Quần áo

Quần áo

16 thg 8, 2011

Khi con yêu ô sin hơn mẹ

Bận rộn với công việc của cơ quan, nhiều phụ nữ buộc phải chọn giải pháp thuê người giúp việc trông con cái, lo cơm nước cho gia đình. Và hệ quả tất nhiên của cuộc sống “bố có việc của bố, mẹ có việc của mẹ” là những đứa trẻ càng ngày càng có xu hướng yêu cô giúp việc hơn yêu mẹ.

Mẹ đi thì con đang ngủ, mẹ về thì con đã ngủ rồi

Công việc của một kế toán trưởng một công ty du lịch lớn, chị Kiều Anh- Bát Sứ, Hà Nội luôn luôn bận rộn, nhất là vào các dịp Lễ, Tết. Người ta nghỉ thì là lúc chị bận ngập đầu với giấy tờ, sổ sách. Rời nhà lúc 7h sáng, lúc này thằng nhóc 2 tuổi của chị đang say ngủ. Về nhà có hôm 9 rưỡi, 10h tối, thằng bé sau khi nghe truyện cổ tích của cô giúp việc đã ngủ ngon lành. Hôm nào tranh thủ chút thời gian rảnh chị tạt ngang nhà lúc trưa, chơi với con một lúc cho đỡ nhớ. Nhưng thằng bé lúc ấy mải mê với mấy bộ xếp hình, cái bút chì màu, chẳng quan tâm mẹ về làm gì.

“Nhiều lúc thấy thằng bé trông thấy mẹ nhạt nhẽo, hờ hững, cũng tủi thân nhưng biết thế nào bây giờ, không làm như vậy thì mất lòng sêp, xuống chức rồi mất việc?”- chị Kiều Anh than thở với bạn bè.


Yêu ô sin hơn yêu mẹ

Cô Phạm Thị Đào, (39 tuổi, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) giúp việc đã 2 năm cho một đôi vợ chồng trẻ trên phố Láng Hạ -Hà Nội cho biết, cứ hôm nào cô về quê thăm nhà là phải dậy thật sớm, đi đứng thật khẽ, nếu không thằng cu Bin, 3 tuổi, đứa bé cô chăm sóc 2 năm nay khóc thét. Cô kể có một lần mới 5h sáng thấy bác Đào lỉnh kỉnh túi xách, ba lô đi ra khỏi cửa nó đang ngủ mà vùng dậy, ôm chặt cổ bác Đào, nhất quyết không chịu rời một bước. Tối hôm đấy, sau khi bác Đào “trốn” về, thằng bé Bin bỏ bữa, khóc sưng mắt, nhất quyết không chịu ngủ với mẹ, luôn miệng gào “bác Đào ơi, bác ở đâu về với Bin đi!”

Bé Bống, 5 tuổi, (nhà Khu đô thị Mỹ Đình I) cũng nhất định phải ăn cơm do cô Nhàn giúp việc xới, rồi bón. Tắm cũng phải là cô Nhàn. Đọc truyện cho nghe cũng phải cô Nhàn. Đang khóc, cô Nhàn dỗ dành là nín, mẹ mà dỗ, Bống khóc còn to hơn. Có lần mẹ Bống, chị Thanh Tâm, (32 tuổi- kiến trúc sư) cho Bống uống thuốc không được, con bé hất chén thuốc đi, đòi cô Nhàn, chị Tâm giận con, giận cả mình, đánh nhẹ con một cái rồi con khóc, mẹ cũng khóc.

Cô Nhàn về Hưng Yên lấy chồng, bé Bống đi học lớp 1, về nhà sau lớp học bán trú, chỉ buồn bã, thui thủi với truyện tranh, đồ chơi, làm chị Tâm sốt vó lo tìm người giúp việc mới.

Bố mẹ nên là bạn của con

Theo các nhà khoa học, trẻ em sinh ra như một tờ giấy trắng. Tất cả sự giáo dục, ảnh hưởng của môi trường sống đều có tác động lớn tới việc hình thành nhân cách, thói quen của trẻ. Những năm tháng tuổi thơ, nếu trẻ em được cha mẹ yêu thương, gần gũi, tâm sự chuyện trò, các em lớn lên cũng trở thành các đứa trẻ cởi mở, hoạt bát, gắn bó với gia đình.

Ngược lại, những gia đình nào, cha mẹ quá bận rộn, phó mặc việc chăm sóc, giáo dục con cái cho ông bà, người giúp việc, chỉ biết đáp ứng nhu cầu của con bằng việc cho chúng tiền, đồ chơi,…, đứa trẻ thiếu thốn sự quan tâm của cha mẹ sẽ hình thành tâm lý “cha mẹ không thương yêu mình”, sau này rất dễ mắc bệnh trầm cảm, ích kỉ, thói quen thích làm việc một mình, không quan tâm tới người khác.

“Cha mẹ nên là bạn của con cái trong mọi tình huống”, một giảng viên khoa tâm lý của Đại học Sư phạm Hà Nội gửi lời khuyên tới các bậc làm cha mẹ.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ