Quần áo

Quần áo

7 thg 12, 2011

Nỗi lòng buồn thảm của một tỷ phú không dám sinh con

Đã hai lần, tôi chứng kiến cảnh con tôi đau đớn rồi biến mất khỏi thế gian này. Làm một người cha, khi ấy tôi chỉ có thể đứng yên bất lực nhìn con tôi ra đi. Tôi đã thề là sẽ không bao giờ sinh con nữa nhưng ngôi nhà không có tiếng trẻ thơ, sao bất hạnh đến thế…
Tôi sẽ kể lại thật nhanh câu chuyện cuộc đời của tôi bởi nếu kể quá nhiều, tôi nghĩ chính tôi sẽ không chịu nổi nỗi đau mà tôi đã và đang cố né tránh nó. Tôi năm nay đã gần 50 tuổi. Tôi là một tỷ phú. Tôi nói điều này không phải để khoe khoang về thân thế của mình mà để nhấn mạnh một điều rằng, trời không cho không ai cái gì bao giờ, được cái này thì nhất định phải mất cái kia, có như vậy mới có thứ gọi là công bằng.



Tôi có rất nhiều tiền và đổi lại cho điều đó, tôi mất rất nhiều thứ. Tôi lớn lên trong một gia đình giàu có. Tôi là con út, lại là con trai duy nhất nên lẽ dĩ nhiên, tôi được chiều chuộng vô cùng. Bạn bè vẫn đùa tôi rằng, tôi là nhân vật quyền lực nhất trong nhà vì hễ có điều gì tôi muốn thì chắc chắn nó phải được thực hiện, dù có vô lí đến đâu.
Năm 20 tuổi, tôi bỏ ngang việc học ở nước ngoài, trở về nhà, ngày ngày tụ tập chơi bời, bố mẹ cũng không nói gì bởi họ biết có nói tôi cũng không nghe. Tôi cứ sống vô lo, vô nghĩ như thế, cứ thoải mái hưởng thụ như thế cho đến ngày những bất hạnh lần lượt rơi vào gia đình tôi. Đầu tiên là sự ra đi của nội. Nội bị ung thư não. Việc chạy chữa chắc chắn không mang lại kết quả nên nội từ chối dùng các loại thuốc. Nội chỉ dùng thuốc giảm đau để hạ bởi những hành hạ của căn bệnh mang lại. Nội mất chỉ sau hai tháng phát hiện ra bệnh.
Một năm sau, bố tôi cũng mất vì căn bệnh đó. Lúc đó, chưa ai trong gia đình chúng tôi nghĩ rằng căn bệnh đó có thể di truyền. Chúng tôi tin đó chỉ là một sự trùng hợp. Mẹ suy sụp rất nhiều. Tôi thôi những ngày tháng chỉ sống cho riêng mình, giờ tôi là trụ cột của gia đình, tôi phải sống để làm chỗ dựa cho mẹ. Chị tôi đã có gia đình riêng. Chị cũng đã có con. Cháu tôi khi ấy đã được hai tuổi. Mẹ coi chị em tôi là niềm vui sống duy nhất.
Ngày ngày ở bên cháu ngoại và chăm sóc cho cháu cũng giúp mẹ tôi vui hơn được một chút. Thi thoảng, tôi cũng thấy bà cười dù là ít và không còn được tươi như ngày xưa. Tôi thay bố cai quản công ty của gia đình và kinh doanh bất động sản. Cuộc sống dần đi vào guồng bình thường của nó thì chị tôi mất. Đó là cú sốc cực kì lớn đối với mẹ. Có lẽ không thể chịu đựng thêm được nỗi đau nữa, mẹ tôi tự sát ngay trong ngày chị mất. Tất cả mọi chuyện trong đám tang của hai người phụ nữ tôi hằng yêu quý đều do trợ lý của tôi lo. Tôi thực sự bị sốc bởi sự ra đi đột ngột của mẹ và chị.
Chị tôi mất vì ung thư não. Khi ấy, tôi mới 25 tuổi. Tôi còn quá trẻ để chịu đựng nhiều nỗi đau đến như vậy. Nhưng tôi vẫn phải sống. Anh rể tôi sau khi hết ba năm để tang chị thì đi bước nữa. Tôi đón cháu gái về nuôi. Cháu là người thân duy nhất còn lại của tôi. Dù việc kinh doanh rất bận nhưng bao giờ, tôi cũng cố thời gian dành cho cháu. Tôi không muốn cháu gái mình lớn lên trong sự cô đơn hết những gì có thể để bù đắp cho con. Đó là một đứa bé rất thông minh và lanh lợi. Chính cháu là người đã kéo tôi khỏi hố sâu tăm tối của sự buồn đau sau cái chết của mẹ và chị tôi.
Thường thì cháu sẽ không hỏi về cái chết của mẹ và bà. Có lẽ cháu cũng hiểu nói đến điều đó sẽ động đến đoạn quá khứ tôi muốn gạt bỏ. Đó là sự tinh tế khó hiểu mà một đứa trẻ còn nhỏ như vậy làm được. Tôi coi cháu là niềm an ủi duy nhất của mình nên khi cháu mất, tôi thành kẻ mất phương hướng. Đau đớn nhất là khi phải chứng kiến cảnh cháu đau đớn mà tôi không biết phải làm thế nào.
Cháu tôi khi ấy mới năm tuổi. Cháu còn quá nhỏ. Tại sao những điều này lại rơi vào gia đình tôi? Chúng tôi đã làm gì để phải hứng chịu quá nhiều nỗi đau như vậy? Cháu tôi có tội tình gì mà ông trời lại hành hạ cháu như thế? Khi cháu mất, tôi phải cố nghĩ rằng đó là một điều tốt, để cháu thoát khỏi những đau đớn mà cháu phải chịu. Nó quá sức đối với một đứa trẻ năm tuổi. Cuộc sống của tôi kể từ khi ấy, chỉ còn lại một màu đen. Cháu mất vì lí do giống như ông ngoại, mẹ ngoại và mẹ cháu. Đó là một căn bệnh di truyền.
Thực ra chết dễ hơn sống rất nhiều. Người ta khóc nhiều cho người đã khuất nhưng không nghĩ rằng, người ở lại khốn khổ hơn người đã nằm xuống kia rất nhiều. Tôi đã từng muốn chết vì đời tôi tuyệt vọng quá. Tôi chỉ có một mình. Tôi không hiểu mình kiếm tiền cho ai và để làm gì. Thế mà thời gian trôi qua, tôi cũng gặp được tình yêu của mình, tôi cũng lấy lại được niềm vui sống và tôi cũng đã được hạnh phúc.
Vợ tôi là một người bình thường. Khi quen tôi, cô không biết tôi là một tỉ phú. Vì không biết nên cô mới thoải mái với tôi. Cho tới cả khi đã yêu nhau, cô vẫn không biết thực ra tôi giàu có đến thế nào. Nên khi tôi muốn cưới cô làm vợ, cô không đồng ý vì cô sững sờ khi biết thân thế thật của tôi. Chính cuộc đời khốn khổ của tôi đã khiến cô xúc động. Cô yêu tôi và thương tôi. Cô nói, cô sẽ mang đến cho tôi một gia đình. Và quả thật, cô đã làm như lời cô nói.
Hai năm sau khi chúng tôi kết hôn, vợ tôi mang thai. Đây là một tin vui và cũng là nỗi lo sợ của tôi. Cái chết của những người thân ám ảnh tôi và tôi sợ rằng, con tôi cũng sẽ chịu kết cục như vậy. Con tôi ra đời. Những năm tháng đầu đời, cháu rất ngoan. Tôi cuống quýt tận hưởng âm vị của hạnh phúc và âm thầm lo sợ cái ngày mà tôi không mong đợi sẽ đến. Tôi biết, vợ tôi cũng lo lắng một điều chung như vậy nhưng không bao giờ cô nói. Cô luôn giữ mình ở trạng thái vui vẻ để vực tinh thần tôi lên. Cô nói vì tôi không ác nên trời sẽ không ác với tôi. Nhưng cô đã nhầm.
Lên bốn tuổi, con tôi bắt đầu có những triệu chứng của căn bệnh khủng khiếp đó: đau đầu, không thể ăn được gì vì con nôn liên tục…Vợ tôi không thể kiểm soát được cảm xúc của mình nữa. Cô khóc đến lả người, cô mất dần ý thức khi bác sĩ nói không thể chữa được cho con tôi, cả gia đình phải lo chuẩn bị tinh thần. Cô cứ luôn miệng cầu xin tôi cứu lấy con. Tôi không khóc vì không thể. Tay con tôi bé xíu dày đặc những vết tiêm. Số phận sao nghiệt ngã đến thế. Con không biết chuyện gì xảy ra với con. Lúc mới vào viện, khi đau, con còn biết khóc. Sau thì con cũng không còn cả sức để khóc rồi con cứ thế ra đi.
Chúng tôi mất đứa con đầu lòng. Tôi nói với vợ rằng sẽ không sinh con nữa, tôi đồng ý li hôn với cô để cô có thể tìm kiếm một hạnh phúc khác, trọn vẹn hơn nhưng cô không đồng ý. Cô nói cô sẽ không sinh con nữa. Cô có thể sống một cuộc đời mà không cần phải làm mẹ. Vợ chồng tôi cùng nhau vượt qua nỗi đau mất con. Tôi giao phần lớn việc kinh doanh cho trợ lý để có nhiều thời gian để chăm sóc vợ hơn. Chưa bao giờ, chúng tôi nghĩ đến chuyện xin một đứa con nuôi. Vợ tôi chưa bao giờ đề cập đến vấn đề ấy bởi cô vẫn chưa từ bỏ ước muốn có một đứa con với tôi.
Ba năm sau cái chết của đứa con đầu lòng, vợ tôi mang thai lần hai. Tôi đã vô cùng tức giận vì cô làm vậy. Tôi muốn cô phá cái thai nhưng cô ấy không chịu. Và như một kết quả được báo trước, con tôi mất khi cháu bước sang tuổi thứ hai. Cái chết thậm chí đến nhanh hơn cái chết của cháu thứ nhất. Lúc ấy, vợ tôi mới thôi không còn muốn có con nữa vì việc phải chứng kiến hai đứa con của mình ra đi khi chúng còn quá nhỏ đã khiến cô kiệt sức.
Chúng tôi cứ sống như vậy, lặng lẽ. Hai người nương vào nhau để sống, để tìm niềm vui. Nhưng tôi không muốn tước đi quyền làm mẹ của vợ tôi. Tôi cũng mong gia đình tôi có tiếng cười của trẻ thơ. Tôi muốn nhận một đứa con nuôi, một đứa trẻ mà ba mẹ con không thể nuôi được con. Đó sẽ là con của chúng tôi. Tôi sẽ được làm cha và vợ tôi sẽ được làm mẹ. Sẽ không có chuyện chúng tôi phải khóc để tiễn con của mình đi trước nữa. Nỗi đau đến đó là có thể dừng lại bởi nó đã quá sâu và quá nhiều rồi. Giờ thì tôi chỉ ước, mình có một đứa con.
Nam Kha

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ