Quần áo

Quần áo

23 thg 11, 2011

3 nam sinh chết đuối vì cứu bạn: Sự “nở hoa” của những hành vi đẹp...


Việc 3 em học sinh Tống Địch Oai, Nguyễn Nhất Duy và Lê Đồng Tính học sinh lớp 11A2, trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân, Quảng Ngãi) chết đuối khiến những người lớn cần phải nhìn nhận lại hành vi của mình.

Vào khoảng 14h ngày 20/11, sau khi đi thăm thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em Tống Địch Oai (trú tại xã Xuân Sơn Nam), Nguyễn Nhất Duy (thị trấn La Hai) và Lê Đồng Tính Lê Đồng Tính (xã Xuân Quang 3), huyện Đồng Xuân, cùng học lớp 11A2, Trường TPTH Lê Lợi (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) cùng với 3 bạn nữ trong lớp 11A2 bàn nhau ra bờ suối Bà Phấn để ăn uống, hóng mát và hát ca.

Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, khi cuộc vui sắp tàn, 3 bạn nữ bỗng nảy ra ý định chụp hình lưu niệm nên đã xoắn quần, cùng nắm tay nhau nhảy xuống nước để chụp hình.

Trong lúc mải mê làm dáng, tạo hình, một cơn nước lớn bất thần ập đến cuốn trôi cả 3 bạn nữ. Trong cơn nguy khốn, Duy, Tính, Oai vội vàng nhảy xuống nước để cứu bạn. Sau một hồi vật lộn với “thủy thần”, Duy, Tính, Oai đã đưa được 3 bạn nữ vào bờ an toàn nhưng đúng lúc này do “sức tàn lực kiệt” nên 3 bạn nam đành buông tay và bị nước nhấn chìm. Đến khoảng 16 giờ ngày 20/11, mọi người đã tìm thấy xác của 3 em Duy, Tính, Oai, bàn giao về cho gia đình mai táng.

Cách đây không lâu, vào ngày 8/9, người dân ở Bình Sơn, Quảng Ngãi cũng không khỏi đau lòng khi em Trần Văn Nguyên (14 tuổi, học sinh lớp 7 Trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phải đối mặt với tương lai với đời sống thực vật, hậu quả của việc dũng cảm cứu bạn thoát khỏi dòng nước cuồn cuộn chảy xiết. Khi dìu bạn vào được đến bờ cũng là lúc em bị kiệt sức, chìm nghỉm giữa lòng nước giá lạnh.

Ít ai biết Nguyên cũng từng cứu sống 2 người khác khỏi lưỡi hái thủy thần khi mới 11 tuổi. Ba lần cứu người khỏi chết đuối, nhưng Trần Văn Nguyên lại đang đối diện với sự nguy nan tính mạng cũng chính từ việc này.

Và vụ mới đây nhất diễn ra vào sáng 21/11, một vụ tại nạn chìm phà nghiêm trọng đã xảy ra tại bến phà xã Tam Hải qua xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam khiến gần 40 người bị nhấn chìm dưới nước.

Võ Văn Mến học sinh lớp 10/C5 của Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cũng là nạn nhân trên chuyến phà ấy. Khi thấy bạn Trần Thị Minh Tuyền (học lớp 11, Trường THPT Núi Thành) bị chìm giữa dòng sông kêu cứu thảm thiết, Mến bơi nhanh tới cứu bạn ấy và dìu bạn Tuyền đến mấy chiếc ghe làm nghề biển đang thả dây xuống cứu người dân.

Cứu xong bạn Tuyền, em tiếp tục bơi lại chỗ chiếc đò bị chìm, thấy một bà già gần 70 tuổi đang bị chìm vẫy tay kêu cứu, em tiếp tục dùng tay dìu bà cụ này tới các chiếc ghe làm nghề biển để đưa lên rồi đưa vào bờ. Sau đó sức em mệt đã mệt nên được các chú đi làm biển kéo lên ghe chở vào bờ.

Cũng như em Mến, em Hoàn Thanh Hiếu (1989, trú thôn 4, xã Tam Hải), công nhân của Cty sản xuất ô tô Trường Hải (đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) cũng là hành khách trên chuyến phà gặp nạn khi thấy phà tràn nước và chìm, em đã bức phao trên phà quăng cho những người không biết bơi. Vậy mà, những người lớn trên chuyến phà gặp nạn đó chỉ chăm chăm bảo vệ mạng sống của mình, cố gắng thoát khỏi cơn nạn đang ập tới càng nhanh càng tốt.

Tương phản với những hành động cao cả đó, thời gian gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng, liên tiếp những mẩu tin về vụ hôi của vô cảm, lợi dụng sự lúng túng, hoảng hốt để cướp dưa, cướp bia, nhặt tiền... của người bị nạn, thậm chí khi tai nạn xảy ra người lớn không những bỏ chạy, mà còn bỏ mặc nạn nhân chết trong vũng máu không khiến cho người đọc thấy đáng sợ.

Giải thích về sự đối lập của hai lối hành xử này:

TS Trịnh Hòa Bình, GĐTT Dư luận xã hội Viện XHH:
Trẻ con thường trong sáng hơn...

"Trẻ con thường trong sáng hơn, được sự giáo dục của gia đình rất lý tưởng và các em chưa bị chủ nghĩa thực dụng của cái xã hội của chúng ta đang đứng trước những thách thức của chuyện đảo lộn các giá trị sống. Chủ nghĩa thực dụng lên ngôi làm cho người ta trở nên thực dụng hơn và cái tính vị kỷ nó dầy hơn đối với các em nhỏ.

Có nhiều chuyện chúng ta hay nói nhà trường thế này, thế kia nhưng thực tế mà nói thì tôi thấy sự giáo dục của nhà trường rất quan trọng, vẫn trang bị cho các em tinh thần nhân văn, nhân ái, biết chủ nghĩa tập thể và các em vẫn có lý tưởng, vẫn trong sáng. Chỉ khi ra đời, va đập với thực tế và chứng kiến những hành vi thực dụng của người lớn nhiều quá nên cũng chuyển dần. Tất nhiên nói như vậy không có ý nghĩa tuyệt đối, vẫn có những con người ở tầm lứa tuổi khác làm được như vậy nhưng chúng ta chỉ thấy nổi lên nhiều hơn trong tầm lứa tuổi này ở thời gian như thế này thôi. Nếu cắt nghĩa chỉ có thể nói rằng: các em, các cháu nó lành mạnh, nó trong sáng hơn, tươi tắn hơn, nó chưa bị nhuốm màu thực dụng.

Còn sự vô cảm mà báo chí nêu ra trong cách hành xử của người lớn thời gian vừa qua, cái đấy thực ta là vị kỷ và trong trường hợp nhất định nào đấy nó đồng nghĩa với tội ác chứ không phải chỉ biết mình không thôi đâu.

Để cho những tấm gương tốt như các em phát huy, để cho những cái vị kỷ kia mất đi thì cái chính phải ở gia đình, cộng đồng cũng như xã hội mà đặc biệt là ở gia đình. Bởi trong gia đình, chính những người lớn cũng lại giảng dạy cho trẻ tính thực dụng, thấy những chuyện này chuyện kia phải tránh xa, đừng có mua việc vào mình...

Người lớn chúng ta giờ đây giáo dục trẻ em như thế đấy. Sự giáo dục như thế là không tốt. Cái "khôn ngoan" ở đời là dạy người ta như thế, bởi vì rất nhiều người lựa chọn cách đi sau lưng người dũng cảm, xả thân rồi cuối cùng họ cũng gặt hái được vinh quang mà không phải làm gì phải tốn kém sức lực! Đầy rẫy trường hợp của người lớn, quan chức khai man tuổi tác để được ngồi lâu giữ lâu chức quyền bầy ra trước mắt con trẻ thì làm gì con trẻ nó chẳng bắt chước?".


TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình. Ảnh Lê Việt

Đồng quan điểm này, TS. Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định:
Việc một số em nhỏ xả thân cứu người cho thấy sự hết lòng vì bạn bè, sự hy sinh vì những giá trị cao cả trong cuộc sống... Nếu thực sự những hành vi ấy xuất phát từ những động cơ trong sáng thì rõ ràng đó là những hành vi đạo đức rất đáng trân trọng. Minh chứng này cho thấy vẫn còn nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn đang hướng đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức trong quan hệ giữa người và người cũng như những nét văn hóa hết sức Việt Nam mà nó đã trở thành truyền thống của người dân Việt Nam.

"Hành vi đạo đức ấy được hun đúc bởi cái đẹp của cuộc sống mà các bạn trẻ lĩnh hội được từ những người cha, người mẹ đáng quý của chính mình, của những thầy cô giáo và cả những người bình dị trong cuộc sống có những hành vi bình dị nhưng thực sự vững chãi về lý trí và đong đầy về cảm xúc mang lại nguồn sống cho thế hệ trẻ... Sẽ là những chân đế vững chắc cho sự “nở hoa” của những hành vi đẹp nếu mỗi người chúng ta hết lòng vì vẻ đẹp của cuộc sống ấy...

Rõ ràng là tương phản quá mức khi chúng ta so sánh với những người lớn có các dấu hiệu của hành vi hôi của, của những hành động mang sự toan tính, mang dấu ấn của sự ích kỷ, tư lợi... Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng hành động này không phải là quá nhiều bởi tinh thần cao đẹp của người Việt vẫn còn chảy mãi trong suy nghĩ và tâm trí của người Việt... Vấn đề còn lại là mạnh dạn và đầu tư bằng nhiều hình thức để tôn vinh những giá trị cao đẹp ấy cho thế hệ trẻ mới năng động, sáng tạo, mạnh mẽ nhưng nhân văn...

Không chỉ hôm nay mà ngày mai và nhiều ngày nữa, cái đẹp sẽ trường tồn. Hành vi đạo đức sẽ trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ nếu niềm tin đạo đức được gầy dựng một cách căn cơ và có điểm tựa...". TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Chuyên viên tư vấn Tâm Lý Nguyễn Thị Tuyết Anh cho rằng, từ xưa đến nay đã có rất nhiều tấm gương cứu bạn, cõng bạn đi học, nhặt được của rơi đem trả lại người mất, hành động đó ở khắp nơi, ở nhiều các em học sinh, đó là một tấm lòng đẹp và đáng trân trọng. Tuy vậy, không có nghĩa là người lớn cũng không làm được những điều cao cả như vậy, họ có làm, nhưng họ làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau và chúng ta vẫn gặp hằng ngày, có thể ở một vùng nông thôn, một vùng miền núi, hay một làng quê hẻo lánh…không phải lúc nào báo chí cũng có thể vươn tới được hết mọi hoàn cảnh, đôi khi chúng ta đang nhìn nhận những bề nổi, chẳng hạn việc thời gian gần đây có nhiều em vì hi sinh cứu bạn mà cũng bị chết đuối theo bạn.

Nếu xét theo nghĩa tích cực, đó là những hành động đáng trân trọng và đáng học tập, tuy vậy, ở một khía cạnh khác, để cứu bạn mà hi sinh bản thân mình, đem lại nỗi đau cho bao nhiêu người thân của mình thì các em cũng cần có sự cân nhắc kỹ. Trong một số trường hợp khẩn cấp, như đi trên máy bay, đi xe hay cứu hộ, các động tác cứu hộ được hướng dẫn bao giờ cũng là: người lớn tự cứu mình trước rồi mới cứu đến trẻ em… Điều đó cho thấy rằng, hành động đó của các em vô cùng trân trọng nhưng không phải lúc nào cũng đuợc ủng hộ. Các em có thể hô hoán, gọi những người gần đó để hỗ trợ thay vì nhảy xuống cứu bạn khi một số bạn không biết bơi.

Hiện nay khi mở báo đọc, có rất nhiều các tình huống như nhặt tiền, bỏ mặc người bị tai nạn nằm trong vũng máu hàng giờ, cướp của khi xe bị đổ…. Điều đó nói lên một thực tế rất đau lòng: đó là càng ngày càng có nhiều người tỏ ra vô cảm trước những hoạn nạn của người khác. Đôi khi sự vô cảm này tác động theo số động, người này thấy người khác làm vậy nên cũng làm vậy, thậm chí có người còn nghĩ rằng việc mình làm cũng không ảnh hưởng đến ai vì đa số những người xung quanh đều hành động như vậy. Việc cứu người bị nạn thậm chí còn sợ bị liên lụy đến pháp luật, sợ bị đổ vạ…. Nhưng tâm lý này có sự lây lan rất nhanh trong cộng đồng, ai cũng coi đó là việc của nguời khác chứ không phải là việc của mình.

Đó là một trong số rất nhiều những câu chuyện buồn mà chúng ta vẫn gặp, thực tế này không hiếm, nhưng tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp những người tốt, những bạn sinh viên không ngại đêm hôm chở người bị nạn đến bệnh viện, phải mang cầm cả điện thoại để nộp tiền viện phí cho người không quen biết.

Sự vô cảm, những hành động đáng xấu hổ này đang được báo chí vào cuộc, bị người người lên án, tuy nhiên, việc chấm dứt những hành vi này thì còn nhiều nan giải. Chưa có một chế tài nào xử phạt dứt điểm những hành vi như vậy, chỉ là lương tâm của con người tự lên án chính mình.

Huyền Biển
(Thực hiện)

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ