Quần áo

Quần áo

31 thg 8, 2011

Về chuyện khoe body: Lẽ nào họ... thấp hèn?

Mấy hôm nay, báo chí (hay dư luận, hoặc cả hai) đang “sốt ruột” chuyện hai “hot boy” của làng giải trí dứt khoát không thèm mặc gì trên người (hoặc có cũng rất tiết kiệm vải) trên một số ấn phẩm dù nó hoàn toàn không dành cho người Việt. Ở đây, người viết muốn nói đến người Việt trong nước ấy, không tính Việt kiều.

1. Còn nhớ, cách đây không lâu, loạt ảnh nóng (hay gợi tình, khiêu khích?) của Nam vương Tiến Đoàn do nhiếp ảnh gia Haruehun Airry thực hiện cho tạp chí Men’s Health (Thái Lan) bị tuồn về Việt Nam.

Cái sự tuồn về ấy, có người bảo do một số phóng viên của dăm tờ báo mạng đi moi móc ở đâu đó rồi lôi về để câu khách. Lại cũng có kẻ (lắm chuyện thật!) bảo do Tiến Đoàn tự xì để tạo scandal. Cuối cùng, không biết là do ai nhưng cả làng báo (không có sự phân biệt, kỳ thị giữa sang trọng hay bình dân, hàn lâm hay lá cải) có cơ hội được lên án đạo đức lẫn tư cách của Nam vương kiêm thầy giáo Tiến Đoàn. Và tất nhiên, cái gọi là văn hóa truyền thống dân tộc trở thành cái phao, cái chỗ bám vững vàng cho những người lên án.


Tiến Đoàn trong bộ ảnh mới bị phát tán

Chuyện không dừng lại ở đó, gần đây hơn, mới hơn, điệp khúc cũ được lặp lại theo theo kiểu “bình cũ rượu mới”. Lại cũng chẳng ai biết do dăm tờ lá cải phát hiện hay do Nam vương Tiến Đoàn tiếp tục dùng chiêu cũ mà một bộ ảnh không thể nóng hơn của anh được chụp từ Thái Lan, tiếp tục xì ra lần hai.

Một lần nữa, độc giả ở ta lại tiếp tục choáng váng, tiếp tục ngạt thở và hẳn nhiên cả làng báo như đã nói ở trên, lại lao vào lên án. Và vì lịch sự, văn minh (hay vì để giữ cái trong sáng, ý nhị của văn hóa dân tộc), các bộ ảnh nóng bỏng của Nam vương đã được vài tờ báo xử lý, làm mờ những chỗ tạm cho là bất nhã.

Nhưng ấy là tôi hồn nhiên mà nghĩ thế chứ cô bạn đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội lại không nghĩ thế. Cô cho rằng đó là sự ăn theo, cái chuyện làm mờ ảnh nóng chỉ làm tăng độ tò mò cho độc giả. Cô nghĩ đó là biểu hiện cho cái sự câu khách rẻ tiền hơn cả các tờ báo rẻ tiền.

2. Hot boy thứ hai mà người viết muốn đề cập là ông hoàng nhạc trẻ Ưng Hoàng Phúc. Sau các xích mích với người quản lý cũ, ông bầu Quang Huy, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã lặn sâu nhiều năm để nghỉ dưỡng và vừa trở lại thị trường với single Chuyện đó đâu ai ngờ.

Ưng Hoàng Phúc

Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu Ưng Hoàng Phúc đừng làm đến hai MD cho ca khúc này. Ngoài một “phiên bản” dành cho thị trường trong nước, Ưng Hoàng Phúc đã làm thêm một “phiên bản” khác để phát hành sang Mỹ.

Ưng Hoàng Phúc bảo thế thì ta cứ tạm tin thế nhưng chưa biết MD này đã theo Vietnam Airlines để sang được trời Tây chưa nhưng nó đã có đầy trên các mạng chia sẻ ở Việt Nam. Phát hành bên Mỹ có khác, trong MD này, người ta (nhất là với những ai có chút ít trí tưởng tượng) có cảm giác Ưng Hoàng Phúc dứt khoát không mặc gì trên người và nhiệt thành giới thiệu vẻ đẹp nam tính của mình khi đứng trước máy quay. Không cần phải nói thêm, ai cũng biết hình ảnh của MD này nóng đến cỡ nào.

Hẳn nhiên, với một MD như thế, một lần nữa khán giả lại được phen chóng mặt, hoa mắt, ù tai còn một số tờ báo hàn lâm vẫn giữ nguyên “truyền thống” của mình. Đó là lại tiếp tục lên án, rao giảng về tư cách đạo đức, về vai trò, ý thức của các nghệ sĩ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

3. Để bàn về bản sắc văn hóa dân tộc trong bài viết này có lẽ là không phù hợp, duy người viết chỉ có thắc mắc là vì sao không chỉ văn hóa Mỹ hay kề cận là xứ sở chùa tháp và hầu hết các nền văn hóa gần gụi và có rất nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt Nam (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hay thậm chí là “thủ cựu” như Trung Quốc…) đã chấp nhận được việc các nghệ sĩ trình diễn trưng bày vẻ đẹp hình thể thì vì sao ở ta cứ hở ra là ném đá?

Báo chí Thái Lan bỏ tiền ra để mời Tiến Đoàn sang chụp ảnh cho họ thì có hiểu theo kiểu gì đó cũng là một sự trân trọng, chí ít ghi nhận vẻ đẹp hình thể của Tiến Đoàn - người của ta. Ca sĩ của ta cũng thế, khoan bàn về chuyên môn thì khi muốn khoe body cũng phải mượn cớ để phục vụ cho thị trường Mỹ thì có hiểu theo kiểu gì cũng phải thấy thị trường ấy tôn trọng mọi xu hướng giải trí.

Liệu cứ thi nhau ném đá như thế nhẽ nào chỉ văn hóa truyền thống của ta là đẹp đẽ, thiêng liêng và đáng gìn giữ nhất còn các nền văn hóa khác đều thuộc diện thấp hèn? Hay chỉ độc giả của Mỹ hay Thái Lan (vì tầm thường quá chả hạn) mới chuộng xem những cơ thể nóng bỏng trên các tạp chí của họ còn độc giả của Việt Nam thì không có nhu cầu đó? Chỉ hơi khó hiểu và buồn cười ở chỗ, trong những cuộc khảo sát người ta cho biết “sex” là từ khóa mà người Việt dùng nhiều nhất trên google - mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ