Quần áo

Quần áo

15 thg 11, 2011

Nghệ thuật xin lỗi trong tình bạn

Không chỉ đơn giản là câu nói 'Tôi xin lỗi', đằng sau hành động ấy chứa đựng thái độ trân trọng đối với mối quan hệ này.

Bạn bè đóng vai trò quan trọng và vô cùng đáng quý trong cuộc đời mỗi con người. Bạn cùng ta chia sẻ những phút giây hạnh phúc và cả nỗi buồn. Phần lớn thời gian chúng ta có mặt ở công ty và có hàng triệu phút giây kỷ niệm với các đồng nghiệp. Chúng ta khóc, cười và thậm chí là chiến đấu với họ để đạt được mục đích của mình. Đôi khi, vì cái tôi quá lớn, ta vô tình làm tổn thương những người bạn. Khi đó, việc cần làm nhất chính là nói lời xin lỗi để được tha thứ và tiếp tục giữ mối quan hệ bạn bè bền chặt.

1. Giá trị của lời xin lỗi

Theo các nhà tâm lý, tình bạn cũng như các mối quan hệ xã hội khác, hành động xin lỗi được xem như chìa khóa mở cánh cửa thời gian, quay trở lại thời điểm chưa gây ra lỗi lầm. Tuy vậy, với mỗi cá nhân lại có một cách nhìn nhận khác về xin lỗi. Có người cho rằng làm như vậy, niềm tự hào và tự tôn về bản thân đã bị giảm sút. Đó chính là lý do khiến mọi người thấy khó khăn và e ngại khi nói xin lỗi.

Tuy nhiên, nói xin lỗi về cơ bản là một nỗ lực để làm cho tình bạn không bị rạn nứt. Hành động này không liên quan gì đến vị trí của bạn trong mắt người khác. Thậm chí, một số trường hợp, nó còn khiến bạn được đánh giá cao hơn bởi sự thẳng thắn và trung thực thừa nhận sai lầm.


2. Nói xin lỗi với một người bạn

Khi bạn làm tổn thương một người bạn, nhiệm vụ đặt ra là giải quyết ngay rắc rối này. Dù nó chỉ là sự hiểu lầm nhỏ, bạn cũng nên bước về phía trước và nói xin lỗi. Chịu trách nhiệm là yếu tố bản chất tạo nên tình cảm trong một mối quan hệ. Một người có cái tôi lớn và niềm tự hào về bản thân nhiều sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để thực hiện nhiệm vụ. Để lời xin lỗi đạt hiệu quả cao nhất, những gì bạn nên làm là nhìn vào mắt người ấy và nói rõ ràng: "Tôi xin lỗi". Tiếp theo sau đó là một cái ôm hoặc một cái bắt tay thật chặt.

Còn trong trường hợp bạn đã gây ra lỗi lầm lớn đến mức cả hai không thể nói chuyện thì tốt nhất đừng lãng phí thời gian tìm cách giao tiếp trực tiếp với họ. Thay vào đó, hãy viết một lá thư. Lưu ý bức thư này không nên bộc lộ quá nhiều cảm xúc bởi nó sẽ làm cho không khí giữa hai bạn thêm căng thẳng. Nên thừa nhận sai phạm một cách ngắn gọn và hứa không để tình trạng này lặp lại.
Kèm theo bức thư là một món quà nho nhỏ hoặc một lời mời xem phim, ăn tối, dạo phố... sẽ gia tăng thành công cho lời xin lỗi nếu sai phạm của bạn thực sự nghiêm trọng.

3. Những điều cần ghi nhớ

- Sau khi gửi đi lời xin lỗi chân thành, hãy dành thời gian để bạn nguôi giận, thông cảm và cuối cùng là tha lỗi cho bạn. Đừng manh động hay hối thúc bởi khoảng thời gian này dài ngắn khác nhau ở mỗi người. Có người dễ dàng tha thứ nhưng có người mất nhiều thời gian hơn mới có thể chấp nhận mọi chuyện. Vì thế, hãy kiên nhẫn bởi bạn đã nỗ lực hết sức rồi.

- Hứa với người bạn ấy rằng sẽ không bao giờ làm tổn thương họ lần nữa. Bạn cần cho họ thấy bạn là người biết rút kinh nghiệm và đầy thiện chí.

- Một khi đã chấp nhận là người đi xin lỗi thì đừng cố "vạch lá tìm sâu", đổ lỗi cho bạn. Hãy hiểu cảm xúc và suy nghĩ của người ấy. Nếu cố tìm cách buộc tội bạn mình, bạn cũng sẽ không nhận được kết quả gì. Tình hình càng tồi tệ hơn.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ