Quần áo

Quần áo

24 thg 11, 2011

Chuyện tình cổ tích của cô giáo Thái và anh lính biên phòng trên đỉnh Pú Sâng (1)

Tôi đến Sốp Cộp lần đầu tiên năm 2008, khi một cơn lũ lớn vừa quét qua nơi này. Sốp Cộp lúc đó mới có vài trăm mét đường nhựa, đã xơ xác, nay càng xơ xác. Đường vào huyện, có những đoạn chỉ còn vừa đúng chiếc xe nhỏ có thể đi qua, bánh xe chỉ cách miệng vực chừng hai chục xăng-ti-mét. Đêm đó, Mường Lèo mất điện. Dù mới tháng 9, trời đã rét căm căm, đâu đó đã lác đác vài bông đào nở. Bản đẹp yên bình, nhưng buồn thê thiế

Chúng tôi ngồi giữa sân đồn biên phòng Mường Lạn uống rượu. Bữa cơm còn có một cô giáo Thái xinh đẹp, da trắng như hoa mận. Tối đó, tôi lần đầu được nghe câu chuyện tình đẹp như cổ tích của cô với một anh lính biên phòng.
Nên duyên nhờ... con vịt
Vùng thượng nguồn sông Mã gần 15 năm trước chỉ có ngút ngàn những cánh rừng thuốc phiện và những mái nhà tranh xiêu vẹo. Sau 15 năm, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều, thì thời gian cũng chưa kịp khoác lên vùng đất này một cái gì lộng lẫy. Huyện có 8 xã thì cả 8 đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cán bộ miền xuôi lên Sốp Cộp công tác thường đùa, tấm biển “Sốp Cộp kính chào quí khách” là “công trình” đẹp nhất huyện.
Trung tâm huyện đã xa và nghèo như thế, Mường Lèo còn heo hút hơn nhiều. Để đến được xã, phải mất cả ngày trời vừa đi xe máy, vừa đi bộ, vượt qua đỉnh Pú Sâng “chim bay mỏi cánh”. Nguyên chiều dài đường biên của Sốp Cộp đã bằng một nửa chiều dài đường biên toàn tỉnh Sơn La, với 119 km giáp nước bạn Lào.
Chị tên là Lò Thị Dươi, người Thái, sinh ra ở bản Mạt, chính gốc người Sốp Cộp. Chồng chị là một trong những người lính biên phòng dưới xuôi lên bảo vệ biên giới. Chuyện tình của anh chị bắt đầu từ một con vịt. Năm đó, chị mới 20 tuổi, vừa tốt nghiệp Sư phạm, về dạy mầm non tại ngôi trường “đa cấp” của xã. Ngày ngày, ngoài thời gian dạy học trên lớp, chị ở nhà giúp mẹ chăn con gà, con vịt.
Hôm đó, đang đứng cho vịt ăn bên hàng rào thì có anh bộ đội đến hỏi: “Có bán vịt không em?” “Không bán đâu, để ăn thôi” - chị trả lời. “Em bán cho anh một con thôi. Từ hôm qua đến giờ bọn anh không mua được gì ăn, sắp chết đói rồi”. Anh biên phòng năn nỉ. Thì ra mấy anh chàng không phải ca trực, rảnh rỗi bèn rủ nhau chơi thể thao, ai thua phải mua gà, vịt chiêu đãi. Mải chơi, đánh thông cả từ sáng đến tối, đói không chịu nổi mới phái anh chàng “nạn nhân” trắng trẻo này đi mua.
Vốn tính hay xấu hổ, lại thấy nét mặt anh bộ đội cũng như sắp ngất thật, chị nể quá liền bắt cho 1 con. Chuyện tưởng cũng chỉ như thế rồi thôi. Dù trạm quân dân y kết hợp của anh nằm ngay sát vách trường nơi chị dạy, 2 người cũng chẳng tình cờ gặp nhau thêm lần nào. Bởi anh đi bản suốt, lúc thì vận động làm vệ sinh, khi thì tiêm phòng... Từ bản này qua bản khác phải mất cả ngày trời đi bộ, nên làm việc ở bản nào là phải nghỉ lại đấy.
Bẵng đi một thời gian, chuyện anh bộ đội sắp “chết đói” chị gần như đã quên, bỗng một tối trời mưa, chị nghe có tiếng gọi cửa. Nhìn ra, thấy anh chàng mua vịt vừa lạnh vừa ướt nhẹp đứng dưới bậc thang. Hóa ra, anh đi khám bệnh cho bà con trong bản, mưa quá, trời lại tối nên không về được đồn. Sóng điện thoại không có, không biết ăn ngủ ở đâu, cả bản không có ai biết tiếng phổ thông, anh chợt nhớ ra cô bán vịt biết nói tiếng phổ thông, bèn đánh liều gọi cửa.
Dù chẳng hiểu ông khách từ đâu mò đến, bố chị - thầy giáo cấp I, người hiếm hoi biết nói tiếng phổ thông trong bản, vẫn sai con gái đi mổ gà để tiếp đón. Đêm ấy, thay vì mưa gió nguy hiểm ngoài đường, anh biên phòng “liều lĩnh” Trần Quốc Dương được ngủ chăn ấm nệm êm tại nhà cô giáo. Từ ấy, hai người thân thiết hơn. Tình cờ thế nào, chị lại có một người bạn là người yêu của bạn anh. Vì thế, họ thường có những cuộc hẹn 4 người, và cũng thường xuyên bị 2 người kia... bỏ rơi, bất đắc dĩ phải thường xuyên đi với nhau. Cứ thế vài tháng thì bén duyên. Lúc đó là cuối năm 2004, chị Dươi 21 tuổi, anh Dương 27 tuổi.
Qua lại được vài tháng, anh bảo: “Anh thấy em hiền lành, anh muốn lấy em làm vợ. Em có đồng ý không?”... Đến tận lúc đó, anh vẫn chưa 1 lần nói lời yêu. Gốc tích anh ở đâu, gia đình anh ra sao, chị cũng chưa được biết. Đối với một cô gái 21 năm chưa bước chân ra khỏi tỉnh Sơn La, đó là một cuộc phiêu lưu quá lớn. Bố mẹ chị cũng khuyên không nên đồng ý, vì sợ chị bị lừa. Trong bản, trong xã cho đến lúc đó chưa từng có cô gái Thái nào lấy người xuôi. Làng xóm cũng thị phi, xì xào. Ai cũng nghi ngờ tình yêu ấy. Thậm chí, chính bản thân chị cũng không hẳn đã tin.
Tận sâu trong tâm hồn, chị tự ti và có phần sợ hãi. Chị chỉ là một cô gái dân tộc nghèo, cả cuộc đời quẩn quanh trong bản, đến nói tiếng phổ thông còn ngọng nghịu. Thế nhưng, bởi lúc đó, bụng đã trót thương anh bộ đội đẹp trai, tháo vát lắm rồi, chị đánh liều đồng ý. Tháng 11 năm ấy, anh về nghỉ phép, dặn: “Em ở nhà chuẩn bị”. Tiễn anh về, chị bảo: “Bố mẹ không thích thì thôi, đừng ép bố mẹ”. Anh chỉ nhìn chị, bảo khẽ: “Nhà anh nghèo lắm, chỉ có nhà cấp 4 thôi. Em có chịu khổ được không?”. Điều ấy làm chị nhẹ nhõm phần nào, bởi chị nghĩ ít nhất, nhà nghèo cũng quí người hơn, sẽ chẳng khinh khi, coi thường chị.
Đám cưới cổ tích vùng biên ải
Một tuần sau, khi trời đã quá trưa, đang mưa tầm tã, bản Mạt nhà chị náo động bởi tiếng động cơ ô tô. Cả nhà chị được 1 phen “hết hồn” khi thấy một đoàn người lạ dừng trước cửa nhà mình. Hóa ra là nhà trai từ tận Phú Thọ lên hỏi vợ cho con. Thời đó chưa có sóng di động, không báo được tin tức gì, nên phái đoàn nhà trai lên hỏi cưới đầy bất ngờ như “tập kích”. Bố chị run quá, thấy nhà trai đến đã chạy ra đằng sau trốn, nhất quyết không chịu vào tiếp khách.
May mà sau phút ngỡ ngàng, nhà chị cũng hoàn hồn trở lại, huy động cả họ hàng người đuổi vịt dưới suối, người đi hái rau rừng làm cỗ tiếp khách, rộn ràng như một ngày đại lễ. Đêm đó, 2 bà mẹ lần đầu tiên nằm ngủ với nhau. Mẹ chị không biết tiếng phổ thông, mẹ chồng tương lai của chị lại không biết tiếng Thái, nên 2 bà chỉ nằm cười. Chị nghe tiếng cười của hai bà mẹ, thấy sung sướng, biết ơn vô hạn.
Đám cưới của chị rình rang cả bản, vì lần đầu tiên một người con của họ được ô tô con đến tận cổng rước đi. Sau đám cưới, chị được đưa về xuôi để gia mắt gia đình nhà chồng. Đi từ sáng sớm, 7 giờ tối mới về đến Việt Trì. Đứng trước ngôi nhà 3 tầng khang trang đã được bắc rạp lộng lẫy, chị còn ngỡ là nhà đi mượn. Sau khi bước vào, thấy ảnh bố mẹ chồng treo trịnh trọng, mới biết đấy sẽ là nhà mình. Lúc này, chị mới thực sự cảm thấy sợ, thấy xa lạ với phố phường đông đúc, với cả ngôi nhà đẹp đẽ này.
Lúc này, chị mới biết hóa ra nhà anh rất giàu, chứ không phải là ngôi nhà cấp 4 như anh nói. Chị vẫn thường xem trên phim, thấy nhà giàu khinh người nghèo lắm. Không ít lần chị thủ thỉ với anh: “Em chỉ ước gì nhà anh đúng là nhà cấp 4 như anh nói”.
Sau này, mẹ chồng chị mới kể lại, anh về bảo: “Con lấy vợ”, bà chỉ hỏi: “Cô gái ấy có tốt không?” Anh gật đầu. Bà bảo: “Thế thì cưới thôi”, không hỏi gì thêm. Trong vòng 1 tuần đó, bà chạy đi, chạy lại sắm sanh đủ kiểu cho một lễ dạm ngõ, rồi cắt cử người trong nhà lên nói chuyện với nhà gái. Câu “yêu nhau mấy núi cũng trèo” của các cụ, nhiều thanh niên bây giờ cho rằng “sến”. Nhưng với anh chị, nó được hiểu theo đúng nghĩa đen.
Năm 2004, đường lên Sốp Cộp còn khó khăn, nguy hiểm. Cứ mỗi trận mưa là đường từ thành phố Sơn La đến trung tâm huyện tắc hàng tuần, rồi phải mất hàng tháng khắc phục mới lại đi được ô tô. Đoàn nhà trai lại đi lên đúng hôm mưa gió, nhiều đoạn phải xuống đẩy xe. Cả nhà phải mua thêm cái cuốc, đi đến đâu xẻ đất lấp đường đến đấy. Thậm chí, xe còn trôi suối, phải thuê hơn chục đứa trẻ cấp II, hò dô kéo lên. Mất gần 2 ngày trời trên đường, mệt mỏi, đói mềm mà không có gì ăn.
Thế nhưng đến nơi, nhà chồng chị không ai than vãn một lời. Thấy gia cảnh nhà chị bần hàn cũng chẳng tỏ vẻ coi thường, xúc phạm. Vì thế mà chị biết ơn, yêu kính mẹ chồng vô hạn. Ngược lại, bà cũng quí cô con dâu thật thà, chất phác. Cứ mỗi lần có dịp về là 2 mẹ con tỉ tê tâm sự với nhau đủ chuyện. Hàng tháng, sợ các con ở vùng sâu không có tiền mua sắm, bà đều đặn gửi lên nào nước mắm, hạt nêm... Chị mãn nguyện nghĩ, hóa ra cổ tích không phải là không có thật!
(Còn tiếp kỳ 2: Chuyện tình cổ tích của cô giáo Thái và anh lính biên phòng trên đỉnh Pú Sâng )

Như Loan

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ