Quần áo

Quần áo

28 thg 4, 2011

Bị stress do phụ huynh quá khắt khe

Vẫn biết bố mẹ khắt khe trong việc đánh giá năng lực của mình cũng chỉ để con cái tốt hơn. Nhưng điều này đôi khi khiến teen thật sự bị áp lực.

Từ yêu cầu cao trong học tập

Bạn M (Lớp 10 Toán- PT chuyên ĐHSP) chia sẻ: “Thật sự mình luôn cố gắng để đạt kết quả cao nhất trong lớp để bố mẹ cảm thấy vui. Nhưng mỗi lần mình khoe điểm 9 thì mẹ lại bảo: Chỉ được có 9 điểm thôi à? Thực sự mình thấy thật khó để bố mẹ hài lòng”.

Những teen sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành tất nhiên tự “mặc định” mình phải giỏi. Cũng bởi vì các bạn ấy được bố mẹ kèm cặp từ nhỏ nên điều này không quá bất ngờ. Nhiều gia đình khá giả mà bố mẹ không phải trí thức cũng đưa ra những “tiêu chuẩn” mà teen phải vươn tới. Đôi khi cha mẹ không để ý xem cái mốc đó có phù hợp với con cái họ không?

Bạn H, học sinh lớp 12 một trường chuyên ở Hà Nội đã từng nghĩ đến chuyện… bỏ mặc tất cả vì quá mệt mỏi khi bố mẹ đặt nhiều hy vọng vào mình. Bố mẹ H làm kinh doanh nên rất muốn cậu con trai độc nhất sẽ là một người không đơn thuần là có học thức, mà phải là học thức cao.

H than thở: “Mình biết tính bố mẹ rất coi trọng danh tiếng, nên đã cố gắng hết sức rồi. Để thi được vào trường cấp 3 chuyên theo ý bố, mình đã phải học như "điên" mà bây giờ vẫn hơi đuối...

Vậy mà bố mẹ mình cứ nghĩ con trai là siêu nhân, học giỏi là đương nhiên. Hôm trước mẹ còn tuyên bố rằng mình sẽ phải thi lấy học bổng toàn phần một trường ĐH danh tiếng ở Anh ”. Hiện tại bạn H vẫn đang phải vắt chân lên cổ để học. Bên cạnh đó còn phải tính kế làm sao “kéo bố mẹ từ trên mây xuống” để cho họ khỏi ảo mộng về “thần đồng” của mình.
Đến những yêu cầu trong đời sống

Nếu teen nào đã “thoát” cửa ải trên vì thấy bố mẹ mình sống ở “trần gian” chứ không phải “trên mây” thì chưa chắc đã vội mừng. Những bậc phụ huynh khác lại có yêu cầu đặt ra với con cái họ về những vấn đề trong đời sống hàng ngày.

Có nhiều ông bố, bà mẹ rất tâm lý khi khen con cái của họ đúng lúc. Điều này khích lệ tinh thần cho teen rất lớn, giúp các bạn có niềm tin để làm những việc tiếp theo. Bên cạnh đó cũng có những bậc phụ huynh quan niệm rằng: “Khen là làm cho bọn trẻ hư” và vì vậy mà họ rất nhiệt tình “chê” con cái của mình. Mặc dù có những người thấy rất hài lòng với con nhưng lại vẫn cứ... coi như không.

Bạn Thủy (16t, HN) ấm ức: “Hôm 8/3 vừa rồi bố đi công tác, nhà chỉ có 2 mẹ con. Mình sợ mẹ buồn khi bố vắng nhà nên đã dọn dẹp nhà cửa và nấu mấy món thật ngon hy vọng mẹ vui.

Nhưng thật buồn khi mẹ vừa về đến cửa đã quát lên tại sao chổi để ngay cửa, giầy không để vào tủ. Sau khi mình bưng mâm ra thì chê món này cháy, món kia mặn. Con gái mà nấu ăn tệ thế thì làm sao được! Dù biết đúng là mình không làm tốt bằng mẹ nhưng cũng đâu đến nỗi tệ thế. Mẹ lúc nào cũng chê mình thôi”.

Bạn trai D (17t, HN) sau khi được bố "giáo huấn" cho những công việc mà đàn ông phải biết làm, thì bạn ấy đã học được cách thay bóng đèn tuýp, lau dầu cái quạt hay sửa cái đèn học cho em gái.

Mẹ bạn đã rất tự hào về con trai nhưng lại không khen con trước mặt mà… sang hàng xóm khen. Về nhà lại nói rằng con trai biết những cái đấy là bình thường. Mẹ bạn yêu cầu con trai phải biết sửa điện, nước trong nhà nữa.

D cho biết: “Nói thật là bọn con trai lớp mình chúng nó chẳng biết những việc đó đâu. Thời mình đâu có như các cụ trước kia, lúc nào cũng có kỹ sư trong nhà. Bảo mình học mấy cái lặt vặt thì được chứ biến mình thành kỹ sư thì mình không có khả năng. Mình không yêu thích nên khó học lắm”.

Lời kết

Tất cả những yêu cầu của bố mẹ cũng chỉ nhằm mục đích cuối cùng là để con cái mình tốt hơn. Teen hãy hiểu và thông cảm cho phụ huynh của mình. Đừng cho rằng bố mẹ chỉ nghĩ cho bản thân mà không để ý suy nghĩ của con cái. Hãy cứ làm hết sức mình rồi bố mẹ sẽ hiểu được sự nỗ lực của bạn.

Nếu đến một ngày bạn cảm thấy mọi chuyện đã đi quá xa và muốn giải tỏa. Thì hãy mạnh dạn nói chuyện với bố mẹ bằng chính quan điểm của mình. Bởi với những bạn hay vướng vào các trường hợp như thế, phần đa đều chỉ im lặng mà chẳng nói gì trước những yêu cầu khắc nghiệt đó. Vô tình khiến bố mẹ hiểu ngầm đó là một sự đồng tình. Hãy nói, và hãy làm cho bố mẹ hiểu mình nhiều hơn nhé!
Theo PLXH

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ