Quần áo

Quần áo

2 thg 12, 2009

Giới trẻ - “Cậu ấm” từ bỏ an nhàn đi nuôi trẻ vô gia cư

Với ước mơ đưa trẻ em vô gia cư trở thành những sinh viên đại học, chàng trai Zhu Li ở Trung Quốc đã từ bỏ công việc kinh doanh được thừa kế từ gia đình để làm một nhân viên tình nguyện.
Zhu Li từ bỏ cuộc sống giàu sang, sản nghiệp của gia đình và công việc với mức lương cao ngất ngưởng tại một công ty quảng cáo đơn giản chỉ bởi vì anh muốn dành hết tâm huyết cho việc dạy miễn phí trẻ em đường phố. Zhu Li thuộc “thế hệ thứ hai giàu có” của Trung Quốc nhưng lại có một sự lựa chọn nghề nghiệp khác thường. Ngay khi tốt nghiệp đại học cách đây 6 tháng, Li đã quyết tâm đi theo chí hướng của mình mặc công việc đó sẽ khiến anh ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, khi đã quyết làm thì Li không hối tiếc vì anh tâm niệm rằng còn có rất nhiều điều cần mọi người cùng làm.
Zhu Li luôn dành thời gian vui chơi cùng các em nhỏ vô gia cư. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Người anh cả của trẻ em vô gia cư

Trưa ngày 23/11, 30 trẻ vô gia cư tập trung đến hội trường nhà ăn ở trại trẻ mồ côi Sen Sen nằm trong trường nghệ thuật Dadukou (Trùng Khánh, Trung Quốc) để ăn trưa. Khi ấy, Zhu đã hoàn thành công việc của mình và đang chuẩn bị rời đi nhưng rồi bị kéo trở lại bởi một vài đứa trẻ. Trong tay chúng vẫn đang cầm chiếc bát của mình.

Bọn trẻ vây quanh Zhu mách: “Anh Zhu ơi, cậu bạn mới Liu Dong không ăn cơm mà còn ném lên bàn”, “Anh Zhu, chúng em mắng cậu ta nhưng cậu ta không thèm nghe và tỏ ra rất hung dữ”. Khi Zhu nghe thấy điều đó, anh xoa đầu bọn trẻ trìu mến và quanh lại nhà ăn cùng với chúng.

Cậu bé Liu Dong đang đứng lì trước cái bàn với đầy thức ăn mà cậu bé vừa ném lên đó. Liu Dong có vẻ tức giận và đợm nét buồn rầu, hai mắt cậu bé đang đỏ lên. Zhu đến bên vỗ vai cậu bé và hỏi han mặc dù bụng anh đang rất đói. Bọn trẻ ngay lập tức giải thích rằng Liu Dong không có ý định lãng phí thức ăn, cậu bé chỉ trở nên giận dữ vì cảm thấy cậu không được nhận đủ khẩu phần ăn trong tô của mình. Zhu nhẹ nhàng giải thích với cậu bé rằng em có thể nhận thêm thức ăn nhưng hành động ném thức ăn lên bàn của nó là không thể chấp nhận được.

Bọn trẻ hãnh diện khoe anh Zhu là người “vĩ đại” nhất bởi Zhu luôn giữ được không khí ôn hòa và đối xử với chúng rất tốt. Tất cả bọn trẻ đều quý mến Zhu.

Mẹ của Zhu vẫn hi vọng Zhu sẽ nghĩ lại và quay về thừa kế công việc kinh doanh của gia đình. Bà muốn Zhu giúp bà phụ trách nhà hàng hai tầng của gia đình.

Dù từ trại trẻ mồ côi đến nhà hàng chỉ mất 10 phút nhưng mỗi tuần Zhu chỉ về nhà ăn trưa cùng lắm là một lần.

Mẹ Zhu cho biết: “Thực tế, chúng tôi ủng hộ sự lựa chọn của nó với công tác phúc lợi cộng đồng. Tất cả chúng tôi đều bận rộn với việc kinh doanh và không bao giờ có thời gian để quan tâm đến xã hội. Giờ đây chúng tôi cảm thấy rất hài lòng khi cậu con trai của mình đang làm công việc này. Tuy nhiên, gia đình cũng rất cần nó.”.

Mẹ Zhu từng điều hành một chuỗi lò bánh mì nhỏ trước khi bà mở cửa hàng này nhưng rồi bà phải đóng cửa vì không có đủ người làm. Bố mẹ Zhu muốn cả gia đình chung tay phát triển nhà hàng và lò bánh thành một chuỗi cửa hàng lớn sau khi Zhu tốt nghiệp. Nhưng cuối cùng thì “cậu ấm” nhất quyết đi chăm sóc trẻ mồ côi!

Hiệu trưởng của trại trẻ mồ côi Sen Sen cho biết Zhu mới bắt đầu đến làm công tác tình nguyện vào tháng 5 năm nay sau khi tốt nghiệp đại học. Lúc ấy, khi nghe tin trại trẻ mồ côi Sen Sen đang cần người, Zhu đến và trở thành nhân viên tình nguyện phụ trách việc dạy bọn trẻ cũng như công tác hậu cần. Mặc dù Zhu không nhận bất cứ đồng lương nào nhưng anh luôn luôn đến sớm về muộn và đảm trách công việc của mình một cách cẩn thận.

Ước mơ đưa nhiều em nhỏ mồ côi trở thành sinh viên đại học

Công việc kinh doanh của gia đình không phải là điều duy nhất mà Zhu từ bỏ. Trước khi tốt nghiệp, Zhu đã mở một xưởng vẽ và hàng tháng nhẹ nhàng đút túi khoảng 4.000 đến 5.000 nhân dân tệ. Sau khi Zhu tốt nghiệp, lãnh đạo của một công ty quảng cáo đã mời anh vào làm trợ lý với mức lương cơ bản hàng tháng khoảng 5.000 NDT - mức lương mà bất cứ sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp nào phải thèm muốn. Tuy nhiên, Zhu đã chọn trại trẻ mồ côi là nơi làm việc khiến bất cứ ai cũng phải “sốc”.

Sự lựa chọn đó cũng là từ bỏ cuộc sống giàu có, ấm êm để trở thành nhân viên tình nguyện “không lương”, cùng ăn, cùng sinh hoạt và học tập cùng những đứa trẻ mồ côi. Mọi người xung quanh không ai hiểu nổi Zhu đang nghĩ gì nhưng Zhu nói anh luôn luôn mơ ước trở thành một thầy giáo dù anh học ngành thiết kế xe hơi và chưa từng tham gia khóa đào tạo sư phạm nào.

“Tôi biết những gì tôi muốn làm và những gì mà tôi phù hợp. Ở trại trẻ mồ côi, tôi có thể ở với những đứa trẻ cần được giúp đỡ. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi dạy chúng học”, Zhu chia sẻ.

Zhu cho biết ước mơ của anh là chăm sóc những đứa trẻ vô gia cư cho đến khi chúng tham gia kì thi đại học quốc gia và bước chân được vào các trường đại học. Zhu đã suy nghĩ rất nhiều đến tương lai của bọn trẻ. Anh nói cái ngày những đứa trẻ ở trại mồ côi vào đại học, bố mẹ anh và xã hội sẽ hiểu sự lựa chọn của anh.
Zhu Li cùng các em trong trại trẻ mồ côi phơi quần áo. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

“Tôi hạnh phúc dù sống trong nợ nần”

Zhu đã nhượng lại xưởng vẽ của mình cho một người bạn cùng lớp đại học sau khi tốt nghiệp. Hàng ngày, anh đi làm trước 8 giờ sáng và trở về nhà sau 11 hoặc 12 giờ đêm. Anh có rất nhiều việc phải làm ở trại trẻ mồ côi và thực sự rất bận rộn. Hiện Zhu vẫn sống ở xưởng vẽ cùng người bạn. Anh thường nhận được điện thoại giữa đêm và quay trở lại trại trẻ để chăm sóc những em bị ốm hoặc đi tìm những em bỏ ra ngoài đang lang thang trên đường phố.

Bạn bè Zhu rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy gia đình anh rất giàu có, anh có thể tận hưởng một cuộc sống êm ái nếu ở nhà nhưng lại khăng khăng đi làm việc ở trại trẻ. Nhưng nhiên sau khi nói chuyện với Zhu nhiều lần, những người bạn của anh dần bị thuyết phục trước niềm tin của anh. Bạn bè của Zhu đều rất ngưỡng mộ “cậu ấm” khác người này.

Zhu cho biết hiện nay trường Sen Sen đã trợ cấp các giáo viên toàn thời gian tuy nhiên số tiền ít ỏi đó không đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt của mình. Thậm chí anh phải xin mẹ tiền để đi lại. Dù vậy, anh vẫn vui vẻ khẳng định: “Hiện tại tôi là một con nợ nhưng tôi rất hạnh phúc.”

Võ Hiền

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ