Quần áo

Quần áo

2 thg 11, 2011

Nghĩ về một câu chuyện

Ngày trước, khi đọc chuyện thiền sư Hakuin, mình không hiểu nổi sao ngài có thể cứ nhếch mép mỗi một câu: “Thế à?!” Những khi bị ai đó xúc phạm: Khi người ta hùng hổ kéo đến sỉ vả, vu oan rằng ngài làm cho một cô gái mang thai, ngài lạ lẫm: “Thế à?!”; khi người ta mang giao đứa trẻ bảo đây là con của ngài, bắt ngài phải nuôi dưỡng nó, ngài thản nhiên: “Thế à?!” rồi lặng lẽ nhọc nhằn nuôi đứa trẻ; khi đứa trẻ lớn lên, người ta đến bắt lại, bảo nó không phải là con của ngài, vật vã sám hối xin lỗi ngài, ngài điềm nhiên tự tại nhẹ bẫng: “Thế à?!”. Ôi trời, mình tự nhẩm tính: Hai chữ “Thế à” này ta phải gồng mình đến cỡ nào thì mới nói nổi?!


Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến!

Vậy mà rồi tự dưng có một ngày, nắng gió cũng bình thường, thời tiết đúng như đài dự báo, bỗng dưng lòng mình phẳng lặng như cái mặt hồ… trên hình vẽ.

Khi ta giải quyết một vấn đề với bạn đồng nghiệp, chẳng hiểu gì mà lại cứ vênh vênh chứng tỏ thông kim bát cổ, lên giọng dạy dỗ, ta chỉ thấy mắc cười và suýt thì buột miệng “Thế à?!”. May mà còn chút sĩ diện để không ăn cắp bản quyền của thiền sư Hakuin một cách thô thiển khi chưa biết sáng tác ra từ gì khác để thốt lên, đành chỉ biết cười thôi. Cám ơn má đã sinh ra con còn tặng kèm cái thẻ đa năng nụ cười, con xài vào chuyện gì cũng được.

Khi có kẻ khích bác chê bai rằng ta nhút nhát, bất tài, chỉ lo yên ổn cho bản thân mình v.v… Ta tỉnh queo giơ cái thẻ đa năng nụ cười ra xài một phát, gật đầu dũng cảm công nhận là mình có những cái xấu mà đối phương nhận xét, thế là đối phương chán nản thu nắm đấm vì chẳng thú vị gì khi giang tay đấm cật lực vào bị bông.

Đâu cần phải tốn sức thanh minh. Giản đơn ta nghĩ: Thứ nhất không vì ai đánh giá ta giỏi thì ta giỏi, đánh giá ta dở thì ta dở. Ta giỏi dở cỡ nào vốn đã được lập trình rồi. Thiên hạ có khen hay chê ta vạn lần thì thực chất khả năng, bản chất ta cũng chẳng thể vì thế mà tăng lên hay thấp xuống. Khi ta trồng được cây hoa, mọi người bu lại rải lời khen chê ào ạt thì cây hoa cũng chẳng đẹp hơn hay xấu đi, đẹp hơn hay xấu đi tùy thuộc vào khả năng chăm bón của ta thôi. Thế nhưng thiên hạ ai cũng mê mẩn với lời khen và tê tái trước tiếng chê, đánh mất sự tỉnh táo. Thứ hai: Ta phải dũng cảm mà công nhận rằng những điều ta bị chê trách cũng có phần đúng, việc gì phải ém đi, không thừa nhận để cứ sống trong ảo tưởng về mình. Mình mắc cười nhất là mỗi khi bị chê ngu thì anh chị nào cũng nhảy chồm lên cơn tự ái, hổng ai chịu nhận rằng mình ngu, dù thật sự mình ngu đến mức không biết mình ngu! Sở dĩ ta nhảy chồm lên tự ái, cãi phăng rằng mình không ngu vì ta cho là đứa nói mình ngu còn ngu hơn mình, nó không đủ tư cách để nói mình ngu. Ta không tỉnh táo để lo tìm hiểu đúng vấn đề mình ngu như thế nào, mà cứ lo săm soi tư cách người nói mình ngu, ví như khi có đứa nói áo ta bị rách, ta liền gườm mắt soi liền quần thằng đó có rách không, chớ hổng lo dòm ngó lại mình.

Đời ngược xuôi rối rắm tứ tung, thiện ác đúng sai xà quần đảo lộn, giữ cho mình không bị lôi cuốn theo dòng là khó vô cùng. Thôi thì biết phận bèo chẳng cách gì không trôi theo nước, trót sinh ra ở cõi này thì phải gánh nghiệp của cõi này, chỉ biết ráng cố gắng làm sao giữ chút thăng bằng để bập bềnh thảnh thơi trên nước; thuận theo thời tiết bốn mùa mà nở hoa phải phép dâng đời.

Ta lắng lòng tập trung sáng suốt vào mục đích, đừng bị ảnh hưởng bởi những lao chao không cần thiết, hãy học cách của thiền sư để biết “Thế à?!” khi sóng gió chồm dập lóc chóc xung quanh. Giữ tâm bình an mà xuôi ngược đảo quay giữa dòng đời cho vững.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ