Quần áo

Quần áo

17 thg 10, 2011

Chuyện buồn của các 'cô dâu trẻ con'

Dù kết hôn sớm bị cấm ở nhiều quốc gia nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu bé gái phải trở thành cô dâu.

Vì vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính tình thế, các quốc gia cần thực thi triệt để luật cấm hôn nhân trẻ em để bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của các bé gái


Seema, 14 tuổi, và người chồng 19 tuổi của cô.

Theo báo cáo mới đây của Unicef, có khoảng 10 triệu bé gái phải kết hôn trước 18 tuổi trên toàn thế giới mỗi năm. Ở các nước Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, kết hôn sớm được coi là chuyện bình thường. Ấn Độ và Banglades có tỷ lệ tảo hôn lớn nhất trên thế giới. Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới có tỷ lệ tảo hôn bằng 40% tổng số tảo hôn của thế giới. Tại đây, các cô dâu trẻ con phải vâng lời bố mẹ trong việc hôn nhân.

Dù kết hôn sớm được coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ và bất cứ ai tiến hành hoặc không ngăn chặn các cuộc hôn nhân trẻ con sẽ sẽ bị phạt tiền 100.000 ruple hoặc hai năm tù. Nhưng luật lệ này không khiến người dân Ấn Độ hoảng sợ. Các vị quan khách và linh mục tham gia đám cưới vẫn thoải mái tiến hành các nghi lễ long trọng và nhảy múa vui vẻ trong suốt đám cưới.

Nhận xét về chính sách này của Chính phủ, ông nội của một cô dâu phàn nàn: "Tôi ghét sự ngăn cấm của Chính phủ. Chúng tôi vẫn luôn làm như vậy bao lâu nay. Chính phủ nói rằng không cho phép tảo hôn nhưng chúng tôi không quan tâm và sẽ vẫn tiến hành những đám cưới như thế này.”

Giải thích về phản ứng trên, Dinesh Sharma, nhân viên một tổ chức phi chính phủ cho biết: "Hôn nhân giữa trẻ em trong làng được toàn thể cộng đồng ủng hộ". Vì vậy, cô hiếm khi thấy ai đó tố cáo với cảnh sát để ngăn chặn những đám cưới này.

Ở Rajasthan, các cô dâu trẻ con thường kết hôn từ rất sớm thường là với chú rể cùng độ tuổi. Tuy nhiên, những đôi vợ chồng trẻ con này chỉ thực sự bắt đầu cuộc sống hôn nhân một thời gian sau đám cưới, khi họ khoảng 15, 16 tuổi.

Dù sau đám cưới một thời gian dài mới bắt đầu cuộc sống vợ chồng nhưng kết hôn quá sớm cũng khiến họ bị hạn chế rất nhiều cơ hội. Rukhmani 26 tuổi, bà mẹ của hai đứa con, kết hôn khi 6 tuổi và bắt đầu cuộc sống vợ chồng năm 15 tuổi nói rằng: "Nếu tôi kết hôn muộn hơn, tôi đã được đi học và biết đọc, biết viết. Nếu được đi học, có lẽ tôi đã không phải làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt, thu hoạch trên khắp các cánh đồng”.

Theo điều tra của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Phụ nữ (ICRW), những thiếu nữ kết hôn trước 18 tuổi ở một số bang của Ấn Độ có khả năng bị hành hạ gấp đôi so với những người kết hôn muộn hơn.

Ép buộc kết hôn sớm là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc cải thiện giáo dục. Nhân viên một tổ chức phi Chính phủ nhỏ ở Rajasthan cho rằng, việc khuyến khích các cô gái từ chối hôn nhân và ở lại trường học là một điều rất quan trọng. Sự có mặt của trường học chính là chìa khóa để thuyết phục các gia đình ở đây từ bỏ tục lệ này.

Liền kế với Ấn Độ, Banglades cũng có tỷ lệ tảo hôn cao nhất ở Nam Á và cao thứ 4 trên thế giới, mặc dù kết hôn sớm là bất hợp pháp ở đây. Ở Bangladesh, các cô gái trẻ thường lập gia đình ngay ở tuổi dậy thì và thường theo chồng ngay sau đám cưới.

Seema, 14 tuổi, kết hôn với người chồng 19 tuổi một năm trước đây. Cuộc sống của cô hiện tại khác hoàn toàn so với thời thơ ấu vô tư. Seema nói: "Sau khi kết hôn, cuộc sống của tôi chỉ là nấu nướng, giặt rũ và quét dọn” .Seema đã mang thai bốn tháng nhưng vẫn choáng ngợp với cuộc sống mới: "Tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ và tôi đang mang trong mình một đứa trẻ. Điều đó thật đáng sợ”.

Một giải pháp cho các cô gái Bangladesh là làm việc trong ngành công nghiệp dệt may. Ở đó, họ có mức lương tương đối để tự chu cấp cho bản thân và tự tin từ chối những cuộc hôn nhân quá sớm. Munni, một cô gái may mắn hơn chị em của mình đã chọn công việc này thay vì đồng ý kết hôn năm 13 tuổi. Cô nói rằng: "Tôi không nghĩ rằng cha mẹ tôi muốn kết hôn vì họ nghĩ con gái mình đang làm ra rất nhiều tiền và giúp đỡ họ rất nhiều".

Giáo dục và công việc có thu nhập sẽ giúp các cô gái trẻ sẽ có thêm lý do để thuyết phục gia đình không kết hôn sớm. Nhưng thực tế những điều kiện này không phải lúc nào cũng có sẵn. Vì vậy cho đến khi luật cấm hôn nhân trẻ em được thực thi, các thiếu nữ vẫn dễ bị tổn thương hơn bất cứ ai.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ