Quần áo

Quần áo

13 thg 10, 2009

Blog - Viết cho cha


Cuối cùng niềm hạnh phúc từ một giấc mơ đã trở thành sự thật, cuối cùng tôi cũng đã đợi được ngày này...
heocon 9
Chiều nay tôi đi học về, nghe tiếng kèn xe ở phía sau lưng vội lách vào lề tránh, ai dè lúc quay lại thấy cha cười, tự dưng tôi muốn khóc. Lâu rồi tôi không để ý, cha có một nụ cười hiền và dễ thương làm sao. Cha đang chạy xe ôm chở khách. Cha đi rồi, tôi đạp tiếp những vòng xe vượt cơn gió ngược bụi mịt mù về nhà, chắc mẹ đang chuẩn bị bữa cơm chiều chờ hai cha con.
Nhà có bốn người, cha mẹ, tôi và một đứa em trai học lớp bốn. Một mình cha chạy xe nuôi cả nhà, mẹ thì bệnh mổ tới hai lần nên cũng chỉ đưa rước em tôi hai buổi tới trường và chăm lo trong nhà. Cả nhà sống chật vật qua ngày bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt cực khổ của cha, trong căn nhà tình thương do phường xây cho. Những ngày tháng cứ bộn bề những lo toan, chạy vạy, nhưng gia đình tôi thật hạnh phúc. Bốn con người luôn yêu thương nhau, chia sẻ và ở bên nhau thật đầm ấm. Mỗi khi túng quẫn và nỗi khổ vây quanh, tôi gần như kiệt quệ và ngã nhào, nhưng chính tình thương của gia đình đã cho tôi sức mạnh tiềm tàng để cố gắng vượt qua tất cả và đi lên.
Trong khốn khó, tôi học được cách kiếm tiền, tiêu xài tiết kiệm, và nghị lực thực hiện ước mơ. Ba tôi nước da đen ơi là đen, đen hơn cả cái màu sạm nắng hay rám nâu, màu đen như bết đầy những bụi bặm, nắng mưa và thời gian của hơn hai mươi năm qua, ba đã dãi nắng, dầm mưa nuôi tôi và em ăn học, lo cho mẹ khi cơn đau bệnh hoành hành. Cha thật vĩ đại, trong mắt cha, tôi chưa từng thấy ánh lên cái vẻ sung sướng khi được mặc chiếc áo mới, nhưng ông vui khi chiếc áo đó là do tôi mua bằng chính tiền lương làm thêm của mình, ông run và nói lắp bắp, tôi biết, vì đó là người cha thân yêu của tôi... Ông không vui cười khi được nếm một món ăn ngon, nhưng chỉ qua cái cách mà cha nhìn hai chị em tôi ngồi ngấu nghiến những miếng chả lụa ngon lành do ông mua về cũng đủ làm thôi thấy xót xa, bỡ ngỡ. Cha luôn yêu chúng tôi, luôn lo lắng cho chúng tôi, hơn tất cả mọi người cha, cha tôi, cha tôi, tôi muốn hét lên với cả thế giới rằng cha tôi vĩ đại lắm, cha như một vị thần đang xuống trần giúp đỡ chúng tôi, những đứa trẻ nghèo khổ và buồn bã...
Ngày vào đại học, tôi lại bắt gặp ánh mắt lấp lánh sáng tỏa như sao đêm, cha nhìn tôi không nói, nhưng tôi đọc được lời ông trong ánh mắt ấy, rằng con gái bé bỏng của cha, cha rất tự hào về con. Ước mơ trở thành một cô giáo tôi đã ấp ủ phải nói là mười bảy năm qua, phải, khi tôi học mẫu giáo, nghĩa là lúc tôi ba tuổi, tôi đã mơ mình được làm cô giáo, mà nếu nói xa hơn, khi thôi nôi, tôi đã bắt lấy cây thước, cây viết và quyển tập. Vậy thì tính ra ước mơ của tôi có từ hai mươi năm trước lận.
Chính cha và mẹ nuôi nấng trong con người tôi một mầm non của yêu thương và chân thật, mẹ dạy tôi phải biết giữ lời hứa, thứ gì không thuộc về mình thì không được tranh giành và ghen tị, còn ba tôi dạy cho tôi biết kính trọng người khác, khiêm nhường, yêu thương kẻ bất hạnh hơn mình, nhiều nhiều nữa, có một điều tôi học được ở cha mẹ là lòng tự trọng, nghèo cũng có sự tôn nghiêm. Cha mẹ không bao giờ vì tiền mà để cho người khác phỉ báng hay sỉ nhục mình, nên họ sống thanh đạm và vất vả biết bao, cha mẹ nói, lòng thanh thản giúp mình sống dễ chịu, khỏe khoắn hơn...
Năm nay tôi đã lên năm ba đại học, được đi kiến tập ở trường Phổ thông. Tôi vui lắm, và trong lòng luôn nhớ về cha, mẹ và cả em, nhờ gia đình tôi đã vượt qua cả một chặng đường gian nan để bước được vào ngưỡng cửa đại học, cho đến hôm nay. Và còn một người nữa cũng luôn bên cạnh tôi, động viên khích lệ tôi, cho tôi vững tâm thực thành ước mơ. Và nếu không có người này thì sẽ không có một tôi như ngày nay. Đó là cô Tuyết Em, cô chủ nhiệm cấp hai của tôi, chính vì tình thương đối với học trò và lòng yêu nghề tận tâm của cô đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, không còn rụt rè, tự ti mặc cảm, xin cám ơn cô! Những bộ quần áo cũ, những món quà, phần tiền... cô cho tôi không đơn giản chỉ thế, mà tôi biết cô gửi trọn trong đó tình thương yêu và sự gửi gắm tin tưởng hết mực vào tôi... Đến giờ, cô vẫn là người mẹ thứ hai, người bạn tri kỷ chia sẻ và giúp đỡ tôi trong cuộc sống, học tập, có khi tôi nghe lại tâm sự của cô không chừng, tôi càng thấm thía hơn, đời nhà giáo buồn quá, nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, họ đã hy sinh nhiều, tôi cũng sẽ vậy...
Thế đấy, cuộc sống vẫn cứ là cuộc sống, đủ mọi niềm vui lẫn nỗi buồn, mà khó khăn thì nhiều hơn. Nhà văn Nguyễn Khải viết: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...". Hôm nay đi trên đường trong chiếc áo dài xuống trường kiến tập, tôi thầm cảm ơn tất cả mọi người và cả những khó khăn, thiếu thốn mà tôi đã trải qua, cám ơn cả cuộc đời...
Cuối cùng niềm hạnh phúc từ một giấc mơ đã trở thành sự thật, cuối cùng tôi cũng đã đợi được ngày này...

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ