Quần áo

Quần áo

30 thg 10, 2011

Vợ tôi ngoại tình nhưng... hiếu thảo với bố mẹ chồng

Nỗi đau của người đàn ông bị cắm sừng - Tôi ngập trong rượu mạnh và thuốc lá. Triền miên từ ngày này qua ngày khác. Tôi chẳng còn bất cứ thứ gì đáng giá trong tay. Sản nghiệp cha tôi truyền lại cùng tâm huyết tôi dồn cả vào đó suốt một thời trai trẻ tan vỡ như bong bóng xà phòng. Vợ và con trai bước khỏi cuộc đời tôi, không sợi dây liên lạc, níu kéo như thể chúng tôi chưa từng là một gia đình hạnh phúc.


Tôi chẳng còn lại gì ngoài số nợ lên tới hàng tỉ đồng cùng tâm trạng mục ruỗng, suy sụp của một kẻ trắng tay, không một xu dính túi. Tìm tới rượu để quên đi thực tại ngổn ngang, quên đi mình là một thằng đàn ông vô dụng trơ tráo, tôi muốn chết vùi trong thứ cồn cháy khét cổ họng ấy. Nhưng, mỗi đêm, khi tỉnh dậy, đốt cháy cả bao thuốc lá tôi chong chong nhìn vào màn đêm tăm tối của căn phòng heo hắt chút ánh sáng mờ nhạt hắt vào từ ngọn đèn đường leo lét. Tôi sợ tôi của những thời điểm ấy. Tỉnh táo. Trần trụi. Và tuyệt đối cô độc.
Mọi thứ trở nên tồi tệ khi tôi phát hiện ra mình bị vợ cắm sừng. Đối với thằng đàn ông, bị cắm sừng là điều tệ hại nhất. Lòng sĩ diện, tự trọng của tôi bị xâm hại nghiêm trọng. Tôi đã vô cùng tức giận. Ngay lập tức những câu hỏi tại sao liên tục xoáy lên trong óc. Tôi - một người chồng yêu vợ, thương con, biết kiếm tiền, có khả năng tạo dựng cho vợ con tôi một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Rõ ràng, tôi cảm nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè nhìn vào gia đình của chúng tôi.
Bản thân tôi và Nhàn - vợ tôi, đều cảm thấy kiêu hãnh về tổ ấm bé nhỏ của mình. Mọi thứ đều quá hoàn hảo, quá tròn trịa nên khi biết bị phản bội, thật sự cú sốc ấy quá choáng váng, giáng đòn đau đớn vào lòng tự hào của tôi. Mỗi lần nhớ tới buổi tối muộn hôm đó, tôi đi cà phê cùng đám bạn ở công ty, vô tình nhìn thấy cô ấy đang gục đầu vào vai một người đàn ông khá quen mặt, tôi như chết điếng. Mọi sự vô tình đều dễ dẫn đường cho một điều khủng khiếp sắp xảy ra trong tương lai.
Lúc ấy, tôi chỉ ước có một chỗ nứt dưới kẽ đất để chui xuống, tránh cái nhìn soi mói xen lẫn giễu nhại của đám đồng nghiệp. Theo phản xạ của một gã đàn ông bắt quả tang vợ đang dan díu, tôi lao tới và quại cho tên tình nhân của vợ một cú tát tai trời giáng. Cô ấy gào lên sợ hãi và lếch thếch chạy theo, cố công giải thích. Tối hôm ấy, vợ tôi đã quỳ sụp dưới chân tôi cầu xin sự tha thứ. Gương mặt gã nhân tình của Nhàn hiện lên trong bộ nhớ tôi. Hắn thư sinh, trắng trẻo cùng cặp kính cận dày cộm, vóc người nhỏ nhỏ, xương xương…
Nhớ ra, đó là mối tình đầu của Nhàn. Tôi lại càng điên tiết. Máu nóng xông lên người, giọng tôi gầm rít qua kẽ răng: “Tình cũ không rủ cũng tới. Tôi và cô ly hôn”. Nhàn một mực khẳng định giữa họ chưa có gì nghiêm trọng hay đi quá giới hạn. Nhưng tất cả những lời giải thích ấy đều trở nên vô nghĩa trong cơn cuồng nộ của tôi. Cứ nhắm mắt hình dung họ dắt díu nhau vào nhà nghỉ, hai thân thể lõa lồ hòa trộn vào nhau là tôi không thể chịu đựng được. Hiện thực là ở đây. Sự thật cô ấy đã cắm một cặp sừng khổng lồ lên cái đầu đầy kiêu hãnh và tự trọng của tôi bằng một cách phỉ báng, ghê tởm.
Chuyện tôi và Nhàn ly thân trở thành vấn đề kinh thiên động địa trong gia đình. Bởi gia đình tôi xưa nay luôn hạnh phúc, sum vầy, gia đình nền nếp, gia giáo. Mẹ tôi khóc đứng khóc ngồi còn ba - người đặt rất nhiều hi vọng vào tôi và rất mực yêu quý nàng dâu thảo đã vô cùng choáng váng. Song ông tôn trọng cuộc sống riêng của vợ chồng, tôn trọng quyết định của con cái nên ông không can thiệp. Chúng tôi sống ly thân, con trai ở cùng mẹ. Nhìn Nhàn và con xách va li ra khỏi ngôi nhà từng ngập tràn hạnh phúc của hai đứa, tôi quay mặt vào tường, ngăn không cho nước mắt chảy.
Theo như tòa án phân xử, chúng tôi sẽ có 2 năm sống ly thân. Đây là quỹ thời gian thử thách để vợ chồng tôi kiểm chứng lại tình cảm của mình và tạo cơ hội nếu có ý định tái hợp. Nhưng ngay từ thời khắc nhìn thấy cô ấy trong quán cà phê với gã tình nhân, tôi đã nghĩ không bao giờ có chuyện tái hợp hay quay trở lại. Mọi thứ đã chấm dứt theo cách cách đau lòng tới khó hiểu.
Tôi không nghĩ chuyện gia đình ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi nhiều đến thế. Tôi nhớ vợ, nhớ con nhưng lòng sĩ diện không cho phép tôi tha thứ cho con người bội bạc ấy. Thêm việc công ty làm ăn sa sút, số tiền nợ gia tăng càng khiến tôi đau đầu nhức óc tưởng như mọi thứ đang nhấn chìm tôi xuống vực thẳm. Tôi hình dung bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, ý chí của một người lữ khách cặm cụi bước những bước nặng nề lên đỉnh núi dưới màn đêm trĩu nặng đang bị cái đói cồn cào, cái lạnh thấu xương mút chặt đôi bàn chân, ngăn không cho tiến về phía trước.

(Ảnh minh họa) Tôi gục ngã thật sự khi công ty tôi điều hành không có khả năng chi trả tất cả các khoản nợ, điều ấy đồng nghĩa với sự thật kinh hoàng mà tôi chưa từng nghĩ tới: công ty phá sản. Sự nghiệp của tôi tan thành mây khói, kỳ vọng của ba tôi để lại cũng tan vỡ theo. Nghe tin tôi dìm chết công ty cả đời ba dồn tâm huyết gây dựng, cú sốc về sự đổ vỡ trong gia đình con cái chưa kịp nguôi ngoai, thêm đòn nghiệt ngã này, ông quỵ ngã vì chứng tai biến. Ba nhập viện trong trạng thái của một người mê man, hoàn toàn không hề nhận thức được thế giới xung quanh, thậm chí ba không nhận ra mẹ con tôi.
Ông nằm liệt một chỗ, ngơ ngác như đứa trẻ với lớp kí ức bị tráng một lớp men cứng giòn, cáu cạnh. Lúc này, tôi vẫn đang mải mê trong rượu mạnh và thuốc lá, quên mất vị trí phận làm con trai của ba mẹ. Mẹ tôi - người phụ nữ hiền hậu suy sụp sau cái ốm của ba, lại thêm đứa con trai mất hết niềm tin, nghị lực sống, bà chỉ biết khóc. Đồ vật trong nhà có gì đáng giá cũng mang đi thế chấp, hoặc cầm cố trả nợ công ty, giờ nó trống huơ, trống hoác đến tội nghiệp. Tiền viện phí của ba thật sự là một khoản tiền ám ảnh và nỗi lo lắng của mẹ con tôi.
Bàn tay con dâu thảo
Trong khi tôi ngập tràn trong hơi men và hơi thuốc, Nhàn xuất hiện. Hơn một năm ly thân, cô ấy dắt đứa con trai về thăm tôi và ba mẹ tôi. Không biết bằng cách nào đó, Nhàn biết được hoàn cảnh khốn cùng của gia đình. Vẫn giống như cách cư xử thường thấy và bản tính của một người phụ nữ hiền lành, kiệm lời, Nhàn lẳng lặng tới bệnh viện chăm sóc ba tôi từng ly từng tí.
Nếu nhìn vào Nhàn, tôi có thể khẳng định câu nói xưa “con chăm cha không bằng bà chăm ông” không hoàn toàn đúng. Trong khi sức khỏe mẹ tôi sa sút, đôi chân bà sưng tấy vì chứng thấp khớp tái phát không thể chạy đi chạy lại thăm nom ông thì Nhàn thay mẹ tôi vào viện chăm ba. Cô ấy không ngại khó, không ngại khổ ngày ngày lau người, thay giặt đồ cho ba. Thậm chí, cả việc vệ sinh đại tiểu tiện của ba, cô ấy cũng chẳng nề hà, ghê cổ.
Lần đầu tới bệnh viện sau cơn say dài kéo liền 3 ngày, tôi vào bệnh viện, bắt gặp cô ấy đang bón cháo cho ba, tôi nổi cơn tam bành giận dữ. Tôi lớn tiếng chửi bới và nắm tay Nhàn đuổi ra khỏi phòng bệnh. Quá khứ của Nhàn tôi chẳng ngại tung hê, vạch trần cho bàn dân thiên hạ biết bộ mặt thật phía sau vẻ ngây thơ, trong trẻo kia. Những tưởng, sự xấu hổ, nhục nhã sẽ kìm bước chân cô ấy xuất hiện trở lại trong cuộc đời tôi, nhưng những ngày sau Nhàn vẫn tới. Thậm chí, cô ấy còn nhìn thẳng vào mặt tôi mà lớn tiếng: “Anh nhìn lại bộ dạng anh đi. Xem đó là bộ dạng của một con người hay một con quỷ?”.
Trở vào phòng tắm của bệnh viện, tôi nhìn vào tấm gương lớn. Một gã đàn ông râu ria xồm xoàm với hai hốc mắt trũng sâu, đen sì, đôi má hóp lại càng trở nên nhỏ bé hơn bởi mái tóc dài xù úm hết mặt. Tôi không tin gã đàn ông ưa sạch sẽ, cầu toàn, cẩn thận lại biến thành bộ dạng của một kẻ lưu manh rách rưới, bẩn thỉu thế này.
Đều đặn, ngày nào Nhàn cũng mang cháo tới cho ba tôi. Cô ấy biết ba phải nằm nhiều, sợ bị loét phần lưng, Nhàn tinh ý mua đệm nước tới cho ba. Nhàn thường ở lại trò chuyện cùng ba, kể cho ông nghe đủ thứ chuyện, dù không chắc ông có nghe và hiểu được những gì Nhàn đang nói. Mấy người bệnh nhân cùng phòng nhìn cách chăm lo của cô, đều đinh ninh Nhàn là con gái ruột của ông, bởi họ nghĩ chỉ có con gái ruột mới có thể chăm lo ba tận tình, chu đáo như thế.
Rồi tối nào Nhàn cũng qua nhà, đun nước lá xoa bóp đôi chân thấp khớp của mẹ chồng. Ba tôi do phải nằm lâu trên giường thể trạng thay đổi ảnh hưởng tới hệ bài tiết của ông. Mọi sinh hoạt đôi khi ông không thể tự chủ được mà cần tới sự can thiệp ở bên ngoài. Mỗi lúc như thế, Nhàn chẳng nề hà bẩn thỉu, hôi hám, xắn quần, xắn áo lau dọn cho ba. Cô ấy chăm sóc ba mẹ tôi chẳng khác nào một người con gái hiền thảo chăm lo cho chính ba mẹ ruột của mình, đến mức nếu không nói ra, các bệnh nhân nằm cùng phòng bệnh đều đinh ninh Nhàn là con ruột của ba mẹ.

Ngày ngày chứng kiến Nhàn chăm lo quán xuyến việc nhà, lại chăm sóc mẹ chồng đau ốm, ba chồng bệnh tật, dạy bảo con thơ… một người đàn ông dù sắt đá như tôi cũng không khỏi mềm lòng. Tiền viện phí của ba cũng là do Nhàn ki cóp từ mấy đồng lương giáo viên còm cõi để thanh toán và cô ấy còn đi vay mượn thêm. Cô ấy nói chuyện với tôi rất ít, có chăng là những lời động viên tôi làm lại từ đầu từ hai bàn tay trắng, dường như cô ấy vẫn không quên được quá khứ của chính mình.
Không biết tự lúc nào, tôi đem lòng thương mến và cảm phục vợ. Có lẽ, việc chứng kiến chăm sóc ba mẹ tôi với một tình yêu và sự gắn bó như ruột thịt đã xua tan những ghét bỏ, giận dữ của tôi trong quá khứ về người vợ thiếu đoan chính. Chính tôi là người đã chủ động đề nghị Nhàn quay trở lại gia đình, quay trở lại vị trí mà suốt 8 năm qua cô ấy gánh vác: vai trò làm vợ của tôi, làm mẹ của con trai tôi và làm dâu thảo của ba mẹ tôi.
Nhàn bất ngờ trước quyết định có phần đột ngột của tôi. Ba mẹ cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên song họ vô cùng hạnh phúc. Ba tôi ra viện, sức khỏe của mẹ cũng khá hơn, tôi hào hứng với những kế hoạch mới gây dựng lại sự nghiệp từ đầu, vợ chồng tôi đoàn tụ… hình như mọi thứ lại trở về đúng trật tự và quỹ đạo của nó. Nhưng tôi chắc chắn một điều: qua cơn sóng gió này, cả tôi và vợ đều biết trân trọng những gì đang có và chúng tôi sẽ bảo vệ hạnh phúc ấy đến cùng và với bất cứ giá nào.

Nhật Anh

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ