Quần áo

Quần áo

13 thg 12, 2011

Môi đỏ: Biểu tượng của đam mê & quyền lực

Thứ vũ khí bí mật khiến đám đàn ông không thể cưỡng lại mong muốn liếc nhìn bạn giữa đám đông chỉ có thể là đôi môi màu đỏ mê hoặc. Có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao phụ nữ từ cổ chí kim, từ vị nữ hoàng quyền lực bậc nhất nước Anh cho đến những cô Geisha bé nhỏ duyên dáng ở nước Nhật đều tìm mọi cách giữ cho màu son đỏ trên môi không bao giờ phai nhạt? Dễ hiểu thôi, bởi đôi môi đỏ mọng đã, đang và sẽ mãi là một biểu tượng sắc đẹp toàn cầu.



Phụ nữ với đặc tính ưa sự phù phiếm đáng yêu của mình đã phát minh ra son môi từ hàng ngàn năm trước công nguyên. Dĩ nhiên vào thời ấy, bạn đừng mơ tìm thấy thỏi son với vỏ nhựa bóng bẩy có nắp vặn lên xuống như bây giờ. Loại “son” đầu tiên của tổ tiên chúng ta chỉ là thứ bột màu sắc rực rỡ, óng ả được mài ra từ những viên đá quí mà nữ giới chấm lên môi hay mắt để thu hút sự chú ý của người khác.

Người Ai Cập cổ, những bậc thầy trong lĩnh vực làm đẹp dĩ nhiên không để bị “qua mặt”. Phụ nữ Ai Cập từ rất sớm đã biết chế biến ra thứ màu nhuộm đôi môi có sắc đỏ ánh tím từ tảo biển, i-ốt và một số chất hóa học khác. Tuy rằng, hóa ra loại hợp chất này là nguyên nhân gây bệnh cho người dùng, nhưng như chúng ta đều biết, phái đẹp sẽ không bao giờ từ bỏ mong muốn làm cho mình … đẹp hơn, cho nên hàng loạt công thức khác đã ra đời.

Có lẽ đây chính là tiền đề cho các loại son môi phức tạp hơn phát triển sau này. Vị nữ hoàng quyền lực nhất Ai Cập, Cleopatra, nổi tiếng vì nhan sắc mê hoặc của mình, với đôi mắt sắc và cặp môi đỏ mọng nổi bật trên nước da nâu bóng. Bí mật của bà là một loại son khá… kinh dị làm từ kiến lửa và côn trùng nghiền nát.

Ở châu Âu hoa lệ thì mãi đến thế kỷ XVI, thời kì trị vì của nữ hoàng Elizabeth nước Anh, son môi mới được sử dụng rộng rãi như thứ “mốt” của giới quí tộc. Vốn luôn là người khởi xướng cho các trào lưu thời trang, nữ hoàng Elizabeth đã chọn cho mình một biểu tượng mà đến tận bây giờ người ta vẫn phải nhớ tới mỗi khi nhắc đến bà, ấy là đôi môi đỏ như máu trên làn da trắng sứ.

Thời ấy, người ta quan niệm, da nâu là màu da của nô lệ, nông dân và tầng lớp lao động nghèo, những người phải làm việc quần quật dưới ánh mặt trời. Còn đã là tiểu thư quí tộc, nhất thiết phải có làn da trắng tinh khiết, mong manh. Trên nền trắng ấy, đôi môi đỏ tươi như cánh hồng hé nở là một điểm nhấn đầy mê hoặc. Lúc bấy giờ, chỉ tầng lớp thượng lưu, quí tộc mới được sử dụng son môi, và không chỉ có phụ nữ mà cả đàn ông cũng tô son đỏ. Kỹ thuật chế tạo son môi đã tiên tiến hơn rất nhiều với thành phần từ sáp ong và các loại thực vật.

Tuy nhiên, đến thế kỷ XIX, dưới sự trị vì của nữ hoàng Victoria, vận mệnh của son môi lại thay đổi hoàn toàn khi nó bị cấm sử dụng trong giới quí tộc. Người ta cho rằng son môi là sản phẩm của quỷ dữ bởi nó dụ dỗ họ rơi vào đam mê và dục vọng. Cơ sự này xảy ra cũng chỉ có thể trách sức hấp dẫn lạ thường của màu đỏ trên đôi môi phụ nữ, khiến cánh đàn ông chẳng thể nào cưỡng lại.

Thời kì này, chỉ có hai loại người sử dụng son môi, đó là diễn viên và gái điếm. Sự việc còn đi xa đến mức, những người phụ nữ dám… trang điểm sẽ bị coi là thiếu đứng đắn và thậm chí nếu một cô gái trang điểm trước ngày cưới thì có thể bị nhà trai hủy hôn ngay lập tức.

Trái với tình hình ở Anh quốc, tại nước Nhật xa xôi, đôi môi màu đỏ mê hoặc từ lâu đã gắn liền với hình ảnh các cô nàng Geisha xinh đẹp. Xin hãy nhớ, trong văn hóa Nhật, Geisha không phải là gái điếm mà là một dạng nghệ sĩ và cơ thể của họ, khả năng ca múa, đàn hát của họ chính là tác phẩm nghệ thuật sống. Các cô gái làm Geisha được xã hội tôn trọng, đàn ông thèm khát còn phụ nữ thì ghen tỵ.

Và bởi vì công việc của họ là đem lại niềm vui cho người khác bằng những màn biểu diễn của mình cho nên vẻ ngoài là tuyệt đối quan trọng. Họ sẽ không thể là Geisha đúng nghĩa nếu không xuất hiện với gương mặt đánh phấn thật trắng và đôi môi tô son thật đỏ. Rõ ràng rằng, trong văn hóa nước nào thì màu đỏ cũng tượng trưng cho ngọn lửa đam mê bỏng cháy.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của điện ảnh, son môi trở lại với sức “càn quét” còn mãnh liệt hơn xưa. Nếu như trước đây, tầng lớp diễn viên bị coi thường như là những kẻ làm trò tiêu khiển cho giới quí tộc, thì nay làn sóng hâm mộ điện ảnh đã cuốn phăng những định kiến cũ. Khi điện ảnh được coi là bộ môn nghệ thuật thứ 7, các diễn viên cũng được hâm mộ cuồng nhiệt.

Phong cách ăn mặc, trang điểm của các nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng được các cô gái trẻ khắp nước Mỹ học theo. Hình ảnh cô đào huyền thoại Marilyn Monroe trong chiếc váy trắng tinh khôi, mái tóc xoăn vàng óng và đôi môi đỏ mời gọi khiến cánh mày râu phát cuồng và nữ giới trầm trồ ngưỡng mộ. Màu son đỏ không chỉ là trào lưu, nó gần như là quy ước về vẻ đẹp chuẩn mực và sự quyến rũ thời bấy giờ. Cùng với các phong trào đấu tranh bình đẳng nam nữ, việc phụ nữ tô son khi ra đường giống như một cách ngầm khẳng định về sức mạnh và sự kiêu hãnh. Son môi màu đỏ là biểu tượng của nữ quyền.

Màu đỏ hoang dại và kiêu hãnh

Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống con người được nâng cao thì nhu cầu làm đẹp của phụ nữ càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có hàng trăm nhãn hiệu son môi nổi tiếng trên thế giới để phái đẹp thỏa sức lựa chọn, từ kiểu dáng, mùi thơm, thành phần cho đến chất liệu. Về mặt màu sắc của son môi cũng vô cùng đa dạng, phong phú, dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu, sở thích cũng như lứa tuổi của người dùng.

Các thiếu nữ mới lớn e lệ mỉm cười với làn môi màu hồng phấn. Phụ nữ đứng tuổi thì quý phái trong sắc cam trầm. Cũng có những giai đoạn đôi môi màu bợt, gần như cùng tông với da mặt, kết hợp với cặp mắt trang điểm màu xám khói ấn tượng nổi lên như một cơn sốt thời trang chốn thành thị. Tuy nhiên, màu son đỏ chưa bao giờ đánh mất vị thế độc tôn của mình, luôn là chuẩn mực cho vẻ đẹp cổ điển đầy nữ tính.

Thật khó lí giải vì sao phái mạnh lại bị hấp dẫn đến thế bởi những cặp môi đỏ mọng. Phải chăng vì chỉ những người phụ nữ thật sự cá tính, quyến rũ và quyền lực mới đủ khả năng "thuần hóa" màu son hoang dại và thần bí đến mức khó cưỡng này. Nếu tự cảm thấy không đủ khả năng chịu “nhiệt” từ hàng chục cặp mắt say mê đổ dồn về phía mình thì tốt nhất đừng nên “liều mạng” quét màu đỏ lên môi.

Nói thế không có nghĩa là khuyên bạn cứ thận trọng tới mức không bao giờ dám thử thách bản thân với chút son môi màu đỏ. Chỉ cần khéo léo trong việc chọn cho mình một màu đỏ thực sự phù hợp là người phụ nữ sẽ lộng lẫy hơn rất nhiều.

Màu đỏ cherry thích hợp với nước da trắng bởi nó tôn lên nét kiêu hãnh kiểu quý tộc thời xưa. Còn những người có làn da nâu sẽ càng quyến rũ một cách hoang dại với màu đỏ cam ánh nhũ vàng. Một điều quan trọng nữa khi sử dụng thứ “tình dược” này, đó là luôn luôn ghi nhớ: “màu đỏ là nữ hoàng”. Có nghĩa là bạn đừng bao giờ cố gắng sử dụng thêm một màu sắc nào khác tông với nó mà lại quá rực rỡ bởi trên một chiếc ngai vàng chỉ có chỗ cho một nữ hoàng duy nhất mà thôi.

Hương Hương

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ