khá khó khăn. Thấy có người lạ, các em bẽn lẽn chào.
Bữa sáng của các em chỉ là cháo loãng

Một bé gái có thân hình bé nhỏ như học sinh tiểu học mời chúng tôi ngồi. Em là Bàn Thị Mấy học sinh lớp 7, dân tộc Dao. Cứ cuối tuần em lại phải lặn lội hơn 6 tiếng đi đường rừng về nhà rồi lại xuống trường với gần chục kg vật dụng trên lưng. Mấy bẽn lẽn nói “Tuần nào em cũng về lấy đồ lên trường, đi mãi thành quen rồi”. Không chỉ riêng Mấy, mà tất cả học sinh ở đây đều như vậy. Thầy Điệp chia sẻ thêm, có những em nhà cách trường hơn chục km. Sáng thứ 7 các em đi bộ về, đến đầu giờ chiều thì đến nhà. Sáng chủ nhật lại địu đồ lên từ sớm để kịp học vào thứ 2.

Cũ kỹ, nhếch nhác nhưng khu ở của học sinh nữ còn tốt chán so với khu của học sinh nam. Không biết có thể gọi nơi các em ở là phòng hay không. Đó chỉ là một khoảng được quây bởi những thanh gỗ, mỗi thanh cách nhau cũng đến 20 cm. Mùa nắng thì mặt trời chiếu thẳng vào phòng, mùa mưa gió tạt, giường của các em ở gần vách cũng được tắm mưa, nền đất vốn ẩm thấp gặp mưa trở nên lầy lội. Trong gian phòng tối om, tôi gặp Bàn To Sụ - học sinh lớp 9b đang ngồi sửa soạn đợi đến giờ ăn. Nhìn em ít ai đoán được em đã 16 tuổi bởi thân hình qua bé nhỏ, gày gò. Bàn To Sụ chia sẻ “Mùa mưa thì mấy bạn ở giường ngoài chuyển qua ngủ cùng các bạn ở phía trong cho đỡ ướt, như thế này cũng là tốt lắm rồi, vì em còn được đến trường”.

Trường THCS Nậm Mười là trường thuộc vùng cao 135 nằm cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ gần 30km, muốn lên được đến trường phải vượt quá 18km đường rừng. Đời sống của học sinh ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Chuẩn bị chia tay, em Mấy bẽn lẽn cầm quyển sổ ra để tôi viết vài dòng kỷ niệm. Hỏi ước mơ của em là gì, Mấy thẹn thùng “Em ước được làm cô giáo”. Tôi hỏi thêm mong muốn hiện tại của em là gì? Mấy ngập ngừng “Em ước bữa cơm sẽ không chỉ có rau và nước canh nữa, no cái bụng nhưng thèm thịt lắm”. Một ước mơ giản dị của các em là một tuần được đôi ba bữa cơm có rau, có thịt mà sao còn gian nan đến vậy, những bữa cơm 500 đồng ấy còn duy trì đến bao giờ?

Trang Thu

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ