Quần áo

Quần áo

21 thg 6, 2011

Con cái hư, phụ huynh bế tắc và đơn độc

Bắt con bò từ tiệm game về nhà; Bắt cháu đeo bảng “tôi là thằng ăn cắp” đứng trước nhà. Bà nội bắt cháu thoát y, đeo xích lếch khắp xóm… và còn nhiều vụ khác. Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp nhiều thông tin về những hình phạt phản cảm trên đã làm các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục phải suy nghĩ. Bức xúc của dư luận ít nhiều không còn phê phán cách giáo dục có phần bạo lực, xúc phạm nhân phẩm của trẻ em, mà dường như đã trở nên lo lắng vào một hiện trạng xã hội quá nhiều cạm bẫy với lứa tuổi thanh thiếu niên : không chỉ là game online, còn nhiều thứ khác: đua xe, ăn chơi, tụ tập quán xá, quan hệ tình dục bừa bãi, lang thang đi bụi thâu đêm suốt sáng…

Có thể những hình phạt này sẽ đem lại một hiệu quả trong một thời gian nào đó. Nhưng chắc chắn sẽ tạo nên những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn của trẻ. Các hình phạt như vậy chứng tỏ phụ huynh đã bế tắc trong việc giáo dục con cháu . Bó tay. Không còn cách nào khác, mới sử dụng những hình phạt nhằm để sỉ nhục “tội đồ, với hy vọng sự “biêu riếu” sẽ đánh thức lòng tự trọng, sĩ diện mà đoạn tuyệt với các đam mê tai hại.

Bế tắc và cô độc? Thật vậy, thực sự hiện nay nhiều phụ huynh hoàn toàn bất lực trước sự hư hỏng của con cái. Có một phương châm quen thuộc và lý tưởng trong việc giáo dục thanh thiếu niên, học sinh: “Sự kết hợp của gia đình, nhà trường và xã hội”. Nhưng thực tế nhà trường không thể kham nổi, có lẽ chỉ lo dạy văn hóa là hết hơi, sức thầy cô cũng có hạn, học sinh lại đông. Còn “xã hội” một khái niệm rất mơ hồ, đầy tính hình thức. Xã hội là ai? Cụ thể là tổ chức hay cá nhân nào có thể kết hợp với gia đình, nhà trường chăm lo cho thế hệ trẻ. Hệ thống chúng ta có đầy đủ các tổ chức như: Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tổ chức Đoàn Thanh Niên, Đội Thiếu Niên từ cấp cơ sở đến Trung Ương. Pháp luật cũng có đủ các chương, điều bảo vệ và giáo dục thanh thiếu niên. Sự quan tâm cũng không thiếu, có những năm được lấy chủ đề: “Năm bảo vệ và chăm sóc trẻ em”… Như vậy còn thiếu cái gì? Vì sao trẻ em ở xứ ta vẫn chưa được một sự quan tâm đúng mức. Phụ huynh ăn ngủ, đứng ngồi không yên. Người có con cái hư hỏng thì bế tắc, nảy sinh những hình phạt phản cảm để dư luận phải lên án. Người thì nhốt con, bám sát con từng bước, không dám thả con ra xã hội dù là một phút, để sau này tạo ra những đứa bé sống lâu năm, khờ khạo, ngơ ngác trong dòng đời.

Còn nhiều thứ để bàn và phân tích nguyên nhân. Nhưng có một thực tế cần phải lên tiếng là hình như “xã hội” chưa thật lòng trong việc chăm lo thế hệ trẻ. “Chưa thật lòng” có nghĩa là chưa làm hết sức, vẫn còn hình thức, báo cáo thành tích, lễ hội, trống kèn… Có nhiều lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, nhưng chưa có một lực lượng nào có thể ngăn ngừa sự hư hỏng của giới trẻ có hiệu quả. Cách đây nhiều năm, sau khi tham quan ở Mỹ, một nhà báo nổi tiếng kể rằng bên đó có một lực lượng cảnh sát chuyên trách vấn đề thanh thiếu niên. Nhiệm vụ hàng ngày của họ là chặn hỏi bất cứ một trẻ em nào từ 17 tuổi trở xuống lang thang một mình hay tụ tập trên đường, trong quán không có người lớn đi kèm, sau đó sẽ báo ngay cho phụ huynh nếu cần thiết. Họ làm việc nhiệt tình, hết trách nhiệm vì đó là luật. Bên ta các cơ quan pháp luật chỉ ra tay sau khi trẻ đã gây chuyện. Phụ huynh được mời lên, làm kiểm điểm, bảo lãnh, và thường phải nhận những lời dặn dò, răn đe: “Về dạy con cái cho đàng hoàng”. Còn việc trốn học tụ tập, chui vào tiệm net chơi game ngày này qua ngày nọ hay những hành vi hư hỏng khác thì phụ huynh bó tay. Gia đình hoàn toàn đơn độc trong việc theo dõi, phát hiện sự hư hỏng của con cái. Đó là cả một quá trình gian nan, khổ sở, phải bỏ cả công ăn việc làm để theo, rình rập trước tiệm game, quán xá, lê la đường phố… Khổ lắm. Do vậy khi chộp được đứa con trong tiệm game, có phụ huynh nổi điên đập con tại chỗ hay bắt quỳ, bắt bò lết... cũng là điều dễ hiểu.

Kiến nghị: Đề nghị nhà nước phải vào cuộc thật sự trong việc giáo dục thế hệ trẻ. “Xã hội” mà cụ thể là luật pháp, các cơ quan quản lý, giáo dục phải thật sự đồng hành với phụ huynh. Không thể kêu gọi suông. Cần nhanh chóng thành lập những lực lượng đặc nhiệm quản lý thanh thiếu niên ở những nơi nhạy cảm như: tiệm game, quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn và những nơi công cộng khác… Cần có luật cụ thể. Nói chung là tạo một môi trường tương đối an toàn, sạch sẽ để phụ huynh có thể an tâm hơn trong việc quản lý con cái. Còn nếu như hiện nay, quả thật phụ huynh đang hoàn toàn bế tắc và đơn độc.

Tiến BìnH

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ