Quần áo

Quần áo

22 thg 11, 2011

Cô gái bán hàng rong ở bến xe thành Giám đốc sở


Nhà nghèo, đông con, trước khi biết cắp sách đến trường, cô gái ấy đã phải đội thúng bánh dừa đi bán ở bến xe. Để có tiền đi học, cô gái đã một buổi đi học, một buổi bán bánh dạo ở bến xe suốt những năm tiểu học, trung học cơ sở... Cô đã vượt qua tất cả những khó khăn để vào được đại học. Thế nhưng, khi tốt nghiệp đại học về, không nơi nào chịu nhận cô vào làm việc


Cuộc đời có những lúc diễn biến bất ngờ, chính sự “thất nghiệp” của cô kỹ sư thủy sản mới ra trường đã đưa cô gái đến với cây dừa, để rồi cô đã cùng cây dừa Bến Tre bay cao, bay xa. Cô trở thành chuyên gia về dừa nổi tiếng trên thế giới, là nhà khoa học về dừa hàng đầu ở Việt Nam. Cô vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre.
Sự bất ngờ của các chuyên gia nước ngoài
Tại Lễ hội Dừa lần đầu tiên vừa được tổ chức ở Bến Tre từ 13 đến 19/1/2009, nhiều kỷ lục về dừa đã được giới thiệu: bàn gỗ dừa lớn nhất, tranh, đèn dừa lớn nhất, đũa dừa dài nhất, chén dừa lớn nhất VN... Ban tổ chức còn giới thiệu một kỷ lục khác: nơi cho ra đời nhiều giống dừa nhất Việt Nam. Đó là Trung tâm Dừa Đồng Gò ở huyện Giồng Trôm - Bến Tre. Tác giả của kỷ lục này là 1 người con gái của Bến Tre tên Nguyễn Thị Lệ Thủy. Từ đôi bàn tay mềm mại của cô, những giống dừa có ưu điểm vượt trội đã lần lượt ra đời, góp phần làm cho kinh tế dừa Bến Tre phát triển như ngày nay.
Về Bến Tre dự Lễ hội Dừa lần ấy, tôi chú ý đến một cuộc hội thảo về dừa được tổ chức ở khách sạn Hùng Vương. Chú ý bởi lẽ, trong số những khách tham dự có khá nhiều nhà kinh tế, khoa học đến từ nhiều nước trên khắp thế giới. Tôi càng quan tâm hơn, khi đọc thấy trong chương trình hội thảo người chủ trì cuộc hội thảo lại là 1 người con gái của Bến Tre - Thạc sỹ Nguyễn Thị Lệ Thủy.
Đến khi hội thảo diễn ra, tôi càng bất ngờ về khả năng sử dụng tiếng Anh của cô. Còn các vị khách ngoại quốc thì bị cuốn hút vào những kiến thức về dừa của cô gái mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Thế nhưng, tôi và các chuyên gia nước ngoài trong ngày hội thảo hôm đó không phải là những người bị bất ngờ thú vị nhiều nhất về cô gái. Sau đó ít lâu, một nhóm chuyên gia về dừa đến từ “cường quốc” dừa Mexico mới là những người ngạc nhiên, thú vị hơn cả.
Vào giữa tháng 2/2009, có một đoàn công tác của Hạ viện Mexico đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Mexico là một “cường quốc” về dừa, có nền kinh tế dừa khá phát triển, nên sau khi làm việc với các bộ, ngành trung ương, đoàn công tác đã đến thăm tỉnh Bến Tre để nghiên cứu về kinh tế dừa. Ông Nguyễn Thái Xây - lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đã tiếp và làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc ấy, các chuyên gia Mexico đã có sự bất ngờ rất thú vị. Trong thành phần đoàn làm việc của phía chủ nhà có 1 cô gái được giới thiệu là Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh, cô cũng là người phiên dịch cho cuộc nói chuyện giữa Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác. Đến phần trao đổi về nghề trồng dừa, kinh tế dừa..., bằng tiếng Anh thông thạo, cô gái đã giới thiệu về kinh tế dừa Bến Tre bằng những kiến thức chuyên sâu và đầy tính thực tiễn, mà với hiểu biết nghề nghiệp, các chuyên gia khách phải nhìn nhận cô gái là “bậc thầy” về dừa.
Một chuyên gia của đoàn khách ngờ ngợ nhận ra cô gái đó là người quen, chính xác hơn là cô đã từng giảng dạy cho anh ta về môn di truyền dừa ở Mexico cách đó gần 10 năm. Anh ta nhớ không sai, chính Thạc sỹ Nguyễn Thị Lệ Thủy đã từng giảng dạy ở trường Đại học Colima – Mexico. Trong hàng trăm sinh viên là học trò của cô, sau này, có những người trở thành chuyên gia hàng đầu về di truyền dừa ở Mexico, và họ đã có mặt trong chuyến công tác ở Việt Nam. Sau hàng chục năm, cô giáo và các học trò gặp lại nhau ở chính quê hương của cô giáo. Họ chuyện trò, trao đổi thật sôi nổi về chuyện trồng dừa, lai tạo dừa, phát triển kinh tế dừa ở Bến Tre và ở đất nước Mexicô.
Cô bé bán hàng rong ở bến xe
Để trở thành một chuyên gia về dừa hàng đầu của Viêt Nam, Nguyễn Thị Lệ Thủy đã đi qua một chặng đường dài đầy chông gai nhưng cũng đầy bất ngờ, thú vị mà chỉ có bàn tay của số phận mới có thể sắp đặt được hoàn hảo như thế. Cô chào đời vào đêm mùng một Tết Mậu Thân 1968, đêm mở màn cho năm chiến tranh khốc liệt, cũng là năm rừng dừa ở Bến Tre bị hủy diệt tàn khốc nhất, còn gia đình Thủy thì trở nên trắng tay vì khói lửa chiến tranh, nhà cháy, tài sản tiêu tan.
Nhà nghèo, đông con (9 anh chị em), Thủy đã biết kiếm sống trước khi biết chữ. Lên 5 tuổi, cô gái đi gói kẹo dừa, bán bánh dừa ở bến xe thị xã Bến Tre. Những năm học tiểu học, cô bé đến trường phải mang theo giỏ bánh để bán trong giờ ra chơi, nhờ vậy mà có tiền đến lớp, không phải nghỉ học như những đứa trẻ đồng cảnh ngộ. Suốt những năm trung học, Thủy ngày đi học, tối gói kẹo dừa phụ mẹ, có khi đến 1 – 2h sáng.
Cuộc đời đã khẽ mỉm cười với cô gái, khi kỳ thi vào đại học năm 1986, cô thấy tên mình trong danh sách những học sinh đậu vào khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ. Cô chọn khoa Thủy sản vì quê hương Bến Tre của cô có thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt và chế biến tôm, cá, nghêu... Vào đại học, cô sinh viên nghèo vừa học vừa làm thêm nghề may, thêu, thắt giỏ… để có tiền trang trải học tập, không để trở thành gánh nặng cho gia đình đang còn phải nuôi nhiều đứa em của cô đang còn đi học.
Thủy chọn ngành thủy sản cho phù hợp với lợi thế vùng sông nước cù lao quê mình. Thế nhưng, khi tốt nghiệp ra trường trở về quê hương, Thủy lại không xin được việc ở Sở Thủy sản Bến Tre, có lẽ vì lúc ấy cô gái quá ốm yếu, bị người ta chê. Trong lúc thất nghiệp, chưa biết phải rời khỏi quê hương để tìm việc làm hay tiếp tục chờ, tình cờ có người bạn công tác ở Trung tâm Dừa Đồng Gò (đặt tại huyện Giồng Trôm, thuộc Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu - Bộ Công nghiệp) rủ đến đó chơi.
Khi đến Trung tâm Dừa Đồng Gò, cũng rất tình cờ, Lệ Thủy nghe nói ở đó đang cần kỹ sư thủy sản để nuôi cá dưới mương dừa. Ngẫm nghĩ học 4 – 5 năm tốt nghiệp kỹ sư thủy sản mà đi nuôi cá dưới mấy cái mương dừa, Thủy thấy ngậm ngùi, nhưng đang lúc thất nghiệp, cô đã nộp đơn và được người ta nhận ngay vào làm việc.
Những đàn cá dưới mương dừa được cô thủy sư thủy sản chăm sóc đúng bài bản đã khỏe mạnh, lớn nhanh. Thế nhưng, khu vực xung quanh Trung tâm lúc đó rất phức tạp, cá nuôi không bao giờ thu hoạch được, vì chưa lớn đã bị trộm sạch. Việc nuôi cá không thành, Trung tâm chuyển Thủy qua làm hành chính, kế toán, thủ quỹ, tạp vụ, trợ giúp các kỹ sư trong các dự án về dừa… Nói chung, tất cả những công việc gì trong Trung tâm thiếu người làm là Thủy phải lao vào làm thế.
Cô cũng nghĩ tới việc đi nơi nào đó để tiếp tục sống và làm việc với nghề kỹ sư thủy sản của mình, nhưng nghĩ thân gái không thể đi xa gia đình, nên cô quyết định ở lại Đồng Gò dù phải làm trái nghề được đào tạo. Bất ngờ, có một chuyện xảy đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô. Bây giờ nghĩ lại, Thủy thầm “cảm ơn” những kẻ trộm đã làm cô thất nghiệp nghề nuôi cá, phải chuyển qua trồng dừa, nhờ đó mà cuộc đời cô đã rẽ sang hướng tốt đẹp hơn rất nhiều. Được phân công làm chân “sai vặt” (vì không đúng chuyên môn) cho các kỹ sư trồng trọt trong các dự án trồng dừa, Thủy vừa học trên thực tế qua các chuyên gia thực hiện dự án, vừa nghiên cứu qua sách vở những kiến thức về dừa.
Cô gái cứ bền bỉ làm việc và học tập. Tối nào, Thủy cũng đi xe đạp 8 cây số đường đá lởm chởm từ huyện Giồng Trôm lên thị xã Bến Tre để học tiếng Anh. Năm 1994, Mạng lưới Tài nguyên Di truyền Dừa Thế giới (COGENT) triển khai dự án nhân giống dừa tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Thủy có thêm điều kiện học hỏi các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Một điều khó khăn của Trung tâm nhưng lại là cơ hội cho Thủy: cả cơ quan không ai giao dịch được tiếng Anh với chuyên gia nước ngoài, ngoài Thủy. Vì vậy, tất cả các chuyên gia đến thực hiện dự án đều làm việc qua Thủy, nhờ vậy mà cô gái càng có điều kiện tiếp cận với “thế giới dừa”.

Nhờ thất nghiệp mà nên danh- Khi dự án của COGENT đang triển khai, một lần Tiến sĩ Pons Batugal - chuyên gia hàng đầu của COGENT - đến Bến Tre kiểm tra dự án nhân giống dừa do COGENT tài trợ cho Bến Tre và ngành dừa Việt Nam. Như bao chuyên gia nước ngoài khác, tiến sĩ Pons Batugal cũng được Thủy phiên dịch.

Thấy Thủy chăm chỉ, chịu khó, có hiểu biết về dừa, lại giỏi tiếng Anh, ông đã đề xuất với phía Việt Nam cho Thủy suất học bổng Thạc sĩ chuyên về dừa cùng với 9 sinh viên ở 9 nước khác đang chuẩn bị khai giảng ở Philippines. Ông cũng không thể ngờ rằng Thủy không phải là kỹ sư ngành trồng trọt.

Học bổng do Viện Tài nguyên Di truyền thực vật Quốc tế (IPGRI, đặt tại Thụy Sĩ) cấp. Đó là cuộc “vượt vũ môn” cam go đối với Thủy bởi ngành học này không dính dáng gì đến chuyên môn của cô thời đại học. Nhưng chính từ trong thử thách khắc nghiệt đó, Thủy đã bộc lộ tài năng của mình. Để được nhận vào học, Thủy phải vượt qua được cuộc sát hạch đầu vào về chuyên môn và về tiếng Anh. Tiếng Anh thì cô không ngại, nhưng chuyên môn vừa dừa thì cô chỉ học lỏm trên thực tế, chứ những kiến thức sách vở thì còn rất mỏng. Thế mà, chỉ trong thời gian ngắn, bằng cách học ngày học đêm, Thủy đã vượt qua “cánh cửa hẹp” của cuộc sát hạch do chính các chuyên gia nước ngoài thẩm định để đi học thạc sĩ về dừa.
Dưới mái trường Đại học Los Banos (Philippines), cô gái xứ dừa đã phải “học như điên” để theo kịp chương trình, cô học đến ngã bệnh phải đi cấp cứu. Những kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết…9 sinh viên khác trong lớp đều về nước thăm gia đình hoặc đi chơi đó đây với người yêu, chỉ riêng Thủy là không ngó ngàng gì đến chuyện nghỉ dưỡng hay ăn chơi, mà miệt mài với những kiến thức vừa quen vừa lạ về cây dừa. Sau một năm rưỡi đến Philippines, Thủy mới lần đầu tiên về nước thăm gia đình, kết hợp đi thực tế môn học ở tại quê nhà.
Chưa hết năm học thứ 2, Thủy đã được các chuyên gia về dừa trên thế giới biết đến với các công trình nghiên cứu được giới thiệu trên nhiều tạp chí chuyên ngành (có bài viết của cô được trả nhuận bút đến 2.000 USD). Tốt nghiệp chương trình đào tạo ở Đại học Los Banos, Thủy trở thành chuyên gia của COGENT, được cử đi giảng bài ở nhiều nước.
Trường Đại học Colima của Mexico mời cô đến giúp thực hiện dự án lớn: tìm giải pháp cải thiện ngành công nghiệp dừa nước này. Lúc đó, “cường quốc dừa” Mexico sau nhiều năm khai thác cạn kiệt, ngành công nghiệp dừa đang gặp khó khăn, trở nên “xơ cứng”, cần có sự cải thiện đáng kể để phát triển. Thủy đã hoàn thành sứ mệnh được COGENT giao phó khi đến Mexico, giúp ngành công nghiệp dừa nước này phục hồi, phát triển.
Cô gái xứ dừa với danh nghĩa chuyên gia của COGENT đã đi khắp thế giới, những nơi nào có dừa là có bước chân của cô đặt đến. Một lần, Lệ Thủy đến quần đảo nằm ngoài Thái Bình Dương để hướng dẫn các thổ dân thay đổi cách trồng dừa cho có hiệu quả. Người dân nơi đây có phong tục khi vào lễ hội phụ nữ trang điểm thật đẹp nhưng để ngực trần. Ngày Thủy kết thúc chuyến công tác, họ làm lễ tiễn cô giáo rất linh đình, các thiếu nữ xinh đẹp trên đảo đều để ngực trần, và họ cũng đề nghị cô giáo Lệ Thủy... làm như họ.
Đó là lần duy nhất Thủy làm phật lòng người dân nước sở tại (vì không thể “nhập gia tùy tục” theo phong tục của họ) trong suốt những năm cô đi khắp đó đây để hướng dẫn người dân nhiều nước trồng dừa. Càng đi, xa cô gái càng nhớ về “xứ dừa”. Mỗi khi có dịp là cô giới thiệu quê hương mình với bạn bè bằng bộ áo dài truyền thống và bài hát “Dáng đứng Bến Tre”: “Mỗi lúc đi xa, dừa ơi ta nhớ lắm nghe! Vườn trái, trái sum suê…”.
Giúp cây dừa Bến Tre “cao” hơn
Trở thành Thạc sĩ về dừa đầu tiên ở Việt Nam, trở về nước, Thủy được phân công làm Giám đốc Trung tâm Dừa Đồng Gò. Cô nhận thấy: ngoài kẹo dừa Việt Nam rất độc đáo mà các nước khác không có hoặc không sánh bằng, các lĩnh vực còn lại về dừa (giống, năng suất, chất lượng, sản phẩm, thị trường…) của nước ta nói chung và Bến Tre nói riêng đều thua kém nhiều nước khác.
Thạc sĩ Thủy bắt đầu nghiên cứu tìm những tố chất vượt trội ở các giống dừa địa phương để lai tạo nên những giống dừa gốc Việt Nam cho năng suất, chất lượng cao. Những giống dừa trong dân có triển vọng như xiêm xanh, xiêm lục, xiêm ruột hồng...được quy tụ về Trung tâm Dừa Đồng Gò để lai tạo, cho ra giống mới năng suất cao, trái sớm hơn. Mỗi giống dừa có ưu điểm riêng, Thủy cho lai tạo để cho ra giống dừa mang cả 2 ưu điểm của bố mẹ.
Chẳng hạn: dừa cao cho trái to nhưng ít trái. Dừa lùn, cho trái nhiều nhưng trái nhỏ. Qua bàn tay của “bà mụ dừa”, 2 dòng gen này lai tạo nhau, cho ra giống dừa lùn năng suất cao, trái to. Nổi tiếng nhất là giống dừa Đồng Gò 1: kết quả lai tạo giữa giống dừa ta (trái to) với dừa ẻo (trái sai) và Đồng Gò 2: lai tạo giữa dừa Bến Tre với dừa Tam Quan ở miền Trung.

Cả 2 giống dừa lai này chưa tới 3 năm tuổi đã cho trái rất to với năng suất từ 130 - 200 trái/cây/năm. Thủy tiến tới lai tạo các giống dừa xiêm địa phương với dừa dứa. Các giống dừa xiêm có ưu điểm là trái sai, nước ngọt, nhưng không có hương thơm lá dứa. Còn dừa dứa thì nước rất thơm nhưng trái lại quá nhỏ. Vậy là 1 cuộc “hôn phối” giữa dừa xiêm với dừa dứa để cho ra giống dừa có năng suất cao, nước ngọt, hương thơm đậm đà.
Tiếp đến, Thủy lai tạo thành công giống dừa sáp lai dứa với đề tài “Gia tăng tỷ lệ trái sáp” cho giống dừa Cầu Kè (Trà Vinh) bằng cách thụ phấn trợ lực. Rồi giống dừa cho nước ngọt hơn; dừa chỉ 18 tháng là ra bông... lần lượt ra đời dưới bàn tay mềm mại của cô gái xứ dừa.
Qua giới thiệu của COGENT, nhiều nước nổi tiếng về dừa như Philippines, Indonesia, Mexico… đã mời cô đến giảng bài về di truyền học cây dừa cho sinh viên của họ. Những chuyến đi dạy khắp thế giới cũng là những chuyến đi học của Thủy. Lăn lộn ở những “vương quốc dừa” như Philippines (3,2 triệu ha dừa), Indonesia (3,8 triệu ha), Thủy thấy người trồng dừa ở đó tiếp cận rất tốt với khoa học kỹ thuật. Trở về nước, Thạc sĩ Thủy dành nhiều thời gian soạn tài liệu kỹ thuật thật dễ hiểu, gần gũi với người nông dân để tập huấn cho họ.
Cô quan niệm, đối với nông dân nên hạn chế nói chữ, nói khái niệm, mà cần nhiều hình ảnh, kết quả và hướng dẫn họ làm theo. Cô cho phóng to tấm hình cây dừa thấp hơn đứa bé 5 tuổi mà sai oằn trái treo ở tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, chỉ một hình ảnh đó đã đủ mê hoặc nhiều nông dân, thay cho mọi lời tuyên truyền, giải thích. Ông Năm Chỉnh ở Châu Thành là 1 trong những người sớm bị “Thạc sĩ dừa” thuyết phục mua hơn 100 cây giống dừa xiêm lục về trồng ngay đợt đầu. Nhờ vậy mà ông Chỉnh trở nên giàu có nhờ bán giống từ những cây dừa giống xiêm lục thế hệ F1 đó.
Khoảng 10 năm trở lại đây, trên thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những vật phẩm từ dừa, ban đầu là đũa dừa, kẹp tóc từ gáo dừa…rồi đến vòng đeo cổ, nhẫn, túi xách… Nay là những vật phẩm độc đáo hơn như bình rượu, rồi rượu từ dừa, trang phục từ dừa… Ít có người biết rằng hầu hết những sản phẩm ấy do chính Thạc sĩ Thủy “copy” từ khắp thế giới đem về Việt Nam và sáng tạo thêm.
Cô cũng là người tham gia nhóm nghiên cứu sản xuất thạch dừa ở Việt Nam, để món ăn độc đáo từ nước dừa này ngày nay luôn có mặt từ những quán nước bình dân cho tới những siêu thị sang trọng. Thủy nhận ra rằng giá trị của dừa ngày càng được nâng cao trên thế giới, những nước giàu có nhưng không có dừa đã bắt đầu nhập khẩu dừa để phục vụ cho giới giàu có.
Xu hướng hiện nay ở các nước giàu là uống nước dừa tươi còn nguyên trái, chứ không chỉ tiêu thụ thạch dừa, các sản phẩm từ dừa như trước. Trong khi đó, dừa tươi không bảo quản được lâu để có thể vận chuyển đi xa. Đây là thách thức cho những nhà “dừa học”, cũng là đề án nghiên cứu của Thủy nhằm cho ra đời loại dừa “gáo dày, độ ngọt cao” có thể vận chuyển đi xa. Thủy nói rất tự tin: “Người Hồng Kông, người châu Âu, người Mỹ… rồi sẽ có cơ hội uống nước dừa tươi của Bến Tre”.
Còn một ước mơ ngày càng lớn dần trong cô, đó là làm du lịch sinh thái dừa: du khách được sống trong môi trường văn hóa dừa thuần khiết trên các cù lao trồng đầy dừa như cồn Phụng trên sông Tiền hoặc trong những vườn dừa bạt ngàn ở Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành,... Tại Festival Dừa Bến Tre lần đầu tiên năm 2009, Thạc sĩ Thủy đã chủ trì cuộc hội thảo về đề tài này và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài nước, các nhà vườn ở Bến Tre.
Sau những thành công của Thủy đóng góp cho ngành dừa Bến Tre, “cô gái dừa” đã được Tỉnh ủy Bến Tre bố trí làm Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh vào năm 2008 với mong muốn ở vị trí này, Thủy sẽ cùng với cây dừa Bến Tre có điều kiện vươn cao hơn, xa hơn, như lời của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre lúc đó - ông Huỳnh Văn Be: “Cán bộ nữ còn trẻ, có trình độ, trưởng thành trong công việc như Thạc sĩ Thủy là rất quý hiếm đối với tỉnh. Lãnh đạo tỉnh sẽ tạo điều kiện để cô nghiên cứu sâu hơn về dừa, giúp cho kinh tế dừa ở Bến Tre phát triển”.
“Tam hỷ” cho “cô gái dừa”
Thời con gái trẻ trung, Lệ Thủy suốt ngày vùi đầu vào sách vở, rảnh chút thời gian là cô phải đi làm thêm để có tiền trang trải việc học, từ bậc phổ thông cho tới những năm đại học. Cô gái không có thời gian và cũng không có điều kiện để làm đẹp như bao người con gái khác. Cô cũng không có thời gian để đón nhận ra những ánh mắt tỏ tình, những lời tán tỉnh ý nhị nào đó mà cô chắc chắn từng tiếp xúc trên con đường học tập, làm việc của mình.
Cho tới khi công việc, sự nghiệp tương đối ổn định, nhìn lại, Thủy thấy mình vẫn một mình đi giữa cuộc đời dù tuổi đã ngoài bốn mươi. Cuộc đời đã mang đến điều kỳ diệu khi giúp cô gái từng bán hàng rong ở bến xe trở thành chuyên gia nổi tiếng về dừa ở Việt Nam và trên thế giới. Cuộc đời cũng đã thêm một lần mỉm cười với cô gái giàu nghị lực, khi vào năm 2010 Lệ Thủy đã đón nhận “tam hỷ”: được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre; lập gia đình; và sau đó một năm đã hạ sinh một em bé thật xinh xắn.
Bây giờ những cán bộ, viên chức ở Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre như thấy người nữ thủ trưởng của mình trẻ hơn, xinh đẹp hơn. Từ cổ chí kim, tình yêu và hạnh phúc, nhất là khi người phụ nữ được làm mẹ, mà lại là “gái một con”, bao giờ cũng làm cho người trong cuộc thêm yêu đời, thêm đẹp trong con mắt của mọi người.
Người ta không còn thấy Thạc sĩ dừa Lệ Thủy chiều chiều ra sân bóng chuyền cơ quan trong những năm tháng độc thân, mà là cảnh bận bịu con nhỏ, gia đình... Thế nhưng, niềm đam mê, tình yêu thương với công việc, đặc biệt là những hoài bão về phát triển ngành dừa ở Bến Tre thì luôn là lẽ sống của “cô gái dừa”.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ