Quần áo

Quần áo

12 thg 8, 2011

Hai mươi năm câm lặng chịu đòn chồng

Hết củi đun, nhà không có gì ăn, nấu cơm muộn… tất cả đều trở thành lý do cho những trận đòn thừa sống thiếu chết của người chồng chị Hoàng Thị Chúc (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) dành cho chị. Hơn hai mươi năm qua, chị Chúc không thể nhớ được mình đã phải hứng chịu bao nhiêu trận bão đòn từ người chồng đầu gối tay ấp.

Thế nhưng vì con mà chị đã phải cắn răng chịu đựng, câm nín làm như không có chuyện gì xảy ra. Chị luôn giữ cho mình một hy vọng mong manh: Một ngày không xa chồng đổi tính. Thế nhưng, niềm hy vọng ấy đã vỡ tan khi chồng chị tự tay quẳng quần áo của ba mẹ con chị ra sân và xua đuổi ba mẹ con chị ra khỏi nhà. Bơ vơ không chốn nương thân, mẹ con chị đành dắt díu nhau ra ở điếm canh nước trên đê cuối làng…

Những trận bão đòn

Hai mươi ba năm về trước, chị Chúc lên xe hoa về nhà chồng. Cả làng cả họ ai nấy đều mừng cho chị lấy được chồng như ý. Vốn là người con gái vừa đẹp người lại đẹp nết, chị là niềm mơ ước của bao trai làng nhưng cuối cùng chị nhận lời yêu anh Ngại bởi tính thật thà, chất phác.



Một năm yêu nhau không phải là dài nhưng cũng đủ để họ hiểu tương đối về nhau và nguyện ước sẽ cùng nhau tới đầu bạc răng long. Hai gia đình quyết định tổ chức đám cưới cho được ngày dù khi ấy anh chị chưa đăng kí kết hôn. Nhưng những tháng năm sống cuộc đời chồng vợ, thay vào những lời yêu thương nguyện ước là những lời nguyền rủa, hận thù. Thay vào căn phòng hạnh phúc là một địa ngục trần gian. Và cô dâu lộng lẫy trong áo cưới ngày nào giờ chỉ là một bóng ma vật vờ với những nỗi sợ hãi hùng len cả vào giấc ngủ.

Ngồi thẫn thờ, chị Chúc nhớ lại: “Cưới được một thời gian, anh ấy không chịu làm ăn gì. Tôi bảo anh ấy đi làm thuê bên Bát Tràng, anh ấy không những không đi mà còn đánh tôi. Đã thế bố chồng còn chửi tôi: Tao nuôi 8 đứa con bằng đầu bằng cổ, chưa đứa nào phải đi làm thuê làm mướn. Vậy mà mày vừa về đã bắt con trai tao phải làm cái việc nhục nhã đó!”.

Bản tính lười lao động, nay lại được sự cổ xúy của người bố nên chồng chị Chúc này càng tỏ ra là một kẻ vũ phu đốn mạt. Cặp mắt đỏ hoe, ngân ngấn nước, chị Chúc kể lại: “Tôi luôn bị anh ta đánh vô cớ. Đánh bất kể khi nào anh ta thích. Mà hình như cứ nhìn thấy vợ là anh ta lại nổi hứng đánh”. Đi làm về muộn, chưa kịp nấu cơm, đánh. Chồng chửi không dám ho he nửa lời, cho rằng biểu hiện đó là khinh người, đánh. Anh ta đi chơi về muộn vợ chưa kịp ra mở cửa cũng đánh. Giao tiếp giữa hai vợ chồng chị Chúc dường như chỉ có đánh, đánh và đánh. Thế nên những năm tháng ấy trên người chị chưa từng bao giờ thôi hết những vết bầm tím và những vệt đòn roi.

Một lần, chồng chị đi chơi về, đói mà chẳng vào bữa nào, không kiếm được cái gì bỏ bụng, anh ta cũng lôi vợ ra đánh. Nhìn xung quanh không thấy vật gì để có thể hành hung, anh ta liền cúi xuống lấy chiếc dép mình đang đi phang thẳng vào mặt vợ. Cú phang quá mạnh khiến chị Chúc ngã lăn ra đất, ôm mặt đau đớn. Hậu quả là một chiếc răng cửa ra đi vĩnh viễn, mặt mũi sưng húp. Đánh xong anh ta bỏ đi, hai đứa con chỉ biết ôm mẹ mà gào khóc. Một lần khác, chỉ vì cả gan dám gọi chồng về đi làm cho kịp mùa vụ cùng dân làng mà chị Chúc bị chồng xông vào bóp cổ cho tới ngất lịm. Lần ấy, có cả mẹ đẻ của chị chứng kiến. Mẹ chị sợ quá kêu thất thanh: “Ối làng nước ơi, nó giết con tôi rồi” thì ngay lập tức anh ta quay ra trợn mắt nói: “Nó chết thì tao đi tù được chưa?”.

Sau lần tận mắt chứng kiến kẻ vũ phu ra tay với con mình, mẹ chị vì quá sợ hãi nên đã khuyên chị nên chấm dứt quan hệ vợ chồng với anh ta. Biết là mình sẽ phải chịu vô vàn những trận đòn như thế nếu vẫn tiếp tục chung sống, nhưng cứ nghĩ đến hai đứa con sẽ không có bố, chị Chúc lại cắn răng chịu đựng.

Nhiều lần chị Chúc đã phải đi bệnh viện sau những cú “ra đòn” khốc liệt của chồng. Lần đi viện dài nhất có đến gần một tháng, chị bị tức thở vì chồng đấm vào ngực quá mạnh. Lần ấy, chị “được “ người ta quay lên tivi khi nói về nạn bạo hành gia đình. Nhưng sự nổi tiếng bất đắc dĩ ấy lại biến cuộc đời chị bi thảm hơn bao giờ hết vì sau đó chị phải đón nhận sự hành hạ không chỉ của chồng mà cả gia đình nhà chồng vì can tội dám “vạch áo cho người xem lưng”.

Bị đánh là thế nhưng chồng chị đưa ra một nguyên tắc “cấm hé lộ với ai. Nếu để ai biết sẽ đánh cho bằng chết”. Thế nên hai mươi năm trời bị chồng bạo hành khốc liệt nhưng có mấy ai hay ngoài hai đứa con của chị và những người trong gia đình chồng. Thậm chí nhiều đêm, một hai giờ sáng anh ta đi uống rượu về, gây sự với ba mẹ con chị rồi đuổi họ ra khỏi nhà không thương tiếc. Trong bóng đêm mịt mùng, ba mẹ con chị lại bồng bế nhau lên bờ đê hay ghé vào một bụi cây nào đó ẩn mình đợi trời lờ mờ sáng lại len lén về nhà. Mẹ tiếp tục đi làm, con tiếp tục đi học. Mọi chuyện trở về bình thường như thể đêm qua chưa từng xảy ra chuyện gì.

Mẹ chết rồi, anh em con ở với ai?

Chúng tôi tìm đến nhà chị Chúc vào một ngày mưa tầm tã. Đến nơi cũng là lúc mẹ con chị đang bắt đầu bữa trưa trong một cái bếp lụp xụp, tối tăm. Thực đơn cho bữa ăn chỉ là một đĩa rau muống luộc và một bát nước canh sấu. Nhưng với mẹ con chị thì có miếng ăn cũng là hạnh phúc lắm rồi. Sau những ngày tháng sống dật dờ tại điếm canh nước, hiện mẹ con chị đã có một nơi tá túc an toàn và tử tế hơn nhiều, đó là một gian phòng xập xệ, áng chừng chưa đến mười mét vuông tại nhà bố mẹ đẻ chị. Kể lại cho chúng tôi nghe những ngày tháng tối tăm mẹ con chị phải chui lủi trong cái điếm canh nước trên đê mà nước mắt chị chan hòa: “Khủng khiếp lắm cô chú ạ. Mùa đông thì rét không tài nào chịu nổi. Mùa hè thì muỗi kêu như rang ngô, nó đốt cho tịt hết cả người. Mẹ con tôi sống cứ dật dờ cho qua ngày đoạn tháng thế thôi”.

Ngày chị đi làm, con trai lớn đi lang thang, riêng cô con gái út phải ở “nhà”. Mọi sinh hoạt tắm rửa, cơm nước nó phải làm tất cho dù mới tám tuổi. Nhiều hôm, mẹ dở việc về muộn, bé Nga sợ lắm. Một mình Nga với ngọn nến leo lét bị nuốt chửng trong bóng đêm đặc quánh. Những hôm tham việc như thế bao giờ về tới nơi chị cũng thấy con ngồi nép vào một góc điếm và khóc thút thít. Sống cuộc sống thiếu thốn và đau khổ đến tận cùng nhưng người chồng vũ phu vẫn không buông tha mẹ con chị. Nhiều lần anh ta còn tìm đến tận “ổ chuột” của mẹ con chị để gây gổ và đánh đập. Nhiều đêm ôm con gái nhỏ vào lòng mà nước mắt chị như mưa.

Đời chị khổ quá rồi, chị thấy mình không còn vương vấn gì cuộc đời này nữa. Chị nói với con rằng đã đến lúc chị phải “ra đi”, vì chị thấy mình kiệt quệ sau vô vàn những trận đòn của chồng. Hơn hai mươi năm chưa một ngày chị được sống yên ổn. Thấy mẹ khóc, bé Nga quàng tay ôm mẹ nói: “Nếu mẹ chết thì anh em con sẽ chết cùng mẹ. Nếu mẹ chết một mình anh em con biết ở với ai?”. Trong đêm tối mịt mùng, chị bế đứa con nhỏ trên tay, dắt đứa lớn bên hông bước những bước xiêu vẹo ra thẳng bờ sông. Đứng trước dòng sông lạnh lẽo, chị xin hai con tha thứ cho mình. Chị muốn cả ba mẹ con chị sẽ về miền cực lạc, thoát khỏi những khổ ải nên trần thế. Nhưng, chị bắt đầu cái sự “giải thoát” của mình thì đứa con gái nhỏ hét lên: “Mẹ ơi, con sợ lắm. Mẹ con mình đừng chết nữa nhé!”. Tiếng đứa con gái nhỏ vang lên trong đêm tối làm chị bừng tỉnh. Chị không thể chết, càng không để các con mình phải chết. Vì chúng vô tội. Chị lại bế các con quay về.

Đứa con trai lớn của chị giờ đã không còn được nhanh nhẹn như trước nữa cũng chính vì người cha vô nhân tính. Bực mình vô cớ, thấy con chơi trước mặt, anh ta câm luôn cả viên gạch đập vào đầu nó khiến nó nằm bất tỉnh và máu chảy lênh láng. Nhìn cảnh tượng đau xót ấy, lần đầu tiên trong đời chị dám gáo thét vật vã. Chị cầu cứu hàng xóm láng giềng giúp chị đưa con đi bệnh viện nhưng anh ta đứng đó ngăn cản. Anh ta nói, “nó chết thì tao chôn. Cấm đứa nào được đụng đến nó”. Thế nên kể từ sau lần ấy, con chị thành một kẻ ngẩn ngơ. Ở nhà được vài bữa nó lại bỏ đi có khi đến cả tuần. Ban đầu chị còn hoảng hốt đi tìm nhưng sau biết nó đi rồi nó lại về chị cũng đành kệ nó.

Hành trình đi tìm công lý đẫm nước mắt


Vì gia đình chồng đông con nên khi lấy chồng về chị phải làm đơn rồi nộp tiền xin chính quyền địa phương được một suất đất giãn dân sau đó dựng một căn nhà tạm để hai vợ chồng có chỗ chui ra chui vào. Sau này khi đứa con trai đầu của chị đã lớn, vì không có điều kiện học hành nên nó nghỉ học sớm và đi làm (khi đó nó vẫn còn là đứa trẻ nhanh nhẹn). Nó bảo là sẽ tiết kiệm để thêm vào với mẹ sửa lại ngôi nhà. Dù sao nó cũng đã lớn, sau này còn lấy vợ sinh con nên cũng cần một chỗ ở cho tử tế một chút. Trước kế hoạch nghiêm túc ấy, hai mẹ con chị đã làm ngày làm đêm để mong sớm có tiền sửa lại ngôi nhà. Đầu năm 2009, việc sửa nhà cũng đã được bắt đầu. Nhưng đau đớn thay khi ngồi nhà trông đã tươm tất thì cũng là lúc kẻ vũ phu vô nhân tính ấy quẳng hết đồ đạc của mẹ con chị ra ngoài và đuổi đi. Bao nhiêu công sức, bao nhiều hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn giờ vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Sau một thời gian biến mẹ con chị thành những kẻ vô gia cư, anh ta đã cưới ngay một cô vợ mới, trẻ hơn chị đến mười tuổi. Ngôi nhà mẹ con chị chắt chiu sang sửa giờ thuộc về kẻ khác.

Thấy không còn gì vương vấn với kẻ đốn mạt ấy nên ngày 1-7-2009, chị Chúc đã làm đơn gửi lên Tòa án huyện Gia Lâm xin được “chấm dứt quan hệ vợ chồng với anh Nguyễn Đức Ngại”. Và cũng chính từ ngày hôm ấy chị lại bắt đầu một hành trình khổ ải mới: đòi quyền lợi đáng được hưởng cho mình và cho hai con. Khi người của tòa hỏi chị có tài sản gì đáng giá thì chị nói chỉ có đất và tài sản trên đất. Nhưng vì là đất gian dân nên chị chưa được cấp sổ đỏ. Tòa án huyện Gia Lâm yêu cầu chị về xin giấy trích lục của xã chứng tỏ đất đó là của chị. Khi chị xin được giấy trích lục như yêu cầu thì tòa nhất khoát đòi có sổ đỏ. Chị lại lật đật chạy sang phòng Tài nguyên môi trường xin làm sổ đỏ. Phòng Tài nguyên trả lời với chị rằng, vì đang có tranh chấp nên không thể giao cho chị sổ đỏ chính chủ mà chỉ có thể đưa cho bìa đỏ photo và công chứng. Chị Chúc mang giấy này nộp vào tòa, thì vào thời điểm ấy anh trai chồng lại làm đơn khiếu nại cấp sổ đỏ không đúng. Tòa án vin vào cớ đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết việc của chị. Không đành lòng để quyền lợi của mình và các con bị kẻ khác ngang nhiên chiếm đoạt, chị lại viết kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

Nửa tháng sau, Tòa án nhân dân TP Hà Nội ra công văn phải chờ Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm xem xét và quyết định việc cấp sổ đỏ cho chị là đúng hay sai mới giải quyết. Ròng rã một năm đó chị lấy được bốn công văn của Ủy ban huyện gồm: Phòng Tài nguyên môi trường, Thanh tra huyện và phúc đáp của Ủy bạn huyện Gia Lâm gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Nhưng đã tròn hai năm kể từ khi chị viết lá đơn đầu tiên giờ mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Nói với tôi mà nước mắt chị Chúc giàn giụa: “Dù khó khăn đến mấy tôi cũng phải cố gắng đòi nhà cho các con của mình cô chú ạ. Đó là việc ý nghĩa nhất tôi có thể làm cho chúng nó!”.


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ