Quần áo

Quần áo

21 thg 12, 2011

Lừa bán ba chị em gái trong một nhà có bảy chị em

Là một tỉnh vùng cao sát biên giới, lại được mệnh danh là điểm trung chuyển của các đường dây buôn người xuyên biên giới, tỉnh Cao Bằng là một điểm nóng về tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em. Cũng vì thế, các cán bộ chiến sĩ của Phòng PC14 Công an tỉnh Cao Bằng, lực lượng đi đầu trong công tác chống tội phạm đã đặt vấn nạn nhức nhối này lên hàng đầu.

Trong ký ức của các trinh sát, chuyên án PN506 với nạn nhân là ba chị em gái trong một gia đình khiến họ day dứt mãi. Cùng với việc phát hiện đường dây buôn người từ ba chị em bỏ trốn khỏi nơi giam cầm, chỉ sau hơn 20 ngày, chuyên án đã phá thành công, những kẻ buôn người lang sói đều phải sa lưới…




Hai đối tượng trong nhóm buôn người trước vành móng ngựa. (Ảnh minh họa)




Lừa bán cả gia đình

Trong quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2006, đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em do Sầm Thị Nguyệt - sinh năm 1985, trú tại Ba Bể, Bắc Cạn đã thực hiện trót lọt hai phi vụ. Trong hai vụ đó, hai phụ nữ và một đứa trẻ đã bị bán sang Trung Quốc như một món hàng ngoài chợ với cái giá rẻ mạt. Sau khi đưa “hàng” thành công, đối tượng này còn tiếp tục trở về Việt Nam và móc nối đường dây với nhiều kẻ khác tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân khác. Điều đáng ngạc nhiên, nạn nhân của phi vụ thứ hai Nguyệt thực hiện lại chính là chị em với cô gái mà thị đã bán trước đó…

Phi vụ thứ nhất, Sầm Thị Nguyệt thực hiện vào ngày 4/4/2006 mà nạn nhân là Phương - con gái cả của một gia đình ngheo khó. Nói về gia đình Phương, không ai không cảm thấy thương xót vì nó là cả một tấn bi kịch. Từ bé đến lớn, sống trong gia đình có bảy chị em gái, chưa bao giờ Phương có được một bữa ăn ngon bởi cái nghèo đeo bám trong suốt bao năm tháng. Căn nhà mái tranh nằm cô độc trên triền núi như lột tả được sự đói nghèo của gia đình này.

Vào những ngày mưa, ngôi nhà dột nát như một tấm lưới hứng nước, bố mẹ cùng bảy chị em gái ngồi túm tụm che mưa cho nhau bằng những tấm nilon mỏng manh. Cuộc sống khó khăn, cơm không đủ ăn thì sao tính tới việc học, các chị em Phương đều bỏ học từ sớm để đi làm rẫy giúp bố mẹ, thế nhưng cuộc sống vẫn không hết được nỗi khó khăn với từng ấy miệng ăn trong gia đình.

Đến ngày Phương lấy chồng ở tuổi 22, mọi người cảm thấy dường như cô đã bước được một chân ra khỏi cảnh khổ nhưng không phải. Sống cuộc sống không hạnh phúc, thường xuyên bị chồng chửi mắng, cuộc sống của cô lại trở về với sự khổ đau. Và có lẽ, lợi dụng cơ hội đó, Sầm Thị Nguyệt đã tiếp cận để làm quen với Phương để lấy lòng tin. Sau khi cảm thấy đã có sự tin tưởng từ phía nạn nhân, Nguyệt liền lấy cớ đi làm ăn ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để đổi đời và rủ Phương theo. Dĩ nhiên là cô gái đang sống trong cảnh nghèo này đồng ý ngay lập tức và khăn gói lên đường theo kẻ lang sói.

Ngay trong đêm ngày 4/4, Nguyệt đưa Phương đến nhà dì ruột và cũng là một mắt xích trong đường dây của thị là Liêu Thị Lý ở xóm Lũng Rị, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng để bàn kế hoạch bán người. Ngay lập tức, chồng của Lý là Dương Văn Cán đã vượt biên sang Trung Quốc ngay trong đêm để tìm mối. Cán đã liên lạc với vợ chồng Liêu Thị Lùng và Hoàng Khái Hồng để chuẩn bị đón “hàng” mà Nguyệt chuyển sang.

Ngày hôm sau, Nguyệt đưa Phương sang Trung Quốc để cùng vợ chồng Lùng - Hồng bán cô cho một người khác với cái giá 3.000 NDT. Đến lúc này, cô gái ngây thơ mới biết mình là một món hàng bị đem đi bán nhưng đã quá muộn. Trong phi vụ này, Nguyệt “kiếm” 1.600 NDT, số tiền còn lại, Nguyệt chia cho những người khác cùng tham gia vào phi vụ này. Với một người như Nguyệt, số tiền này kiếm được cũng khá… dễ dàng. Vì thế, lòng tham không đáy của kẻ lang sói nổi nên, thị tiếp tục kiếm tiền theo cách này mà mục tiêu không phải ai xa lạ.

Trở về Việt Nam, Nguyệt tiếp tục nhắm đến gia đình Phương bởi gia đình này có bảy chị em gái mà ai cũng xinh xắn trắng trẻo. Vẫn chiêu bài cũ, vào ngày 3/6/2006, Nguyệt đã lừa được gia đình Phương rằng cô đã lấy chồng ở Bắc Kạn với cuộc sống ổn đinh và tiếp tục đưa hai người em gái của Phương đi. Nhẹ dạ cả tin, hai cô gái trẻ bị Nguyệt đưa sang tận Trung Quốc vẫn không mảy may nghi ngờ.

Trong thời gian ở đất Trung Quốc, Nguyệt liên tục cho khách đến xem “hàng” để lấy làm vợ nhưng bị sự phản ứng quyết liệt của cô gái trẻ nên ý định của Nguyệt đã không thành công. Sau khi cảm thấy có gì đó không ổn, hai cô gái này nhất định bắt Nguyệt phải cho đi gặp chị gái và được thị đồng ý vì nghĩ rằng ba người sẽ không biết đường về nhà. Sau khi gặp được Phương, cả ba đã cùng bàn kế hoạch trốn về Việt Nam.

Lợi dụng lúc Nguyệt và người chồng “hờ” đi ra ngoài, ba chị em Phương đã cậy cửa đi theo đường rừng chạy trốn về Việt Nam. Đến khi đi qua biên giới, cả ba gần như sắp gục ngã vì đói và mệt, rất may tổ tuần tra bộ đội biên phòng đã phát hiện ra và cứu giúp. Tại đây, ba chị em Phương đã tố cáo hết tất cả hành vi phạm tội của Sầm Thị Nguyệt. Ngay lập tức, thông tin này được báo lại cho công an huyện Hà Quảng và phối hợp với Phòng PC14 Công an Cao Bằng lập chuyên án PN506, truy bắt những kẻ lang sói coi con người như cỏ rác này.

Truy bắt những kẻ mua bán phụ nữ trẻ em

Khi lập ra chuyên án, các cán bộ trinh sát biết được rằng, để bắt giữ được toàn bộ các đối tượng tham gia vụ án là vô cùng khó khăn bởi bọn chúng còn đang lẩn trốn bên nước bạn. Theo các phán đoán của các trinh sát giàu kinh nghiệm, việc ba chị em Phương trong quá trình trốn thoát gặp được cán bộ biên phòng sẽ nằm ngoài tầm dự đoán của các đối tượng.

Theo lời kể của các nạn nhân, họ bị bỏ mặc trong căn nhà trống không ai trông coi. Có lẽ các đối tượng buôn người nghĩ rằng các cô gái sẽ không biết đường về nên không dám bỏ trốn. Vì vậy có khả năng, các đối tượng này vẫn đang lùng sục khắp nơi ven khu vực biên giới để tìm ba chị em Phương.

Một loạt kế hoạch, phương án được đề ra với mục đích dẫn dụ các đối tượng đang ở phía bên kia biên giới trở về nước. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội PC14 Công an tỉnh Cao Bằng đã phối hợp cùng bộ đội biên phòng để thực hiện kế hoạch này. Sau khi bắt giữ đối tượng Liêu Thị Lý ở Hà Quảng, tổ điều tra đã đề cho Lý đánh tin với Nguyệt và vợ chồng Lùng - Hồng, cho các đối tượng này biết rằng ba chị em Phương đã trốn được về nước, cần về Việt Nam gấp để tiến hành tìm kiếm.

Nhận được tin của “bà dì”, Nguyệt tin ngay lập tức và rủ vợ chồng Lùng - Hồng trở về Việt Nam tiến hành tìm kiếm. Ngày 27/6/2006, khi ba đối tượng vừa về đến nhà Liêu Thị Lý ở Hà Quảng để bàn bạc kế hoạch truy tìm chị em Phương thì bỗng nhiên lực lượng Công an Cao Bằng và biên phòng đã mai phục sẵn bắt giữ.

Sau khi bắt giữ được Nguyệt và vợ chồng Lùng - Hồng, quyết không bỏ sót một đối tượng nào của vụ án, tổ điều tra tiếp tục truy tìm tung tích của tên Dương Văn Cán. Do biết được thông tin các đối tượng liên quan đã bị bắt, Cán đã thu xếp đồ đạc bỏ trốn. Thế nhưng, dù có trốn đến đâu cũng không thoát khỏi sự truy bắt của pháp luật và các trinh sát giàu kinh nghiệm. Đến ngày 21/7/2006, Công an tỉnh Cao Bằng đã bắt giữ được tên này sau nhiều ngày truy tìm, Cán đã bị khởi tố về tội mua bán phụ nữ.

Sau hơn 20 ngày mật phục và truy tìm gian khổ, tất cả các đối tượng của vụ án buôn người xuyên quốc gia đã bị bắt. Các đối tượng này bao gồm Sầm Thị Nguyệt, Liêu Thị Lý (sinh năm 1958, trú tại Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng), Liêu Thị Lùng (sinh năm 1963, quê quán Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng), Hoàng Hồng (sinh năm 1962, trú tại Trịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Dương Văn Cán (trú tại Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng).

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, các đối tượng đã bị khởi tố với các tội danh "Mua bán phụ nữ". Riêng Nguyệt bị khởi tố thêm tội "Mua bán trẻ em" do một trong ba nạn nhân chưa đến tuổi vị thành niên. Với những gì bọn chúng đã làm, dùng con người như một món hàng, để buôn bán, trao đổi, pháp luật sẽ dành cho chúng một hình phạt thích đáng nhất. Để rồi trong thời gian thực thi bản án, các đối tượng sẽ có thời gian để ngẫm nghĩ lại những việc làm sai trái của mình.

Phá thành công chuyên án, công lao đầu thuộc về các cán bộ chiến sĩ Phòng PC14 Công an Tỉnh Cao Bằng và các chiến sĩ biên phòng. Chuyên án PN 506 đã trở thành một chuyên án điểm, làm tiền đề kinh nghiệm cho việc phá các chuyên án tiếp theo. Từ đó dẹp tan được vấn nạn buôn bán trẻ em phụ nữ, vốn từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối của tỉnh vùng cao yên bình này.

Hơn nữa, điều quan trọng, chiến công vẻ vang với thành tích thời gian phá án trong thời gian ngắn đã trở thành một nguồn động viên cho quần chúng nhân dân. Dẹp yên được dư luận và tạo niềm tin của người dân vào những cán bộ chiến sĩ đang đấu tranh với các ác bảo vệ sự bình yên cho xã hội…

Ngọc Minh

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ