Quần áo

Quần áo

12 thg 12, 2011

Cần quan tâm cách xưng hô của trẻ

Một lần theo con vào tận lớp học để tiện trao đổi chuyện học hành với giáo viên chủ nhiệm, trong lúc đợi chờ, tôi nghe trẻ xưng hô với nhau thật loạn xạ, chợt giật mình về ngôn ngữ của trẻ bây giờ.


Các đại từ nhân xưng thường gặp như ông, bà, cha, mẹ, con cái được trẻ vận dụng một cách vô tư, như thể chuyện đó quá đỗi bình thường. Chẳng hạn như “trả đồ chơi lại cho con đi ba”,“thôi đi bố/mẹ”, “các ông, các bà nghe con nói đây”…
Từ lúc có mặt ở lớp học đến lúc ra về, tôi hình như không nghe tiếng xưng tôi-bạn như cách gọi truyền thống, một cách tôn trọng và lịch sự. Thậm chí, tôi muốn được nghe từ mày-tao để tự an ủi mình rằng, đó là cách gọi thân thiết giữa bạn bè cùng giới, nhưng tôi hoàn toàn không có cơ hội. Nghe các bé vô tư xưng hô với nhau mà… lạnh cả xương sống! Con gái tôi ở nhà rất lễ phép, ngoan ngoãn, bé xưng hô với các bạn lối xóm rất đúng mực. Với các anh chị lớn, bé xưng em, gọi anh/chị, đồng trang lứa thì gọi bạn xưng tôi, với các em nhỏ thì gọi bằng em.
Từ chỗ hoàn toàn yên tâm về con, hôm nay tôi thật sự thất vọng khi chính tai nghe con gái mình quay xuống bàn dưới nói với một bạn trai “cho tôi mượn cục gôm đi ông nội!”. Nói xong, con bé giật mình khi nhớ đến sự có mặt của mẹ. Có vẻ như muốn thanh minh rằng không xưng hô kiểu như thế là không hòa đồng, không sành điệu! Tôi ra về mà lòng ngập tràn lo âu về lối xưng gọi của trẻ.
Xưng hô cũng là cách thể hiện văn hóa giao tiếp. Vì thế, ngay từ nhỏ, trẻ phải được thầy cô, bố mẹ giúp xác định đúng mối quan hệ để trẻ có cách xưng hô phù hợp. Ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú, thầy cô cần giúp trẻ xác định rõ nghĩa của câu, từ; chúng được sử dụng trong những trường hợp nào là hợp lý và lịch sự, vừa có thể phát huy ý nghĩa của câu, từ một cách tối ưu nhất. Rõ ràng, trong trường hợp trên, các bé đã dùng lối xưng hô không phù hợp, dù chỉ là cách xưng hô cho… vui. Bạn bè là bạn bè, làm sao có thể chuyển đổi mối quan hệ, chuyển đổi tình cảm từ bạn sang ông/bà nội, sang cha/mẹ được, điều đó còn gây một sự hiểu lầm tai hại.

Thói quen xấu trong cách xưng hô của trẻ cần được uốn nắn kịp thời. Đừng nghĩ rằng lối xưng hô vô thức ấy sẽ được loại bỏ khi trẻ lớn dần. Đối với những trẻ quá “lậm”, phụ huynh và thầy cô cần có sự kiên trì để giúp trẻ hiểu xưng hô như thế là không nên. Còn với những trẻ mới bắt đầu tập tành sử dụng như con gái tôi, cũng thật nguy hiểm nếu như không được chặn đứng thói quen ấy. Khi các bé đối thoại với nhau bằng lối xưng hô bừa bãi quen miệng ở lớp, về nhà bé có thể áp dụng với bạn bè, người thân là điều khó tránh khỏi.

Buổi chiều đón con đi học về, tôi hỏi tại sao con lại có thể sử dụng cách xưng hô như thế với chúng bạn, con gái tôi thẹn thùng đáp “bạn bè ai cũng nói như thế cả, con thấy vui nên chỉ nói với các bạn ở trường thôi”. Bé nghĩ rằng, chỉ nói ở lớp, nói cho vui, chắc là không sao. Bé hoàn toàn chưa hiểu việc “gieo thói quen, gặt nhân cách”. Dạng ngôn ngữ “rác” ấy, sử dụng như một thói quen, sẽ gặm nhấm dần nhân cách trẻ.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ