Quần áo

Quần áo

2 thg 11, 2009

Tuyển dụng - Quyền lợi của lao động nữ: Đừng để luật chỉ là lý thuyết

Đã mười tháng qua, sau khi sinh con, chị Nguyễn Thị Nha Trang, làm việc ở một doanh nghiệp tại Q.Gò Vấp - TP.HCM vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp thai sản, mặc dù đây là lúc chị cần tiền nhất để lo cho gia đình.

Thiệt thòi đủ bề

Nguyên nhân chính của vụ việc là do giữa cơ quan BHXH Q.Gò Vấp và công ty (CT) chưa thống nhất số lượng người tham gia BHXH do CT khai báo. Trước đây, CT tham gia BHXH cho bốn người tại BHXH Gò Vấp. Đầu năm 2009 đến nay, do ít đơn hàng, CT khai đã giảm số LĐ chỉ còn hai người và chỉ muốn tham gia BHXH cho hai nhân viên này, trong đó có chị Trang. Tuy nhiên, hai bên chưa thống nhất được thủ tục nên đến giờ này, CT vẫn chưa đóng BHXH cho nhân viên. Căn cứ vào đó, BHXH Gò Vấp cũng không thể giải quyết các chế độ BHXH liên quan.

Trường hợp của chị Lê Thị Thư, công nhân (CN) CT Song Tân (Khu công nghiệp Tân Tạo - TP.HCM) cũng rất bức xúc. Chị làm việc cho CT đã gần bốn năm. Tháng 3/2009, chị nghỉ thai sản để sinh con. Tuy nhiên, con chị thường ốm đau, nên chị gửi đơn xin nghỉ việc trở về quê Thanh Hóa. Chị báo trước cho CT 30 ngày để CT tìm người thay thế và hy vọng sau nghỉ việc, sẽ nhận được trợ cấp thôi việc, chị sẽ có thêm ít tiền mua sữa cho con.


Các nữ công nhân tại khu công nghiệp Tân Tạo TP.HCM đấu tranh đòi quyền
lợi hợp pháp của mình

Thế nhưng, CT viện lý do chị vi phạm quy định của CT nên không trả trợ cấp thôi việc. Đại diện CT Song Tân, yêu cầu: chị Thư muốn nghỉ việc thì phải trở vào TP.HCM làm việc. Sau đó nộp đơn xin nghỉ thì CT mới xét duyệt.

Luật thì mặc luật

Trong một cuộc Hội thảo về chính sách lao động nữ (LĐN) vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN khẳng định: Một số chính sách liên quan đến LĐN vẫn còn nhiều bất cập, chưa giải quyết được những đòi hỏi bức xúc của người LĐ. Một bộ phận LĐN vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi về tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, thăng tiến...

Trong một khảo sát của Liên hiệp Công đoàn Na Uy và Tổng LĐLĐ VN vừa được công bố tuần qua, tại những doanh nghiệp nước ngoài ở TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương... có những con số không khỏi làm chúng ta e ngại. Hơn 55% LĐN có con nhỏ không được nghỉ 60 phút của mỗi ca làm việc để cho con bú; chưa đến 19% nữ CN được nghỉ 30 phút để làm vệ sinh trong những ngày chu kỳ; 71% LĐN không được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đó là ở những doanh nghiệp lớn, còn nếu khảo sát ở những doanh nghiệp nhỏ thì tỷ lệ trên cao hơn rất nhiều. Đáng ngại hơn, số đông LĐN có thai, nuôi con nhỏ vẫn phải tăng ca thường xuyên, dù pháp luật nghiêm cấm hành vi này.

Một chính sách được Bộ luật Lao động quy định khá thiết thực là: ở những nơi sử dụng nhiều LĐN, người LĐ có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho LĐN có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo. Quy định trên chỉ để "làm kiểng" bao nhiêu năm qua. Hiện nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM sử dụng hàng trăm ngàn LĐ, có đến hơn 70% là LĐN. Thế nhưng, ở các khu này, hầu như không có một nhà trẻ nào được tổ chức. Con của CN phần lớn được gửi về quê cho ông bà chăm sóc, gửi nhà trẻ tự phát hoặc mẹ phải nghỉ việc ở nhà trông con.

Tăng quyền lợi, chưa đủ!

Những bất cập trong việc thực hiện chế độ LĐN có thể khẳng định đã kéo dài nhiều năm qua mà vẫn chưa khắc phục được. Hiện nay, các cơ quan chức năng tiếp tục kiến nghị tăng thêm nhiều quyền lợi của LĐN để họ vừa làm việc cống hiến cho xã hội, vừa thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình.

Thời gian qua, Tổng LĐLĐ VN đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát lấy ý kiến của đoàn viên để tham gia dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động. Trong đó, chính sách cho LĐN được quan tâm và kiến nghị tăng thêm quyền lợi. Đối với nghỉ thai sản, được kiến nghị: LĐN được nghỉ trước và sau khi sinh con theo quy định: năm tháng trong điều kiện làm việc bình thường; sáu tháng với người làm việc nặng nhọc, độc hại; bảy tháng đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm... Trong dự thảo Bộ luật Lao động cũng kiến nghị nhà nước có chính sách ưu đãi cho vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ một lần từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, xét giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐN. Những ưu đãi này nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn để chăm lo và thực hiện tốt chính sách liên quan đối với LĐN.

Nhận định về những chính sách trên, bà Quách Kim Phượng, Phó giám đốc CT May Trường Vinh (Q.12, TP.HCM), phân tích: thời gian nghỉ thai sản bốn tháng như hiện nay không đủ để CN nữ hồi phục sức khỏe. Phải tăng thời gian nghỉ thai sản để CN nữ chăm sóc con tốt hơn. Điều này phù hợp với thực tế sản xuất và cũng hợp với đạo lý. Bà Phượng cũng đánh động thực trạng: Vấn đề quan trọng hơn chính là giám sát việc thực hiện các chính sách trên để quy định có tác dụng trong cuộc sống. Phải xử lý nghiêm khắc doanh nghiệp vi phạm mới có tác động thuyết phục những doanh nghiệp khác.

Cát Nguyệt

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ