Quần áo

Quần áo

26 thg 9, 2011

500 ngày mẹ cõng con lên giảng đường đại học

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, 50 tuổi ở số nhà 01, ngõ 107 đường Nguyễn Thiếp, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Gia đình chị đang có tất cả bỗng chốc mất sạch khi đứa con gái đầu lòng đang học năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bị tai nạn kinh hoàng trong một chuyến dã ngoại. May mắn giữ lại được mạng sống, nhưng cô con gái yêu Tô Thị Yến đã mất đi khả năng đi lại.


Thương con, sau những cuộc phẫu thuật điếng người, chị đã cùng với con khăn gói ra Hà Nội thuê nhà trọ, đi làm thuê để con gái thực hiện được tâm niệm hoàn thành chương trình đại học. Cần mẫn suốt hai năm trời làm đôi chân cho con, con gái chị đã tốt nghiệp Đại học trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Gia đình ngọt ngào

Căn nhà của mẹ con chị nằm nép mình khiêm nhường ở phía sau siêu thị Intemex Nghệ An, ngay trước khách sạn Phương Đông đồ sộ giữa lòng thành Vinh ồn ã. Sau những biến cố gia đình xảy ra kể từ khi con gái bị tai nạn, căn nhà cũng trở nên tuềnh toàng hơn, nhưng như chị bảo, nghèo về vật chất nhưng được cái tình cảm gắn bó, đằm thắm hơn.
Chồng chị, anh Tô Văn Chủng hiện đang phải làm công việc bảo vệ tại một khách sạn ở thị xã biển Cửa Lò cách nhà 20km, mỗi tuần chỉ tranh thủ về thăm con được một lần. Trong khi đó, cậu em trai cũng đã phải bỏ ngang chuyện học hành để làm nhân viên giao hàng trên địa bàn thành phố, kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống và trả bớt nợ nần. Khó khăn một chút nhưng mọi người trong gia đình chị vẫn cảm thấy hạnh phúc, ấm áp bởi không chỉ giữ lại được cô con gái bé bỏng mà hơn thế nữa, chị đã giúp con hoàn thành tâm nguyện là tốt nghiệp xong đại học.
Mọi cái lại đang trở về con số không tròn trĩnh, nhưng ẩn đằng sau nét mặt trầm tư, lo âu của chị, tôi vẫn nhận ra có một niềm hạnh phúc rạng ngời mà có lẽ ai trong đời có kinh qua khoảnh khắc đau thương, mất mát, thất vọng tột cùng rồi đến hy vọng và sau cùng là vỡ òa niềm hạnh phúc như chị mới cảm nhận hết được dư vị ngọt ngào này.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt kể, chị và anh Tô Văn Chủng gặp nhau và kết hôn năm 1987. Hai vợ chồng trẻ đều là công nhân, cuộc sống uy vất vả, khó khăn nhưng anh chị rất đỗi yêu thương nhau. Sau ngày cưới, hai vợ chồng dắt nhau về thị xã Vinh sống, dành dụm mãi mua được mảnh đất ở vùng chiêm trũng Trung Đô. Hạnh phúc của đôi vợ chồng son càng nhân lên gấp bội khi lần lượt vào các năm 1988 và 1992, anh chị đã cho ra đời hai thiên thần, cô chị Tô Thị Yến và cậu em Tô Ngọc Anh.
Cuộc sống của 4 con người trong căn nhà nhỏ cứ thế bình lặng trôi đi, ngày ngày anh Tô Văn Chủng cần mẫn làm việc để kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học nên người. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nguyệt cũng đã xin được việc làm ổn định tại một công ty nhà nước trên địa bàn, mức lương tháng tuy không cao, nhưng đã giúp cho anh chị có được cuộc sống tạm ổn ở phố xá ồn ã.
Với nhiều người, gia đình của chị Nguyệt - anh Chủng lúc bấy giờ là cả một niềm mơ ước. Không phải về vật chất mà ở tình cảm gia đình và cách nuôi dạy con cái. Cả Tô Thị Yến lẫn Tô Ngọc Anh đều rất ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và luôn nghe lời cha mẹ. Bằng chứng là sau khi tốt nghiệp cấp 3, Yến đã thi đậu với số điểm cao vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Noi gương chị, cậu em Tô Ngọc Anh cũng bước vào một trong những trường cấp 3 danh giá nhất thành Vinh bằng chính thực lực của mình.

Trước sự thành đạt từng ngày của con cái, anh Chủng, chị Nguyệt chỉ còn biết thầm cảm ơn cuộc đời và ngày ngày cần mẫn làm lụng kiếm thêm đồng tiền để giúp con đủ đầy hơn trong cuộc sống, để hai đứa không cảm thấy thiệt thòi hơn so với chúng bạn cùng trang lứa. Những tưởng, hạnh phúc ấy sẽ mãi ở lại với tổ ấm ngọt ngào của gia đình thì nào ngờ, một tai ương bất ngờ đổ ập xuống đã làm cho mọi thứ bị đảo lộn. Tai nạn đã cướp đi đôi chân của cô bé đang phơi phới dậy tương lai, và chỉ có sự hy sinh hết mình của người mẹ rất mực yêu con, gia đình nhỏ ấy mới lại hồi sinh trong sự kỳ diệu.

Tai nạn kinh hoàng và bước ngoặt số phận nữ sinh viên năm thứ 3 đại học

Cho đến bây giờ, cả chị Nguyễn Thị Nguyệt, em Tô Thị Yến lẫn những ai biết đến vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra ngày định mệnh hôm đó vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nghĩ đến. Biến cố đã đến với cuộc đời cô sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phơi phới tương lai, hệ lụy kéo theo là những xáo trộn đến với gia đình đang êm ấm ở quê. Ngồi trên chiếc giường nhỏ trong căn nhà hẹp, em Tô Thị Yến xa xăm, hôm đó là vào một ngày cuối tháng 10, khi em cùng với nhóm bạn trong lớp chạy xe từ Hà Nội lên Thái Nguyên để tham dự buổi liên hoan của một người bạn thân.
Trước lúc đi chơi, em đã cẩn thận gọi điện thoại về nhà xin phép bố mẹ. Em cũng không còn nhớ rõ được từng chi tiết, chỉ biết rằng trong đêm tối, chiếc xe máy do đứa bạn gái cầm lái, chở theo Yến phía sau. Trên đường đi, do tránh một chiếc xe ô tô ngược chiều tại khúc cua đột ngột, đứa bạn đã không làm chủ được tay lái và hậu quả là chiếc xe máy tông vào chiếc ô tô văng ra một đoạn dài. Do ngồi phía sau, thụ động nên Tô Thị Yến bị văng ra xa, toàn thân quăng quật vào dải phân cách trước khi ngã dập xuống đường ngất lịm. Yến chẳng nhớ được gì nhiều, chỉ biết rằng khi tỉnh dậy thì em đã thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân trắng toát, bên cạnh là người mẹ đang phủ phục cầu nguyện cho con.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt thì run run khi phải nhớ lại những khoảnh khắc mà chị nhìn đứa con gái bé bỏng của mình đối diện giữa sự sống và cái chết ấy. Chị bảo, cái buổi chiều không đáng nhớ ấy lại cứ trở đi trở lại trong ký ức như một nỗi đau dấm dẳng. Chiều hôm ấy, sau khi gác máy con gái gọi về, sau niềm phấn khởi khi Yến khoe đã xin được giấy xác nhận của nhà trường để vay vốn ưu đãi ngân hàng, linh cảm của một người mẹ như đang mách bảo chị có điều gì đó không hay, sau phút tần ngần, chị đã tự trấn an mình, có lẽ do trời oi nồng nên lòng người cũng thoáng chút lăn tăn.
Nhưng rồi, nỗi lo lắng mơ hồ ấy đã bỗng chốc trở thành hiện thực khi mâm cơm chiều vừa dọn ra, mọi người chưa kịp ngồi vào bàn thì chuông điện thoại đổ dồn. Chị tất tả nhấc ống nghe lên, suýt chút nữa thì chị ngã quỵ khi từ đầu dây bên kia giọng nói của một người như thể lạc đi: “Yến bị tai nạn ở Thái Nguyên. Gia đình chuẩn bị ra ngay kẻo không kịp”.
Mọi người như không tin vào tai mình, lập cập bấm máy gọi cho Yến nhưng đáp lại chỉ là những tiếng tút tút kéo dài đến lạnh người. Không còn kịp suy nghĩ, cả nhà vội vã bắt xe ra Bắc ngay trong đêm. Chị Nguyệt vừa vuốt lại mái tóc cho Yến, vừa run run kể, đến Thái Nguyên tầm 4 giờ sáng, chúng tôi ào vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, thấy con gái bất động trong tình trạng đa chấn thương, toàn thân rụng rời. Chị Nguyệt càng đau đớn hơn khi bác sỹ ca trực cho hay, cháu Yến bị thương rất nặng, với toàn thân bị đa chấn thương, chảy máu màng não và gãy đốt sống số 3, 4 và số 5. Cùng với đó là phổi bị xẹp hẳn đi, sự sống mong manh hơn bao giờ hết.
Lúc này, sau cơn đau, tình thương con của một người mẹ đã biến chị thành một con người khác, mạnh mẽ và sáng suốt hơn bao giờ hết. Chị bảo với chồng , phải đưa con về Hà Nội gấp, còn nước còn tát, không thể cứ như thế mà nhìn con trong tuyệt vọng. Vậy là, Tô Thị Yến được chuyển về Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Tại đây, các bác sỹ cho hay, Yến bị mất quá nhiều máu, phổi lại bị xẹp nên phải mổ gấp để dẫn lưu hai bên màng phổi may ra còn giữ lại được mạng sống. Các bác sỹ cũng cảnh báo, chi phí cho việc mổ và điều trị sẽ không lường trước được. Lúc ấy, chị Nguyễn Thị Nguyệt đã nói như thét vào tai bác sỹ, dù cho phải ra đứng đường mà giữ lại được Yến bên cạnh, gia đình chị cũng sẽ sẵn lòng.
Ca mổ cho em Tô Thị Yến lập tức được tiến hành. Với sự tận tâm của ê kíp mổ, sau hơn 9 giờ đồng hồ, kíp mổ đã thành công, nhưng vì sức khỏe quá yếu nên em đã chìm vào cơn hôn mê 10 ngày. Trong thời gian ấy, chị Nguyễn Thị Nguyệt chẳng một phút rời con, chị cũng không chợp mắt trong suốt hơn một tuần chỉ để cầu nguyện cho con. Khi Yến vừa kịp tỉnh lại chưa được một ngày thì em lại phải vào phòng mổ để phẫu thuật cột sống, bởi như các bác sỹ bảo, nếu chậm thêm nữa, khả năng ngồi của em sẽ rất khó.
Sau cùng thì cột sống của em cũng tạm ổn định. Lúc này, được sự hướng dẫn của bác sỹ, mẹ con chị lại khăn gói sang Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị màng não và phục hồi chức năng. Hai tháng ròng tại đây, một tay chị Nguyệt vừa chăm sóc cho Yến, vừa cuống quýt chạy đi kiếm việc làm thêm để bù thêm vào số tiền ít ỏi mà anh Tô Văn Chủng cùng đứa con trai gửi ra hàng tuần.
Ngày đi làm, đêm về chị vừa bóp chân tay cho con, những lúc bác sỹ tập các bài tập vận động cho con bé, chị lại đứng nép sau cửa sổ, học lén những bài tập vận động cơ bản để khi chỉ có hai mẹ con, chị lại kiên nhẫn tập thêm cho Yến với khát vọng cháy bỏng là mong cháu sớm phục hồi chức năng, có thể vận động đi lại được như trước.

Thêm hai tháng nằm ở Bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe của Yến đã có chút ít biến chuyển, duy chỉ có tâm lý em và tài sản trong gia đình là có dấu hiệu sa sút. Chị Nguyệt bảo, tiền bạc thì không sao, đã có lúc tôi nghĩ rằng có thể bán nhà mà chữa được cho con, vợ chồng tôi cũng cam lòng. Duy có điều, phải làm sao để con không bi quan, tuyệt vọng mà phải có niềm tin vào cuộc sống.

Sau khi tư vấn ý kiến bác sỹ, chị Nguyệt quyết định đưa con về Vinh để tự chăm sóc, điều trị bởi theo chị, không đâu bằng nhà mình. Trở về, mọi chuyện đã dễ thở hơn tý chút khi không phải thuê nhà, không mải miết bon chen như ở thủ đô. Ngày ngày, Yến ở nhà, còn chị tất tả tìm việc làm. May thay, lúc này, cơ quan chị công tác cũng hiểu hoàn cảnh nên nhận chị trở lại làm việc. Mọi chuyện những tưởng thế là an bài, nhưng một lần trong lúc đang giúp con gái làm vệ sinh cá nhân thường ngày, chị Nguyễn Thị Nguyệt bất ngờ đến sững người khi nghe Yến thỏ thẻ, em muốn ra Hà Nội, muốn được đi học trở lại.
Yến không muốn bỏ dở chương trình học hành đang còn dang dở của mình. Nghe con đề nghị, chị thoáng chút bất ngờ rồi thương con, nước mắt cứ thế lăn dài trên má. Nhìn con gái bé bỏng heo hắt như tàu lá trên chiếc giường đơn ọp ẹp, lòng chị đau thắt. Biết là sẽ rất nhiều gian nan, thử thách phía trước nhưng nhìn vào ánh mắt tràn trề hy vọng của con, chị Nguyệt đã đi đến quyết định rất táo bạo là sẽ khăn gói ra Hà Nội để giúp con gái hoàn thành giấc mơ đại học của mình. Dẫu biết rằng đó là một quyết định rất khó khăn nhưng chị nguyện làm đôi chân, chắp thêm sức mạnh cho con.

Hơn 500 ngày cõng con đến giảng đường đại học

Trở lại Hà thành lần này, chị Nguyễn Thị Nguyệt đoán định trước được là sẽ có rất nhiều khó khăn chờ đợi mẹ con chị nhưng cứ mỗi lần nhìn vào ánh mắt long lanh của con gái, chị lại như quên hết mọi lo âu, mệt mỏi. Sau nửa năm xa trường lớp, sách vở, chị cũng biết sẽ rất khó khăn để con bé bắt đầu lại từ đầu, chính bởi vậy chị đã quyết xin nghỉ việc ở công ty để nguyện làm đôi chân cho con vững bước lên chốn giảng đường.
Để tiện bề chăm sóc con gái, mẹ con chị đã thuê phòng trọ ở Khu tập thể Bách Khoa, nơi gần trường học. Để tiết kiệm chi phí chị thuê phòng tận tầng 4. Đều đặn trong suốt hai năm ròng, chị Nguyệt thức dậy lúc 5 giờ sáng, sau khi giúp con làm vệ sinh cá nhân, giặt giũ và ăn sáng xong, chị cõng con trên lưngđến giảng đường. Lại nữa, lớp học của Yến lại tít mãi trên tầng 5, chị Nguyệt lại phải cắn răng cõng con leo suốt 5 tầng. Nhớ lại những điều này, chị Nguyễn Thị Nguyệt run run xúc động, cho đến bây giờ đôi khi nghĩ lại, chị vẫn không tin mình lại có đủ sức mạnh và dũng khí để làm được điều đó. Có lẽ, tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương của một người mẹ dành cho con cái.
Những ngày đầu chưa quen, đôi chân chị nhiều lúc muốn ngã quỵ xuống vì mỏi và đau nhức. Có những hôm trong người mỏi mệt, cõng con ra đến cửa, đứng nhìn từ tầng 4 xuống đất mà thoáng chút phân vân. Lại nữa, có những hôm đi làm về muộn, tất tả leo lên tầng 5, thấy con đang ngồi thui thủi một mình, tấm lòng người mẹ lại nhói đau.

Nhiều bữa, cõng con trên lưng, chị cảm nhận được con gái đang tủi phận vì thương mẹ, những giọt nước mắt của con đã lặng lẽ chảy, thấm đẫm vai gầy người mẹ lúc nào không hay. Miệt mài như thế, tấm lòng của mẹ con chị đã làm cho biết bao người xúc động không nguôi. Bạn bè của Yến đã thường xuyên đến động viên, chia sẻ và xin được thay phiên nhau giúp cõng Yến đến trường. Trong khi ấy, Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thương tình bằng cách giới thiệu việc làm cho chị Nguyệt ngay trong trường để chị vừa có thêm thu nhập, vừa có điều kiện gần gũi, chăm sóc cho Yến lúc cần thiết.
Công việc mà chị được nhận làm là quét dọn, vệ sinh khuôn viên trường học, với mức lương 500 ngàn đồng, mỗi tháng chị cũng kiếm thêm được một ít bổ sung vào quỹ thu nhập ít ỏi của mình. Một thời gian sau, thấy việc làm ở trường nhàn hạ, một chị là giảng viên của Yến đã giới thiệu cho chị làm giúp việc nhà cho một gia đình ở nội ô.
Vậy là, sáng sáng, sau khi cõng con đến lớp và làm xong việc quét dọn ở trường đại học, chị Nguyệt lại tất bật việc lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cơm nước cho một gia đình có 5 người sinh sống ở Hà thành. Từ ngày có thêm việc làm, mẹ con chị có thêm thu nhập nhưng quỹ thời gian thì hạn hẹp hơn trước.
Nhiều hôm, công việc bề bộn quá, chị vừa chuẩn bị xong cơm nước cho gia chủ đã vội vã ào đến trường đón con, hai mẹ con chỉ kịp ăn vội bát mì tôm để đưa Yến trở lại giảng đường để kịp cho buổi học đầu giờ chiều. Cũng có nhiều bữa chị còn chẳng kịp đón con về, hai mẹ con xin phép bảo vệ ở lại trường, ăn vội cái bánh mì ba tê, uống chai nước suối và ngả lưng trên ghế đá trong tích tắc để khỏi bị muộn giờ. Được cái, Yến là đứa con rất hiểu và thương mẹ nên lúc nào em cũng động viên, an ủi mẹ.
Tô Thị Yến còn chia sẻ thêm, kỳ thực lúc ngỏ lời muốn được đi học trở lại, em cũng chỉ nói thế thôi chứ không dám hy vọng. Gần 6 tháng trời em nằm viện, mọi người trong gia đình, và nhất là mẹ đã cực khổ vì em quá rồi. Nhưng thật không ngờ, lúc em bày tỏ tâm nguyện, mẹ đã đồng tình ủng hộ và nguyện làm đôi chân cho em bước tiếp trên con đường mơ ước. Chẳng có từ ngữ nào diễn tả được tấm lòng của mẹ dành cho em, cũng như sự biết ơn của em đối với mẹ.
Nhiều đêm, giữa cơn mơ choàng tỉnh, em vẫn thấy mẹ đang cặm cụi gắng làm cho xong việc trong ngày mà nước mắt cứ thế chảy dài. Hai năm học trôi qua nhanh không ngờ. Mọi cố gắng của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Nguyệt và em Tô Thị Yến đã được đền đáp xứng đáng khitháng 6 vừa qua, Yến đã tốt nghiệp Khoa Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Khỏi phải nói, chị Nguyệt đã hạnh phúc như thế nào khi nhìn thấy con gái vượt qua được nỗi mặc cảm bản thân để vươn lên. Ngày Yến kết thúc môn thi cuối, cõng con trên lưng để về nhà trọ mà chị đã khóc ròng, những giọt nước mắt buồn tủi xen lẫn sung sướng cứ thế thi nhau tuôn trào trong vô thức.

Nguyện làm đôi chân suốt đời cho con

Vừa tranh thủ giúp con các bài tập vận động mà chị đã học lỏm được trong thời kỳ còn ở các bệnh viện, chị Nguyễn Thị Nguyệt vừa chia sẻ, sau khi thi tốt nghiệp xong, hai mẹ con giã từ Hà Nội để về quê. Thực ra, biết được hoàn cảnh của mẹ con chị, nhiều nơi cũng ngỏ ý tạo điều kiện cho Yến làm việc, trong đó có Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo của trường đại học kinh tế Quốc dân nhưng vì thương con, sức khỏe của em lại đang rất yếu nên chị đã thuyết phục Yến về nhà để tiện bề chăm sóc. “Tháng 10 này là Yến nhận bằng tốt nghiệp nhưng có lẽ chỉ một mình chị trở lại thủ đô để nhận thay con”, chị Nguyệt cho biết thêm.
Trong thời gian vừa qua, ngoài việc chăm sóc Yến và lo lắng cho cuộc sống gia đình, chị Nguyễn Thị Nguyệt cũng đã đặt vấn đề với một số đơn vị về việc tạo việc làm cho con gái nhưng mọi việc vẫn chưa đi đến đâu. Chị bảo, sau khi nhận bằng về cho con, chị sẽ tiếp tục gõ cửa các nơi, đến lúc nào đó có tổ chức hay cá nhân hảo tâm nào đấy, thương cho hoàn cảnh của em Tô Thị Yến mà nhận em vào làm thì chị mới thôi đắm đuối vì con trẻ. Dẫu biết rằng, với một người phải ngồi trên xe lăn như em, công việc lúc này là rất khó khăn, thậm chí một người bạn của chị là giám đốc một ngành ngân hàng lớn cũng rất thương, nhưng chính người này cũng phải khuyên chị nên mở một cái gì đó cho Yến tự làm. Chị nghe mà ứa nước mắt.
Dẫu vậy, với tấm lòng của một người mẹ, chị ngày ngày giúp con các bài tập vận động để thực hiện tâm nguyện cháy bỏng là một ngày nào đó, con gái chị sẽ tự đứng lên để đi lại được. Ước mơ ấy đã theo chị suốt mấy năm qua, theo chị cả vào trong những giấc ngủ chập chờn đêm đêm.
Chị Nguyệt bảo, nếu như cháu không thể đi lại được nữa, chị cũng sẽ nguyện suốt đời làm đôi chân cho con, luôn bên cô bé chở che, bao bọc để Yến không thấy cô đơn, lạc lõng. Một việc nữa chị cũng đang rất khao khát, ấy là mong một ngày nào đó, Yến sẽ được đi làm, với công việc kế toán mà em theo học trong trường đại học, chị tin, con bé sẽ biết cách vượt lên chính mình, để sống xứng đáng với lòng mong mỏi của người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái./.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ