Quần áo

Quần áo

12 thg 7, 2011

Để cho trẻ ngủ ngon hơn

Giấc ngủ có một ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể và trí não của trẻ em. Nếu bị thiếu ngủ, trẻ sẽ chậm lớn hoặc tinh thần bất an: mệt mỏi, dễ nổi cáu, tư duy kém… thậm chí có thể rối loạn tâm thần nếu như mất ngủ trong một thời gian dài. Ngược lại, khi bạn chăm lo hơn cho giấc ngủ của con trẻ thì khi thức dậy tinh thần của trẻ sẽ thoải mái hơn, kết quả học tập sẽ tốt hơn và trẻ sẽ năng động hơn trong các hoạt động vui chơi.

Hai việc cần làm để giấc ngủ của trẻ ngon hơn.

Thứ nhất: cần phải chuẩn bị cho trẻ một chỗ ngủ phù hợp.

Nơi đó phải sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát trong mùa hè và ấm áp trong mùa đông. Đối với gia đình có điều kiện, nếu trang trí phòng ngủ cho trẻ thì cần chọn những màu sắc dịu nhẹ, không quá tối làm trẻ sợ và cũng không quá sáng làm trẻ khó ngủ. Cách tốt nhất là nên treo những hình ảnh thân thuộc với trẻ: ảnh chụp cha mẹ với trẻ, ảnh các con thú mà trẻ yêu thích…Điều đáng chú ý nữa là giường, nệm cũng phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Với những bé sơ sinh, năm tháng đầu đời không nên cho trẻ nằm nệm quá mềm, nằm võng, gối đầu cao… Vì trong giai đoạn này xương của trẻ còn rất yếu, đang trong giai đoạn phát triển, nếu nằm như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới độ cong tự nhiên của cột sống sau này. Nên buông màn để tránh ruồi muỗi quấy nhiễu. Đồng thời cũng nên kiểm tra xem xung quanh trẻ có dây hoặc các vật cứng gì không. Vì có những em bé nằm hay xoay đạp lung tung, dây quấn vào cổ sẽ làm trẻ khó thở, vật cứng (dao, kéo,…) sẽ làm trẻ bị thương. Nếu trẻ ngủ giường riêng, cần phải dặn trẻ nếu bị đau bụng, đau đầu, tiêu chảy…cần phải nói ngay cho cha mẹ biết để kịp thời điều trị.

Thứ hai: Hãy tạo cho trẻ một cảm giác bình an trước khi đi ngủ.

Cần tập cho trẻ thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Khi trẻ không chịu đi ngủ, bạn không nên quát mắng hay doạ dẫm chúng. Điều đó sẽ khiến bé ngủ hay bị giật mình. Thay vì điều đó, bạn hãy dành một chút thời gian để kể cho bé nghe một câu chuyện cổ tích, hát ru hoặc mở cho trẻ nghe một bản nhạc êm dịu… Có rất nhiều trẻ khi đi ngủ còn mang theo thái độ lo lắng vì bài tập vẫn chưa làm xong. Bạn hãy giúp trẻ lập lại một thời gian biểu tốt hơn để trẻ có thể hoàn thành bài vở của mình và đi ngủ đúng giờ. Nhiều em còn rất sợ ma, sợ bóng tối, thậm chí còn sợ cả tiếng mèo kêu. Trong trường hợp này, bạn không nên để trẻ nằm ngủ một mình, vì khi tỉnh ngủ không thấy ai bên cạnh, trẻ sẽ sợ hãi hơn và rất khó ngủ tiếp được.

Trẻ ngủ trong bao lâu là đủ?

Với người lớn tuổi, ngủ từ 6-8 tiếng là đủ, nhưng với trẻ nhỏ thì lại khác. Trẻ nhỏ ở các lứa tuổi khác nhau cũng có thời gian ngủ khác nhau.

- Trẻ sơ sinh ngủ 20h một ngày đêm.

- Trẻ 2 tháng tuổi: ngủ 18h và ngủ nhiều về đêm hơn.

- Trẻ 3-12 tháng tuổi: ngủ 16-17h. Trong đó ngủ ban đêm là 10-11h, ban ngày ngủ 3-4 giấc, mỗi giấc 1-2h. Giai đoạn này bạn nên hình thành thói quen để duy trì giấc ngủ tự nhiên cho trẻ.

- Trẻ 12-18 tháng tuổi: ngủ 14-16h. Trong đó ban đêm ngủ 10-11h, ban ngày ngủ 2-3 giấc, mỗi giấc ngủ 1-2h.

- Trẻ 18-36 tháng tuổi: Ngủ 12-14h. Trong đó ngủ đêm là 10h, ngủ ngày 2-3h.

- Trẻ 3-6 tuổi: ngủ 11-12h. Trong đó ngủ đêm 8-9h, ngủ ngày 2-3h.

- Trẻ 7-10 tuổi: ngủ 10h. Trong đó ngủ đêm 8h, ngủ ngày 2h.

- Tuổi từ 10-15: ngủ 9h là đủ.

Các bậc phụ huynh cần quan tâm và cho trẻ ngủ đúng và đủ số giờ cần thiết để cho trẻ có sự phát triển một cách toàn diện hơn.

Tư thế ngủ thích hợp cho trẻ nhất.

Theo khuyến cáo của Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kì đưa ra khi bàn về: “Chuẩn giấc ngủ ở những trẻ sơ sinh khoẻ mạnh-1992”: Khi bắt đầu ngủ, trẻ có thể nằm ngửa, nằm nghiêng, ôm gối…nhưng khi đã ngủ say, bạn nên đặt bé nằm ngửa. Vì khi nằm ngửa, dạ dày và mạn sườn của trẻ không bị đè ép, giấc ngủ không bị cản trở. Đặc biệt, bạn không được cho trẻ nằm sấp, vì rất dễ có nguy cơ bị nghẹt thở. Với những bé có dị tật thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm cho trẻ một tư thế ngủ tốt nhất.

Phạm Tử Văn

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ