Ép ăn và hiệu ứng ngược
Biếng ăn có thể hiểu nôm na là ngần ngại không muốn ăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ, điều cần thiết là phải tìm hiểu, chẩn đoán chính xác, từ đó đề ra hướng điều trị phù hợp cũng như đề phòng bệnh quay trở lại.
Cho ăn đúng theo thực đơn dinh dưỡng, chiều theo mọi ý thích của trẻ, thích gì ăn nấy... nhưng trẻ vẫn biếng ăn. Nhiều bà mẹ vì quá lo lắng cho tình trạng này của con mà tìm ra các chiêu để ép trẻ phải ăn. Từ dỗ dành chiều chuộng đến quát tháo dọa nạt, nhưng kết quả là trẻ vẫn lắc đầu quầy quậy mỗi khi thấy mẹ bê bát cháo. Kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến hệ quả là trẻ sợ ăn còn mẹ căng thẳng. Nguy hiểm hơn, việc ép trẻ phải ăn sẽ có những tác động xấu đến tâm lý và hệ tiêu hóa của trẻ. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này? “Hãy khuyến khích trẻ thèm ăn một cách tự nhiên bằng những thực phẩm có lợi”. Đó là lời khuyên PGS.TS. Lê Bạch Mai – Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra trong Hội thảo “Dinh dưỡng hợp lý để chăm sóc gia đình”.
PGS.TS. Lê Bạch Mai còn nhấn mạnh: Bắt buộc trẻ ăn thường không có hiệu quả mà còn làm tổn thương tình cảm mẹ con và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của các cháu. Điều quan trọng là cần khuyến khích trẻ thèm ăn chứ không phải bắt trẻ ăn đủ số lượng.
Ngạn ngữ có câu “Cái đói là gia vị tốt nhất cho bữa ăn”, cũng nên để trẻ thật đói thì trẻ sẽ tự giác được việc ăn uống của mình. Không nên cho trẻ ăn đồ ngọt, uống sữa hay nước trái cây gần trước bữa ăn, điều đó sẽ làm trẻ không có sự thèm muốn với các món ăn, dẫn đến chóng chán. Nên quyết liệt khi trẻ đòi ăn thứ này mà không phải thứ khác.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ và điều quan trọng đối với các bậc làm cha làm mẹ là cần có những xử trí thích hợp với chứng này ở trẻ, giúp trẻ tập thói quen ăn uống một cách khoa học để giúp trẻ có một sức khỏe tốt.
Bạn hãy thường xuyên thay đổi món ăn cho trẻ và chế biến từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Các loại thực phẩm cần được chế biến đúng cách để tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ kích thích trẻ ăn ngon hơn. Xin lưu ý là các loại thức ăn có nguồn gốc động vật đều phải được hầm nhừ thì mới tiêu hóa tốt, trong khi nhiều cha mẹ lại quan niệm là nên nấu vừa chín để giữ được độ tươi. Đối với trẻ nhỏ còn ít răng, ngay cả khi đã chuyển chế độ ăn cũng nên cắt nhỏ thức ăn để trợ giúp cho việc nhai.
Rau quả nấu quá nhừ mất hết vitamin. Nên hầm thịt, cá cho nhừ - sau đó đến gạo và các loại đỗ - sau đó đến các loại củ - rau chỉ nên cho vào trước khi đem ra cho trẻ ăn. Trong trường hợp nấu một nồi ăn cho cả ngày, cũng nên tìm cách cho rau vào trước khi cho trẻ ăn. Bạn nên rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ giấc và khoa học. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều vào một thời điểm hay một bữa, với những trẻ nhỏ cần cho ăn ít một và chia làm nhiều bữa phụ.
Ngoài ra có thể kích thích cảm giác thèm ăn của trẻ bằng sữa chua. Mỗi ngày, trẻ chỉ cần cung cấp cho cơ thể 226g sữa chua có nghĩa là đã bổ sung 20% lượng protein cần thiết và 30% - 40% nhu cầu canxi cho cơ thể - giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Đây là nguồn dinh dưỡng an toàn và hoàn toàn có lợi cho trẻ. Đừng vội cho trẻ uống các loại thuốc, men tiêu hóa hay các thuốc kính thích ngay khi thấy trẻ chán ăn. Quan trọng nhất là bạn cần tìm hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này của trẻ để tập thói quen ăn uống khoa học cho trẻ, tăng cường vận động nhằm kích thích tiêu hóa. Nếu cần có các can thiệp thì nhất định phải tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhãn: Mẹ và bé
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ