Quần áo

Quần áo

7 thg 6, 2011

Hàng trăm triệu đồng 1 chiếc… xe máy!

Hàng triệu người dân đô thị Việt Nam sẽ có thể phải… bán nhà để mua phương tiện đi lại.

Giá một chiếc xe máy có thể sẽ bằng một chiếc… ô tô hiện đại. Hàng triệu người dân đô thị Việt Nam sẽ có thể phải… bán nhà để mua phương tiện đi lại. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối có thể sẽ đồng loạt phá sản, đóng cửa vì chẳng biết bán cho ai… Đó là ý kiến của nhiều người trước đề xuất "Phí được quyền mua ô tô, xe máy" của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).
Hàng trăm triệu đồng 1 chiếc… xe máy!

Chiều 4/6, theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại các tuyến phố bán xe máy lớn ở Hà Nội, nhiều người dân khi được hỏi đã "kêu trời" trước "sáng kiến"... độc của VAFI. Tại phố Huế, chủ cửa hàng 302, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hùng Chung Nghĩa thốt lên: "Thế thì chết". Nếu chiếu theo "cấp số nhân" mà đề xuất đưa ra thì tại cửa hàng này đã có những chiếc xe giá từ vài chục ngàn USD. Chiếc SH 150 nhập sẽ có giá khoảng 25.000 USD, trong khi hiện chiếc xe này đang được chào bán với giá nhỉnh hơn 6.000 USD. Còn chiếc Vespa LX nhập có giá bán 5.100 USD thì người tiêu dùng phải bỏ suýt soát 21.000 USD mới hy vọng mua được.

Cũng tại phố Huế, tỏ ra nhanh nhạy với đề xuất của VAFI, nhân viên một cửa hàng "ốp" luôn: "Mua ngay đi anh, sắp tới nghe nói người ta tăng giá xe máy lên đến 4 lần cơ đấy. Mấy ngày nay, người đến hỏi mua xe đông lắm". Nghe qua, tưởng VAFI đang thực hiện "chiêu kích cầu" cho các cửa hàng bán xe?


Với đề xuất của VAFI, xe máy sẽ có giá cao hơn rất nhiều.
(Ảnh: Chí Cường)

Về phía người tiêu dùng, chị Hoàng Thị Lan, khách hàng đang chọn mua một chiếc Vespa LX nhập khẩu cho rằng, nếu "đội" giá lên đến 4 lần thì người mua hàng như chị sẽ phải bỏ trên 20.000 USD. Theo chị, với số tiền này, có thể "rinh" một chiếc "xế hộp" mới toanh về nhà.

Với các đề xuất của VAFI, không riêng các cửa hàng xe nhập giá trị cao mà ngay cả dòng xe nằm trong phân khúc hạng trung từ 20-70 triệu đồng/chiếc cũng sẽ có giá… khủng. Đây là những dòng xe chiếm thị phần cực lớn trên thị trường và dĩ nhiên, đối tượng sử dụng cũng thuộc lớp người có thu nhập thấp, trung bình.

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, nếu loại trừ đối tượng sử dụng là người ở vùng nông thôn, thành phố nhỏ như đề xuất nêu thì tại các thành phố lớn, lượng người sử dụng dòng xe máy hạng trung nói trên cũng lên đến hàng triệu. Nói như vậy để thấy, đối tượng sử dụng và chịu ảnh hưởng nếu đề xuất trên đi vào hiện thực là con số không nhỏ. Các loại xe máy được người tiêu dùng ưu thích gồm: PCX nhập của Honda có giá 73 triệu đồng/chiếc (xe nội là 54 triệu đồng/chiếc), Air Blade nhập có giá 65,5 triệu đồng/chiếc (xe nội khoảng 47 triệu đồng); xe Shark của SYM có giá 47 triệu đồng/chiếc, EZ 100 của SYM giá 12,4 triệu đồng... Với những chiếc xe "phổ thông" này, nếu nhân 2 lần cộng với giá bán của xe thì đều nằm ngưỡng từ 1.000 -7.000 USD, một con số quá lớn đối với phần đa khách hàng.

Tại tổng đại lý Khánh Ngà (18-20 Nguyễn Thái Học) chuyên phân phối xe YAMAHA, khách hàng Nguyễn Duy Đông cho rằng nếu tăng giá tối thiểu lên 2 lần thì chiếc Sirius mà anh đang chọn mua cũng ngót nghét 50 triệu đồng. "Đây là mức quá sức chịu đựng của số đông người tiêu dùng", anh Đông nói.
Dẹp nạn hay... gây loạn?

Về cái lý để đưa ra đề xuất nêu trên cho xe máy mới, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho rằng: "Với các sắc thuế hiện hành... nếu áp dụng hết khung thì cũng không thể ngăn được tình trạng nhập khẩu ngày càng gia tăng... Bằng phương pháp này có thể gần như hoàn toàn ngăn chặn được việc sử dụng xe xa xỉ, đắt tiền, có thể giảm 1/2 tổng giá trị nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, xe nguyên chiếc". Theo VAFI, cái đích cuối cùng là để giảm phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng, kiểm soát được việc nhập khẩu.

Mục tiêu là vậy, nhưng không hiểu cơ quan soạn thảo đề xuất này có lường được nguy cơ... "loạn" trong các điều khoản được nêu ra hay không? Trong phần "Thiết kế chính sách phí đối với việc mua xe máy mới" có nêu: "Xe bình dân (giá trị thấp nhất) tương ứng với người có thu nhập thấp không thu phí ở khu vực nông thôn, các thành phố nhỏ". Với quy định này, có ý kiến cho rằng, "cơ chế" đã tạo cách cho người thực hiện "lách". Người dân ở thành phố hoàn toàn có thể nhờ "dân quê" mua xe, hoặc mua lại của "dân quê" thì lấy cơ sở nào để "cấm"? Và chúng ta có thể hình dung ra một cuộc "đại dịch chuyển" các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán xe máy lớn bé ùn ùn đổ về nông thôn. Sau đó chính những chiếc xe này lại về "phố" dưới hình thức chuyển nhượng và khi đó, đường tắc vẫn hoàn tắc, người có nhu cầu thì vẫn mua và "chính sách" có nguy cơ "chết đứng".

Cao hơn cả “cụ tổ” của thuế

"Xét về khái niệm đã thấy sai. Trong Từ điển Tiếng Việt, nghĩa gốc của từ "phí" là mức đóng góp giúp cơ quan quản lý trong vấn đề tài chính chứ không phải là "thuế". Như vậy, phí là một khoản tiền rất nhỏ nhưng đề xuất của VAFI đưa ra mức gấp từ 2-10 lần giá trị tài sản thì đây không còn gọi là "phí" nữa. Mức này còn cao hơn cả "cụ tổ" của thuế nên không phù hợp. Thực tế, ngoài các khoản phí thì người mua, đơn vị kinh doanh đã phải đóng thuế. Mặt khác, việc được sở hữu tài sản hợp pháp là quyền của mỗi công dân đã được quy định trong Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự. Việc VAFI đưa ra khái niệm phải đóng "phí" mới được "quyền" thì đã vi phạm quyền cơ bản của công dân". Ông Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Học viện Tư pháp.

“Không có căn cứ!”

"Nếu chúng ta đánh thuế cao thì vi phạm các cam kết quốc tế cho nên VAFI mới đưa ra đề xuất "phí" cao hơn thuế như trên để "lách". Nhìn ở một góc độ nào đó, nếu đưa đề xuất này vào áp dụng thì cũng vi phạm các cam kết quốc tế và người dân không có lý gì để phải đóng một khoản tiền quá lớn như vậy để sở hữu một thứ tài sản. Tóm lại, theo tôi không có căn cứ gì để áp dụng mức phí "khủng" nêu trên". Anh Hoàng Long, đường Yên Duyên, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội.

“Thu ai, thu bao nhiêu cần tính kỹ”

"Việc hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng đã được đề cập trong Luật Giao thông đường bộ. Tại Việt Nam, thực tế đã có nhiều biện pháp đã và sắp áp dụng như thu phí đường bộ hoặc phí bảo trì đường bộ. Theo tôi, quan điểm hạn chế phương tiện cá nhân là không sai, còn việc thực hiện quan điểm này như thế nào, thu ai, thu bao nhiêu là cái cần tính kỹ. Cũng không thể nói việc ban hành phí được quyền mua ô tô, xe máy là vi phạm. Không phải lúc nào mình cũng nói như thế được. Nói thế thì làm sao có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân". Bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT.

Công Tâm

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ