Giảng viên sư phạm mầm non nổi giận trước clip mẹ dạy con bỏ chồng
"Tôi đã xem đoạn clip và không có bình luận gì. Đây là một trò nhảm nhí của một người mẹ KHÔNG BÌNH THƯỜNG nên tôi không mất thời gian vào chuyện đó. Chỉ tiếc là trình độ mạng của mình chưa thể ngăn cấm (chặn) những thông tin rác rưởi như vậy". - PGS.TS Lã Thị Bắc Lý, Trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐHSP HN.
Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc với clip một bé gái chỉ chừng 4-5 tuổi cầm điện thoại thực hiện hai cuộc điện thoại tưởng tượng cho hai người cô bé gọi là "chồng một" và "chồng hai". Video này của cô bé được mẹ khuyến khích, và được nhiều người cho là chính mẹ dạy cô bé thực hiện đoạn hội thoại này.
PGS. TS Lã Thị Bắc Lý, Trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐHSP HN cho biết: "Là nhà giáo, cô cảm thấy rất hổ thẹn khi nghe những lời nói thiếu văn hóa được thốt ra từ miệng của một bé gái xinh xắn chừng 4-5 tuổi, mà có lẽ đây không phải là lần đầu tiên. Cháu nói như một cái máy, một con vẹt chỉ biết "nhai lại" mà chắc chắn chưa thể hiểu hết được nội dung của nó.
Việc lặp đi lặp lại những chuyện như thế, hoặc tương tự như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính cách, kỹ năng sống trong quá trình phát triển của trẻ. Và, với chiều hướng dạy con như thế này, người mẹ KHÔNG BÌNH THƯỜNG kia sẽ thành công khi biến một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng thành một kẻ lừa lọc, chỉ biết chạy theo những nhu cầu vật chất tầm thường".
Cùng quan điểm này, TS Hoàng Thị Oanh, Trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐSP TƯ bày tỏ: "Tôi rất bực mình và không ủng hộ cũng như rất bức xúc như tất cả các bậc phụ huynh. Ban đầu tôi tưởng rằng đấy là trò chơi đóng vai của con trẻ, bởi lứa tuổi này trẻ nói chuyện với nhau đến mức có thể đóng vai. Nhưng sau khi nghe đến phần sau thì mới hiểu được là bà mẹ đứng ở đằng sau để nói. Thì bà mẹ đấy không chấp nhận được, không thể dạy con như thế được.
Thực ra nếu trẻ con nhìn thấy ở bên ngoài thì đấy là trò chơi của trẻ và bằng những kinh nghiệm có được quan sát từ bên ngoài nó phản ánh vào trò chơi của nó, với đứa trẻ thì đó là bình thường. Nhưng đây đứng về phía người mẹ thì người mẹ bao giờ cũng dạy cho con những điều hay lẽ phải. Còn như thế này thì tôi nghĩ có khi người mẹ có một động cơ gì đấy để thông qua đứa trẻ nói lên điều này.
Có thể sự hiểu biết của người mẹ không được nhiều lắm về giáo dục con cái và kiến thức xã hội trong cuộc sống, cứ thấy hay hay thì đưa lên. Hai là người mẹ có một điều gì đấy trục trặc với gia đình, muốn thông qua đứa trẻ để nói một điều gì đấy với người chồng của mình. Nhưng mà dù thế nào đi chăng nữa với người mẹ luôn phải ý thức được rằng đấy là con của mình và làm như thế với con là không được ngay cả khi chơi đùa.
Điều này sẽ không ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách của trẻ sau này nếu như chỉ một lần. Nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó ảnh hưởng vô cùng lớn đến đứa trẻ. Nó sẽ thành một thói quen. Cho đến bây giờ thì đứa trẻ nó chưa ý thức được điều đấy. Nhưng cho đến khi nó thành thói quen và nó nghĩ rằng cái điều ấy ban đầu là hay hay, nó không nghĩ điều đó là điều xấu và khi đã thành một thói quen thì nó sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ, sẽ không bình thường. Nếu người lớn không có một thái độ tích cực, nó sẽ cho rằng điều đó có thể làm được thì rất nguy hiểm.
Cô bé nói rất trôi chảy và cô bé này rất có khả năng, ngôn ngữ rất mạch lạc. Cái đấy chỉ là một phần. Nhưng để mà nói được như thế rồi thì chứng tỏ đây không phải là lần đầu tiên. Người ta nghĩ đây là một trò đùa vô thức của người lớn nhưng tôi lại không cho rằng như thế. Như ban đầu tôi nói, ở đây có thể có hai động cơ: có thể thấy vui thì làm như thế nhưng cũng có thể có một cái gì đấy với chồng và qua bé muốn nhắn nhủ với chồng mình.
Bạn nên biết rằng, đứa trẻ là tấm gương phản chiếu của người lớn đặc biệt là với bố mẹ của nó, thường tất cả những hành vi của bố mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ mặc dù có thể nó ảnh hưởng ngay trước mắt hay cũng có khi không trực tiếp với những hành động, hành vi, lời nói của bố mẹ nhưng nó vẫn ảnh hưởng, nó như một tấm gương phản chiếu, cái tốt nó cũng phản chiếu mà cái xấu nó cũng phản chiếu. Cho nên tất cả hành vi của người bố, người mẹ đều phải gương mẫu, dù trước mặt hay sau lưng nó đi chăng nữa. Bố mẹ là tấm gương sáng cho đứa con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu mà dạy trẻ với cách như thế này thì vô cùng nguy hiểm. Có thể đứa trẻ không ý thức được điều đấy nhưng lời khuyên chân thành của các nhà giáo dục là không cần dạy dỗ nó nhiều hãy là tấm gương để cho con noi theo".
Cùng có tâm trạng bất bình và tức giận với người mẹ này, nhiều độc giả đã bày tỏ thẳng thắn trên báo chí. Độc giả có tên Trần Huyền nói rằng: "Gia đình là một tế bào của xã hội, là nôi của sự sống tức có sự chào đời của con người, dạy con từ của còn thơ tức là từ trong thai ra, những suy nghĩ, cử chỉ, hành động của Bé tốt, xấu, ngoan ngoãn, thường do bậc Cha, Mẹ dạy dỗ đặc biệt là thiên chức của người Mẹ. Nếu dạy Bé như vậy thì thiết nghĩ - Vui vì Bé ngày nay thật thông minh, nhanh dạy, dễ học hỏi,.. - Buồn vì cái điều mà người Mẹ dạy cho Bé quả thật không hay tốt nào, đôi khi nó lại ảnh hưởng trong cách sinh hoạt của Bé (như lên lớp thì quát tháo bạn bè, gặp Bố thì nói chuyện ra lệnh như Mẹ vậy, còn lớn lên cứ đà này thì ...một câu hỏi lớn cho tính cách tương lai của Bé).
Tức giận và bức xúc, bạn Thu Huyền nói: "Không thể tưởng tượng có một bà mẹ dạy con như thế này! Bạn thật là vô trách nhiệm. Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn làm gì nó sẽ làm theo chứ chưa nói là dạy nó. Đừng tự hào rằng như vậy là con bạn thông minh, có năng khiếu, đứa trẻ nào cũng sẽ làm được như vậy thôi, quan trọng là cách bạn dạy con.
Bạn đừng ngạc nhiên khi một ngày chồng bạn làm một việc gì đó không phải, con bạn sẽ nói trước mặt bố nó rằng "Bố chán như vậy thì mẹ bỏ quách đi mà lấy chồng khác, việc gì phải chịu như vậy". Bạn dạy con như thế thì còn tệ hại hơn là chửi bậy trước mặt con rồi lại nói tao có dạy mày chửi bậy bao giờ đâu mà mày dám chửi bậy như vậy. Vợ chồng tôi có tranh luận, chứ chưa nói là cãi nhau, cũng phải tránh mặt con. Đừng đổ lỗi hết cho nền giáo dục, bạn hãy xem lại cách chính bạn đang dạy con bạn".
"Tôi tin là bà mẹ này có vấn đề với chồng mình, hoặc đang mắc bệnh ấu trĩ với chồng mình, chả có người mẹ nào lại dạy dỗ con mình với những lời trên, làm như thế có phải ảnh hưởng đến người thân trong gia đình không, người tự ái nhất chắc sẽ là bà mẹ chồng, sau đó đến chồng, tiếp nữa là những người thân". - gia_nhuê.
Khải Nguyên (Thực hiện)
Nhãn: Đời sống
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ