Quần áo

Quần áo

30 thg 10, 2011

Cuộc chiến giữa hai chàng rể

Nghĩ rằng lo xong đám cưới cho hai cô con gái, ông bà Thanh sẽ được nghỉ ngơi thỏai mái, nào ngờ gia đình bà lại bị cuốn vào một “cuộc chiến mới”…

Chuyện cũng chỉ vì kinh tế của hai chàng rể quá khác xa nhau: một giàu, một nghèo.

Hôm đám cưới em gái, vợ chồng Minh bỗng bù lu bù loa, khóc lóc thảm thiết làm ông bà Thanh một phen “bạc mặt”, không hiểu lý do. Sau một hồi hỏi han, thậm chí, quát mắng, ông Thanh cũng biết được sự tình. Chả là có người nhỏ to chê vợ chồng cô chị nghèo, chắc hẳn số tiền mừng em gái chẳng thấm vào đâu so với gia tài kếch xù mà cô em sắp được “quản lý”. Nghĩ rằng phận mình “hẩm hiu”, lấy phải chồng nghèo nên bị người khác khinh, Minh tủi thân chảy nước mắt. Không hiểu hai vợ chồng “tâm sự” với nhau kiểu gì mà cả hai cùng rơi lệ.

May mà bà Thanh tinh ý, biết lựa lời khuyên nhủ nên chàng rể cả không còn thấy chạnh lòng và tự ái. Đám cưới sau đó diễn ra vui vẻ. Hải nghe mẹ vợ bảo, dù gì mình cũng là “anh cả, chị đầu”, sau này mọi việc trong nhà sẽ nhờ một tay vợ chồng anh gánh vác hết nên cũng thấy mát dạ.



Nhưng khi chàng rể thứ hai đem vô số quà về biếu bố mẹ vợ thì gia đình bà Thanh lại “dậy sóng”. Cả nhà đang ngồi ăn cơm cùng nhau mà mặt mày vợ chồng cô chị cứ khó đăm đăm. Bà Thanh biết con rể đầu buồn nên gạt chuyện quà cáp sang một bên. Bà cứ luôn miệng khen vợ chồng Hải giỏi giang, bao nhiêu việc trong nhà đều một mình Hải lo lắng chu toàn. Nói là nói vậy thôi, chứ khi thấy con gái út được chồng chăm lo chu đáo, vật chất đầy đủ chẳng thiếu thứ gì, bà vừa mừng nhưng cũng thương đứa con gái đầu.

Kinh tế của vợ chồng Hải không vững lắm, nhà Hải lại ở quê nên khi cưới xong, Hải chấp nhận ở rể. Lúc đầu thì mọi chuyện cũng êm đẹp. Vì biết con khó khăn nên có gì ông bà Thanh cũng hết lòng giúp đỡ, chẳng bao giờ đòi hỏi, hoạnh họe gì. Nhưng đến khi em gái Minh yêu và lấy chồng, Hải và vợ bắt đầu suy nghĩ nhiều đến “địa vị” và “thân phận” của mình. Trong khi Hà – em gái Minh, mỗi bước đi đều có xe ô tô đưa đón thì vợ chồng Hải lại chỉ có chiếc xe máy cà tàng. Trong khi Hà cưới về sẽ làm chủ một căn biệt thự đầy đủ tiện nghi thì Hải lại sống chung với bố mẹ vợ, mang tiếng là “núp váy” nhà vợ. Sự xuất hiện của Mạnh làm Hải thấy mình tự ti và nghèo hèn hẳn đi.

Mạnh liên tục mua quà và gửi tiền biếu bố mẹ vợ. Cứ mỗi lần như thế, Hải lại tránh mặt. Anh đi lang thang quán xá chứ nhất quyết không ngồi dùng cơm cùng gia đình. Vì suốt bữa cơm, chỉ toàn nghe thấy Mạnh khoe của, nào là mua được bao nhiêu miếng đất, gửi được bao nhiêu tiền tiết kiệm, v.v…Hải không thấy thoải mái khi nghe những chuyện như thế. Cùng là đàn ông nhưng anh lại không kiếm được nhiều tiền để lo cho vợ, cho bố mẹ vợ. Anh sợ giáp mặt với cả nhà, anh sợ mọi người nhìn anh như một kẻ bất tài vô tướng.

Mâu thuẫn trong gia đình vì thế cứ âm thầm xảy ra liên tiếp. Vì cảm thấy tự ái, nên những bữa nhậu thân mật của những người đàn ông trong gia đình ông Thanh thường kết thúc bởi chiến tranh giữa hai chàng rể. Mạnh cũng không phải là tay vừa. Anh thường nhìn anh rể đầu bằng một nửa con mắt. Nhiều lần, Mạnh cũng nói thẳng với vợ rằng, Hải là một kẻ kém cỏi, không lo được cho vợ con mà lại còn ăn bám bố mẹ. Những lúc hai người gặp nhau, ngoài những câu xã giao, lúc nào Mạnh cũng hỏi về lương bổng của Hải. Nói vu vơ một lúc rồi kiểu gì hai người cũng nhìn nhau bằng ánh mắt “hình viên đạn”.

Ông bà Thanh từ ngày có thêm chàng rể giàu có tưởng là vui mừng, nào ngờ thấy sắc mặt ông bà khi nào cũng rầu rĩ. Cứ mỗi dịp Tết, lễ hay nhà có chuyện gì là y như rằng hai chàng rể lại “khẩu chiến”. Mạnh thì cứ cố ý “khoe của” để giành điểm của bố mẹ vợ. Hải thấy thái độ của em rể thì vừa tức vừa thấy tự ti. Chẳng có lúc nào họ giành cho nhau một chút thiện cảm nên không khí gia đình bà Thanh khá ngột ngạt.

Hôm 20 – 10 vừa rồi, trong khi Hải chỉ mua tặng mẹ vợ và vợ mỗi người một bông hoa hồng thì Mạnh lại tậu nguyên cho bà cụ một bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe, lại còn mời cả nhà đi ăn món Ý nữa chứ. Hải nhất định bảo có việc bận rồi từ chối. Những lúc như thế, tự ái đàn ông của anh lấn át tất cả. Anh chỉ nghĩ đến chuyện kiếm thật nhiều tiền để cho “thằng em rể đáng ghét” kia biết thế nào là “lễ độ”.

Hải lao vào kiếm tiền như điên. Việc gì anh cũng làm. Nhưng so với một người kinh doanh có “máu mặt” như Mạnh thì số tiền Hải kiếm được chả thấm vào đâu. “Cuộc chiến” âm thầm giữa hai chàng rể càng ngày càng gay cấn. Vào những dịp lễ, Hải luôn chuẩn bị chu đáo để không phải chịu lép vế trước Mạnh. Dù hai vợ chồng không còn tiền, anh cũng cố vay mượn để mua quà cho bố mẹ vợ.

Hai vợ chồng Hải vì chuyện giàu – nghèo này cũng đã không ít lần xảy ra xung đột. Mỗi lần Minh khen nhà em gái đẹp hay em gái có phúc lấy được chồng giàu, Hải đều nổi điên. Anh cho rằng vợ xúc phạm mình, dám so sánh mình với “cái thằng kênh kiệu” ấy, anh còn bảo với vợ: “cô có giỏi thì đi lấy thằng khác giàu hơn tôi đi”. Minh thấy đời mình sao mà đen đủi, đã không được chồng chăm lo chu đáo lại còn bị chửi oan. Cô ấm ức lắm.

Nhưng có lẽ, khổ nhất vẫn là ông bà Thanh. Đáng lẽ với tuổi của ông bà, khi con cái đã yên bề gia thất thì sẽ được nghỉ ngơi. Nào ngờ, từ ngày cô con gái thứ hai lấy chồng xong, gia đình ông bà lại bị đảo lộn hết cả. Không khí lúc nào cũng u ám. Dù được hai đứa con rể liên tục tặng quà, chăm sóc nhưng ông bà chẳng thấy thoải mái gì cả. Cái ông bà cần không phải là những món quà “tranh nhau tặng” này mà là tình cảm chân thành của các con, sự hòa thuận yêu thương nhau của các con. Ông bà muốn được sống những ngày còn lại trong không khí vui vẻ, hòa thuận, nhưng những gì Mạnh và Hải làm lại khiến ông bà buồn phiền. Giá như hai chàng rể hiểu và dừng “cuộc chiến” này lại thì gia đình ông bà Thanh sẽ hạnh phúc biết bao.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ