Quần áo

Quần áo

6 thg 6, 2011

Cảnh báo thực phẩm sử dụng chất bảo quản

"Kiểm tra 100 chiếc bánh bao trên thị trường thì có đến 93,3 cái sử dụng chất bảo quản ngoài danh mục cho phép".

"Kiểm tra 100 chiếc bánh bao trên thị trường thì có đến 93,3 cái sử dụng chất bảo quản ngoài danh mục cho phép. Tương tự, tỉ lệ này trong phô mai là 60%, sữa tươi tiệt trùng là 60,7%, thực phẩm chay là 55% mì ăn liền là 33,3%...". Thông tin này được ông Vũ Trọng Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM cho biết tại Hội thảo "Phụ gia thực phẩm-những nguy cơ tiềm ẩn" do Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam tổ chức tại TP HCM, ngày 4/6.
Tương ớt, tương cà vượt 27 giới hạn an toàn

Căn cứ vào các thông tin cập nhật nhất mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) trao đổi với cơ quan Y tế Đài Loan và thông tin từ mạng INFOSAN, cuối tuần qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã yêu cầu 13 cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu thực hiện kiểm tra chặt chỉ tiêu DEHP không những đối với phụ gia tạo đục mà còn đối với các sản phẩm giải khát có xuất xứ từ Đài Loan. Được biết, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tăng cường giám sát trên thị trường các sản phẩm có liên quan, cập nhật kết quả và thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng.

Theo ông Vũ Trọng Thiện, qua kết quả kiểm nghiệm chất bảo quản các mẫu thực phẩm lấy ngẫu nhiên trên thị trường trong năm 2010 và 4 tháng đầu năm 2011 cho thấy, những thực phẩm như bánh bao, phô mai, sữa tươi tiệt trùng, thực phẩm chay... sử dụng chất bảo quản ngoài danh mục cho phép. Sau khi tiến hành phân tích 349 mẫu thực phẩm là các loại nước giải khát, nước tương, tương cà tương ớt, thịt chế biến sẵn... có 20,3% số mẫu không đạt chỉ tiêu an toàn do sử dụng quá mức natribenzoat và kali sorbet.
Đối với các mẫu tương ớt, tương cà thì liều natri benzoate có những mẫu vượt gấp 27 lần giới hạn tiêu chuẩn an toàn. Nếu người tiêu dùng sử dụng lâu dài các chất này sẽ gây các rối loạn tổng hợp protein, thiếu chất thơm trong máu, nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh ung thư. PGS.TS Nguyễn Khánh Trâm, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, tuy không gây ngộ độc cấp, song những loại phụ gia độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng về lâu dài.

Cũng theo ông Vũ Trọng Thiện, những mẫu mà các doanh nghiệp tự đem đến kiểm nghiệm tại Viện có kết quả thường khác hẳn so với những mẫu Viện này tự lấy ngẫu nhiên trên thị trường. Ông Thiện cho rằng, kết quả đó là do các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị.

GS.TS. Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, sử dụng các chất bảo quản không được phép như formol, hàn the và bột sắt làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Formol và hàn the thường có trong các loại thực phẩm cần độ dai, độ giòn và khó bảo quản như bánh phở, hủ tiếu, bánh ướt, bánh cam, nem chả và dưa chua các loại...
Còn bột sắt, một chất được chiết xuất từ than đá, được cho vào nước dùng phở, bún, hủ tiếu để tạo màu hấp dẫn hơn. Formol là tác nhân gây viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, nổi mề đay, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dạy, viêm đại tràng... Đặc biệt, chất này khi tiếp xúc hay ăn phải với một hàm lượng cao có thể gây tử vong. Đây cũng là tác nhân gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể: Xoang mũi, đường hô hấp đặc biệt là mũi, họng, phổi, ung thư đường tiêu hóa.


Người tiêu dùng nên chọn các thực phẩm có uy tín trên thị trường. Ảnh: Chí Cường

Theo GS.TS Phan Thị Kim, chất hàn the, nếu sử dụng từ 3-5 gram/người/ngày sẽ gây rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn không ngon, người mệt mỏi¸khó chịu, khả năng làm việc giảm sút. Với hàm lượng trên 5gam mỗi ngày sẽ gây suy dinh dưỡng, chậm phát triển, giảm trí nhớ. Ngoài ra, hàn the còn làm tổn thương và hư hại các tế bào gan, teo tinh hoàn và có tác nhân gây ung thư. Tương tự, bột sắt khi vào cơ thể người dù nhiều hay ít đều có khả năng tích tụ và gây ung thư. Tại hội thảo, các nhà khoa học khuyến cáo nhà sản xuất trong nước cần thực hiện nghiêm việc sử dụng phụ gia. Còn người tiêu dùng cũng phải sáng suốt không nên chú trọng quá vào hình thức sản phẩm.

Nỗi lo mới: DEHP!

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM lưu ý người tiêu dùng, hiện các sản phẩm đã được xác định nhiễm DEHP tại Đài Loan gồm hạt trân châu của công ty Possmei; viên calcium và viên vitamin của tập đoàn Brand's; nước uống nhãn hiệu Fruit House của Tập đoàn thực phẩm Heysong; nước uống thể thao Pro Sweat; nước uống măng tây của Tập đoàn Uni-President; bột Collagen của Công ty TaiYen; siro nho và dâu tây của Công ty Toàn Lâm; nước uống tăng lực của Công ty Duyệt Thị; nước uống Yes water của Công ty Taiwan Yes; bột thực phẩm dinh dưỡng Power-Lac của Công ty Cổ phần kỹ thuật sinh học Bách Thịnh (Bio Chain).

"Tuy được phát hiện ở Đài Loan, song vì an toàn của người tiêu dùng Việt Nam, Chi cục yêu cầu doanh nghiệp tại TP HCM nếu có kinh doanh các mặt hàng nêu trên phải khai báo với chi cục, đồng thời tự lấy mẫu mang đi xét nghiệm để truy chất DEHP. Trước đó, Công ty New Choice Foods của Việt Nam đã phải thu hồi toàn bộ thạch rau câu khoai môn hiệu Taro, do có sử dụng phụ gia chứa DEHP xuất xứ Đài Loan. Hiện chi Cục đang tăng cường giám sát việc thu hồi thạch hương vị khoai môn (hiệu Taro) ở các chợ, siêu thị... trên địa bàn thành phố", bà Mai nói.
Huyền Trang

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ