Mỗi gia đình đều có bi kịch
Hồi nhỏ tôi sống trong một gia đình nói chung là rất sóng gió. Tôi ghét gia đình của mình và tôi ao ước mình được sinh ra trong một gia đình khác, giống như gia đình của bạn bè tôi vậy. Tôi thấy họ hạnh phúc bên gia đình của mình. Nhưng sau này, khi lớn lên và bắt đầu hiểu biết về cuộc đời, tiếp xúc nhiều tôi lại cảm thấy gia đình tôi là hạnh phúc hơn hết. Bởi cho dù nó tồi tàn nhưng tôi vẫn có những người thân yêu luôn yêu thương và chăm sóc cho tôi. Và tôi tự hào vì điều đó.
Tôi có nhiều bạn bè, và đa số những đứa bạn điều kể cho tôi nghe gia đình của họ mỗi khi có chuyện buồn. Với mỗi đứa, tôi thấy một bi kịch khác nhau. Có đứa thì cha mẹ suốt ngày cãi vả, không lo làm ăn, bỏ những đứa con tự bươn chải, tự lớn lên giữa cuộc đời đầy cạm bẫy này. Nó đã phải tự trụ lại trước những sóng gió mà cuộc đời liên tục quất vào nó. Nhiều lúc nó gục ngã, nó buông xuôi, nhưng rồi lại cố gắng đứng lên và bước tiếp về phía trước.
Hay đứa khác, cha mẹ nó ly hôn, nó hoàn toàn bị bỏ rơi và cô độc. Nhưng nó vẫn lớn lên và thấy cuộc đời này lúc nào cũng là màu đen tối. Nó nhìn đâu cũng thấy dối lừa, thấy bỏ rơi... Nó chạy trốn cuộc đời và tự rút mình vào vỏ ốc đơn độc. Nó xù lông lên mỗi khi ai đụng vào nó, đụng vào phần trong sáng cuối cùng mà nó cố giữ lấy.
Lúc nhỏ điều tôi ước ao nhất là bỏ đi, đi thật xa khỏi gia đình mình. Bởi khi đó, tôi không phải nghe, không phải chứng kiến và không phải đối diện với nó mỗi ngày. Những đứa bạn tôi cũng như thế. Chúng trốn chạy gia đình mình, trốn chạy người thân, trốn chạy cả tuổi thơ đã trở thành nỗi ám ảnh mà chúng cố gạt bỏ từ rất lâu. Chỉ khi đi xa, khi không còn nghe hoặc dính líu đến gia đình chúng mới bình tâm trở lại. Mỗi khi tôi kêu những người bạn mình về nhà, nói chuyện với cha mẹ và cố gắng xua đi nỗi ám ảnh mang tên gia đình đó tôi đều bất lực. Chúng không bao giờ quay về trong trường hợp còn trốn được. Tôi cảm thấy thương cho bạn bè mình. Tôi vận dụng hết lí lẽ và hiểu biết của mình để khuyên họ, nhưng tôi cũng tuyệt vọng như họ đã từng tuyệt vọng.
Thật ra thì gia đình nào cũng có bi kịch cả, giống như Tolstoy đã từng nói: "Hạnh phúc thì ai cũng như nhau, nhưng bất hạnh thì mỗi gia đình lại bất hạnh theo một kiểu". Cho nên trốn chạy đó không phải là cách tốt nhất để vượt qua bi kịch của đời mình. Chúng ta phải đối diện với nó, phải tìm cách khắc phục và vượt qua nó. Hãy ngồi nói chuyện thẳng thắn với cha mẹ và những người trong gia đình. Một mẹo nhỏ là hãy nắm bắt tâm lí của cha mẹ, anh chị để từ đó chúng ta có thể dễ nói chuyện và cả thương lượng hơn. Tôi đã từng làm như thế và cảm thấy rất hiệu quả vì ba tôi là một người rất cổ hủ và cố chấp. Nếu không được nữa thì có thể chúng ta phải có một động thái mạnh hơn (để hù dọa thôi và nhớ phải xem trước hậu quả, kẻo lại làm căng thẳng sự việc hơn). Và một điều cũng quan trọng nữa là hãy thông cảm cho cha mẹ vì cuộc sống, vì khoảng cách thế hệ mà đôi khi họ không hiểu được chúng ta và có những suy nghĩ cổ hủ. Cho nên chúng ta càng phải nói chuyện với gia đình mình hơn nữa.
Nhiều bi kịch đổ máu đã xảy ra khi giới hạn chịu đựng của những đứa con và bậc làm cha mẹ không còn nữa. Khi đó, cho dù kết quả là gì đi chăng nữa thì cũng đau thương. Vậy cớ gì chúng ta cứ giữ mãi trong lòng, cứ kiềm nén? Bởi kiềm nén hay giữ trong lòng thì sớm muộn gì nó cũng bùng nổ thôi. Chúng ta nên giải quyết nó cho triệt để. Còn không nữa, thì tốt nhất là tránh gặp nhau một khoảng thời gian để cả hai (hoặc hơn) bình tĩnh lại.
Bỏ đi là cách nhiều người chọn nhất, về mặt hiệu quả tức thời thì nó rất hiệu quả, tuy nhiên, về mặt lâu dài thì đó không phải là cách tốt. Khi bỏ đi, bạn sẽ rời xa mái ấm, rời xa sự bảo bọc của gia đình, bạn sẽ dễ dàng rơi vào những cạm bẫy mà mình không biết trước được. Lúc này, bạn không những không thoát được nỗi đau khổ mà còn trượt dài và quay cuồng trong nó hơn nữa.
Gia đình nào cũng có bi kịch, cái quan trọng là mỗi thành viên trong gia đình đón nhận và giải quyết nó như thế nào mà thôi.
Nguồn ảnh: Internet
Nhãn: Yêu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ