Quần áo

Quần áo

28 thg 10, 2011

Mẹ già 80 tuổi “tố” con gái bạo ngược cướp nhà

Phải vạch áo cho người xem lưng, bà Bắc đắng lòng lắm. Nhưng nếu không “tố” thì quãng đời ngắn ngủi còn lại sẽ không chốn nương thân. Còn chị T (con gái bà, một giáo viên tiểu học), nhất mực nói, vợ chồng mình báo hiếu nhưng mẹ không nhận.

Mẹ già thấu nỗi cô quạnh

Đọc thư của cụ Trương Thị Bắc, 80 tuổi, hộ khẩu thường trú tại 146 phố Bùi Thị Xuân, Tổ dân phố số 20, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tôi rất phẫn nộ nếu đúng như lời bà mẹ này trình bày. Vội vã, tôi lần theo địa chỉ tìm đến một ngõ nhỏ trên đường Trường Chinh, Hà Nội. Trong căn phòng trọ ẩm thấp rộng chưa đầy 10m2 ở đường Trường Chinh, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, hai bà già dang dở bữa cơm trưa vì có khách lạ. Bữa cơm đạm bạc thêm buồn tẻ bởi bà Bắc ho sù sụ.

Mấy năm nay, dù có con cháu đề huề nhưng bà Bắc cùng người bạn già của mình (bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết) góp gạo thổi cơm chung. Hai bà lão cô quả “nay đây, mai đó”. Chỗ trọ này không phải là điểm dừng chân đầu tiên của bà. Gần đi hết chặng đường đời mà số phận người mẹ già vẫn long đong, không xót xa sao được.

Câu chuyện chưa bắt đầu, nước mắt cứ chực ứa từ đôi khóe mắt của bà Bắc. Đưa đôi tay khẳng khiu, gân guốc, bà với chiếc máy trợ thính. Bà Bắc điếc nặng khiến cuộc chuyện trò khá vất vả. Than đời mình quá truân chuyên, bà nói, chồng mất sớm để lại gánh nặng 5 đứa con thơ. Ngày ấy, bà là công nhân Nhà máy mỳ Chùa Bộc, Hà Nội.


Căn nhà số 146 phố Bùi Thị Xuân từ lâu vẫn khóa im ỉm

Đồng lương “3 cọc 3 đồng” không đủ 6 miệng ăn, tối tối, người mẹ này phải đan len để thêm thu nhập. Nhờ trời, đứa nào cũng khỏe mạnh và chị Nguyễn Thị T. là cô con gái thứ 4, trú tại Tổ dân phố số 18, phường Bùi Thị Xuân, được bà lo ăn học tới nơi tới chốn và trở thành nhà giáo. Người mẹ này đã rất tự hào vì nghĩ mình đã hoàn thành tâm nguyện với người chồng khuất núi. Ai dè, khi con cái thành đạt, tình cảm mẹ con ngày thêm càng xa cách.

Bà Bắc cho rằng, chỉ vì 28m2 nhà tại số 146 phố Bùi Thị Xuân mà mối quan hệ giữa họ tan nát. Bà đau lòng hơn khi bị con gái hắt hủi, ngược đãi, thậm chí khóa cửa nhà hòng chiếm căn hộ trên. Bà mẹ bất hạnh cho hay, nhiều lần, chị T. đuổi mẹ ra khỏi nhà, còn cầm gậy nện vào đầu nhưng may được anh con rể đỡ đòn. Cũng vì con gái khóa cửa nên bà không chốn nương thân. Khi mẹ yêu cầu mở cửa thì chị T. nói, sẽ ở cùng.

“Tôi điếc nặng lại bị bướu cổ, nay đã 82 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời rồi. Tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được chết trong ngôi nhà của mình. Tôi muốn con gái trả chìa khóa nhà trước sự chứng kiến của chính quyền và sau đó không sang chửi bới, để tôi được sống yên ổn những tháng ngày còn lại. Thật lòng, tôi không muốn làm to chuyện, làm phiền đến mọi người, nhưng nhiều lần gia đình hòa giải mà không được mới phải nhờ đến cơ quan chức năng. Chẳng nhẽ, tôi lại tự tử cho hết khốn khổ” - bà Bắc cất giọng chua chát.

Câu chuyện bỗng chùng lại khi bà Bắc tâm sự, sợ nhất những dịp lễ, tết. Khi nhà nhà quây quần bên mâm cơm đầm ấm thì bà thu mình trong nỗi cô đơn. Viện cớ ốm, bà xin nằm viện bởi không muốn phiền đến bạn bè, họ hàng và để trốn cái không khí nô nức của ngày xuân. Nghe bà nói, sao thấy đắng chát ở cổ họng.

Trong khi đó, chị T. sống sung túc trong ngôi nhà 5 tầng ở gần đó. Về căn phòng ở số 146 phố Bùi Thị Xuân, bà Bắc quả quyết, mình là chủ hợp đồng thuê nhà. Khi có chính sách bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định số 64/1994 của Chính phủ, ngày 7-8-2010, bà đã ký hợp đồng mua nhà với Cty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Hiện, cơ quan có thẩm quyền đang làm thủ tục xét duyệt để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Vì thế, không cho bà vào ngôi nhà của mình là hành vi xâm hại chỗ ở của người khác.

Con gánh nỗi ấm ức!

Hai lần ghé nhà chị T. mà không có cơ hội gặp mặt, lần thứ 3 tôi đánh liều đến trường nơi chị đứng lớp. Khổ nỗi, trường đang xây dựng và tạm lánh ở địa điểm khác. Cuộc gặp gỡ vòng vèo hơn dự tính. Giữa trưa, khi học sinh đang xếp hàng nhận suất ăn, chị T. nói: “Cô chờ chút nhé!”. Dù muộn nhưng cuối cùng tôi cũng tìm hiểu được nguồn cơn chị T. “tố” ngược mẹ mình. Cô giáo này cho hay, quá “sốc” vì mẹ phơi chuyện gia đình khắp nơi. Đến nước này, chị cũng không cố che đậy cảnh nhà “nát như tương” của mình nữa. Người phụ nữ này kêu oan và nói, không bao giờ cho phép mình đối xử với mẹ như vậy; huống hồ chị còn đứng trên bục giảng, hàng ngày uốn nắn, răn dạy từng con người.

Chuyện mẹ con khục khặc, chị T. nghĩ, bà Bắc bị xúi bẩy, bị lợi dụng nên đâm ra “lẩn thẩn”. Cô giáo phân bua, không ở cùng từ năm 1990 thì làm sao có thể ngược đãi mẹ. “Đến người bác ruột (chị Trương Thị Lạng, bị liệt và cô quả), tôi còn phụng dưỡng rồi lo hậu sự chu đáo, huống hồ là mẹ đẻ” – chị T. nói.

Kể khổ, chị T, cho hay, duyên muộn nên 38 tuổi mới yên bề gia thất. Đứa con trai đầu lòng được 1 tuổi thì qua đời vì bệnh ung thư máu khiến chị quá bàng hoàng. 3 năm sau, bao cố gắng, vợ chồng chị mới sinh thêm được cô con gái. Khi sinh con, chị muốn được nhập khẩu cho con theo mẹ nhưng bà Bắc không đồng ý. Giọng đầy tự hào, chị T. khoe có một người chồng hết mực thương yêu vợ con, chăm lo cho mẹ vợ. Ai cũng nói, chị may mắn vì lấy được người chồng như anh S. Dù anh không phải là chủ lực kiếm tiền nhưng “của vợ công chồng”. Vậy mà, bà Bắc lại coi thường con rể. Bà nói, chồng ăn bám vợ.

Bà Bắc rầu lòng khi kể tội con gái

“Tôi bận rộn, không chăm sóc được mẹ lúc ốm đau thì chồng thay tôi làm tròn bổn phận của người con. Tết năm ngoái, vợ chồng tôi gửi quà, cụ vẫn nhận cơ mà. Lần gần đây nhất, khi bà phải đi cấp cứu, tôi đã thuê người săn sóc những lúc tôi phải dạy học. Đồng nghiệp của tôi biết chuyện còn đến thăm” – chị T. chứng minh không ngược đãi mẹ. Được hỏi vì sao bà Bắc phải thuê trọ, chị T. nói, không hiểu nổi. Cô giáo “tố” ngược, mẹ mình đáo để và mắc cái tính “nói dối và hay đặt điều”. Nghĩ bà Bắc là mẹ nên chị phải nhịn, chứ người khác mà làm thế là chị sẽ yêu cầu làm rõ tội “Vu khống”.

Liên quan đến chuyện thay khóa mới căn phòng 146 phố Bùi Thị Xuân, chị T. khẳng định, mình không xâm phạm chỗ ở của mẹ. Bởi, giấy tờ xin cấp “sổ đỏ” đứng tên 3 người (bà Bắc, chị T. và anh Nguyễn Hoàng B - con trai duy nhất của chị Bắc). Như vậy, chị cũng có quyền sử dụng tài sản này. Khi căn phòng xuống cấp, chị đã đầu tư 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp và sắm một số thiết điện và việc thay khóa là phòng trộm cắp.

Sau khi hoàn thiện, bà Bắc không về ở mà nhờ vợ chồng chị cho thuê nhà. Cho thuê được vài tháng (5 triệu đồng/tháng, trong đó, bà Bắc hưởng 1 triệu, 1 triệu gửi cho ông anh trai, 3 triệu chị T. giữ để thu hồi tiền cả tạo nhà) thì bà Bắc đòi lại nhà.

Từ đó, căn phòng để không. Chị T. nói, mình có mấy cái nhà lại là đại lý bán gạo nên sống dư dật. Vì thế, chị không nhòm ngó hay có ý chiếm đoạt căn phòng. Cô giáo còn “vạch tội” mẹ ham cờ bạc, ức hiếp anh B. hòng bán căn nhà trên. Nhắc đến người anh trai gần 60 tuổi, chị T. lắc đầu ngán ngẩm. Là người nối dõi nhưng cuộc đời của anh trai đúng là bỏ. Cho đến giờ, anh B. vẫn chưa có một tấm vợ vì ra tù lại vào tội. Có tài sửa chữa ô tô nhưng anh B. chẳng thể dụng nghề vì cái thói hung hăng của mình. Vừa rồi, mãn hạn tù tội “Cố ý gây thương tích”, anh con trưởng dính tiếp tội “Hiếp dâm”.

Theo lời chị T., “ô sin” bên nhà hàng xóm có tình cảm với anh trai mình và tự nguyện quan hệ. Nhưng tại tòa, chị này nín thinh, chẳng hé răng nửa lời. Còn anh B. thì khờ dại thừa nhận rằng, nhiều lần “gần gũi” với cô ô sin nhà hàng xóm nên bị kết án 7 năm 6 tháng tù.

Ngoài anh B., chị T., cụ Bắc còn 3 cô con gái khác. Một chị đang sống ở Đức, hai người còn lại thì chẳng ai hợp mẹ.

Chưa đâu vào đâu

Hỏi chuyện gia đình bà Bắc, ông Nguyễn Xuân Cường, Tổ trường tổ dân phố 18, phường Bùi Thị Xuân, nén tiếng thở dài. Như lời ông tổ trưởng, mâu thuẫn giữa bà Bắc và chị T., UBND phường Bùi Thị Xuân đã ra bàn vào họp, nhưng cuộc vắng mặt mẹ, cuộc thiếu con nên chưa “ngã ngũ”. Bà Nguyễn Thị Lâm, Tổ phó tổ dân phố 20, xác nhận rằng, mẹ con bà Bắc thường cãi vã vì tranh chấp căn phòng.

Khoảng 4 đến 5 tháng trước, bà Bắc về nhà thì họ to tiếng ở ngoài phố. Bà Bắc không ở nhà số 146 phố Bùi Thị Xuân từ nhiều năm nay. Câu chuyện gia đình, bà không báo cáo với cán bộ tổ dân phố; chỉ khi UBND phường nhóm họp, bà Lâm mới tỏ sự tình. Lần hòa giải ngày 6-10-2011 tại UBND phường Bùi Thị Xuân (cuộc họp này vắng mặt bà Bắc), chị T. phủ nhận những nội dung mẹ phản ánh.

Thực hư mâu thuẫn giữa mẹ con bà Bắc, chỉ người trong cuộc mới rõ ngọn ngành. Chị T. có ngược đãi, xâm phạm chỗ ở của mẹ hay không, bà Bắc đã có đơn gửi cơ quan công an và tới đây, sự việc sẽ có đáp án. Cuộc đời bà Bắc thật cám cảnh. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, con đàn cháu đống mà bà không chốn nương thân. Dù bà có sai đi chăng nữa thì việc để mẹ phiêu bạt là những đứa con chưa tròn bổn phận, họ đã quá “vô cảm” (?).

San Lam

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ